Có gạo cứu đói, người nghèo đã thấy Tết…
Đến 18.1, một số tỉnh đã bắt đầu chia gạo cứu đói cho người nghèo. Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cho biết, mục tiêu trước 25 tháng Chạp (trước 22.1.2017) sẽ hoàn thành việc cấp gạo cứu đói cho người nghèo, đảm bảo cho bà con no đủ trong dịp tết.
Tết ấm áp hơn
Ngồi trong căn nhà tình nghĩa đã bạc màu thời gian, bà Hồ Thị Nậy (trú xã A Túc, huyện Hướng Hóa) cho hay, vừa mới nghe cán bộ xã thông báo Chính phủ đã cấp gạo cứu đói, khoảng ngày 21.1 tới đây sẽ về tay người dân nên bà rất vui mừng. “Tôi đơn thân, nay đã 72 tuổi, tết nhất đến nơi mà gạo tiền chẳng có, cứ tưởng mất tết. Nay được nhà nước cho gạo ăn, mừng rơi nước mắt” – bà Nậy xúc động nói.
Vận chuyển gạo về UBND các xã thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ảnh: Văn Lý
Ngày 18.1, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định phân bổ gần 2.500 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ cho các địa phương để trợ cấp cứu đói cho nhân dân trong dịp tết với mức trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng. Thời gian trợ cấp 1 tháng. Hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình thực sự thiếu đói do dịch bệnh Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân trên địa bàn huyện Sơn Hà và Ba Tơ,với mức trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng, thời gian trợ cấp 3 tháng. Hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình thực sự thiếu đói do mưa lũ năm 2016 gây ra, với mức trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng, thời gian trợ cấp từ 1-3 tháng.
Bà Nậy là 1 trong gần 99.060 người nghèo ở tỉnh Quảng Trị được phát gạo trong dịp Tết Nguyên đán. Từ ngày 21.1, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ bắt đầu phân bổ gần 1.500 tấn gạo tới 10 huyện, thị xã để cứu đói cho người dân nghèo. Trong đó, huyện miền núi Hướng Hóa được phân bổ gạo cứu đói nhiều nhất với gần 560 tấn, mỗi người sẽ được chia 15kg gạo.
Ông Mai Thức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã quán triệt các địa phương phải cấp phát gạo cứu trợ bảo đảm công khai, đúng quy định, đúng đối tượng, tuyệt đối không để sai sót và quan trọng là phải hoàn thành trước tết. “Cấp gạo cứu trợ cho dân ăn tết là việc làm nhân văn của Nhà nước.Có gạo cứu trợ, nhân dân sẽ ăn tết ấm cúng hơn” – ông Thức nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, khoảng ngày 22.1 huyện sẽ phát xong gạo cứu đói cho bà con nhân dân để ăn tết. “Ngoài thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước, huyện còn kêu gọi thêm các nguồn khác để giúp người nghèo có cái tết đầy đủ, ấm cúng hơn” – ông Bình cho biết.
Tỉnh Bình Định cũng đang khẩn trương chuyển 3.500 tấn gạo cứu đói tới tay người nghèo để bà con kịp đón tết. Ông Đỗ Ngọc Quý (SN 1974, trú thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) cho biết, sắp tết nhưng gia đình ông vẫn đang tá túc nhà người thân vì đã mất nhà trong đợt lũ cuối năm 2016. Mấy hôm nay, ông Quý đang chạy đôn, chạy đáo nhận đất bố trí từ chính quyền để ra tết sẽ dựng nhà tại nơi ở mới. “Nhà chỉ còn đống đổ nát, 4 thành viên phải nương nhờ vào nhà ngoại. Rất may mắn chúng tôi còn có chỗ dựa lưng, từ ngày gặp nạn đã nhận trên 1 tạ gạo nên không lo thiếu đói dịp tết. Nhưng buồn thì vẫn buồn, chứ ai đâu muốn cảnh nương nhờ, nhận sự giúp đỡ của người khác”- ông Quý trải lòng.
Theo ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, địa phương này đã tiếp nhận hơn 3.500 tấn gạo từ nguồn hỗ trợ Chính phủ (2.000 tấn gạo để cứu trợ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ và hơn 1.500 tấn gạo cứu đói dịp Tết Đinh Dậu) để phân bổ cho người dân khắc phục sau lũ và “đỏ lửa” ngày tết.
