Cô gái ‘tay 3 ngón’ thêu hàng trăm bức tranh đẹp khiến nhiều người phải nể phục
Mỗi bàn tay chỉ có ba ngón, mỗi bàn chân cũng chỉ có hai, nhưng người phụ nữ ấy đã làm ra hàng trăm bức tranh thêu đẹp như vẽ, chứng minh tinh thần lạc quan, vượt lên nghịch cảnh để sống vui khỏe, tích cực.
Sinh ra với căn bệnh “mất ngón”
Ngay từ khi mới lọt lòng, chị Đỗ Thị Hậu (32 tuổi, ở xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) không may mắc phải căn bệnh dị tật bẩm sinh, khiến cho đôi bàn tay và chân không được lành lặn như bao người khác. Không chỉ vậy, bác sĩ còn chẩn đoán chị bị viêm tai giữa, viêm giác mạc, kết mạc, viêm xoang cấp và viêm lệ đạo cấp tính.
“Từ nhỏ, cơ thể tôi đã rất yếu, bác sĩ nói phải sống chung với bệnh cả đời, ngay cả răng cũng là đeo giả. Vậy nên hiện tại, tôi chỉ có thể ở nhà và hầu như không làm được các công việc nặng”, chị Hậu cho biết.
Căn bệnh “mất ngón” khiến cho việc cầm nắm, đi lại của chị Hậu gặp khá nhiều khó khăn.
Chống chọi với nhiều căn bệnh, chị Hậu làm bạn với bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Những cơn đau nhức khiến bao đêm chị mất ngủ, lo lắng về cuộc sống và tương lai sau này.
“Mỗi lần đi viện, cảm giác toàn bộ bóng đen ập xuống đầu mình, trong đầu tôi cứ luôn quanh quẩn ý nghĩ, chẳng lẽ cứ ốm mãi như thế này sao? Tôi sống khá khép kín, lúc nào cũng tự ti về bản thân rằng mình luôn mang lại đen đủi cho mọi người”, chị kể về sự bất hạnh của mình, không giấu được nỗi buồn.
Mặc cảm về khiếm khuyết cơ thể và thường xuyên đau ốm, ở viện nhiều hơn ở nhà, chị Hậu sống khép kín hơn, không dám nói chuyện, tiếp xúc với ai.
Hành trình “thêu giấc mơ – lan tỏa nghị lực sống”
Khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng cũng giống như những cô bé khác, khi còn nhỏ, chị Hậu rất thích thêu thùa, may vá quần áo cho búp bê. Thể trạng không tốt, chị nghỉ học từ hồi lớp 5. Quanh quẩn ở nhà, thấy các chị, các dì thêu khăn, chị rất thích nên đã bảo với bố mình đi hàn cho cái khung, sau đó chị lấy vải từ những chiếc áo cũ ra thêu linh tinh.
“Hồi đó, tay cầm nắm không tiện, tôi phải luyện cách cầm kim, đầu ngón tay bị kim đâm nhiều nên đau lắm, thành ra nản, thêu chán xong bỏ dở”, chị cười buồn.
Để có được những bức tranh thêu tay đẹp như bây giờ, chị Hậu phải trải qua một quá trình dày công khổ luyện từ việc đơn giản nhất là học cách cầm vững cây kim.
Dù hứng thú với công việc thêu thùa từ nhỏ như vậy, nhưng mãi đến đầu năm 2020, chị Hậu mới thực sự nghiêm túc theo đuổi đam mê này. “Từ những lần đi viện, mỗi lần ốm dậy, trong đầu tôi lại xuất hiện ra nhiều ý tưởng mới, nó thôi thúc tôi phải thực hiện để quên đi cảm giác chán chường này”, người phụ nữ tật nguyền chia sẻ.
Video đang HOT
Thế rồi, khi xuất viện, về nhà, chị mua vải, mua chỉ thêu và bắt đầu thực hiện từ những mẫu đơn giản nhất, như thêu vài chú cá hay những đóa hoa đơn.
Chị thử xin vào các hội nhóm, đầu tiên là “Tiệm tạp hóa nhà may”. Sau đó được mọi người góp ý về cách phối màu, nhận xét về hình thêu chưa ổn, chưa rõ hình thù. Rất nhiều tác phẩm chưa được mọi người đánh giá cao, tuy nhiên, chị không nản và luôn tự nhủ với lòng mình rằng, người khác làm được thì bản thân mình cũng có thể làm được. Không thể cứ vin vào bệnh tật mà lười biếng, không làm gì, khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua.
Sự quyết tâm của chị suốt thời gian dài đã chứng minh “sau sự cố gắng, kiên trì chính là đích đến của thành công”.
Các sản phẩm thêu tay của chị Hậu tuy không đặc biệt về chuyên môn nhưng được nhận xét là rất có hồn.
