Cô gái ‘gây bão’ từ khu cách ly Covid-19
“Mình quyết định sẽ đi… cọ nhà vệ sinh” – bài viết trong ngày đầu tiên ở khu cách ly của Thùy Dung nhận hơn 6.000 lượt “thích”, hơn 500 lượt chia sẻ.
Suốt bốn ngày qua, “nhật ký” từ khu cách ly tại quận 3, TP HCM của Nguyễn Thùy Dung, 28 tuổi, đang học thạc sĩ ngành Luật Quốc tế, Đại học HanYang (Hàn Quốc) trở thành đề tài được theo dõi và chia sẻ trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Sự lạc quan và tinh thần hợp tác trong việc phòng chống dịch Covid-19 khiến Thùy Dung được gán cho những biệt danh như “Hotgirl trong làng cách ly”, “Cô gái vàng trong làng cách ly” hay “Cô vợ quốc dân”.
Nguyễn Thùy Dung khi vừa về tới khu cách ly ở quận 3, TP HCM lúc hơn 2h sáng ngày 27/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc, Thùy Dung không có ý định về Việt Nam bởi nhiều lần từ trường về nhà trọ, cô phải đi xuyên qua các đoàn biểu tình ở thủ đô Seoul và có thể đã nhiễm nCoV từ một ai đó. “Tôi sợ nếu về mình sẽ lây bệnh cho người khác”, Dung chia sẻ.
Nhưng mẹ cô ở Hà Nội cứ hai tiếng một lần lại gọi điện giục cô về Việt Nam. Bà Hoàng Thu Nga, 59 tuổi, mẹ Thùy Dung nhớ lại: “Suốt 3 ngày liền tôi không ngủ được, cứ nhắm mắt lại là khóc, nghĩ tới con ở bên đó chỉ có một mình, nhỡ có chuyện gì…”.
Để yên lòng mẹ, nên dù không đặt được vé về Hà Nội, Dung chấp nhận bay từ Seoul về TP HCM vào tối 26/2 với ý nghĩ “dù sao ở nước mình cũng tốt hơn”. 21h ngày hôm đó cô gái Hà Nội 28 tuổi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tại đó, cô được kiểm tra sức khỏe và đưa về trung tâm cách ly nằm trên đường Trần Quang Diệu, quận 3, lúc 2h sáng ngày 27/2. “Về đến trung tâm tôi đã bớt lo hơn, thay vào đó là cảm giác biết ơn những người làm công tác chống dịch, vì tôi mà họ phải vất vả”, Dung kể.
Trên trang Facebook cá nhân, cô gái kể lại toàn bộ quá trình từ lúc hạ cánh cho đến khi được xe đón về khu cách ly và kết luận: “…có quê hương thế này để về, thật sự không còn biết cám ơn gì hơn nữa. Mọi người ở TP HCM đã tạo một niềm tin vào con người quê hương mình, bỗng thấy tình yêu nước thành hình hài, điều mà với thế hệ mình vốn trước giờ còn khá là mơ hồ”.
Bài viết của Thùy Dung nhận hơn 2.000 lượt “thích”.
Thùy Dung trước cửa phòng cách ly, sáng 29/2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cũng từ sau bài viết đó, nhật ký online về những ngày trong khu cách ly của Thùy Dung ra đời với tên gọi “Con ơi hồi 28 tuổi mẹ bị cách ly” ra đời. Cô tự đặt cho mình một biệt danh tạm thời là “nàng Phi Yến” đang tạm bị thất sủng phải ở trong cung cấm, lấy ý tưởng từ bộ phim “Nàng Phi Yến trong cung nhà Hán”.
Sáng đầu tiên thức dậy ở trung tâm, vừa bước ra cửa, bộ quần áo bệnh nhân màu xanh đã được các nhân viên y tế xếp ngay ngắn, đặt trên một chiếc ghế nhựa trước cửa, chờ Dung ra lấy. Cô được nhân viên y tế ở đây hướng dẫn thêm về giờ giấc sinh hoạt và các quy định chung. Số lượng người cách ly tại đây chưa nhiều nên Dung được ở một mình trong căn phòng 3 giường, có nhà vệ sinh riêng.
“Người ta bảo có 2 thứ không giấu được đó là ho và yêu. Ơn trời, trong hoàn cảnh nay thì mình chưa ho nhưng mà lại đang yêu quá. Người Sài Gòn vốn dễ thương thế này hay số mình hên mà ai ai xung quanh cũng cưng mình. Nhân viên y tế quan tâm chăm sóc nhã nhặn chu đáo, sáng để sẵn quần áo bệnh nhân ngoài cửa cho thay, một câu chị hai câu bé”, Thùy Dung viết và minh họa bằng bức ảnh chụp giàn hoa Sử quân tử trước cửa phòng cách ly với chú thích: “Hoa trong vườn khu y tế, nó lại bị thơ quá không?”.
