Cô giáo giết 3 người: Báo ứng tội đồ
Trong các phiên sơ thẩm và phúc thẩm tại Tòa án quân sự xét xử vụ cô giáo thiêu sống cả gia đình nhà chồng, phiên tòa nào cũng đong đầy nước mắt.
Nước mắt của gia đình người bị hại khi họ cùng lúc phải chịu đựng ba nỗi đau chồng chất: Cả con trai, con dâu lẫn cháu nội chết thảm khốc bởi ngọn lửa điêu tàn. Nước mắt của những người dù chỉ là người dưng thôi đến tham dự phiên tòa không thể cầm lòng được trước ánh mắt trong veo chỉ còn trong di ảnh của bé Thảo Hiền, nạn nhân nhỏ tuổi nhất của vụ án. Các điều tra viên Đội Điều tra trọng án Công an TP Hà Nội, những người tham gia điều tra và có công lớn trong việc tìm ra thủ phạm của vụ án này cũng nói rằng, suốt hơn một năm ròng, họ đã đổ không biết bao nhiêu công sức cho hành trình phá án. Phần vì nhiệm vụ phải thực thi, phần cũng vì những giọt nước mắt ấy, những giọt nước mắt cảm thương cho cái chết oan uổng của 3 con người vô tội: Đại úy quân đội Nguyễn Chí Hưng, Tiến sĩ Văn học Bùi Thu Hà và bé gái 6 tuổi Thảo Hiền.
Phiên tòa phúc thẩm của Tòa án Quân sự Trung ương diễn ra vào ngày cuối cùng của tháng 11, Hà Nội co ro trong cái lạnh đầu đông, lạnh y hệt như cái đêm xảy ra vụ án. Nhà cháy, ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt như một ngọn đuốc khổng lồ. Khi đội cứu hỏa đến, trong nhà tắm tầng 2, chị Bùi Thu Hà vẫn đang cố sức mình che chở cho đứa con gái bé bỏng tránh được sức công phá dữ dội và tàn ác của ngọn lửa. Hai vòi nước vẫn chảy xối xả trong cái lạnh cắt da cắt thịt hòng vơi đi sức nóng của đám cháy. Nhưng mọi nỗ lực của chị đều trở nên quá nhỏ bé so với sự hung ác của ngọn lửa. Khi bé Thảo Hiền và chị Bùi Thu Hà được cứu khỏi đám cháy thì cả hai mẹ con đều đã bị bỏng hô hấp ở cấp độ rất nặng. Còn chồng chị, Đại úy Nguyễn Chí Hưng thì đã chết ngay dưới chân cầu thang tầng 1. Đúng một tuần sau các thầy thuốc giỏi nhất ở Viện Bỏng Trung ương cũng đành bó tay, bất lực, đau đớn nhìn mẹ con chị Hà ra đi bởi mức độ bỏng đã quá nặng, không thuốc gì có thể cứu chữa được. Mẹ đẻ của chị Bùi Thu Hà nức nở khi tôi hỏi về những giờ phút cuối cùng của con gái: “Nhà cháu Hà cháy từ lúc 4 giờ sáng thì khoảng 5 giờ từ Yên Bái tôi nhận được tin. Hai vợ chồng tôi tức tốc bắt xe về ngay Hà Nôi. Tôi đến bệnh viện xót xa nhìn cháu nằm trên giường, băng quấn kín người từ đầu đến chân, trắng toát. Cháu hầu như không nói được gì nữa, chỉ nhìn tôi và khóc. Tôi nhìn con, quằn quại trong đau đớn mà như đứt từng khúc ruột. Thảo Hiền cũng nằm cùng bệnh viện với mẹ. Cháu cũng đau đớn quằn quại y như thế. Con gái, con rể và cháu tôi đau đớn đến lúc chết, cô à”. Giọng kể của người mẹ già đứt quãng, nức nở nhưng vang lên, âm u, quẩn quanh và đầy ám ảnh trong những cơn gió đầu đông buốt giá, giữa khuôn viên mênh mông của tòa án. Chỉ cách có một bức tường thôi, ngay ngoài kia, phía trước mặt của Tòa là đường Kim Liên mới ồn ã nhưng vào khoảng khắc ấy, tai tôi như ù đi. Tôi không còn nhìn thấy, nghe thấy gì nữa bất kỳ một âm thanh nào của phố phường. Chỉ còn tiếng khóc nức nở của người mẹ và câu chuyện đau đớn đầy ám ảnh về cái chết oan uổng của con gái bà. Và, tôi khóc. Những giọt nước mắt bỗng dưng trào ra. Giống như bao người dưng như tôi, đi dự phiên tòa này, cùng đứng trong khuôn viên của Tòa án và cùng rơi nước mắt.
