“Cô Gái Báo Thù”: Khi bạn biết yêu thương thì bạn cũng sẽ nhận được sự thương yêu
Không chỉ kể về một chuyện tình ngọt ngào, Cô Gái Báo Thù ( Revenge Girl) còn dạy mỗi người cách sống biết yêu thương người khác.
Dựa theo cuốn tiểu thuyết của hai nhà văn Kiyo Tomohide và Yoshida Erika, bộ phim năm 2017 Cô Gái Báo Thù (Revenge Girl) khắc họa hành trình ứng cử vị trí Thủ tướng của cô gái xinh đẹp Takaraishi Miki ( Kiritani Mirei). Trong quá trình tranh cử, tính cách thật sự bên trong con người Miki được bộc lộ. Từ một kẻ ngạo nghễ, Miki dần trở thành người có tấm lòng nhân hậu và biết sẻ chia. Chính con đường chính trị này đã làm thay đổi tính cách và cuộc đời cô.
Takaraishi Miki là mỹ nhân tài giỏi. Cô đoạt danh hiệu Hoa khôi Đại học và tốt nghiệp đại học Tokyo danh tiếng. Chính điều này đã tạo nên một Miki kiêu ngạo, xem thường người khác. Người yêu của cô là thiếu gia Yuga Saito ( Kiyohara Sho). Nhìn bề ngoài thì đây chính là bạch mã hoàng tử của biết bao cô gái. Anh ta đẹp trai, giàu có và xuất thân trong một gia đình quyền quý. Tuy nhiên Saito là kẻ trăng hoa và tham quyền lợi, đến một ngày anh ta cũng chia tay cô.
Tức giận và xấu hổ, Miki quyết định tham gia ứng cử chức thủ tướng để dằn mặt bạn trai. Người giúp đỡ cô trong quá trình tranh cử là anh chàng tốt bụng Kadowaki Toshiya. Ban đầu hai người có định kiến sâu sắc về nhau nhưng sau những sóng gió của cuộc tranh cử, họ đã xích lại gần nhau hơn. Sau đó, có một tình yêu nảy nở giữa họ.
Revenge Girl là một bộ phim giúp khán giả hiểu rõ hơn về quá trình tranh cử của các chính trị gia và phơi bày mặt trái trong chiến dịch tranh cử. Ở đó, để đạt được thành công, người ta sẵn sàng dựng nên một vở kịch không có thật. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng khắc họa những khó khăn và vất vả của một cô gái khi muốn bước chân vào Hội đồng Nhà nước.
Tuy nhiên, giá trị nhân văn cao đẹp mà Revenge Girl hướng đến nằm ở những điều thiện lành. Toshiya trở thành người trợ giúp các ứng cử viên vì anh muốn đất nước có một vị Thủ tướng tốt. Miki cũng dần thay đổi suy nghĩ trong quá trình tranh cử. Cô hiểu được rằng, muốn người khác yêu quý mình thì trước tiên mình phải thật tâm quan tâm và yêu thương họ. Sống ở đời, cho đi tốt hơn nhận lại, thấy người khác hạnh phúc thì mình cũng sẽ được hạnh phúc.
Miki trở thành nữ chính trị gia biết yêu thương và quan tâm đến người khác.
Bộ phim có sự góp mặt của nữ diễn viên xinh đẹp Kiritani Mirei. Đây là tác phẩm điện ảnh tiếp theo của cô sau Heroine Shikkaku và Assassination Classroom: Graduation. Vai diễn lần này của Kiritani Mirei cũng có nhiều khác biệt và trưởng thành hơn so với các nhân vật trước đó của cô. Hai mỹ nam đồng hành cùng nữ diễn viên là Suzuki Nobuyuki và Kiyohara Sho. Hai nhân vật của họ ở hai thái cực đối lập, người một người ấm áp và tốt bụng, kẻ lại trăng hoa và nhiều tham vọng.
Kiritani xinh đẹp, người trong mộng của các chàng trai.
Suzuki Nobuyuki trở thành anh chàng tốt bụng đồng hành cùng nữ chính.
Kiyohara Sho hóa thân thành kẻ trăng hoa với đầy mưu mô và thủ đoạn.
