Cô giáo ung thư đăng ký hiến tạng sau khi chết
Sáng 1/10, chị Nguyễn Thúy Hương cùng chồng đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não.
Quyết định hiến tạng không phải bồng bột mà là mong ước bấy lâu nay của chị Hương. Mang căn bệnh ung thư nhưng chị Hương vẫn sống lạc quan, mong muốn hiến một phần cơ thể giúp những bệnh nhân khác.
Chị Hương là một cô giáo tiểu học ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Năm ngoái, cô giáo 39 tuổi thấy mệt trong người, hay sốt, ho lai rai nhưng không nghĩ mình bị bệnh. Tháng 7/2017, chị Hương khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị và sau đó là Bệnh viện Chợ Rẫy, các xét nghiệm xác định chị bị ung thư phổi giai đoạn ba.
Chị Hương được mổ cắt khối u rồi tiếp tục điều trị hai tháng ở TP HCM mới xuất viện về quê. Sau đó, cứ 20 ngày chị lại phải vào TP HCM truyền hóa chất. Bốn tháng điều trị, không có kết quả khả quan.
Chị Hương đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, sáng 1/10. Ảnh: N.H.
Cuối năm 2017, các bác sĩ phát hiện chị Hương bị ung thư phổi có đột biến gen nên thay đổi phác đồ điều trị, thay thế hóa chất bằng loại thuốc mới đang giai đoạn thử nghiệm của Mỹ. Từ đó đến nay, sức khỏe chị Hương ổn định hơn, tóc mọc trở lại, tuy nhiên phải chờ một năm nữa mới xác định quá trình điều trị có hiệu quả không.
Chị Hương tâm sự, trong những ngày tháng điều trị bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chị thường xuyên đi qua Trung tâm ghép tạng của đơn vị này. Chị vẫn luôn ao ước: “Giá như khi chết đi mình tặng được một phần thân thể của mình cho ai đó thì tốt biết mấy”. Bởi, lúc này chị cho rằng, có lẽ mình bệnh ung thư nên không thể hiến tặng mô, tạng được.
Trở về Quảng Trị, chị vẫn mãi trăn trở về ý nghĩa đăng ký hiến tạng. Không đành lòng, chị quyết định tới Bệnh viện Trung ương Huế để tìm hiểu thông tin. Tại đây, giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp tư vấn cho chị. Lúc này, chị mới hiểu rằng dù mình mắc trọng bệnh nhưng vẫn hoàn toàn có thể hiến tặng được một số bộ phận cơ thể sau khi qua đời.
Nói về mong muốn được hiến tặng nội tạng, chị Hương may mắn được sự đồng cảm của chồng và gia đình. Anh luôn có mặt trong mọi sự kiện cuộc đời của chị Hương và hoàn toàn ủng hộ các quyết định của vợ. Chồng chị Hương cho biết, ban đầu gia đình cũng không đồng ý nhưng anh chị đã thuyết phục và cuối cùng mọi người cũng đã hiểu ra ý nghĩa cao cả của việc hiến tặng mô, tạng này.
Video đang HOT
Chị Hương hát ca khúc do chính mình sáng tác Ngẫu hứng Đông Hà trong đêm nhạc từ thiện cuối tháng 9. Ảnh: N.H.
Mang trọng bệnh, nhưng trong suốt quá trình điều trị cô giáo trẻ luôn lạc quan và tìm cách giúp đỡ những bệnh nhân cùng cảnh ngộ khác. Cách đây vài tháng, chị Hương bất ngờ được mọi người biết đến khi chia sẻ trên mạng xã hội ca khúc tự sáng tác “Ngẫu hứng Đông Hà”, do chính chị đàn và hát với ca từ mộc mạc về tình yêu quê hương.
Nhạc sĩ Lê Trọng Lập (Hà Nội) tình cờ biết được ca khúc này, xúc động trước những tình cảm được chị gửi gắm trong giai điệu, lời ca nên đã hỗ trợ tác giả hòa âm, phối khí. Đêm nhạc giới thiệu ca khúc này đã được tổ chức tại Đông Hà mới đây. Với sự tham dự của hơn 1.000 người, đêm nhạc quyên góp được 440 triệu đồng. Dù chi phí điều trị ung thư của mình mỗi tháng hết gần 28 triệu đồng, gia cảnh không khá giả, chị Hương chỉ nhận hai phần quà được các nhà hảo tâm tặng trực tiếp cho tác giả bài hát. Toàn bộ số tiền còn lại quyên góp từ đêm nhạc chị ủy thác cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị để giúp đỡ bệnh nhân ung thư có gia cảnh khó khăn.
