Cô gái nhà giàu nằng nặc đòi chuyển giới, lấy nữ bác sĩ tâm thần
Mắc chứng hưng cảm, thường xuyên hoang tưởng, cô gái con nhà giàu ở Hà Nội liên tục đòi kết hôn với nữ bác sĩ điều trị cho mình.
8 giờ sáng, tại sảnh khám bệnh – bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 (Thường Tín, Hà Nội) khá ồn ào.
Thi thoảng một bệnh nhân lại nhảy lò cò, cười khành khạch rồi nói không ngừng nghỉ. Bên cạnh là 2,3 người nhà đứng trông chừng. Người phụ nữ da đen xạm, dáng lam lũ lấy tay quệt nước mắt khi chứng kiến cô con gái khoảng 20 tuổi chạy vòng quanh hàng ghế.
Bà chia sẻ, 2 năm nay, con gái bỗng phát bệnh tâm thần, có gì trong tay là ném tứ tung. Ban đầu bà nghe người ta, đi cúng bái, chữa thuốc Nam nhưng không thuyên giảm, giờ hai vợ chồng mới đưa con vào bệnh viện thăm khám lần đầu.
Mắc bệnh tâm thần, thiếu nữ thích gạ gẫm người lạ
Mỗi ngày, bác sĩ Đặng Thị Tươi – khoa Cấp tính nữ, BV Tâm thần Trung ương 1 phải tiếp xúc với không ít bệnh nhân như cô gái kể trên.
Bác sĩ Tươi chia sẻ, nhiều cô gái có dấu hiệu mắc hội chứng hưng cảm. Những ngày nắng nóng, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện điều trị tăng cao.
‘Đây là chứng bệnh đối nghịch với trạng thái trầm cảm. Đối tượng mắc bệnh thường có triệu chứng hoang tưởng tự cao rõ rệt, hưng phấn về cảm xúc, ảo giác nặng. Người bệnh cảm giác như tràn đầy nhiệt huyết, nói suốt cả ngày.
Đa số người hưng cảm đều bị rối loạn giấc ngủ, ăn uống. Một số bệnh nhân còn tăng nhu cầu hoạt động tình dục. Dần dần, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy kiệt vì hoạt động nhiều, trong khi ăn, ngủ kém’, BS Tươi nói.
Sảnh khám bệnh, bệnh viện Tâm thần Trung ương I
Một trong những bệnh nhân có biểu hiện hưng cảm đặc trưng nhất mà bệnh viện từng tiếp nhận và điều trị là Đ.T.H (SN 1986 – Hải Dương) hay còn gọi là hot girl Bella. Lúc nào người phụ nữ này cũng nghĩ mình là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Bên cạnh đó, có thời gian chị luôn có ảo thanh trong đầu rằng, có người muốn ám hại mình.
Hay như trường hợp nữ bệnh nhân tên V nhà ở Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang điều trị ngoại trú. Nữ bác sĩ nhớ lại: ‘5 năm trước, tôi chính thức về bệnh viện Tâm thần Trung ương I công tác.
Thời sinh viên, tôi đã trải qua các kỳ thực tập, nghiên cứu nên đã phần nào hiểu được tính chất công việc mình đang làm, tiếp xúc với bệnh nhân ra sao?…Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc, tôi cũng gặp không ít bất ngờ’.
Video đang HOT
Vẫn lời BS Tươi, bệnh nhân nữ tên V (Hà Nội), sinh ra trong gia đình khá giả. Mẹ mất sớm, bố sang nước ngoài định cư và lấy vợ mới. V sống ở Việt Nam với người bác ruột.
Ngày đầu tiên BS Tươi đi làm, bệnh nhân V đã có thâm niên nhiều năm điều trị chứng hưng cảm tại bệnh viện. Thấy BS Tươi, V chạy đến vồn vã: ‘Em đi chuyển giới rồi BS cưới em nhé’.
Những ngày sau đó, V đặc biệt quý mến BS Tươi, hay trò chuyện, tán tỉnh. Nữ BS cũng dành nhiều thời gian chăm sóc, quan tâm đến trường hợp này.
Khoa Cấp tính nữ (bệnh viện Tâm thần Trung ương I)
Giọng buồn bã, bác sĩ Tươi nói: ‘Bố V ở nước ngoài nên suốt thời gian dài, hầu như chỉ có người bác đưa V đến thăm khám, điều trị. Có lẽ tuổi thơ không hạnh phúc đã khiến bệnh tình của V thêm trầm trọng. Vài năm trở lại đây, V đã ổn định hơn, chỉ điều trị ngoại trú’.
Theo lời bác sĩ Tươi, không chỉ riêng V, một số bệnh nhân hưng cảm cũng thích tán tỉnh người khác, bất kể cùng giới hay khác giới. Tuy nhiên, họ luôn nghĩ rằng, người đó thích chứ không phải họ thích người ta.