Trailer “Revenge Girl”
Revenge Girl nhìn chung là một bộ phim bình cũ rượu mới. Chuyện tình của Miki và Toshiya giống với nhiều chuyện tình màn ảnh khác nhưng đạo diễn Miki Koichiro đã kể nó theo một cách khá đặc biệt. Một tác phẩm tình cảm – chính trị đáng xem đến từ xứ hoa anh đào.
Theo Trí Thức Trẻ
Top 5 phim kinh dị gây ám ảnh nhất thế giới vẫn còn bị cấm chiếu cho đến ngày nay
Vốn dĩ chẳng có vị đạo diễn nào lại muốn bộ phim được mình nhào nặn ra lại bị đánh giá thấp hay xem thường cả. Tuy nhiên, với những tác phẩm dưới đây, thật khó lòng để có thể thưởng thức được toàn bộ tác phẩm nếu như không cảm thấy khó chịu và buồn nôn.
1. The Last House On The Left - Ngôi Nhà Cuối Cùng Bên Trái (1972)
Dán nhãn: bắt cóc, tra tấn, cưỡng hiếp, được xem là phim khiêu dâm hạng nặng và gây buồn nôn cho người xem.
Bị cấm chiếu tại Anh.
Ngay từ poster của bộ phim, đạo diễn Wes Craven - ông vua của phim kinh dị đã cảnh báo đến người xem: để tránh ngất xỉu khi theo dõi, hãy tự nhủ "đây chỉ là phim".
Dường như sự "trẻ trâu" và thích chơi liều của giới trẻ luôn là đề tài hấp dẫn để khai thác trong các bộ phim kinh dị. Thử nghĩ mà xem, nếu như bạn được mời đến một buổi hòa nhạc được tổ chức trong con hẻm-nguy-hiểm-nhất-thành-phố, nơi tụ tập hàng loạt băng đảng tội phạm vào một buổi tối hiếm hoi, chỉ có 2 cô gái, liệu có đáng?
Dĩ nhiên nếu câu trả lời là "không" thì đã chẳng có phim cho chúng ta coi. Trong khi bị bắt cóc, hai cô gái tội nghiệp còn bị tra tấn, làm nhục và cưỡng hiếp. Kẻ thủ ác thậm chí còn cả gan tới nhà của một trong hai nạn nhân, để rồi phải nhận lấy cái kết không mấy tốt đẹp chút nào. Một trong những cảnh quay gây ám ảnh nhất chính là khi người mẹ của nạn nhân quyến rũ tên sát nhân và cắn đứt "của quý" của hắn. Bản thân diễn viên chính Fred Lincoln có lần đã chia sẻ: " Tôi ước gì bộ phim này bị cấm tại nước Mỹ".
2. I Spit On Your Grave - Cô Gái Báo Thù (1978)
Được dán nhãn: bắt cóc, cưỡng hiếp, giết người, trả thù tàn bạo.
Bị cấm chiếu ở Ireland, Đức, Na Uy và một số nước khác.
Đây không phải là bộ phim để các bạn tìm đến trong một ngày nhàm chán. Bởi một khi quyết định xem bộ phim này, bạn sẽ phải chấp nhận rằng 1 tiếng 41 phút sắp tới sẽ không hề dễ chịu chút nào.
Để tăng thêm phần kịch tích, bạn có thể tưởng tượng (hoặc không) bản thân trong vai một nhà văn nữ bị cưỡng hiếp tập thể và tra tấn tới chết bởi 4 người đàn ông. Mấu chốt ở đây là việc Thượng đế vẫn chưa cho phép cô ấy ra đi. Và khi cô trở lại, số phận của lũ đàn ông khốn khiếp kia chắc chắn sẽ bị định đoạt bằng những cách trả thù vượt ngoài trí tưởng tượng của khán giả.
Nhà phê bình quá cố Roger Ebert đã gọi đây là "bộ phim tệ nhất mọi thời đại". Điều gây tranh cãi nhiều nhất ở tác phẩm này chính là phân đoạn cưỡng hiếp kéo dài khá lâu, khiến nhiều khán giả nữ lên tiếng phản đối dữ dội. Bất chấp tất cả, I Spit on Your Grave vẫn có lượng người hâm mộ nhất định và mới được làm lại năm 2010.
3. Faces of Death - Khuôn Mặt Tử Thần (1978)
Được dán nhãn: ăn thịt người, hành hình, xác chết.