Video đang HOT
“Chúng tôi đã giao Sở LĐTBXH phối hợp cùng Cục Dự trữ nhà nước khu vực Nghĩa Bình và địa phương bị ảnh hưởng để phân bổ gạo đến người dân kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định. Riêng việc phân bổ gạo cứu trợ cho người dân thiệt hại do mưa lũ thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phân bổ gạo, ưu tiên cho các hộ dân có diện tích sản xuất lúa bị sa bồi thủy phá không thể sản xuất được trong vụ đông xuân 2016-2017. Hiện nay, cơ bản các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ gạo cho người dân”- ông Châu chia sẻ.
Ông Phan Đình Hòa- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Bình Định cho biết thêm: “Đối tượng cứu trợ tập trung cho các hộ gia đình bị thiệt hại do lũ gây ra, hộ nghèo, hộ cận nghèo có khả năng thiếu đói trong tết, hộ gia đình có cuộc sống khó khăn, già cả, neo đơn, khuyết tật, ốm đau dài ngày. Mức cứu trợ 15kg/ nhân khẩu/tháng và thời gian cứu trợ 1 tháng”.
Nơi đã cấp phát, nơi gạo đang về
Dịp tết này, hơn 75.000 khẩu ở tỉnh Ninh Thuận sẽ được cứu đói. Ảnh: T.L
Thông tin từ Bộ LĐTBXH, đầu năm 2017 đã có 15 tỉnh xin cấp gạo cứu đói dịp Tết, gồm: Cao Bằng 625 tấn, Tuyên Quang 310 tấn, Yên Bái 397 tấn, Lào Cai 247 tấn, Thanh Hóa 650 tấn, Nghệ An 1.766 tấn, Quảng Trị 1.486 tấn, Quảng Ngãi 1.718 tấn, Bình Định 1.992 tấn, Ninh Thuận 1.134 tấn, Đăk Nông 400 tấn, Kon Tum 577 tấn. Có 3 tỉnh xin gạo cứu đói lúc giáp hạt là Lai Châu, Lạng Sơn và Hà Nam.
Ông Lê Viết Phái – Trưởng Phòng trợ giúp đột xuất (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH) cho hay, nhìn chung mọi công tác chuẩn bị đưa gạo cứu trợ về với bà con đã gần hoàn thành, mất thời gian nhất chỉ là khâu cấp phát từ các kho dự trữ. Năm nay mọi khâu từ đề xuất, trình xin cấp gạo, chuẩn bị cấp phát đều được làm khẩn trương, mục tiêu trước 25 tháng Chạp là hoàn thành cấp gạo cho bà con. Khả năng các tỉnh cũng sẽ thực hiện đúng mục tiêu Bộ LĐTBXH đã đề ra này.
Theo ông Phái, một số tỉnh như Quảng Trị, Nghệ An… đang tiến hành cấp gạo. Một số địa phương khác như Thanh Hóa, Quảng Ngãi thì đang vận chuyển gạo về các địa phương, tới 20.1 bắt đầucấp phát cho người dân.
“Có những địa phương do địa hình khó khăn nên địa phương xin gạo và cấp phát từ sớm, ngay sau khi có chỉ thị ví như Con Cuông (Nghệ An). Từ TP.Vinh về Con Cuông cách khoảng 200km, đường lại khó đi nên việc vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn” – ông Phái nói thêm.
Nhằm đảm bảo đời sống của các hộ dân nghèo trong dịp Tết Nguyên đán 2017, tỉnh Sơn La đã có kế hoạch hỗ trợ gần 1.300 tấn gạo cứu đói cho hơn 53.100 người nghèo. Hiện 9/12 huyện, thành phố đã triển khai thực hiện với mức hỗ trợ 15kg/người/tháng. Còn 6 huyện đang tiếp tục đề nghị tỉnh cân đối ngân sách và cấp hỗ trợ 821 tấn gạo cho gần 26.000 người nghèo. Số gạo hỗ trợ này không chỉ bao gồm tháng Tết Nguyên đán mà tùy điều kiện của hộ nghèo, có thể lên tới 2-3 tháng hỗ trợ/hộ, giải quyết nhu cầu gạo khi giáp hạt cho bà con.