Sau sự kiện này, chị mang tiếng hát của mình đi nhiều nơi để quyên tiền cho các bệnh nhân cùng cảnh ngộ. “Với tôi việc giới thiệu ca khúc đến mọi người và gây quỹ từ thiện là một thành công lớn, hy vọng qua đó giúp những người đang khốn khó có thêm niềm vui sống”, chị Hương chia sẻ.
Lê Nga
Theo Vnexpress
Bố mẹ từ chối điều trị ung thư, quyết ôm con về khiến bác sĩ bất lực
Bé gái 2 tuổi mắc ung thư ở giai đoạn rất sớm, bác sĩ BV K tìm mọi cách thuyết phục nhưng gia đình vẫn kiên quyết đưa con về chữa thuốc nam.
Lần đầu tiên bác sĩ thất bại khi thuyết phục
Hơn 2 tuần qua, chưa ngày nào TS.BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, BV K ngưng nghĩ về trường hợp bệnh nhi Lê Anh T. (24 tháng tuổi, Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội). Cảm giác đau lòng, giận dữ, xót xa, không đành lòng buông tay... là những trạng thái hỗn độn chị đang phải trải qua.
BS Hương kể, ở khoa Nhi, thỉnh thoảng vẫn có bố mẹ, ông bà do hạn chế hiểu biết, đã từ chối điều trị cho con, cháu. Tuy nhiên hầu hết chị đều thành công trong việc thuyết phục gia đình cho trẻ điều trị. Các gia đình đã tân tâm tận lực chăm lo cho trẻ đến tận phút cuối cùng.
"Tuy nhiên trường hợp của bé T. là ca đầu tiên tôi thất bại khi thuyết phục trong nhiều năm qua", BS Hương tuyệt vọng chia sẻ.
TS.BS Phạm Thị Việt Hương
BS Hương cho biết, bé T. được bố mẹ đưa đến khám vào đầu tháng 9 vừa qua. Bác sĩ chẩn đoán, bé mắc u nguyên bào thần kinh giai đoạn 1, khối u kích thước 5,7x9,3cm, xếp nhóm nguy cơ thấp do khối u chưa xâm lấn, chưa di căn vào tủy, xương, tạng, chưa có hạch ổ bụng, chưa có dấu hiệu đe dọa, các xét nghiệm sinh hóa, giải phẫu bệnh và di truyền đều thuận lợi.
BS Hương đã ở lại rất muộn để tư vấn, phân tích, đã đưa phim để gia đình bé T. đến hội chẩn với PGS Trần Ngọc Sơn (BV Xanh Pôn). Theo đó PGS Sơn cho biết, khối u của bé có thể mổ được nhưng nên truyền hóa chất trước để thu nhỏ bớt u giúp bé có cuộc mổ nhẹ nhàng hơn.
Theo BS Hương, trong thực tế, 70% trường hợp mắc u nguyên bào thần kinh có di căn tại thời điểm chẩn đoán. Trường hợp phát hiện sớm như bé T. không nhiều, có thể cắt toàn bộ khối u, nếu không sót tế bào ác tính có thể ra viện để theo dõi.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, những trường hợp u nguyên bào thần kinh giai đoạn 1, nếu cắt toàn bộ u có tỉ lệ sống thêm sau 5 năm rất cao. Báo cáo của Nhóm Ung thư trẻ em (Pediatric Oncology Group) cho thấy tỉ lệ này lên tới 93% và tỉ lệ sống thêm toàn bộ lên tới 98%.
Ngay cả trường hợp còn sót tế bào ác tính, sau cắt u ở giai đoạn 1, bệnh nhân sẽ được điều trị hóa chất sau mổ với đồ nhẹ nhàng gồm 2 thuốc cũng cho tỉ lệ sống thêm không bệnh và sống thêm toàn bộ rất cao, lên tới 90-98%.
BS Hương nhiều lần nhấn mạnh, trường hợp của bé T. tiên lượng rất tốt. Bố mẹ bé sau khi nghe phân tích cặn kẽ nói sẽ quyết tâm điều trị và hoàn toàn tin tưởng y học.
"Thế nhưng sau 1 đêm, mẹ bé nói với tôi rằng ông bà nội bé không muốn cho bé truyền hoá chất. Dù tôi tiếp tục giải thích rõ hoá chất theo phác đồ không gây độc tính gì quá mức chịu đựng, rằng nơi đây còn có những bệnh nhi nhỏ tuổi hơn bé T. vẫn chiến đấu ngoan cường, rằng là mẹ nhưng không có nghĩa được phép tước đoạt quyền của con là quyền được chăm sóc y tế... Vậy nhưng tôi chờ 10 ngày, bố mẹ bé T. vẫn mất hút", BS Hương kể lại.