Bị cấm chiếu trên 40 quốc gia.
Có thể xem đây là phiên bản cũ hơn tập hợp những clip nhỏ về mấy thứ kinh dị, rùng rợn mà bạn hay tò mò trong deepweb. Thực tế nội dung của bộ phim không có gì đặc biệt mà chỉ toàn là những đoạn phim ghi lại cảnh những người đang chết dần chết mòn. Từ những tai nạn cho đến những cảnh quay ghê rợn như hành hình, xác chết quan hệ tập thể, động vật ăn thịt người,...
Được biết, chỉ có 40% cái chết trong phim là giả, còn lại tất cả đều là những cảnh quay chết thật ở ngoài đời. Mặc dù bị cấm chiếu, nhưng đề tài của bộ phim thực sự hấp dẫn người xem, vì thế những phần tiếp theo của Faces of Death vẫn được ra mắt.
4. Cannibal Holocaust - Bộ Tộc Ăn Thịt Người (1980)
Được dán nhãn: cưỡng hiếp, ăn thịt người, máu me, tra tấn, giết chóc tàn bạo.
Bị cấm chiếu trên 50 quốc gia và bị rút khỏi toàn bộ rạp chiếu tại Ý chỉ sau 10 ngày ra mắt dù đang cực kỳ ăn khách.
Được làm dưới dạng phim tài liệu nhằm tạo cảm giác chân thật cho người xem. Cannibal Holocaust là bộ phim kinh dị nổi tiếng của điện ảnh Ý nói về bộ tộc ăn thịt người và được quay chủ yếu tại rừng rậm Amazon.
Bộ phim nói về nhóm các nhà khoa học đang xem một bộ phim tài liệu về nhóm bạn trẻ thích đi cắm trại tại khu vực Amazon, hai người bạn trong số đó đã bắt cóc một cô gái dân tộc Cannibal và thích thú cưỡng hiếp thành viên của bộ tộc ăn thịt người này, để rồi cuối cùng cả nhóm bạn đã nhận lại cái chết cũng "thích thú" không kém.
Những hình ảnh gây khó chịu cho người xem đã tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội trên thế giới, bao gồm những cảnh quay bạo dâm, giết người dã man và hành hạ động vật. Chính quyền đã yêu cầu đạo diễn Ruggero Deodato cùng các diễn viên phải trình diện trước tòa và đối mặt với những cáo buộc giết người thật sự trong quá trình làm phim bởi những cảnh đâm chém trong phim quá đỗi chân thực và khiến cho nhiều khán giả tưởng rằng họ đã thực sự bỏ mạng.
5. The Evil Dead - Ma Cây (1981)
Được dán nhãn: ma cây, chết chóc, quỷ ám, tra tấn. Bộ phim còn bị cho là nguyên nhân gây nôn mửa và chóng mặt cho nhiều khán giả.
Bị cấm chiếu ở một số quốc gia như Anh, Malaysia, Thụy Điển,...
Bằng một mô-típ thường thấy của phim kinh dị, một nhóm bạn trẻ đang trong kỳ nghỉ hè vì lí do gì đấy sẽ chọn cho mình một chỗ nghỉ chân không thể nào heo hút hơn. Một đứa nhóc trong đám sẽ "tình cờ" tìm thấy cuốn sách cổ Necronomicon rồi thì cậu ta sẽ "lỡ tay" gọi lên một con quỷ mà vì đã xa rời xã hội quá lâu nên không theo kịp thời đại, ngỡ rằng đánh đập và tra tấn con người sẽ khiến họ thích mình hơn.
Hàng loạt báo cáo về số người xem bị nôn mửa là rất lớn. Đồng thời, cảnh nhân vật Cheryl bị hiếp bởi quỷ dữ là một trong những cảnh quay ghê rợn nhất trong lịch sử phim ảnh.
Nắm bắt được sự ám ảnh qua từng thước phim của The Evil Dead, năm 2013 bộ phim đã được làm lại với kịch bản tương tự cũng ghê rợn không kém.
Có thể nói, nếu muốn thử thách sức chịu đựng của bản thân qua qua những bộ phim kinh dị như thế này, tốt nhất bạn nên chuẩn bị thật nhiều khăn giấy, bật thật nhiều đèn và nên có người xem cùng nhé!
Theo 2Sao