Chồng ngoại tình, nữ đại gia nửa đêm ‘nấu cháo’ điện thoại với bác sĩ
Công tác tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 trên 20 năm, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Vân (SN 1974) – Trưởng khoa Bán cấp tính nữ cho hay, cuộc sống hiện đại, áp lực công việc, gia đình khiến nhiều người dễ mắc chứng trầm cảm.
Các ca trầm cảm dù nặng hay nhẹ vào điều trị tại khoa, bác sĩ Vân thường dùng phác đồ thuốc kết hợp liệu pháp tâm lý để chữa trị.
Một trong các ca bệnh chị điều trị nhiều năm nay là người phụ nữ giàu có. Khi tìm đến bác sĩ, bệnh nhân có biểu hiện tiều tụy, mất tập trung, liên tục nghĩ đến việc tự tử.
Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc chứng trầm cảm. Tìm hiểu căn nguyên khởi phát bệnh, bác sĩ Vân được biết, người này có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc.
Những cuộc cãi vã triền miên cộng với việc phát hiện chồng ngoại tình làm chị suy sụp. Bên cạnh đó, con cái đến tuổi vị thành niên, tâm lý thay đổi, sợ con đua đòi, hư hỏng, bệnh nhân lúc nào cũng trong trạng thái lo âu tột độ.
Để giúp bệnh nhân giải tỏa buồn bực trong lòng, mỗi ngày chị Vân thường dành cả tiếng đồng hồ tâm sự với chị như người bạn.
Hôm nào không gặp bác sĩ ở viện, bệnh nhân này lại gọi điện ‘nấu cháo’. Cuộc gọi có khi kéo dài vài tiếng đồng hồ.
Thậm chí 2 – 3 giờ sáng, bệnh nhân này mất ngủ cũng gọi đến than thở với bác sĩ. Sau này, có nhiều đêm bác sĩ Vân phải tắt máy và gọi lại cho bệnh nhân vào hôm sau.
‘Những lúc bệnh nhân cần lời động viên, chia sẻ, tôi rất sẵn lòng, tuy vậy, nếu thức đêm kéo dài, bản thân mình cũng ngã bệnh, không thể tỉnh táo khám chữa bệnh được. May mắn sau nhiều năm điều trị tích cực, bệnh nhân này đã ổn định tinh thần, chỉ tái khám theo định kỳ’, bác sĩ Vân kể.
Bác sĩ Vân tư vấn cho trường hợp mắc bệnh trầm cảm
Theo bác sĩ Vân, những bệnh nhân trầm cảm cần được quan tâm, chia sẻ sâu sắc từ người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Vì chỉ cần 1 hành động nhỏ, 1 phút lơ là có thể xảy ra chuyện thương tâm.
Giọng man mác buồn, bác sĩ Vân kể, cách đây vài tháng, có trường hợp bệnh nhân trầm cảm nặng, được người nhà đưa vào nhập viện. Nhập viện xong, người nhà rời viện để về quê lấy thêm giấy tờ.
Chẳng ngờ, người bệnh u uất, tưởng người nhà bỏ rơi mình nên bí mật treo cổ trong phòng lúc 3 giờ sáng. Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
‘Người mắc bệnh trầm cảm có ý định tự sát rất mãnh liệt. Có thể biểu hiện bên ngoài họ vẫn cười nói bình thường nhưng bên trong suy nghĩ là tìm cái chết. Bởi vậy, khi phát hiện bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh trầm cảm cần đưa đến bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và điều trị kịp thời’, nữ bác sĩ đưa ra lời khuyên.
Theo Huy Hùng – Minh Anh (Vietnamnet)
"Nợ chồng nợ" nữ kế toán mới phát hiện bệnh tâm thần
Do áp lực nợ tiền xây nhà, chị Th 38 tuổi luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi. Những dấu hiệu này kéo dài, chị đi khám bệnh khắp các BV khiến tiền khám bệnh, thuốc nhiều hơn cả số tiền nợ xây nhà mà vẫn không tìm ra bệnh.
Bước đường cùng chị đi khám tâm thần và được "bắt" trúng bệnh.
Kể về ca bệnh này, TS-BS Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng Điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân làm nghề kế toán, là người có tính cách cầu toàn. Sau khi cưới, 2 vợ chồng bàn nhau xây nhà và phải vay số tiền bằng 1/4 tiền xây. Do chồng đi làm xa ít về nên việc xây nhà, chăm con đều do một tay chị Th đảm nhiệm. Sau một thời gian, chị Th có biểu hiện hay căng thẳng lo lắng; cảm giác đau đầu 2 bên thái dương và lan ra khắp đầu, kèm theo ngủ kém, đêm khó vào giấc, chỉ ngủ được 1-2 tiếng mỗi đêm. Bên cạnh đó, mỗi khi gặp căng thẳng, bệnh nhân thường thấy hồi hộp, vã mồ hôi, nặng tức ở ngực, dạ dày trào ngược.
