‘Cô gái Đan Mạch’ thu 6,5 tỷ đồng sau một tuần ra rạp
Tuy thuộc dòng phim nghệ thuật, câu chuyện về người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử nhân loại do đạo diễn Tom Hooper thực hiện vẫn thu hút lượng lớn khán giả Việt tới rạp.
Chính thức ra rạp từ 15/1, The Danish Girl thu 6,5 tỷ đồng từ hơn 80.000 lượt khán giả sau bảy ngày trình chiếu và nằm trong top 3 phim ăn khách nhất tuần qua ở Việt Nam. Con số ấy tuy chưa thể đem so sánh với doanh thu của các tác phẩm bom tấn, nhưng vẫn là tín hiệu rất tích cực đối với dòng phim nghệ thuật tại quốc gia Đông Nam Á.
The Danish Girl có tên trong top 3 phim ăn khách nhất thị trường Việt Nam tuần qua với doanh thu 6,5 tỷ đồng. Ảnh: Universal
Trong quá khứ, các bộ phim mang hơi hướng nghệ thuật và có cơ hội tranh giải Oscar thường bị coi là kén khán giả, cũng như đặt chân tới thị trường Việt Nam khá muộn so với Bắc Mỹ. Những 12 Years a Slave, No Country for Old Men, The Theory of Everything, Boyhood, Atonement, 127 Hours hay Winter’s Bone đều chỉ có doanh thu khiêm tốn khoảng trên dưới 100 triệu đồng. Hai phim nghệ thuật ăn khách nhất là Silver Linings Playbook và Black Swan cũng từng chỉ thu chưa đầy 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, The Danish Girl dường như đã xóa bỏ được phần nào các định kiến ấy nhờ phần nội dung sâu sắc, các cảnh quay tinh tế và diễn xuất tuyệt vời của bộ đôi Eddie Redmayne – Alicia Vikander.
Bất chấp nội dung phim có phần nhạy cảm khi liên quan đến cộng đồng LGBT và người chuyển giới, số đông công chúng Việt Nam tỏ ra thích thú với The Danish Girl và bày tỏ sự đồng cảm với các nhân vật Einar Wegener/Lili Elbe hay Gerda Wegener qua các hashtag #cogaidanmach hoặc #thedanishgirl trên mạng xã hội.
Tác phẩm cũng được cho là lời động viên mạnh mẽ dành cho cộng đồng LGBT nói riêng qua thông điệp “Find the courage to be yourself” (Hãy can đảm để là chính bản thân).
The Danish Girl lấy cảm hứng từ câu chuyện phi thường có thật của họa sĩ Einar Wegener người Đan Mạch hồi đầu thế kỷ XX. Trong một lần làm mẫu vẽ cho vợ, bản năng giới trong anh trỗi dậy, đẩy cả Einar lẫn Gerda Wegener vào chuyến hành trình vĩnh viễn thay đổi cuộc đời họ.
Giới truyền thông quốc tế đánh giá rất cao The Danish Girl trên phương diện diễn xuất, thể hiện qua hai đề cử Oscar dành cho cá nhân Eddie Redmayne và Alicia Vikander. Năm nay, tác phẩm của đạo diễn Tom Hooper nhận được tổng cộng 4 đề cử Oscar của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ, 3 đề cử Quả cầu vàng của Hiệp hội báo chí nước ngoài tại Hollywood và 5 đề cử BAFTA của Viện hàn lâm Điện ảnh Anh quốc.
Theo Zing
'Cô gái Đan Mạch': Đời thực và màn ảnh có gì khác biệt?
Trang HistoryvsHollywood đưa ra những so sánh thú vị giữa câu chuyện về người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử ở ngoài đời thực với những gì bộ phim "The Danish Girl" kể lại.
Cùng nhìn lại sự khác biệt của nhân vật Einar Wegener khi đặt cuốn hồi ký Man into Woman bên cạnh bộ phim The Danish Girl.
Có đúng là bản năng phụ nữ trong Einar Wegener được đánh thức từ một lần người vợ Gerda nhờ làm mẫu vẽ hay không?