Dù ở trong khu cách ly nhưng Thùy Dung không thấy có sự bất tiện nào. Ngay trong ngày đầu tiên, cô đã nhờ người quen mua sim điện thoại để liên lạc với gia đình và bạn bè. Wifi có sẵn có nên mọi người thường đặt đồ ăn vặt ở ngoài mang vào. Mọi giao dịch đều qua thẻ tín dụng, bởi từ khi xuống máy bay đến bây giờ Dung vẫn chưa đổi được tiền Việt.
Bài viết thứ hai của ngày đầu tiên trong đợt cách ly, Thùy Dung tuyên bố, mình nên làm gì đó để thể hiện sự biết ơn với TP HCM” và cô gái quyết định… đi cọ nhà vệ sinh. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo phạm vi cách li của mình”, cô nói vui. Chùm ảnh cô gái cầm chai nước vệ sinh bồn cầu, đôi găng tay cao su, cái khăn mặt, bát đĩa và bàn chải, kem đánh răng… đi kèm chú thích “thôi thì quý phi cũng nên làm gương cho bách tính, dáng cọ bệ xí sao cho thật sang là được” nhận hơn 6.300 lượt “thích” và hơn 500 lượt chia sẻ.
Thùy Dung đi cọ nhà vệ sinh để nếu có thêm người khác đến, mọi người sẽ yên tâm khi thấy WC sạch sẽ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Bỗng nhiên nổi tiếng khắp cả nước khiến Thùy Dung hơi bất ngờ. Trong “nhật ký” ngày thứ ba của mình cô viết: “Hậu cung của ta đã thức giấc chưa? Hôm qua ta hơi choáng ngợp trong sự nổi tiếng nhưng sáng nay tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngon, ta thấy vẫn choáng ngợp quá…”.
Nhưng việc “chỉ có ăn uống và nghỉ ngơi” cũng khiến cô gái Hà Nội e ngại sẽ tăng cân mất kiểm soát nên cô và mọi người rủ nhau đặt mua một bộ vợt cầu lông để chơi vào hai buổi sáng và chiều. Trước khi sử dụng, bộ vợt được xịt khử trùng cẩn thận. “Cầu lông là lựa chọn tối ưu nhất, mọi người đứng cách nhau xa hơn 2 mét, vừa đảm bảo cự ly an toàn vừa vui”, cô hào hứng kể. Thùy Dung tự cho mình là “Chủ tịch câu lạc bộ cầu lông cấm cung” do chỉ mình cô có giày còn các “Phó chủ tịch” khác đánh cầu với dép tổ ong.
Điều Dung hy vọng nhất bây giờ là bản thân và mọi người ở đây không có ai nhiễm bệnh. Dung có tâm nguyện, sau khi hết thời gian cách ly, cô sẽ mua tặng trung tâm một cái tủ lạnh nhỏ vì thời tiết Sài Gòn đang rất nóng. Ngoài việc xem tivi và lướt web hay chơi cầu lông, thời gian còn lại của Dung ở đây còn khá nhiều. Hôm qua, cô vừa mượn được một cái bàn để ngồi học bài và ăn cơm. Ở đây, Dung nhỏ tuổi nhất và còn đang đi học.
Thùy Dung chế lời bài hát “Để Mị nói cho mà nghe” và tự quay video thành bài hát động viên mọi người cùng lạc quan, phòng chống dịch Covid-19. Video: Nhân vật cung cấp.
Hai hôm nay, Dung không gọi đồ ăn ở ngoài nữa vì phải sử dụng túi ni lông và ống hút nhựa nhiều. Thay vào đó, Dung đăng ký thực đơn cho ngày hôm sau khi có nhân viên trung tâm gửi tin nhắn qua điện thoại. Trưa nay, cô sẽ ăn tiếp món thịt ram vì cảm thấy hợp khẩu vị nhất.
Sau bốn ngày cách ly, sức khỏe của Thùy Dung vẫn tốt, không có dấu hiệu bất thường, cô đã thích nghi với nếp sinh hoạt mới nhưng điều cô lo nhất vẫn là không biết mình có nhiễm nCoV hay không.
“Mình nhớ mẹ. Sài Gòn đối với mình quá tuyệt vời nhưng Hà Nội là nhà, là gia đình của mình… Mình tích cực lên để những cô chú anh chị đang chăm sóc phục vụ mình mỗi ngày họ cũng đỡ mệt mỏi căng thẳng”, Thùy Dung tâm sự.
