Có gì ở ‘Virus cuồng loạn’ – phim kinh dị về zombie tiếp theo của điện ảnh Việt?
Có gì ở Virus cuồng loạn – bộ phim zombie tiếp theo của điện ảnh Việt? Liệu có đủ sức kéo khán giả tới rạp?
Với câu chuyện “ phim trong phim”, Virus cuồng loạn kể về một đoàn phim đang quay tác phẩm về đề tài zombie tại một khu nghỉ dưỡng thuộc vùng núi. Tại đây, cả đoàn đã gặp nạn zombie thật chứ không còn là hình ảnh trên phim nữa. Nguồn cơn chính là do những thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc được bán rộng rãi trên thị trường đã làm con người ngộ độc. Đoàn phim zombie đã phải đấu tranh để sống sót và tìm đường đến được sân bay để tìm sự trợ giúp từ chính phủ và quân đội.
Phim Virus cuồng loạn
Lấy đề tài zombie nhưng phản ánh hiện thực xã hội, Virus cuồng loạn mong muốn truyền tải được hai chủ đề tư tưởng lớn nhất trong phim, chính là: “Gieo nhân nào, gặt quả nấy” và “Không bao giờ đầu hàng số phận”. Cao trào, xung đột trong phim diễn ra khi con người gặp nạn, vào đường cùng phải cứu lấy chính bản thân mình. Từ đó, tính cách sẽ được bộc lộ rõ nhất và mỗi con người giàu hay nghèo, có kiến thức hay thất học đều sẽ thể hiện theo cách của mình.
Những hình ảnh kinh dị trong phim
Nhà sản xuất Công Hậu
Đạo diễn trẻ Nhất Duy cũng là người viết kịch bản phim này, cho biết: “Zombie là đề tài Duy yêu thích từ rất lâu và đã thai nghén kịch bản, quyết tâm làm thành một bộ phim với sự trợ giúp của các tiền bối, đồng nghiệp và bạn bè. Điều đặc biệt trong phim chính là những hình tượng zombie thuần Việt để giao thoa giữa nền văn hóa Đông và Tây nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt Nam rõ ràng. Có như vậy, khán giả mới quan tâm và thật sự đồng cảm được. Ngoài ra, vấn đề an toàn thực phẩm được nêu trong phim cũng là đề tài nóng hổi của xã hội bao nhiêu năm qua. Bộ phim mong muốn lên án được đạo đức kinh doanh của những người buôn thực phẩm, vì lợi nhuận mà xem thường tính mạng người khác, xem thường sức khỏe cộng đồng”.
Nhà sản xuất Công Hậu chia sẻ, đây là bộ phim có đề tài hết sức ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành bao nhiêu năm qua. Phim được quay từ trước dịch Covid-19 nhưng phải chờ đến hai năm hơn mới có cơ hội ra mắt khán giả.
Là con trai của Công Hậu, Nhất Duy từng có vai diễn ấn tượng trong phim Kẻ đào mồ. Trước đây, Nhất Duy theo nghiệp kinh doanh dù gia đình có truyền thống nghệ thuật. Tuy nhiên, anh dần khám phá được đam mê phim ảnh chảy trong huyết quản nên từng bước nỗ lực để chứng tỏ tài năng, lần lượt học diễn viên rồi tới đạo diễn. Ngoài ra, anh cũng có nghề lồng tiếng, nối gót mẹ là “phù thủy lồng tiếng” Bích Ngọc.
D.O.P Thịnh Lữ cũng là con nhà nòi. Anh là con trai nhà báo – cascadeur Lữ Đắc Long. Anh và đạo diễn Nhất Duy quen biết nhau đã 8 năm, học chung trường Sân khấu điện ảnh nên có nhiều dịp làm việc chung, tâm đắc, hiểu nhau và là bạn tốt của nhau. Khi Nhất Duy nói về phim đầu tay này và ngỏ ý mời bạn mình làm D.O.P thì Thịnh nhận lời ngay.
Đạo diễn Công Hậu và con trai – đạo diễn Nhất Duy
Nhất Duy cho biết, anh rất hài lòng về tính chịu khó, tìm xu hướng mới lạ, nghiên cứu cách quay của Thịnh. Khi biết do phát sinh kinh phí, không đủ chi phí trang trải cho đoàn phim hơn 100 người, thiết bị máy móc thuê giá cao, bối cảnh hóa trang, phục trang gặp khó khăn v.v…, Thịnh Lữ đã về xin tiền mẹ, ban đầu là 2 lượng vàng, mẹ cho thêm 1 lượng nữa, để hỗ trợ bạn mình có thêm kinh phí làm tiếp phim.
