Cô giáo mầm non xinh đẹp vừa dạy học vừa đam mê học múa
Nguyễn Phương Thảo là giáo viên một trường mầm non tại Hà Nội. Song song với việc dạy học, cô gái còn đam mê những điệu múa, ngoài giờ dạy học cô gái còn tham gia dạy thêm múa và thường xuyên đi diễn trong các chương trình, sự kiện lớn.
Nguyễn Phương Thảo hiện đang là giáo viên trường Mầm non tại Quận Hà Đông – Hà Nội. Cô gái sinh năm 1996 này từng học trường CĐ Sư phạm T.Ư.
Hiện tại, ngoài công việc ở trường, Phương Thảo còn là một biên đạo múa có tiếng và thường xuyên đi diễn trong các chương trình, sự kiện lớn.
Được biết, Phương Thảo chuyên múa thể loại dân gian đương đại. Ngoài ra, cô còn có thể múa bellydance, múa hiện đại…
Thảo tâm sự, năm 5 tuổi, cô đã tham gia sinh hoạt Hè ở phường, xã, rồi được các anh, chị cho đi diễn các chương trình, đến THPT thì bắt đầu đi dàn dựng bài, đi diễn show…
Từ đó, Phương Thảo đã bắt đầu làm quen với nhiều thể loại múa. “Dường như múa là “món ăn” không thể thiếu của mình mỗi ngày”, cô giáo mầm non tâm sự.
Khi đang học trường CĐ Sư phạm T.Ư, vì đam mê nên Thảo học thêm múa ở Học viện Múa Quốc gia Việt Nam. Phương Thảo học song song và tốt nghiệp cả 2 trường.
Khi đã có kinh nghiệm trong múa, Phương Thảo đã tham giamột nhóm múa, với mong muốn đưa những điệu múa dân gian đến nhiều hơn với công chúng.
Video đang HOT
“Đặc biệt, những điệu múa sẽ giúp nhiều người được thư giãn sau những giây phút làm việc mệt mỏi”, Thảo nói.
Có thể nói rằng, nữ giáo viên mầm non này đến với nghệ thuật múa là một cơ duyên. Lúc còn là học sinh, Thảo đã theo đuổi bộ môn múa. Khi trở thành sinh viên, Phương Thảo quyết định tìm hiểu kỹ và sâu hơn về múa.
“Cứ thế, mình tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm trong nghệ thuật múa và nhận thấy bộ môn múa không thể thiếu trong cuộc sống của mình”, cô nói. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Phương Thảo trở thành giáo viên mầm non, vừa dạy trẻ văn hóa, vừa dạy múa cho trẻ. Cô giáo xinh đẹp Phương Thảo chia sẻ, cô hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu thể hiện hết mình, múa giúp cô thấy cơ thể dẻo dai, năng động hơn và đặc biệt luôn tự tin vào bản thân.
Gặp cô giáo xinh đẹp bị bỏng nặng do nổ bóng bay: "Mình vẫn đang sống và càng phải sống mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào"
Sau sự cố nổ bóng bay biến cơ thể thành ngọn đuốc sống, Trang từng muốn chết nhiều lần. Nhưng cô biết rằng quãng đời mất đi rồi, không thể lấy lại. Nếu đã không chết được thì phải sống, tích cực và tốt đẹp hơn.
Trang đến quán cà phê đúng giờ hẹn. Thoạt nhìn, cô không có vẻ gì khác mọi người xung quanh. Dáng người cao ráo, mái tóc dài ngang lưng, khuôn mặt khả ái. Người ngoài nói rằng Trang thật xinh đẹp và tự tin. Thế nhưng, gần 4 năm qua, cô luôn sống trong nỗi mặc cảm và tự ti. Cú sốc về vụ nổ bóng bay biến Trang từ một cô giáo mầm non xinh đẹp thành ngọn đuốc sống, những vết sẹo chằng chịt ở chân và tay, bên tai "nhô" lên một thớ thịt nhỏ.
Lâu lắm rồi, Trang chưa được ngủ tròn giấc. Nỗi ám ảnh tiếng băng ca y tá đẩy trong đêm sặc mùi thuốc sát trùng. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn, trong tâm trí cô gái 27 tuổi.
Trang trước và sau sự cố nổ bóng bay khiến cuộc đời cô bước vào những tháng này đau đớn nhất. Ảnh: NVCC.
Một tích tắc biến cô giáo mầm non thành ngọn đuốc sống
Tháng 9/2016, Lý Đài Trang (23 tuổi, Thái Nguyên) đến trường chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng. Một quả bóng bay có chiều dài bằng chiếc xe ô tô con, bất ngờ phát nổ đúng lúc cô đi ngang qua, "ôm" lấy toàn bộ cơ thể Trang, bén lửa từ đầu đến chân. Người cô bốc cháy, quần áo và cả tóc, tất cả xảy ra chỉ trong vòng một tích tắc.