Với những triệu chứng đó, chị Th đã đi khám ở nhiều nơi, khám ở đâu chị cũng yêu cầu được chụp chiếu xét nghiệm. Khi thấy kết quả bình thường, chị Th yên tâm một thời gian, về nhà uống thuốc nhưng thấy không đỡ nên lại đi khám bệnh ở cơ sở khác.
Người bệnh đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai. Ảnh T.A
Trong suốt 4 năm ròng rã, chị Th rất chịu khó đi khám và uống thuốc. Hễ ai mách ở đâu có thầy chữa tốt đều tìm đến, do đó số tiền đi khám chữa bệnh nợ nần còn lớn hơn cả số tiền xây nhà. Chính vì thế chị Th lại càng lo nghĩ nhiều hơn và tình trạng bệnh càng tăng lên. Đến bước cuối cùng gia đình đành đưa chị vào Viện Sức khỏe tâm thần.
Bệnh nhân nhập viện khi hồ sơ khám bệnh với đủ các loại chiếu chụp dày hàng gang tay. Bệnh nhân làm kế toán nhưng đã phải nghỉ việc 1 năm nay do bệnh tật. Sau khi thăm khám chúng tôi thấy bệnh nhân mắc chứng rối loạn dạng cơ thể do tính cách hay lo lắng, cầu toàn. Bệnh này điều trị một thời gian là khỏi, TS Dương Minh Tâm nói.
Một trường hợp khác cũng mắc bệnh do tính cách hay lo lắng, đó là một thanh niên 28 tuổi, làm nghề lái xe, công việc không quá vất vả căng thẳng. Khi chuẩn bị cưới vợ thanh niên này hay lo lắng, suy nghĩ về tiền chuẩn bị đám cưới.
"Bệnh nhân lo lắng quá mức về đám cưới của mình, lo cưới tốn kém không đủ tiền, kèm theo lo lan man nhiều chủ đề như kinh tế, sức khỏe, việc sau cưới có hợp nhau không. Bệnh nhân hay lo sợ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình, như là lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường. Mặc dù đám cưới đã diễn ra cách đây 5 tháng nhưng bệnh nhân vẫn lo lắng lan man nhiều chủ đề", BS Dương Minh Tâm chia sẻ.
Suốt 6 tháng từ trước khi cưới đến khi cưới xong, chàng trai này bắt đầu xuất hiện ngủ kém, khó vào giấc, đêm dễ giật mình, mệt mỏi, hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi; cảm giác nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở; ăn uống kém hơn, hay nóng ruột gan, đầy tức bụng khó tiêu, ăn không ngon; đau căng tức đầu...
Sau đó chàng trai đã đi khám ở BVĐK tỉnh, khám các chuyên khoa tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng không phát hiện bất thường. Bệnh tình khiến sức khỏe mệt mỏi, chàng trai phải nghỉ làm. Mãi đến khi không còn biết khám ở đâu, bệnh nhân đã tìm đến Viện Sức khỏe tâm thần và được phát hiện mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa do stress.
Theo BS Dương Minh Tâm, có hai thể stress, một là stress bệnh lý cấp tính xuất hiện từ một tình huống không thể lường trước hoặc những tình huống quá dữ dội đối với chủ thể (như: người thân bị bệnh nặng, bị tấn công, gặp nguy hiểm...); hai là stress bệnh nguyên, bệnh phát sinh từ sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội..., sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân.
Trên thế giới có khoảng 350 triệu người mắc chứng trầm cảm, hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Y tế có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress. Các rối loạn liên quan đến stress chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng và ngày một tăng hơn trong xã hội phát triển. Đa số người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh thường phải mất nhiều thời gian đi khám trước khi đến được với chuyên khoa tâm thần gây nên nhiều gánh nặng cho xã hội và người bệnh.
Stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh. Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh. Với người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.
Một cơ thể khỏe mạnh, một môi trường tích cực sẽ hỗ trợ tốt cho nhân cách. Vì vậy, mỗi người cần có một cơ thể khỏe mạnh. Mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn. Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực.
Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện... , BS Tâm đưa ra lời khuyên.
Thịnh An
Theo phapluatxahoi
Nghiên cứu mới: Có thể bị tâm thần vì ăn bánh mì kẹp xúc xích Một nghiên cứu mới phát hiện, bánh mì kẹp xúc xích và các loại thịt chế biến khác như xúc xích và thịt bò khô có thể gây ra các cơn hưng cảm, tình trạng dễ bị kích động, cáu kỉnh, hay thừa năng lượng. Hưng cảm hay mania là một tâm trạng hứng khởi cao bất thường hoặc dễ bị kích thích,...