Diệp Phan
Theo VNE
Nam thanh niên kể chuyện vui trong khu cách ly khi từ Hàn Quốc về Việt Nam, nhưng dân mạng chỉ chăm chăm chỉ ra điều thú vị này
Trong lúc nam thanh niên đang hí hửng kể chuyện vui vẻ khi bản thân là người "mở bát" đầu tiên trong khu vực cách ly của huyện vì từ Hàn Quốc về, thế nhưng dân mạng chỉ chăm chăm "hóng" chuyện tình anh chàng với cô y tá sẽ "ra gì và này nọ" trong tương lai.
Để phòng tránh với dịch Covid-19, người người, nhà nhà luôn luôn trong tư thế phòng chống dịch, từ khẩu trang, nước sát khuẩn, hạn chế đến nơi đông người... luôn được người dân nghiêm túc thực hiện.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn không cho dịch Covid-19 bùng phát, ở những nơi có người từ vùng dịch về Việt Nam đều được cách ly tối thiểu 14 ngày để đảm bảo an toàn cho chính họ và những người xung quanh.
Mới đây, một nam thanh niên đã lên mạng kể câu chuyện vui của mình khi là người đầu tiên "mở bát" cách ly tại khu cách ly của huyện khiến nhiều người bàn tán xôn xao.Anh chàng kể: "Mình vừa về Việt Nam được 1 ngày và ngày hôm sau đã có 1 cô y tá và 1 anh công an xã đến tận nhà để kiểm tra sức khoẻ và kê khai thông tin.
Khoảng 2 tiếng sau thì có thêm 1 chị Trưởng trạm y tế Thị trấn đến khám. Mình rất bất ngờ khi ở Việt Nam mặc dù chỉ ở các Thị trấn hay Huyện, Xã nhưng tinh thần phòng chống dịch của đội ngũ y bác sĩ rất cao, rất nhiệt tình. Đến nỗi đang vắt lưỡi ở phòng chưa kịp ngủ trưa thì có nhân viên y tế của Bệnh viện đến tận nhà và "bế" lên khu cách ly trên Bệnh viện. Mặc dù có hơi buồn chán 1 chút nhưng vì sức khoẻ của gia đình cũng như cộng đồng thì nên nghe lời các bác sĩ vậy!
Vì là thằng đầu tiên khai trương khu cách ly của Huyện nên ai cũng nhìn mình với ánh mắt không được mấy thiện cảm. Nhưng mấy chị y tá cũng rất dễ thương đối xử với mình rất là tốt luôn, nhờ mua dùm ly cafe là thấy ấm rồi".
Bài đăng của nam thanh niên này khiến dân mạng thi nhau... gán ghép.
Đính kèm với lời kể là hình ảnh cặp nhiệt độ, giấy vệ sinh, nước sát khuẩn và... cốc cafe anh chàng được cô y tá dễ thương nào đó mua hộ.
Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện tưởng như đơn giản này của anh chàng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dùng mạng. Đại đa số chúc anh chàng "may mắn" âm tính với Covid-19, nhưng số khác lại chỉ chăm chăm vun vào mối quan hệ của anh chàng này với cô y tá dễ thương kia:
- "Rồi mai lại có tâm sự, đến khu cách ly của huyện và tán luôn được em y tá xinh đẹp ý nhỉ? Được em y tá mua hộ cafe là nhất bác rồi".
- "Trước tiên chúc chủ thớt âm tính với em Covid-19 nhé, thứ 2 thì cũng xin là hóng đoạn kết, cuối cùng chủ thớt có xin được số điện thoại em y tá kia không?".
- "Chúc bác an dưỡng vui vẻ, sớm tái hòa nhập cộng đồng rồi vài ngày nữa lại có tus "Mình cua được chị y tá dễ thương rồi" cũng nên".
- "Mìnhđang làm đơn xin cách ly đây, cách ly kiểu gì mà wifi thì full cây, cơm ngày 3 bữa bưng tận miệng, nước rót, được chăm sóc đặc biệt, được ngắm nữ điều dưỡng xinh xắn dễ thương mỗi ngày, lại còn free nữa cơ chứ!".
- "Hy vọng sớm đọc được mối tình chàng thanh niên vào khu cách ly Covid-19 và cô y tá năm đó thành đôi".
Hiện chia sẻ của nam thanh niên này vẫn đang khiến dân mạng xôn xao bàn tán.
BUN NGUYỄN
Theo nhipsongivet
Vlogger Hàn cúi đầu xin lỗi vụ nhóm du khách, nhà đài chê khu cách ly, xem thường bánh mì Một vlogger Hàn Quốc gây bất ngờ khi đăng clip công khai xin lỗi người Việt sau vụ nhóm du khách và nhà đài YTN News của nước này chê bai khu cách ly, xem thường bánh mì. Vlogger Hàn Quốc gây chú ý khi công khai xin lỗi vụ nhóm du khách và nhà đài nước này chê khu cách ly, xem...