Bác sĩ vẫn chờ
Chờ mãi không thấy bố mẹ bé T. phản hồi, BS Hương nóng ruột gọi điện cho bố bé, bố nói để mẹ bé trả lời. Nhưng thật buồn khi mẹ bé trả lời rằng gia đình cho bé đi chữa thuốc nam.
Là bác sĩ nặng lòng với bệnh nhân, buông đâu có dễ, day dứt khôn cùng. Do nhà bé rất gần bệnh viện, tiên lượng tốt, cơ hội sống rất cao, BHYT chi trả toàn bộ, không mất thêm gì... Mọi thứ đều quá thuận lợi nên BS Hương thêm lần nữa gọi điện thoại thuyết phục gia đình bé T. đừng đánh mất cơ hội vàng của con.
Nếu không điều trị bài bản, thời gian ngắn sau u sẽ tiếp tục to lên, 80% sẽ bị di căn lan tràn vào hạch, tủy, xương, gan, chèn ép cột sống khiến bé đau và tê liệt, ngoài ra bệnh nhi có thể mắc hội chứng tan hủy u làm tăng kali, hạ natri, suy thận. Khi đó đổ tiền, đổ công cũng không cứu được.
Trong khi chính gia đình bé cũng chưa trả lời được thuốc nam có chỉ định trong bệnh này không? Thầy lang có được đào tạo về y thuật, cả y học hiện đại lẫn y học cổ truyền không? Nguồn gốc xuất xứ của những cây lá đó từ đâu? Thành phần trong cây lá đó là gì? Họ sẽ đưa thuốc vào đường nào để diệt được khối u gần 10cm? Họ hành nghề có được cấp phép và đánh giá hiệu quả không?...
Các bệnh nhi điều trị ung thư tại BV K. Ảnh: D.T
Trong suốt 2 tuần kế tiếp, BS Hương đã nhờ thêm 3 bà mẹ của 3 bệnh nhi đang điều trị ung thư tại khoa Nhi liên lạc thuyết phục, chia sẻ kinh nghiệm, mong bố mẹ bé T. suy nghĩ lại. BS Hương cũng nhờ đồng nghiệp thuyết phục gia đình thêm. Nhưng tất cả đều vô ích.
"Em tuyệt vọng quá. Nhẵn mặt lên truyền hình để tuyên truyền nhưng giữa thủ đô mà lại không giữ được bé", BS Hương bất lực thốt lên với đồng nghiệp.
Dù vậy, từng ngày trôi qua, chị vẫn không ngừng hy vọng gia đình bé sẽ sớm quay lại điều trị. BS Hương vẫn để hồ sơ bệnh án lưu lại trong khoa suốt hơn 2 tuần qua, kể từ ngày bố mẹ bé trả lời sẽ không đến điều trị.
Theo BS Hương, việc bố mẹ từ chối điều trị cho con là vi phạm Hiến chương của Tổ chức Y tế thế giới, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Hiến pháp Việt Nam năm 2013... Tất cả đều khẳng định, quyền được chăm sóc sức khoẻ là một trong những quyền cơ bản của con người. Trong trường hợp này, bố mẹ đã tước đoạt quyền được chăm sóc y tế của trẻ.
Có lẽ khác với kinh doanh, chỉ cần giữ chân được khách hàng là bán được món đồ có lãi, bác sĩ thuyết phục bệnh nhân ở lại điều trị, tất cả chỉ vì bệnh nhân!
U nguyên bào thần kinh là bệnh ác tính hay gặp hàng thứ 3 ở trẻ em, chiếm 8-10% ung thư ở trẻ em. Đây cũng là loại ung thư hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh với tỉ lệ mắc 1/7.000 trẻ. Tuổi trung bình mắc bệnh thường từ 2 đến dưới 5 tuổi, chiếm 89,4%.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Chuyên gia ATVSTP "chỉ tận tay, day tận mặt" những thực phẩm có nguy cơ gây ung thư hàng đầu Chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư. Nhưng bên cạnh đó còn có một số thực phẩm có nguy cơ gây ung thư hàng đầu mà nhiều người không hề hay biết. Nhiều năm trở lại đây, vấn nạn thực phẩm bẩn đã khiến không ít người điêu...