“Giờ tôi có thể làm được mọi thứ, chỉ trừ mỗi thêu truyền thần thôi. Lúc in ra mẫu, mình không hề biết phải phối màu như thế nào cho hợp lệ, nhưng đến khi so kim, mọi ý tưởng mà bản thân mình đúc kết khi tự học và nghe góp ý của mọi người đã giúp tôi hoàn thành rất nhiều tác phẩm. Thật vui vì tất cả chúng đều được đón nhận”, chị Hậu hào hứng kể.
Lối sống tích cực, lạc quan, không đầu hàng số phận của chị Hậu khiến nhiều người chứng kiến rất xúc động. Chị Đào Thị Mai Hoa, Chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã Đại Hưng cho biết: “Chị Hậu là một tấm gương điển hình của người vượt lên số phận, vượt lên khiếm khuyết của bản thân để tự tìm công việc và có thu nhập riêng cho mình. Hội Liên hiệp phụ nữ và xã hàng năm cũng có các phần quà vào dịp lễ, tết để thăm hỏi, động viên cho những chị em khuyết tật, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, điển hình như chị Hậu.”
Giờ đây, những bức tranh thêu cùng câu chuyện nghị lực của chị Hậu đã được rất nhiều người biết đến. Họ yêu thích sự chỉn chu, cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ và đặt mua tranh của chị để gửi tặng người thân, bàn bè. Có những bức còn được đóng khung, gửi đi các nước như Malaysia, Trung Quốc, Mỹ.
“Được mọi người ủng hộ, tôi như tiếp thêm sức mạnh và sẽ cố gắng cho ra nhiều sản phẩm chỉn chu hơn nữa. Trước tự ti bao nhiêu thì bây giờ tôi đã hiểu, chỉ cần trái tim không ngừng đập thì yêu thương sẽ luôn bên ta”, chị Hậu tâm sự.
Các bức tranh được lồng khung rất đẹp, trang trí trong nhà, là nỗ lực không mệt mỏi của chị Hậu.
Nói về dự định trong tương lai, chị bày tỏ niềm mong muốn sẽ mở được một tiệm thêu tranh nho nhỏ để tiếp tục nhân rộng niềm đam mê. “Hiện tại, tôi sẽ làm thêm các sản phẩm và có chị em nào thích thì liên hệ với tôi, đưa mẫu để tôi thêu. Sau này, tôi hy vọng sản phẩm của mình sẽ đến với nhiều người hơn và mang câu chuyện cảm hứng đến mọi người nhiều hơn nữa. Tôi nhất định sẽ làm được!”, chị bày tỏ niềm lạc quan và quả quyết.
Đồng cảm với những nỗ lực vươn lên của cô gái tật nguyền, chị Lê Thị Hồng Hoa (người ở cùng thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức) chia sẻ: “Hậu bị khuyết tật từ khi sinh ra, nhưng là một người rất nghị lực, ham học hỏi và vượt khó. Đặc biệt em ấy thêu rất khéo, mặc dù bàn tay chỉ có ba ngón. Nhiều khi bản thân người bình thường có đủ tay chân lành lặn chưa chắc đã khéo tay được như vậy. Thi thoảng, Hậu có thêu 2, 3 bức tranh tặng cho con gái nhà tôi và ai nhìn thấy cũng đều khen tranh rất đẹp”.
Trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam được thể hiện qua bức thêu tay vô cùng tỉ mỉ.
Cách kết hợp màu sắc giữa những cánh hoa khiến chúng trở nên sinh động như thật.
Sản phẩm của chị Hậu có những hình ảnh đời thường rất dễ thương.
5 tuổi bị bỏ rơi trước cổng chùa, 20 năm sau cô gái khiếm khuyết làm được điều kỳ diệu
Không trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, cô gái khiếm khuyết đã tự vươn lên trở thành cử nhân ngành dược và kiếm sống bằng những bức tranh thú cưng.
Nỗi buồn của cô bé tuổi lên 5 bị bỏ rơi trước cổng chùa
Trần Ngọc Anh Thư (25 tuổi) lớn lên trong một ngôi chùa thuộc tỉnh Đồng Nai. Trong kí ức của cô gái đáng thương, hình ảnh người mẹ vô cùng nhạt nhòa bởi đã 20 năm nay cô không còn gặp lại hình dáng ấy nữa.
Nhắc lại kỉ niệm buồn, Thư kể: "Mẹ đã dắt mình vào chùa lúc mình lên 5 tuổi, còn ba thì mình chưa bao giờ thấy. Thỉnh thoảng các sư cô vẫn kể: "ngày đầu con bé vào đây nó chưa biết chữ nào, nhưng nó biết mọi thứ trên đời. Nó nói mãi không thôi"...
