Có giấy báo nhập học, đến ngày nhập học thì bị… rớt
Dù nhận được giấy báo nhập học đậu đại học, nhưng khi đến ngày nhập học, lên nộp hồ sơ tại trường thì cán bộ nói thí sinh bị… rớt. Thí sinh này cũng hết luôn cơ hội nộp nguyện vọng bổ sung đợt 1 vì đã quá hạn.
Đến ngày nhập học mới được thông báo… rớt!
Đó là trường hợp của thí sinh Nguyễn Vũ Trâm (SN 1997, thường trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, học trường THPT Nguyễn Dục cùng huyện). Trong giấy báo nhập học của em Trâm do Giám đốc ĐH Huế cấp thì em Trâm đã trúng tuyển vào trường ĐH Y Dược – ĐH Huế, ngành Răng – Hàm – Mặt với tổng điểm thi 3 môn 24,25 (Toán: 8,25; Hóa: 8,75; Sinh: 7,25). Cộng thêm điểm ưu tiên KV 2NT là 1 điểm cùng đối tượng ưu tiên 6 là 1 điểm thì em Trâm có tổng điểm là 26,25, đủ điều kiện đậu vì điểm trúng tuyển NV1 ngành Răng – Hàm – Mặt là 25,75.
Em Trâm lên kiểm tra danh sách trúng tuyến NV1 ngành Răng – Hàm – Mặt thì có tên. Sau khi nhận giấy báo nhập học do Giám đốc ĐH Huế ký ngày 26/8 hẹn đến sáng 10/9 tới trường ĐH Y Dược – ĐH Huế làm thủ tục nhập học. Sáng 10/9, sau khi em nộp hồ sơ, nộp tiền xong xuôi tại trường thì được thông báo là em đã… rớt ĐH.
Không tin vào tai mình, Trâm và mẹ em òa khóc. Đi bộ hết cả một buổi sáng từ ĐH Y Dược qua ĐH Huế, thì vẫn được thông báo là bị rớt. Trong cơn tuyệt vọng, thất vọng lẫn bức xúc, hai mẹ con em đã tìm tới các báo để xin được giúp đỡ trong đôi mắt đẫm lệ.
Hai mẹ con thí sinh Nguyễn Vũ Trâm mắt đẫm lệ gặp PV.
“Tôi và con không biết gì hết. Đã nhận được giấy báo nhập học, có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng lại bị rớt là sao? Giờ cũng đã hết thời gian đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Cháu không biết phải đi đâu về đâu? Với số điểm cao như vậy, giờ gia đình và cháu thực sự mất hết hy vọng…” – chị Võ Thị Tâm, mẹ em Trâm nói.
Cũng theo em Trâm, khi nộp và kiểm tra tại trường mình là THPT Nguyễn Dục (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), giáo viên đã xác nhận là hồ sơ đúng toàn bộ không có gì sai, kể cả đối tượng và khu vực của em.
Mẹ con thí sinh Nguyễn Vũ Trâm khóc kể với PV
ĐH Huế: Trường không kiểm tra được hồ sơ thí sinh
Ngày 11/9, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Đỗ Văn Phòng, Phó trưởng Ban Công tác học sinh sinh viên – ĐH Huế về trường hợp thí sinh Nguyễn Vũ Trâm. Ông Phòng xác nhận, em Trâm rớt vì do thí sinh đã khai nhầm ở ở đối tượng ưu tiên 6 trong hồ sơ.
Video đang HOT
“Theo đối chiếu hôm qua, em Trâm chỉ là con của đối tượng bị tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp với tỷ lệ thương tật 32% nên không thuộc đối tượng ưu tiên 6 là con của thương binh, bệnh binh, hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng… Vì vậy em không được cộng 1 điểm ưu tiên ở đối tượng ưu tiên 6. Do đó, tổng điểm em là 25,25, không đủ điểm đậu” – ông Phòng nói.