Trang nhìn bàn tay mình đầu tiên. Đôi bàn tay xinh đẹp cô luôn "tự hào", đầy rẫy máu, trồi lên mảng da thịt màu hồng. Đôi chân cũng vậy.
Gom hết sự bình tĩnh, Trang vội vàng chạy đến bể bơi của trường. Cô nhảy xuống, nhưng bể không một tí nước. Thấy chiếc vòi bên cạnh, cô cầm lên, xả nước từ trên đầu xuống chân, trước khi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên.
Trên đường chuyển xuống Viện Bỏng Quốc gia, Trang được các bác sĩ cắt hết lớp quần áo cháy, sơ cứu và thay băng. 2 tai phồng rộp, đỏ chót như quả cà chua bi. Nhập viện, Trang được yêu cầu tắm lạnh. Cô nằm trên một chiếc bàn phẫu thuật, xung quanh rất nhiều y bác sĩ. Họ lấy bông gạc, cào trên người cô hết phần da bong. Đau đớn, nhưng cô không thể kháng cự.
Tắm xong, bác sĩ bảo phải cắt tóc và cạo trọc, Trang không đồng ý. Nhưng thời điểm đó, "không cạo thì không thể cứu được". Gia đình và bạn bè ra sức thuyết phục. Cô gật đầu chấp nhận khi 2 hàng nước mắt bắt đầu tuôn rơi. Từ đó, cô bước vào "cuộc sống địa ngục".
Trong 40 ngày điều trị, cô sống bằng thuốc và băng gạc. Ảnh: NVCC.
Trang mất 1 tháng nằm tại khoa Cấp cứu, trải qua 4 cuộc phẫu thuật ghép da. Tuần đầu tiên, cô không được uống thuốc giảm đau. Sang tuần thứ 2, các bác sĩ bắt buộc tiêm thuốc mê mỗi lần thay băng, vì bệnh nhân không thể chịu đựng thêm sự đau đớn. Trang bất lực và ám ảnh. Cô phải uống 10 loại kháng sinh, thuốc điều trị, tiêm truyền đến tê cứng chân tay.
Được chuyển xuống Khoa Phục hồi chức năng, chứng kiến cuộc sống của các bệnh nhân bỏng, Trang càng thêm sợ hãi. Lần đầu tiên đặt chân xuống đất sau gần một tháng nằm im trên giường bệnh, cô gần như mất cảm giác.
"Bản thân mình yêu cái đẹp, nên không bao giờ nghĩ một ngày lại bị huỷ hoại như thế, xấu xí kinh khủng, tinh thần bất ổn", Trang nói. Bác sĩ chụp lại bức ảnh toàn thân cô băng bó, chỉ còn mỗi khuôn mặt và mái đầu trọc. Cô lưu lại, nhưng không muốn xem.
"Thế là đẹp lắm rồi", vị bác sĩ an ủi.
"Mỗi lần thay băng y tế, mình ngất luôn, mặt cắt không còn giọt máu. Cuộc đời chưa bao giờ phải khổ sở đến thế, nên khi rơi vào hoàn cảnh này, mình suy sụp hoàn toàn".
"Rồi mình sẽ ổn theo một cách nào đó"
Kết thúc 40 ngày điều trị, Trang được xuất viện về nhà. Nỗi đau thể xác vẫn nguyên vẹn. Không một viên giảm đau, mỗi ngày trôi qua, cô chịu đựng những cơn đau dồn dập. Đến nỗi, cô không còn cảm giác đau nữa, mặc cho vết thương chảy máu. Cô sống bằng thuốc kháng sinh, nhiều lần tự cầm kéo cắt đi từng vết thương.
Quá khó để chấp nhận bản thân, Trang rơi vào trầm cảm suốt một năm trời. Ngày nào, Trang cũng khóc. Nỗi ám ảnh đi vào từng giấc ngủ. Mỗi khi nhắm mắt, nghe tiếng động bên ngoài, Trang lại cảm tưởng như chiếc xe băng chạy dọc hành lang bệnh viện. Cô nhiều lần nghĩ đến tự tử, nhốt mình trong phòng và đập phá đồ đạc. Đó là những tháng năm bi kịch không ai ngờ với một cô gái khi đó chỉ mới 24 tuổi.
"Mình quyết định sống một cuộc đời tích cực hơn, đấy là khi đứng trên thành cầu toan kết thúc tất cả. Lúc đó, mình suy nghĩ nhiều về cơ thể này. Suy cho cùng, đến chết, mình vẫn đau đớn?", Trang nhớ lại. "Vậy thì, mình cần phải sống, tốt hơn và vui vẻ hơn. Tuổi trẻ của mình đã không may mắn như mọi người rồi, nếu bây giờ buông bỏ nó, thì sau này mình sẽ hối hận. Ai cũng chỉ sống một lần".