Lớn hơn một chút, mình dần ít nói hơn, thu hẹp bản thân hơn khi biết bản thân là trẻ bị bỏ rơi. Khoảng những năm đầu cấp hai, nhận ra là ngoại hình khác với các bạn nên mình rất nhạy cảm và sợ ánh mắt của mọi người.
Hồi nhỏ, mình rất buồn vì nghĩ mẹ không thương mình nhưng khi lớn hơn, có nhiều trải nghiệm hơn mình tự nhận thấy bản thân vẫn còn rất may mắn và hạnh phúc hơn nhiều người. Mình không trách mẹ nữa, có thể việc để mình lại chùa đã là lựa chọn cuối cùng của mẹ rồi và mẹ cũng rất đáng thương khi phải rời xa đứa con của mình", Thư bộc bạch.
Thư bị bỏ rơi lúc 5 tuổi trước cổng một ngôi chùa ở Đồng Nai.
Sống cùng những trẻ mồ côi và được các sư cô nuôi nấng, chăm sóc nhưng chỉ mình Thư là trẻ khiếm khuyết nên cô bạn luôn cảm thấy tự ti về bản thân. Ở chùa, các bạn ai cũng có người đến nhận làm con nuôi còn Thư thì không. Mãi sau này mới có một chị đến và nhận cô làm em nuôi.
Để vượt qua thời gian ấy, Thư đã chọn làm bạn với bút chì, tranh vẽ như một cách viết nhật kí để bày tỏ nhưng suy nghĩ cảm xúc của mình. Khi học đến cấp phổ thông, Thư bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về hội họa qua các kênh Youtube.
Thư tìm đến các bức vẽ như cách tự an ủi tâm hồn mình.
Bút vẽ, chì màu biến cô gái tự ti trở nên yêu đời hơn
Năm 2016, Thư rời chùa, một mình vào TP.HCM để học tập rồi cũng một mình tự đi thi, thuê trọ giữa thành phố rộng lớn.
Thư đậu ngành công nghệ thông tin, nhận được học bổng nhưng bỏ dở giữa chừng. Năm tiếp theo, Thư tiếp tục thi theo học ngành dược một trường cao đẳng ở TP.HCM theo nguyện vọng của các sư cô.
Cơ hội tươi sáng mở ra cánh cửa tưởng chừng hạnh phúc với cô bạn nhưng môi trường này lại khiến cô chẳng có nổi một người bạn để cùng đi ăn, đi chơi hay tâm sự. Thư kể, dường như ở trong lớp mình có khả năng đặc biệt, đó là tàng hình.
Khi ấy, cô bạn lại tìm đến tranh vẽ như một cách để giải tỏa nỗi lòng của mình. Thư vẽ tranh nhiều hơn, vẽ chân dung để tặng chị nuôi. Những bức vẽ, chì màu có một sức mạnh kì lạ giúp cô gái nhỏ bé cảm thấy yêu đời nhiều hơn.
Tốt nghiệp ngành dược nhưng tình yêu hội họa lại kéo Thư đến với những bức tranh như một công việc nuôi sống mình.
Hiện tại, vẽ tranh là công việc giúp cô bạn nuôi sống bản thân.
Cô bạn hào hứng nhớ lại cơ duyên đặc biệt ấy: "Trong một lần tham gia dự án phi lợi nhuận mình nhận được lời mời từ một người chú vẽ một bức tranh thú cưng. Đó là khách hàng đầu tiên của mình", Thư tâm sự.
Từ bức tranh đó, nhiều người nước ngoài biết đến Thư và đặt hàng cô bạn vẽ tranh thú cưng của họ. Sau 2 năm gắn bó với nghề, Thư đã vẽ hơn 100 bức cho những vị khách nước ngoài.
Cũng bằng công việc gắn với đam mê này giúp Thư chi trả được chi phí thuê phòng trọ. Cô bạn luôn tâm niệm rằng: "Dù bạn là ai thì bạn cũng là phiên bản đặc biệt và duy nhất trên thế giới này. Chấp nhận những điều không hoàn hảo của bản thân và nỗ lực phát triển bản thân hơn mỗi ngày thì mọi khó khăn cũng chỉ là thử thách".
Nỗ lực hết mình trong cuộc sống, công việc, cô nàng bộc bạch bản thân chưa nghĩ đến chuyện tình cảm cá nhân mà muốn tập trung phát triển bản thân để trở thành cô gái độc lập, hạnh phúc hơn.
Cô gái Hải Dương theo chồng sang Angola làm bác sĩ, ngày khám chữa bệnh, tối làm nông dân Đã 7 năm ở Angola, vợ chồng Quỳnh vẫn ngày ngày miệt mài thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Sang Angola làm bác sĩ Sau khi sinh con gái đầu lòng được 10 tháng ở Việt Nam, Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1990, quê Hải Hương) lại cùng chồng thu xếp trở lại Angola, để em bé lại cho ông bà nội ngoại chăm...