Di ảnh các nạn nhân được mang đến phiên tòa phúc thẩm cùng nỗi đau tột cùng của người thân
Trong phòng xét xử Nguyễn Thị Thuận và hai đồng phạm Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp được dẫn giải đến từ rất sớm. Cả ba cùng ngồi, trước mặt là vành móng ngựa, đối diện là di ảnh của 3 nạn nhân. Những ánh mắt của người trong di ảnh của người trong di ảnh như có lửa, rọi những tin nhìn căm phẫn về phía các bị cáo, những kẻ tàn ác đã gây ra cái chết đau đớn cho họ. Nhưng có vẻ như bất chấp tất cả. Thuận vẫn bình thản đến ghê sợ. Không cúi mặt. Mắt vẫn trừng trừng nhìn vào các di ảnh. Thi thoảng liếc xéo người chồng cũ đang ngồi ở phía sau với vành tang trắng trên đầu. Tuy rằng, ở phiên phúc thẩm, Thuận không còn dám lặp lại động tác đứng bắt chéo chân, thi thoảng giơ tay lên xem và cười khẩy như ở phiên sơ thẩm…
Ngay sau lưng Thuận là cha và mẹ Thuận. Không giống như cha mẹ của Kim Anh, kẻ giết người tình trong xe Lexus, ngồi co ro, nép mình ở góc phòng xử trong nước mắt. Cũng không như mẹ của sát thủ vụ xác chết không đầu Nguyễn Đức Nghĩa, đến tòa là khóc và để cứu con chỉ còn biết nói những lời như van lạy gia đình người bị hại: “Xin hãy tha tội cho con tôi”. Cha Thuận đến tòa trong bộ comple sang trọng, nghe đâu ông là cán bộ của ngành thuế Yên Bái, ngồi ngay sát hàng ghế đầu. Mẹ Thuận ngồi thu lu ở phía sau, nom trẻ trung trong chiếc áo khoác màu sắc. Tịnh không có một giọt nước mắt nào rơi. Thuận cũng không khóc. Tất cả đều bình thản đến lạnh lùng.