Giấy báo nhập học của em Trâm
PV đặt câu hỏi, vì sao ĐH Huế lại không kiểm tra hồ sơ của thí sinh kỹ mà lại cấp giấy nhập học? Ông Phòng cho biết, các năm trước khi chưa có kiểu tuyển sinh mới như năm nay thì ĐH Huế nhận hồ sơ thí sinh nên kiểm tra được tính xác thực của hồ sơ. Do năm nay, ĐH Huế cũng như tất cả các trường trên cả nước khi xét tuyển chỉ nhận 1 lá đơn và phiếu xét tuyển từ thí sinh. Khi xét thấy điểm đủ điều kiện trúng tuyển thì ĐH Huế sẽ cấp giấy báo nhập học. Còn lại bản sao hồ sơ (gồm có các minh chứng để được hưởng chế độ ưu tiên) thì trường chỉ được kiểm tra trong ngày thí sinh nhập học nên đã xảy ra tình trạng trên.
Theo ông Phòng, do các trường không có quyền trong việc kiểm tra hồ sơ theo quy định mới của kỳ tuyển sinh 2015-2016 của Bộ GD-ĐT, nên đã dẫn đến ngày nhập học đã có thí sinh từ đậu thành rớt.
Hiện tại ở ĐH Huế đã phát hiện ra 27 trường hợp sai với em Trâm như trên. Nguyên nhân là do các em kiểm tra không kỹ hay đối chiếu nhầm đối tượng ưu tiên, khu vực, cũng có thể do các em cố tình sai để được lợi thế ưu tiên. Nhưng ở khâu kiểm tra là cấp trường, cấp Sở đã không chặt chẽ, dẫn tới hồ sơ bị sai. Bên cạnh đó, phần mềm của Bộ GD-ĐT cũng đang bị sai ở phần nhập ưu tiên khu vực. ĐH Huế sẽ kiến nghị lên Bộ.
Cũng theo ông Phòng, khi nộp hồ sơ theo quy chế tuyển sinh năm nay có 1 điểm mới đáng chú ý là ở điểm d mục 2 điều 13 có quy định “Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc”. Cho nên, trách nhiệm thí sinh và người nhà phải biết việc này và chịu trách nhiệm khi nộp hồ sơ.
Ông Đỗ Văn Phòng, Phó trưởng Ban Công tác học sinh- sinh viên – ĐH Huế làm việc với PV.
“Hướng giải quyết của ĐH Huế, đối với các trường hợp sai đối tượng ưu tiên như em Trâm, theo nguyên tắc là thí sinh sai, nhưng có thể làm đơn trình lên ĐH Huế để hội đồng tuyển sinh ĐH Huế xem xét. Còn đối với trường hợp sai về khu vực ưu tiên, điều này do phần mềm của Bộ GD-ĐT sai thì phải chờ ý kiến của Bộ GD-ĐT giải quyết” – ông Phòng cho ý kiến.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc các diễn biến của sự việc này.
Đại Dương
Theo Dantri
Trường học đón nhận thay đổi lớn trong lo lắng
Hai ngày sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế một kỳ thi quốc gia đã có không ít băn khoăn về những điểm mới thực thi trong năm 2015.
Năm nay, mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, theo quy định phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, nhưng nhiều trường ĐH băn khoăn không hiểu giấy chứng nhận kết quả thi có ghi rõ đợt xét tuyển bổ sung thứ mấy không hay chỉ là chứng nhận kết quả thi một cách chung chung.
Trưởng phòng đào tạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Đặng Văn Tùng cho rằng, nếu ghi rõ thì cơ hội vào từng trường của thí sinh sẽ cao hơn, hồ sơ ảo giảm đi vì mỗi lần các em chỉ được đăng ký ở 1 trường và có 4 ngành để lựa chọn.
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)
Liệu với 20 ngày cho lần nộp, rút và chuyển nguyện vọng có đủ thời gian để học sinh tới trường, rút hồ sơ và chuyển sang trường khác cũng là câu hỏi nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn. Những thí sinh ở vùng khó khăn việc tiếp cận thường xuyên với Internet để cập nhật tình hình tuyển sinh cũng không dễ dàng.
Trong khi đó, lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội lo có thể xảy ra tình trạng học sinh liên tục rút hồ sơ khiến công việc trường tăng lên.