Theo cuốn hồi ký Man into Woman của Einar Wegener, người mẫu vắng mặt trong cái ngày định mệnh vào năm 1908 là Anna Larssen - một nữ diễn viên nổi tiếng và là bạn của cả hai vợ chồng hoạ sĩ. Larssen gợi ý với người vợ Gerda rằng Einar hoàn toàn có thể thay thế cô bởi dáng vóc mảnh khảnh của anh.
Giống như trên phim, chính chuyện Einar Wegener giúp vợ làm mẫu vẽ đã đánh thức bản năng phụ nữ bên trong người họa sĩ Đan Mạch. Ảnh: Universal
Video đang HOT
Ban đầu, Einar Wegener rất ngần ngại, nhưng anh rốt cuộc vẫn chiều theo ý vợ. "Dù điều này nghe rất lạ, tôi không thể phủ nhận rằng mình cảm thấy thích thú với hình dáng ấy. Tôi thích cảm giác mềm mại của bộ trang phục phụ nữ. Tôi thấy mình thuộc về nó ngay từ giây phút đầu tiên", nhân vật viết. Từ đó, Einar tiếp tục làm mẫu vẽ cho vợ, để rồi vài năm sau, ông thường xuyên ăn mặc như phụ nữ ngay cả khi không ở xưởng vẽ.
Trên màn ảnh, câu chuyện được cho xảy ra ở thời điểm muộn hơn là năm 1926.
Có phải người bạn của vợ chồng Wegener đã nghĩ ra cái tên Lili không?
Chính Anna Larssen, người mẫu vắng mặt, đã bất ngờ đến thăm xưởng vẽ khi Einar đang đứng làm mẫu và đặt cho ông cái tên Lili cùng sự ủng hộ từ Gerda.
Trong phim, nhân vật Ulla Paulson của Amber Heard chính là lấy cảm hứng từ nữ diễn viên ngoài đời thực. Khi ấy, bà nói với Einar rằng: "Anh biết không, kiếp trước anh chắc chắn là một cô gái, hoặc thiên nhiên đã phạm sai lầm".
Nhân vật Ulla của Amber Heard được lấy cảm hứng từ nữ diễn viên Anna Larssen ở ngoài đời. Ảnh: HistoryvsHollywood
Còn họ Elbe bắt nguồn từ tên dòng sông chảy qua thành phố Dresden, Đức, nơi ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính cuối cùng của Einar diễn ra. Đó cũng là địa điểm mà nhân vật cho rằng mình đã được "tái sinh". Cả hai chi tiết đều được bộ phim The Danish Girl đề cập đến.
Vì sao Einar muốn trở thành phụ nữ?
Trên thực tế, người hoạ sĩ nhìn nhận rằng phần nữ của bản thân giống như một con người mắc kẹt bên trong ông. Chuyện giúp vợ làm người mẫu là cơ hội thức tỉnh khao khát trở thành Lili sâu kín trong mình. Einar đã cố kiềm chế Lili, nhưng đến tháng 2/1930 thì không thể tiếp tục. "Xong rồi", nhân vật viết. "Lili cũng đã biết điều đó. Cô ấy cứ ngày một trỗi dậy mãnh liệt hơn".
Lili Elbe trên phim do Eddie Redmayne thể hiện và nhân vật ở ngoài đời thực. Ảnh: HistoryvsHollywood
Người vợ Gerda có cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc tạo ra Lili không?
Trong cuốn tự truyện Man into Woman của Lili Elbe, Gerda được trích dẫn như sau: "Trong những tháng gần đây, em thấy lương tâm mình cắn rứt bởi chính em, ở một mức độ nào đó, là nguyên do khiến Lili xuất hiện. Vì thế em chịu trách nhiệm cho sự bất hoà hợp trong anh, thứ hiện nguyên hình duy nhất vào những ngày Lili vắng bóng".
Xu hướng giới tính của Gerda có gây ảnh hưởng tới việc chồng bà muốn trở thành phụ nữ hay không?
Cho tới nay, đây vẫn là câu chuyện gây ra nhiều tranh cãi. Các tác phẩm của Gerda Wegener đều thể hiện khía cạnh tình dục đồng giới nữ rõ ràng, khiến hậu thế cho rằng bà có xu hướng lesbian. Trên phim, nhân vật do Alicia Vikander thể hiện nói rằng cảm giác lần đầu khi hôn Einar là "như hôn chính mình". Ngoài ra, Gerda còn cảm thấy hưng phấn hơn trong chuyện giường chiếu khi thấy chồng mặc đồ ngủ của mình bên trong.