Khi kết hôn với Nguyễn Thị Thuận, anh Nguyễn Chí Tuấn không bao giờ hình dung nổi có một ngày tồi tệ, đau đớn như hôm nay. Vợ anh đã ra tay thiêu sống của gia đình anh trai anh. Quê gốc ở Khoái Châu, Hưng Yên, mấy anh em Tuấn ra Hà Nội học tập rồi ở lại đất này lập nghiệp. Anh trai Tuấn, Đại úy quân đợi Nguyễn Chí Hưng công tác tại công ty Trắc nghiệm Bản đồ quân đội, anh Hưng yêu chị Bùi Thu Hà từ lâu khi chị còn là sinh viên sư phạm. Trong một lần sinh nhật chị Hà, Tuấn đến và tình cờ gặp Thuận cùng quê Yên Bái với chị Hà. Hai nhà trên quê ở đối diện nhau, học với nhau từ lớp 1. Đến đại học, Thuận học Sư phạm Ngoại ngữ còn Hà học Sư phạm Văn, vẫn thân thiết với nhau như chị em ruột. Sau buổi gặp gỡ tình cờ ấy, chị Hà có ý muốn vun vén cho Tuấn và Thuận. Và rồi, sau đám cưới của chị Hà – anh Hưng ít lâu thì Tuấn và Thuận cũng làm đám cưới. Hai người bạn thân cùng về làm dâu một nhà, lại tiếp tục sống cùng nhau ở Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Thuận đi dạy ở một trường tiểu học gần nhà. Chị Hà cũng đi dạy và tiếp tục học tập đến hàm tiến sĩ. Hai cặp vợ chồng chung một mảnh đất trong xóm, chia đôi làm hai căn hộ. Nhà anh Hưng xây trước, nhà Thuận xây sau. Nhưng đến năm 2007, khi đang xây nhà thì vợ chồng Thuận mâu thuẫn, ly thân. Anh Tuấn bỏ nhà đi ở riêng. Chỉ còn Thuận ở lại với con trai trong căn nhà cũ. Thấy vợ chồng người em trai có nguy cơ ly tán, anh Hưng đã khuyên bảo Thuận nên xin lỗi để đoàn tụ. Cho rằng, anh Hưng chỉ bênh em trai, Thuận cay cú nên nhờ hai người quen là Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp đổ xăng đốt nhà anh Hưng cho bõ tức. Đêm 24 rạng ngày 25/1/2008, Hà và Tiệp đã rót xăng qua cửa sắt nhà anh Hưng bằng chiếc thước nhôm để đốt nhà. Nhà cháy, vợ chồng anh Hưng và đứa con gái duy nhất đã chết vì bỏng.
Video đang HOT
Ngay sau khi nhà cháy, Bùi Tiến Hà đã gọi điện báo tin cho Thuận. Cuộc điện thoại kéo dài những 5 phút. Thuận nghe, biết tất cả nhưng vẫn làm ngơ. Trong khi tất cả những người hàng xóm sống ở đó, thấy cháy đã nỗ lực hết mình để cứu giúp các nạn nhân, dù rằng trong tuyệt vọng. Riêng Thuận, là người biết về vụ cháy kinh hoàng này gần như sớm nhất và nơi ở của Thuận chỉ cách hiện trường vụ cháy khoảng 500 mét nhưng thây kệ. Thuận vẫn ung dung ở nhà. Thuận khai với HĐXX phúc thẩm rằng, mãi đến 7 giờ sáng, sau khi con trai ăn sáng xong xuôi, Thuận mới tới. Luật sư người bị hại chất vấn, tại sao là người trong một nhà mà biết tin nhà cháy, cả anh chồng lẫn chị dâu và cháu chết thảm mà bị cáo lại thờ ơ như vậy? Thuận thản nhiên đáp, tại vì đằng nào chả chết, có đến cũng vậy thôi. Cả hội trường ồn ào phẫn nộ vì câu trả lời lang sói đó khiến cho Đội vệ binh bảo vệ phiên tòa phải rất vất vả mới vãn hồi được trật tự.
Quay trở lại câu chuyện về Thuận sau đám cháy. Trong đám tang anh Nguyễn Chí Hưng, Thuận thản nhiên buôn điện thoại, nói cười hô hố. Còn khi chị Hà và cháu Thảo Hiền nằm trong bệnh viện, cả gia đình, họ tộc làng nước đến thăm. Bà Huỳnh, mẹ chồng của chị Hà thì không rời con dâu nửa phút suốt từ lúc chị nhập viện đến khi chị qua đời. Nhưng riêng Thuận thì không một lời mảy may thăm hỏi. Tất cả những diễn biến bất thường trong tâm lý của Thuận, mãi sau này những người trong gia đình anh Tuấn mới nhận ra chứ ngay trong lúc đó, không ai nghi ngờ Thuận. Lẽ vì, không ai có thể tưởng tượng nổi, bên trong một người làm nghề giáo viên như Thuận lại là tâm hồn quỷ dữ.