Việc tổ chức cụm thi cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì theo PGS Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh cần xem xét lại. Bởi, thi theo hình thức nào cũng có thí sinh đậu và trượt.
Theo PGS Cương, đã là một kỳ thi, chung khâu coi, chấm và đề thi không phân biệt câu nào phần nào dành cho tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ thì không nên để tồn tại cụm thi do sở GD-ĐT tổ chức.
Miễn thi ngoại ngữ sẽ tiêu cực?
Điểm mới khác của quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT được miễn thi môn ngoại ngữ và được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT - theo PGS Cương nên bỏ.
Bởi, một học sinh đủ khả năng thi lấy các văn bằng, chứng chỉ quốc tế đó ít nhất thi tốt nghiệp cũng được 8-9 điểm. Tôi e sẽ xuất hiện chuyện chạy bằng cấp có thể xảy ra nếu không làm chặt.
Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho biết, nhà trường cũng sẽ xem xét và khả năng sẽ không công nhận một số chứng chỉ như bằng B1, B2... và chỉ công nhận bằng do một số chương trình quốc tế cấp.
Bởi theo ông Điền, nếu cho điểm 10 tất thì bằng B1, B2 được công nhận tương đương như thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ hay sao? Chắc chắn nhiều trường sẽ xem xét lại quy định mới này...
75% con số thiếu thực tế?
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ nêu rõ những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Quy định này thể hiện sự thiếu khoa học, không thực tế, thậm chí vi phạm quyền tự chủ về tuyển sinh của các cơ sở đào tạo?
Có ý kiến cho rằng, con số 75% trên thực tế không dựa trên một căn cứ khoa học nào để nói rằng như thế là công bằng. Bởi, nếu một ngành tuyển sinh theo 4 tổ hợp môn thi, trong đó có 3 tổ hợp theo khối thi truyền thống và một tổ hợp mới thì con số này có thể bảo đảm sự công bằng tương đối. Nói là "tương đối" là vì, tỷ lệ này mới chỉ tính đến số tổ hợp môn thi, chưa nói đến số lượng thí sinh đăng ký dự thi theo từng tổ hợp.
Việc Bộ quy định tỷ lệ "cứng" này khiến các trường không thực hiện được đầy đủ quyền tự chủ trong tuyển sinh của mình. Nhiều trường xây dựng tổ hợp môn thi mới cho phù hợp với ngành đào tạo, cuối cùng với quy định này của Bộ, cũng sẽ chỉ tuyển được một phần nhỏ thí sinh có năng lực phù hợp với ngành nghề.
Lẽ ra, Bộ chỉ nên quy định rằng, các trường ĐH phải dành tỷ lệ thích hợp cho tổ hợp môn thi theo khối thi truyền thống, còn thế nào là thích hợp thì phải để các trường tự quyết, căn cứ trên nhu cầu đào tạo, số tổ hợp môn thi, thậm chí là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo từng tổ hợp.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, nếu không quy định cụ thể về nhiều tổ hợp sẽ xảy ra khiếu nại, gây mất công bằng - trường muốn cho ai đỗ hoàn toàn có thể cho đỗ được do không có quy định chặt chẽ.
Thực tế, mùa tuyển sinh năm 2014 đã có kiện cáo về việc một học sinh đứng đầu danh sách xét tuyển theo khối thi nhưng vẫn trượt. Với lý do đó đã có đề xuất yêu cầu các trường phải công bố công khai chỉ tiêu cho từng tổ hợp.
Dự thảo quy định đưa ra các trường cho rằng, công khai chỉ tiêu cho từng tổ hợp sẽ gò bó cho trường nên trên cơ sở tiếp thu các ý kến, Bộ chốt phương án khá lỏng là không ít hơn 75% để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh thi theo khối truyền thống.
Theo Vietnamnet.vn
Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2015 sẽ ban hành trước Tết Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, quy chế tốt nghiệp THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 sẽ được ban hành trước Tết. Chiều 10/2, trao đổi với PV, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, cho biết Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đang tích cực hoàn thiện những khâu cuối cùng quy chế...