Theo ông Nguyễn Trọng Đàm – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, quan điểm của Bộ là yêu cầu địa phương thực hiện cấp phát đúng đối tượng, số lượng; tránh để cấp trùng, cấp thiếu, hoặc cấp sai đối tượng. Mục tiêu năm nay phải cấp phát gạo cho người dân trước 25 tháng chạp để người dân có gạo ăn tết. Sau khi thực hiện xong việc cấp phát, Bộ sẽ yêu cầu địa phương có báo cáo để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Theo Danviet
Về việc 15 tỉnh xin cấp gạo cứu đói: Có dân đói vẫn cần hỗ trợ
"Quan điểm của Chính phủ là chừng nào còn dân đói thì vẫn cần được hỗ trợ, không kể là tỉnh giàu hay tỉnh nghèo" - ông Nguyễn Trọng Đàm (ảnh) - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH trả lời phóng viên Báo NTNN - Dân Việt xung quanh việc tỉnh giàu vẫn xin cấp gạo cứu đói (NTNN số ra ngày 6.1).
Ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Thực hiện yêu cầu của Bộ LĐTBXH, hện nay hầu hết các địa phương đã rất chủ động rà soát, đánh giá tình hình đời sống của người dân, nhất là tình hình thiếu đói. Chính vì vậy, năm nay các địa phương có tờ trình đề xuất xin gạo sớm hơn, kể cả trong dịp tết, nhất là các tỉnh có thiên tai nặng nề.
Gạo cứu đói của Chính phủ cấp cho tỉnh Quảng Trị năm 2016. Ảnh: T.L.
Đến ngày 5.1, có 15 tỉnh xin cấp gạo cứu đói dịp Tết, gồm: Cao Bằng 625 tấn, Tuyên Quang 310 tấn, Yên Bái 397 tấn, Lào Cai 247 tấn, Thanh Hóa 650 tấn, Nghệ An 1.766 tấn, Quảng Trị 1.486 tấn, Quảng Ngãi 1.718 tấn, Bình Định 1.992 tấn, Ninh Thuận 1.134 tấn, Đăk Nông 400 tấn, Kon Tum 577 tấn. 3 tỉnh xin gạo cứu đói lúc giáp hạt là Lai Châu, Lạng Sơn và Hà Nam.
Thưa ông, đến nay có bao nhiêu tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Nguyên đán và giáp hạt?
- Có 15 tỉnh với lượng gạo xin cấp 17.000 tấn. Tỉnh gửi báo cáo về đến đâu Bộ trình Thủ tướng đến đó và một số địa phương đã nhận được quyết định cấp gạo từ Chính phủ. Thiên tai nặng nề kéo dài suốt năm nên địa phương phải chuẩn bị tích cực để lo tết đầy đủ cho người nghèo.
Trước đó, trong năm 2016, Chính phủ xuất 67.000 tấn gạo để vừa lo Tết Nguyên đán Bính Thân, vừa lo hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sự cố môi trường miền Trung. Lượng gạo cấp phát gấp 3 lần những năm trước.
Một số tỉnh thường xuyên đi xin gạo cứu đói dù trong năm không gặp thiên tai, mất mùa, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn cao. Ông nhìn nhận việc này thế nào?
- Thực ra, các địa phương rất mong muốn tự lực, không phải xin Trung ương. Dù tình hình kinh tế - xã hội tốt hơn, có tăng trưởng GDP, nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng trong cộng đồng rộng lớn thì vẫn có bộ phận người nghèo ngày giáp hạt, ngày tết thiếu lương thực nên tỉnh mới xin. Những địa phương như vậy không xin nhiều lắm, chỉ vài ba trăm tấn để đảm bảo hỗ trợ cho người dân. Có thể GDP các tỉnh đều tăng nhưng không phải cứ tăng trưởng là có cuộc sống tốt đẹp cho tất cả, điều kiện sống được cải thiện như nhau hết. Chuyện thiếu đói và tăng trưởng GDP có sự khác biệt, vì thế không nên hiểu một chiều.
Chỉ có địa phương mới nắm chắc được đời sống của người dân, do vậy đảm bảo an sinh là nhiệm vụ của địa phương, Trung ương không thể làm thay được. Hiện giờ Việt Nam cũng không thiếu gạo, vì vậy không được để người dân nào bị thiếu đói, đứt bữa.
Hà Nam là vựa lúa ở đồng bằng Sông Hồng nhưng vẫn có đơn xin gạo cứu đói. Bộ có thẩm định lại không? Kết quả thế nào?