Trung tá Trần Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Điều tra trọng án Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội kể lại, trên giường bệnh trong mấy ngày ngắn ngủi cuối cùng của cuộc đời, khi các điều tra viên tới lấy sinh cung hỏi chị Hà rằng nhà cháy chị có nghi cho ai đốt không, thì chị Hà, trong nước mắt chứa chan vẫn lắc đầu. Cho đến lúc chết, chị vẫn không bao giờ ngờ rằng, người em dâu mà chị đã mát tay mai mối, người bạn thân thiết từ thuở nhỏ lại có thể độc ác đến mức ra tay tận diệt cả gia đình chị. Chị Bùi Thu Hà mất trong cơn đau làm chị vật vã đến tận phút cuối cùng. Những điều tra viên có mặt bên giường bệnh không ai cầm được nước mắt. Trung tá Trần Ngọc Hà bảo, nhìn cảnh ấy đau đớn lắm và những người làm trọng án này một phần cũng vì những đau đớn ấy.
Sau đám tang của 3 nạn nhân vô tội, những công việc điều tra vẫn âm thầm tiếp tục song manh mối thì vẫn mịt mù. Trong khi đó, gương mặt nhâng nháo của Thuận thì không hiểu sao cứ thế lần lượt hiện lên trong những mộng mị của gần như hết thảy những người trong gia đình anh Tuấn. Có người mơ thấy Thuận lê lết quỳ lạy van xin. Mẹ đẻ của chị Bùi Thu Hà kể, sau đám tang bà đã đi làm lễ cầu siêu cho gia đình bé nhỏ của con gái ở nhiều nơi và bà đã nhiều lần mơ thấy Hà trở về chỉ cho bà đích danh thủ phạm là Thuận. Cho đến khoảng tháng 10/2008, bà Huỳnh, mẹ chồng của chị Hà, khi đang ôm bé Kiên (con trai duy nhất của Thuận và anh Tuấn) trong lòng thì bé Kiên bỗng thốt lên hờn dỗi: “Con ghét mẹ Thuận”. Bà hỏi thêm: “Vì sao?” thì bé Kiên trả lời: “Vì mẹ Thuận xui chú Diệp đốt nhà”. Khi ấy Tuấn đang ở một tỉnh miền núi phía bắc làm lễ cầu siêu cho gia đình anh trai, bà Huỳnh vội vã gọi điện thoại cho Tuấn trở về.
3 bị cáo tại phiên phúc thẩm
Sau đó, cuộc điều tra của Công an TP Hà Nội đã mở một hướng mới bằng việc xác minh một nhân vật có tên là “Diệp”. Trong bài viết tới chúng tôi sẽ tiếp tục tường trình về cuộc điều tra gian khổ này với những bí mật lần đầu tiên được tiết lộ.
Những diễn biến chính của vụ án cô giáo thiêu chết 3 người: – Sáng 20/1/2008, trong lúc ăn sáng, Thuận nhờ Bùi Tiến Hà đốt nhà anh Hưng cho bõ tức. Sau đó còn nhờ thêm cả Hoàng Hải Tiệp. – 3 giờ sáng ngày 25/1/2008, Hà cảnh giới bên ngoài, còn Tiệp đổ xăng vào nhà anh Hưng qua khe sắt cửa nhà nhưng không được vì có rèm vải che. Bùi Tiến Hà vào nhà Thuận, lấy chiếc thước nhôm hình hộp rỗng giữa rồi lùa chiếc thước qua khe cánh cửa, Tiệp rót xăng vào chiếc thước. Sau khi đổ hết can xăng, Tiếp châm diêm đốt rồi cả hai chạy vào nhà Thuận. – Khi nhà cháy Hà gọi điện báo cho anh Tuấn và Thuận. Tiệp có gọi điện thoại cho 114 báo cháy nhưng ngắt máy ngay sau khi kết nối. – Ngày 31/12/2008, cả Thuận và Hà, Tiệp đều bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội bắt tạm giam. – Do người bị hại anh Nguyễn Chí Hưng là quân nhân nên vụ án được chuyển sang Cơ quan điều tra của Bộ Quốc Phòng. Trong 2 ngày 3 và 4/8/2010, Tòa sơ thẩm Tóa án quân sự Quân khu Thủ đô đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án với các mức hình phạt tù chung thân đối với bị cáo Nguyễn Thị Thuận, 20 năm tù giam đối với Bùi Tiến Hà và 18 năm tù giam đối với Hoàng Hải Tiệp. – Ngày 9/8/2010, cả 3 bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đòi minh oan. – Ngày 18/8/2010, ông Bùi Tiến Lực (cha đẻ của chị Bùi Thu Hà) và bà Hoàng Thị Huỳnh (mẹ đẻ của nạn nhân Nguyễn Chí Hưng) đã kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng: giết người có tổ chức, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng để tuyên phạt bị cáo Thuận với mức án tử hình, Hà chung thân và Tiệp từ 20 đến 23 năm. – Trong các ngày 31/11 và 1/12, Tòa phúc thẩm Tòa án quân sự Trung ương đã tiến hành xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm. Phía gia đình người bị hại tỏ sự bất bình với bản án này.