Phim được quay tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Bình Phước. Bối cảnh xoay quanh một làng dân tộc. Đoàn phim từng tìm bối cảnh ở làng Cù Lần nhưng vì kinh phí thuê mướn cao và do không được phép quay sinh hoạt của dân địa phương nên cuối cùng nhà sản xuất phải chi ra 600 triệu để tự dựng lên một làng dân tộc. Không những gặp khó khăn về bối cảnh, đạo cụ, kinh phí, khi ra hiện trường, đoàn phim còn gặp trở ngại về thời tiết. Có khi mọi việc đã được chuẩn bị xong ở hiện trường thì lại gặp mưa gió, đoàn phải lục tục dọn về…
Bối cảnh quay phim
Cái khó khăn lớn nhất là vấn đề hóa trang vì nhân vật chính là zombie, mà đây lại là phim điện ảnh rất hạn chế về thời gian và kinh phí. Khó về hiệu ứng hóa trang cho 50 zombie đã đành, thì những cảnh quay dưới nước lại càng vất vả hơn vì phải kịp thời giữ màu sắc trên mặt zombie tái xanh như thật, không bị nước làm trôi đi.
Đứng trên cương vị nhà sản xuất, đạo diễn – diễn viên Công Hậu nhìn nhận đây là một tác phẩm mang tính nghệ thuật và có tính thử thách với một đạo diễn trẻ. Tuy nhiên anh có niềm tin vào Nhất Duy và hy vọng Virus cuồng loạn sẽ được công chúng đón nhận một cách công tâm nhất!
Anh còn kể vui: “Con trai dành cho cha vai đạo diễn có vài phân đoạn trong phim, nhung cuối cùng, khi duyệt, thì đoạn này bị… cắt! Từng đóng trên 100 phim, đây là lần đầu tiên, Hậu bị…cắt vai!” (cười).
Phim công chiếu từ ngày 28/10 trên hệ thống rạp toàn quốc.
Biên kịch & Đạo diễn: Nhất Duy
D.O.P: Thịnh Lữ
Sản xuất: Hãng phim Ánh Sao, NSƯT Công Hậu
Diễn viên: NSƯT Công Hậu, Gia Bảo, Raja Ramani, Trizzie Việt Trinh, Thái Trung, Nhất Duy, Xuân Phạm, Vũ Như, Bích Ngọc, Hồng, Gấm…
Dở khóc, dở cười với phim zombie Việt
'Cù lao xác sống', bộ phim zombie đầu tiên của Việt Nam đang thu hút sự khen chê và trở thành chủ đề chính của nhiều tranh luận.
Trailer Cù lao xác sống
Ngớ ngẩn và thất vọng
Ra rạp từ đầu tháng 9/2022, thế nhưng phim "Cù lao xác sống" ít được biết đến cho tới khi hình thành "bão dư luận" với cả nghìn lời khen chê, bàn luận không có hồi kết. Được giới thiệu là bộ phim zombie Việt Nam đầu tiên vượt qua kiểm duyệt.
Phim nói về hành trình của một nhóm người cùng nhau sinh tồn và cố gắng thoát khỏi sự truy đuổi của xác sống. Đích họ muốn đến là chuyến phà cuối cùng tại một cù lao trên vùng hạ lưu sông Mekong - trước khi đại dịch xác sống bùng nổ.
Công - một thầy thuốc đông y nhưng đã mất đi niềm tin vào tình người, quyết định đưa cha mình và con gái tìm đường rời đi. Trong quá trình chạy trốn, họ thất lạc nhau, Công hoang mang đi tìm đứa con gái rồi vô tình gặp được một gia đình hiền lành, hai chàng trai ma lanh, đôi bạn trẻ lương thiện và một người đàn ông có trái tim dũng cảm.
Họ cùng nhau hợp sức thành một nhóm chống trả để giành giật sự sống. Đúng lúc này, sự tị hiềm tham lam, ích kỷ của lòng người nảy sinh và lại đẩy họ vào những thử thách sống còn.
Phim thuộc thể loại kinh dị, được dán nhãn 18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi). Các diễn viên tham gia: Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Trần Phong, La Thành, Xuân Nghị, Lê Lộc, và Nguyễn Thành Nam là đạo diễn.
Được kỳ vọng là bộ phim bom tấn về thể loại kinh dị, thế nhưng "Cù lao xác sống" lại nhận được mưa lời chê. Hàng loạt điểm trừ được chỉ ra xoay quanh nội dung phim, những mảng miếng hài vô nghĩa, thậm chí là cả diễn xuất của dàn diễn viên đáng lẽ ra đã phải rất chất lượng.
Đôi lúc, ê-kíp phim không kiểm soát được phong cách lẫn thể loại. Khi các diễn viên nhí đối thoại, tác phẩm ngô nghê như phim thiếu nhi. Đến khi các bạn trẻ trò chuyện thì lại mùi mẫn chẳng khác phim tình cảm.
Để dẫn dắt câu chuyện, đạo diễn pha trộn nhiều yếu tố từ hành động (action), kinh dị (horror), giật gân (thriller). Tuy nhiên, hài hước (comedy) vẫn là ý đồ chính, nhưng tình tiết lại vô nghĩa nên mất đi không khí căng thẳng, ngột ngạt - yếu tố tối thiểu mà một bộ phim kinh dị cần phải có.