Trang quay về với căn phòng nhỏ, tự hỏi: "Nếu có thể đi lại, thì sẽ làm nghề gì?". Nhà trường từng nói rằng, sau này cô có thể tiếp tục công việc giáo viên mầm non. Nhưng thực tế khắc nghiệt hơn thế nhiều. Cô về trường, điều nhận được là những lời nói ngây ngô nhưng đủ sức tổn thương nặng của lũ trẻ. "Mẹ Trang ơi, sao tay mẹ xấu thế?", "Sao mẹ lại chơi bóng bay?".
Cô đã gào thét giàn giụa nước mắt.
Hình ảnh xinh đẹp của Trang sau gần 4 năm.
Dù không thể đi xe máy, bàn tay sau phẫu thuật không được khả quan, Trang vẫn nỗ lực kiếm tìm cơ hội việc làm. Cô lên mạng xã hội, khảo sát những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp. Cô hiểu, các nhà tuyển dụng không chỉ nhìn vào khuôn mặt xinh đẹp của mình, họ có thể sẽ nghĩ "đứa này thì làm được việc gì" với đôi bàn tay co rút, một vài ngón dính vào nhau như thế.
Quyết không ăn bám bố mẹ, Trang hướng đến công việc bán hàng online không tốn quá nhiều sức lực. Cô chủ động đóng gói hàng hoá, tự chủ kinh doanh. Để phát triển hơn nữa, cô xin bố mẹ lên Hà Nội. Bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu không thể ngăn nổi nỗ lực phi thường của Trang. Từ đó, cô cảm thấy may mắn so với những bệnh nhân bỏng khác, khi cô vẫn còn tay và chân, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Gần 4 năm, cứ đến gần thời điểm lũ trẻ tựu trường, Trang lại nhớ về sự cố năm đó, như cách tưởng niệm cuộc đời cũ của mình. Cô chia sẻ câu chuyện bản thân lên mạng xã hội, không ngờ nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Từng lời động viên từ những người xa lạ giúp cô hiểu rằng ngoài kia, cuộc sống vẫn còn nhiều điều thú vị và tốt đẹp đang chờ đợi.
"Đến giờ, mình nhẹ lòng hẳn. Quãng đời mất đi rồi, không thể lấy lại. Nếu đã không chết được thì phải sống. Rồi mình sẽ ổn theo một cách nào đó, con đường mới đang mở ra".
Tay và chân của cô vẫn chưa thể lành lặn, chằng chịt vết sẹo.
Nói chuyện với những nạn nhân bỏng khác, như Lan Vy - cô gái bị hôn phu tạt axit và Thu Hương - cô nữ sinh bị bỏng đến 75% gương mặt, Trang biết cách trân quý giá trị cuộc sống, mong muốn sau này không bị tổn thương thêm nữa. Cô tự nhủ, "là phụ nữ vẫn cần chăm sóc bản thân để không bao giờ phải hối tiếc", bằng cách đọc sách nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, bình tĩnh và tự kiềm chế tốt hơn.
Nhiều lúc soi mình trong gương, Trang tự thấy mình đúng là "siêu nhân" tự giải cứu bản thân. Và nhờ những điều đó, cô đã không chạy trốn thanh xuân và bi kịch của tuổi 24!
"Mình học cách chấp nhận để sống tiếp, nếu không mình đang tự hủy hoại bản thân. Mình đã nỗ lực bằng 100% sự cố gắng của bản thân, để vượt qua bao nhiêu nỗi đau, trở lại cuộc sống của một người bình thường. Mình vẫn sống. Đúng là mình vẫn đang sống. Và mình càng phải sống mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào, như xương rồng vẫn có thể nở hoa trên sa mạc".
"Tài sản" quý giá nhất hiện nay Trang sở hữu, chính là tinh thần kiên cường và niềm lạc quan, yêu đời. Ảnh: NVCC.
Cô giáo mầm non từng bị bỏng nặng do bóng bay phát nổ ngày khai giảng: "Nhìn ảnh vậy thôi chứ trên người tôi chằng chịt những vết sẹo không thể xóa mờ" "Tôi biết bản thân là người duy nhất có thể cứu mình nên nhanh chóng chạy đến bể bơi để nhảy xuống. Xui xẻo cho tôi là bể bơi ngày hôm ấy không có nước...". "Gần 4 năm rồi kể từ cái ngày định mệnh ấy, đêm nào tôi ngủ cũng không ngon, ám ảnh cứ đeo bám. Mỗi ngày tự nói với...