Theo An ninh thế giới
Vì sao 3 bị cáo ngạo mạn?
Cuối cùng thì bị cáo Thuận cũng khóc. Nhưng những giọt nước mắt hiếm hoi đó không phải dành cho sự hối hận mà cô ta khóc vì cho rằng mình đã lấy "nhầm chồng".
"Trong vụ án này, nếu như thấy chứng cứ không chắc chắn thì một ngày phạt tù cũng không đáng. Còn, khi đã chứng minh được các bị cáo đã gây ra cái chết của cả một gia đình quân nhân thì việc xử phạt mức án tù chung thân đối với một tội ác như vậy là không thể chấp nhận" - luật sư Trần Đình Triển nói.
"Cô giáo" Thuận đã khóc và kêu oan
Cuối cùng thì Thuận cũng khóc. Nhưng những giọt nước mắt hiếm hoi đó không phải dành cho sự day dứt, sám hối hay xót thương ba mạng người đã bị thiêu rụi. Bị cáo khóc cho mình, khóc vì cho rằng đã lấy "nhầm chồng".
Suốt phiên xử, người ta không thấy được gì mới về chứng cứ để Thuận tự bào chữa cho mình. "Tôi bị bức cung, mớm cung"... câu cửa miệng ấy, bị cáo đã nói suốt ở phiên tòa sơ thẩm. "Tố" điều tra viên đánh đập, nhưng có bản cung (với sự chứng kiến của luật sư bào chữa) Thuận ghi rõ thế này: "Từ khi bị bắt đến nay tôi được tôn trọng về danh dự, nhân phẩm, không ai đánh đập, ép buộc hoặc dụ dỗ, gợi ý cho tôi cách khai báo. Tất cả nội dung tôi khai nhận đều do tôi tự nguyện khai xuất phát từ sự mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật".
Giấy trắng, mực đen, Thuận không thể phủ nhận. "Tôi không tin cả luật sư của mình" - Thuận thốt lên. Ngay ngày hôm sau, trong phần tranh luận, bị cáo đã "chữa thẹn" bằng việc xin lỗi ông Hoàng Văn Dũng, Lâm Văn Quang (các luật sư bào chữa).
Thế mới thấy, sự thật thì chỉ có một. Đã là gian dối thì lời khai sẽ bất nhất, sẽ "câu trước đá câu sau". Ở phiên tòa này, Thuận tỏ ra cảm thông trước cái chết của anh Hưng, chị Hà và cháu Thảo Hiền. Để rồi, Thuận đổ vấy cho chồng mình, không chút xấu hổ. Không thể tả hết nỗi bức xúc của gia đình bị hại, đặc biệt là của anh Nguyễn Chí Tuấn. "Thật trắng trợn", "không chút liêm sỉ", "độc ác"... phòng xử án vang lên những lời nói phẫn nộ. Nhưng Thuận vẫn bình tĩnh. Khuôn mặt bị cáo tỉnh khô, ánh mắt thì sắc lạnh. Trước khi tòa nghị án, Thuận cố giãi bày để HĐXX thấy, sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình là lấy "nhầm chồng". Tòa đã phải nhắc nhở bị cáo về thái độ ấy.