Song, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Gerda Wegener chắc chắn là người đồng tính, nhất là khi bà còn tái hôn với một người đàn ông khác sau khi đã ly dị Lili.
Gerda Wegener ở ngoài đời và trên phim do Alicia Vikander thể hiện. Ảnh: HistoryvsHollywood
Giả sử Gerda Wegener thực sự là người đồng tính, rất có thể chuyện Einar muốn chuyển đổi còn bắt nguồn từ lòng yêu thương vợ, muốn chiều chuộng vợ, chứ không đơn thuần chỉ là nhu cầu giới tính bản thân.
Einar Wegener có bị chẩn đoán mắc chứng tâm phần phân liệt ở ngoài đời không?
Đây là sự thật. Những lời khuyên từ nhiều chuyên gia y khoa mà nhân vật từng gặp gỡ cũng giống như trên phim. Một số bác sĩ coi Einar măc chứng tâm thần phân liệt để lý giải cho "chứng bệnh" của ông, từ đó sử dụng biện pháp trị liệu bức xạ.
Có đúng Lili Elbe được giới thiệu là em họ của Einar không?
Chi tiết ở ngoài đời có một chút khác biệt so với trên màn ảnh. Sau khi chuyển tới Paris, Pháp, nơi không ai biết bí mật của hai vợ chồng, Gerda giới thiệu Lili là em ruột của chồng, chứ không phải em họ. Bằng danh nghĩa đó, họ tham gia nhiều sự kiện văn hóa, nơi Lili làm quen và tán tỉnh những người đàn ông không hay biết sự thật.
Có đúng Einar đã định tự sát nếu ông không thể trở thành phụ nữ như lời tâm sự với Hans không?
Đúng vậy, thậm chí ông còn chọn cả ngày định mệnh là 1/5/1930, như cuốn hồi ký chép lại. Khi đó, Einar đã sống qua hai thập kỷ với niềm tin ngày càng mạnh mẽ rằng người phụ nữ mắc kẹt trong thân thể mới là con người đích thực của ông.
Nhưng đến tháng 2 năm ấy, Einar biết được một vị bác sĩ tại Viện Khoa học Tình dục nước Đức là Magnus Hirschfeld có thể giúp đỡ mình. Trên thực tế, chi tiết Einar muốn tự sát cũng chỉ được nhắc thoáng qua trên phim.
Lili Elbe ở ngoài đời và trên phim. Nhân vật phải trải qua nhiều lần lên bàn mổ để chuyển đổi giới tính, chứ không chỉ hai lần như trên phim. Ảnh: HistoryvsHollywood
Einar Wegener phải trải qua bao nhiêu ca phẫu thuật để trở thành Lili Elbe?
Nhiều tài liệu đưa ra các con số khác nhau. Đó có thể là 4 hoặc 5 ca phẫu thuật. Chi phí cho toàn bộ quá trình đến từ tiền bán tranh của hai vợ chồng. Phải nói thêm rằng nhà Wegener rất thành công trong sự nghiệp mỹ thuật.
Quá trình phẫu thuật chuyển đổi giới tính của nhân vật diễn ra trong gần hai năm, bắt đầu bằng việc cắt bỏ tinh hoàn tại Berlin, Đức với bác sĩ Hirschfeld. Phần còn diễn ra tại Bệnh viện Phụ nữ Thành phố Dresden, do bác sĩ sản khoa Kurt Warnekros đảm nhận, bao gồm cắt bỏ dương vật, tạo âm đạo và cấy buồng trứng trên cơ bụng.
Ca phẫu thuật cuối cùng vào tháng 6/1931 là để ghép dạ con vào cơ thể Lili Elbe nhằm giúp bà có thể mang thai. Song, chính nó là nguyên nhân khiến Lili qua đời ba tháng sau đó, do cơ thể không tiếp nhận cơ quan cấy ghép và khiến tim ngừng đập.
Cuộc phẫu thuật của Einar/Lili Elbe trên màn ảnh chỉ được lược tả với hai ca phẫu thuật và nhân vật qua đời ở lần thứ hai lên bàn mổ.
Einar có bị hành hung vì ăn mặc như phụ nữ trên phim không?