Một khán giả bình luận trên diễn đàn mạng xã hội: "Phim kinh dị 18 mà thấy toàn hài. Nếu muốn phim đặc sắc thì nên bỏ thể loại hài hước, thêm vào đó những pha hù doạ hay hành động rượt đuổi thì sẽ hay hơn".
Đa số các bình luận khác đều cho rằng "phim ngớ ngẩn mà dám đem ra rạp, làm hỏng cả khái niệm phim zombie quốc tế". Thậm chí phim còn phi logic, không có sự can thiệp hỗ trợ của chính quyền khi có đại dịch. So với phim zombie nước ngoài, phim "Cù lao xác sống" chưa đạt nổi 10%.
Cảnh trong phim "Cù lao xác sống".
Lội ngược dòng giữa mưa lời chê
Ngoài các điểm trừ, thành công duy nhất của "Cù lao xác sống" được giới chuyên môn đánh giá là ở kỹ thuật hóa trang, và dù chọn chủ đề ngoại nhưng vẫn giữ được hồn Việt. Bối cảnh miền Tây Nam Bộ được lựa chọn và sử dụng hợp lý - từ cánh đồng lúa, cầu khỉ cho đến vùng làng quê, sông nước.
Chủ đề phim về zombie đã có từ lâu, năm 1932 điện ảnh thế giới đã xuất hiện bộ phim đầu tiên có tên "White Zombie" của đạo diễn Victor Halperin. Đến năm 1968, phim "Night of the Living Dead" thắng lớn về doanh thu.
Ngoài ra, không thể quên các phim zombie nổi bật như: "Dawn of the Dead (1978)", "Day of the dead (1985)", "Dawn of the dead (2004)", "I am legend (2007)", "Zombieland (2009)"... Xác định xu hướng công chúng đang ủng hộ phim Việt, nhà làm phim đã đầu tư "Cù lao xác sống" dù tác phẩm còn nhiều hạn chế.
"Trước khi thực hiện dự án, êkíp đánh giá đây là chủ đề mới với mặt bằng phim trong nước, mang tính thử thách cao, phải quay khi dịch bệnh còn phức tạp. Do đó, chúng tôi xem đây là những bước thử nghiệm đầu tiên để hoàn thiện hơn trong các dự án tiếp theo", nhà sản xuất Nhất Trung cho biết.
Trước nay, Việt Nam chưa từng có phim chiếu rạp khai thác chủ đề xác sống. Lợi thế này giúp ê-kíp có thể tự do sáng tạo, đồng thời tạo được sự tò mò. Thế nhưng, giới chuyên môn nhận định cách tạo hình xác sống gần như theo khuôn cũ, gương mặt có ghê rợn nhưng di chuyển chậm chạp.
Đặc biệt, zombie quá yếu đuối - có thể dùng tay hay túi xách đánh một cái là gục. Chi tiết này khiến xác sống không còn là yếu tố đáng sợ hay kinh dị, thậm chí còn gây cười khi con người cố tỏ ra sợ hãi.
Phim ôm đồm nhiều tuyến nhân vật nhưng không ai thực sự được đầu tư, các tình tiết rối rắm nhưng chưa giải quyết đến nơi đến chốn. Khi xem hết phim, khán giả chưng hửng không rõ mọi người có đến được bến phà thoát thân hay không - vì phim kết lửng, bởi nhà sản xuất nói sẽ có tiếp phần 2.
Mặc dù, phim bị bình luận theo hướng tiêu cực, nhưng tính đến sáng 13/9 - trên Box Office Việt Nam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, thì bộ phim đang đạt gần 12,6 tỉ đồng. Doanh thu cuối tuần qua của "Cù lao xác sống" cũng đạt trên 925 triệu với 9.568 vé và 768 suất chiếu.
Tuy khác thể loại, nhưng "Cù lao xác sống" khá giống với phim "Em và Trịnh" của Phan Gia Nhật Linh ra mắt hồi tháng 6/2022 - khi phải nhận mưa lời chê. Tuy nhiên điểm giống nhau là, càng chê thì lại càng giúp tăng doanh số cho phim. Trên diễn đàn review phim, nhiều bình luận của khán giả khuyên rằng: Chưa xem phim xác sống Việt Nam thì chưa thất vọng, nhưng nếu lỡ mua vé rồi thì cũng nên xem để thấy xác sống trong nước khác với zombie nước ngoài thế nào.
"Trò Chơi Tử Thần" - Poster phim Zombie tưởng đâu đại hội âm nhạc Ngô Kiến Huy trở thành chiến binh diệt Zombie trong phim điện ảnh Nhật-Việt. Zombie là đề tài không còn xa lạ trong phim nước ngoài với các tác phẩm nổi tiếng như: Train To Busan, Kingdom, Warm Bodies,... Tuy nhiên, đây vẫn là dòng phim mới đối với các nhà làm phim Việt Nam. Trò Chơi Tử Thần là 1 trong những...