Bị cáo Hà giơ cả 2 tay kêu oan
Luật sư Lê Quốc Đạt (bảo vệ quyền và lợi ích miễn phí cho bị hại) phải thốt lên rằng, tội ác này còn nguy hiểm hơn vụ án Nguyễn Đức Nghĩa. Tại phiên toà, Nghĩa tỏ ra ân hận, day dứt tột cùng. Còn trong vụ án này, các bị cáo - đặc biệt là Thuận - lại có thái độ đáng lên án. Dường như, sự "mạnh mẽ" của Thuận đã "lây sang" cả Tiệp, Hà. Ông Đạt chia sẻ, điều tra viên (Công an TP Hà Nội) cho hay, sau gần một năm xảy ra vụ cháy, khi áp giải Tiệp về trụ sở CQĐT, Tiệp không bị bất ngờ. Bị cáo nói: "Em chờ ngày này đã lâu rồi". Tiệp đã bình tĩnh xin một cốc nước, hút điếu thuốc rồi rành rọt khai lại sự việc. Vậy mà, tại phiên phúc thẩm, Tiệp cãi hùng hồn. "Dù kết quả của phiên tòa phúc thẩm này thế nào thì bị cáo vẫn là người vô tội và không phải hổ thẹn với lương tâm" - Tiệp ngạo mạn nói lời sau cùng kèm theo hành động vung tay. Ngao ngán hơn, Hà cũng quả quyết, mình không thể bán cuộc đời của mình rẻ mạt đến thế. Không chút ân hận, bị cáo vẫn mong được mọi người tin tưởng. Bị cáo nói, phải có nhân chứng, vật chứng mới kết tội được mình.
Bị cáo Tiệp kêu oan tại tòa
Đại diện gia đình bị hại, ông Lực, bà Hào trình bày những lời tâm can. Họ không chỉ nhắc đến nỗi đau mà cả gia đình đang phải gánh mà còn phân tích những căn cứ pháp lý để buộc các bị cáo mức án cao nhất. "Gia đình tôi đã mất người, tôi không muốn thêm ai phải chết. Nhưng kẻ gây tội phải chịu sự phán xử công minh" - ông Lực rầu lòng nói.
Trong khi đó, ngay cả luật sư của các bị cáo cũng không khẳng định Thuận, Hà, Tiệp vô tội mà chỉ quy kết, chứng cứ buộc tội chưa thuyết phục. Về việc này, đại diện VKS Quân sự Trung ương nhận định, các luật sư bào chữa chỉ "bắt bẻ" những chi tiết liên quan đến thủ tục tố tụng, không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.
Những tưởng, tại phiên tòa phúc thẩm, mọi tình tiết và đề nghị có căn cứ của gia đình bị hại sẽ được xem xét thấu đáo. Không ngờ, tòa đồng tình với bản án sơ thẩm. Ông chủ tọa vừa dứt lời y án sơ thẩm (Thuận mức án chung thân về tội "Giết người", "Hủy hoại tài sản"), làn sóng phẫn nộ từ gia đình bị hại đẩy lên cao trào. Trước sự phản ứng của họ, phán quyết của tòa bị gián đoạn. Cũng như gia đình bị hại, dư luận từng chờ đợi một phán quyết công tâm hơn...
Theo Pháp luật Xã hội
Người đàn bà không có tình mẫu tử Người mẹ này đã lạnh lùng không quay lại nhìn đứa con của mình 1 lần nào trong phiên sơ thẩm Nguyễn Chí Tuấn có lẽ là một người đàn ông bất hạnh mà tôi đã từng gặp. Anh là chồng của "cô giáo Thuận" - ả phù thủy đã gây ra vụ đốt nhà người anh chồng khiến ba người tử vong....