Dù chi tiết bị đánh đập trên phim là không có thật, Einar Wegener được cho là trông rất nữ tính ngay cả khi ông không hoá trang, đến mức người ta còn tưởng rằng ông là phụ nữ phục sức như đàn ông và xúc phạm Einar trên đường phố Paris vì điều đó!
Bản thân Einar Wegenger ở ngoài đời khi chưa chuyển đổi giới tính được cho là trông rất giống phụ nữ. Ảnh: HistoryvsHollywood
Cũng chính ngoại hình ấy khiến một số người tin rằng Einar là người lưỡng tính (có đầy đủ đặc điểm cơ thể, sinh lý và di truyền của cả hai giới nam nữ). Cuốn hồi ký của Lili Elbe từng hé lộ chi tiết rằng các bác sĩ khi phẫu thuật đã phát hiện ra một buồng trứng bị teo nhỏ trong cơ thể nhân vật.
Einar Wegener/Lili Elbe có thay đổi tên và giới tính thành công với nhà chức trách hay không?
Trước khi qua đời, nhân vật được cấp hộ chiếu với giới tính nữ mang tên Lili Elbe. Về mặt pháp lý, ông không còn là Einar nên không thể chính thức ly dị Gerda dù đã ly thân. Vào tháng 10/1930, vua Christian X của Đan Mạch ban hành sắc lệnh đặc biệt để huỷ bỏ cuộc hôn nhân từ năm 1904 giữa hai người.
Gerda Wegener đã đi bước nữa sau khi ly hôn. Còn Lili Elbe thì sao?
Trong quá trình thực hiện cuộc phẫu thuật, Lili Elbe đem lòng yêu và lên kế hoạch kết hôn với người đàn ông có tên Claude Lejeune, một nhà buôn bán các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, mong muốn đã không trở thành hiện thực khi bà qua đời vào ngày 13/9/1931.
Cảm giác của Lili Elbe sau khi thực hiện của phẫu thuật là thế nào?
Dù rất giằng xé với ý nghĩ mình đã sát hại Einar Wegener, tức con người trước đây của bà, Lili Elbe đã rất hạnh phúc với nhân dạng mới trong ba tháng cuối đời. "Vì tôi, Lili, vẫn còn sống, và có quyền được sống như tôi đã chứng minh trong 14 tháng vừa qua", Lili viết trong một lá thư gửi cho bạn. "Có thể 14 tháng không nhiều nhặn gì, nhưng đối với tôi, đó là quãng thời gian sung túc và đầy hạnh phúc".
Vài ngày trước khi qua đời, bà gửi một bức thư dài cho chị gái, trong đó có viết: "Giờ em biết cái chết đang cận kề. Đêm qua em nằm mơ thấy mẹ. Mẹ đón em vào vòng tay và gọi em là Lili. Và cha cũng ở đó cùng mẹ".
Trailer bộ phim 'Cô gái Đan Mạch'
Cuốn tiểu thuyết nguyên tác The Danish Girl của bộ phim có phải nguồn thông tin chính xác về câu chuyện của Einar Wegener/Lili Elbe không?
Câu trả lời là không. Tác phẩm của David Ebershoff mà bộ phim The Danish Girl dựa trên chỉ là tác phẩm hư cấu, lấy cảm hứng từ cuộc đời của Lili Elbe.
Nguồn chính xác nhất của câu chuyện phải là cuốn hồi ký tiểu sử do chính Lili Elbe chắp bút, mang tựa đề Man into Woman: The First Sex Change. Biên tập và hiệu đính cho nó là Ernst Ludwig Hathorn Jacobson, người đã tổng hợp mọi thư từ, nhật ký và tạo ra tác phẩm hoàn chỉnh sau khi nhân vật qua đời.
Theo Zing
Chuyến hành trình phi thường của 'Cô gái Đan Mạch' Giống như nhân vật Einar Wegener/Lili Elbe trong phim, các nhà sản xuất của "The Danish Girl" cũng phải trải qua một quãng thời gian dài đằng đẵng mới có thể đưa nó tới khán giả. Kể từ khi bắt đầu tiền kỳ vào năm 2000 và bị coi là thất bại thấy trước về mặt doanh thu, phải mãi cho tới mùa...