- Năm nay Hà Nam cũng bị ảnh hưởng nhẹ bởi thiên tai nên có đơn xin hỗ trợ gạo. Bộ đã trao đổi và đi kiểm tra, thấy nhiều gia đình ruộng đất ít, lại bị ảnh hưởng của bão nên thiếu lương thực, vì thế Bộ vẫn đề xuất hỗ trợ.
Ngược lại có một số địa phương dù gặp thiên tai nhưng vẫn chủ động trích ngân sách lo gạo cho dân mà không cần hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Ví dụ như Sơn La, Quảng Nam. Trung ương khuyến khích các địa phương tăng trưởng kinh tế, tự lực chăm lo được cho người dân.
Trong quá trình kiểm tra, rà soát, có tỉnh nào không nhận được hỗ trợ gạo từ trung ương không, thưa ông?
- Trách nhiệm xác định nhu cầu thiếu đói là của địa phương. Bộ không thể đi kiểm tra hết mà đánh giá trên cơ sở địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, vì vậy Bộ tôn trọng việc rà soát của địa phương để trình Thủ tướng. Nếu địa phương xin cấp gạo 2-3 tháng cùng một lúc thì trước mắt có thể cấp một tháng tết trước, sau đó lại rà soát tiếp để cấp sau. Hầu như không có địa phương nào xin gạo mà Thủ tướng không cấp, hoặc các Bộ, ngành lại không trình. Nếu địa phương không trình, để người dân đói mà báo chí phản ánh là không được.
Xin cảm ơn ông!
Nhiều địa phương tự lo bằng ngân sách Trước thông tin Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa xin gạo cứu đói, một số ý kiến cho rằng các tỉnh này không khó khăn mà vẫn xin gạo. Về vấn đề này, ông Nguyễn Bằng Toàn - Giám đốc Sở LĐTBXH Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, dân số hơn 3 triệu người, nhưng có tới 6 huyện thuộc diện miền núi đặc biệt khó khăn. "Trong đợt xin hỗ trợ gạo cứu đói Tết Đinh Dậu, tỉnh xin hỗ trợ hơn 1.700 tấn gạo, trong khi năm 2016 tỉnh xin hỗ trợ hơn 3.000 tấn" - ông Toàn nói. Giải thích về quy trình và căn cứ để đề xuất xin hỗ trợ gạo từ Chính phủ, ông Toàn cho biết, quy trình xin hỗ trợ gạo được rà soát kỹ từ thôn, xã, tới huyện rồi mới gửi lên tỉnh. Sau đó Sở tiếp tục rà soát, kiểm tra lần nữa, khi thống nhất các ý kiến mới trình lên lãnh đạo tỉnh để phê duyệt rồi gửi kiến nghị ra Trung ương. "Chúng tôi đề xuất xin hỗ trợ gạo cứu đói đợt này không chỉ dành cho những hộ nghèo, những hộ đặc biệt khó khăn mà còn dành cho những hộ bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, gia đình gặp hoạn nạn..." - ông Toàn nói. Ông Lê Viết Phái - Trưởng phòng Trợ giúp đột xuất Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết, đến 5.1, đơn vị đã nhận được tờ trình của 15 tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Đinh Dậu, với số gạo hơn 17.000 tấn. Tuy nhiên, theo ông Phái, đây chưa phải là thời hạn chót nhận công văn đề nghị xin hỗ trợ gạo cứu đói. Năm nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên chắc chắn gặp khó khăn. Vẫn còn nhiều địa phương đang tiếp tục rà soát làm tờ trình xin gạo. "Thực tế không phải hộ nào thiếu đói cũng xin gạo vì địa phương cũng có sĩ diện. Ví dụ như Sơn La, dân còn đói nhiều nhưng địa phương tự lo bằng ngân sách của mình. Một số đơn vị khác thì chẳng muốn xin vì xin được vài cân gạo mất công phân chia. Tuy nhiên, dân đói, nghèo thì địa phương mới phải xin"- ông Phái nói. Bộ LĐTBXH cũng đặt mục tiêu đến ngày 25.1 là thời hạn cuối cùng của việc hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán 2017. Cảnh Thắng - Thùy Anh
Theo Danviet
Người nghèo ngóng gạo cứu đói giáp Tết Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), đến ngày 3.1 đã có 12 tỉnh gửi công văn xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Đinh Dậu, với tổng số gạo cần hỗ trợ là hơn 14.700 tấn... Phóng viên NTNN đã về những vùng quê thuộc các tỉnh được nêu trong danh sách, và ghi nhận những...