Cô gái bán kem giúp Thủ tướng Anh hùng biện
Ở độ tuổi 20, Clare Foges hằng ngày lái chiếc xe tải nhỏ quanh thị trấn Surrey, miền đông nam nước Anh để bán kem kiếm sống. 6 năm sau khi bán que kem Cornetto cuối cùng, cô trở thành tác giả của bài diễn văn lịch sử của Thủ tướng Anh David Cameron trước Liên minh châu Âu.
Clare, năm nay 31 tuổi, đang là chuyên gia viết bài hùng biện cho người đứng đầu chính phủ Anh. Cô là tác giả của những câu nói gây ấn tượng mạnh như “đó sẽ là cuộc trưng cầu dân ý đi hay ở”, cùng với lời hứa sôi nổi, mạnh mẽ của ông Cameron để nỗ lực đấu tranh “bằng cả trái tim và tâm hồn” nhằm giữ nước Anh ở lại với Liên minh châu Âu (EU).
Clare cho biết ông Cameron là người thân thiện
Có lẽ điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Clare cũng là một nhà thơ được ngưỡng mộ, người có quan điểm sắc sảo về sức mạnh của những bài phát biểu trước đám đông. Cô cho biết cô rất ghét những bài diễn văn tẻ nhạt vì điều đó sẽ khiến “nền chính trị trở nên nghèo nàn, thậm chí đe dọa nền dân chủ”.
Cô cho rằng một trong những người như thế là cựu Thủ tướng Anh Gorden Brown, với kiểu hùng biện mà Clare mô tả là “không sáng tạo, tẻ nhạt và được truyền đạt một cách vô vị”.
Tuy nhiên, cô dành lời ca ngợi cho bà Margaret Thatcher với bài phát biểu khi trở thành Thủ tướng Anh vào năm 1979 với trích dẫn câu nói của Thánh Fancis của Assisi: “Ở nơi có bất hòa, chúng tôi đem lại hòa hợp; ở nơi có lỗi lầm, chúng tôi mang lại sự thật; ở nơi có nghi ngờ, chúng tôi đem lại niềm tin; và ở nơi tuyệt vọng, chúng tôi mang lại hy vọng”.
Clare bắt đầu làm việc trong nhóm trợ giúp Thủ tướng Cameron cách đây 4 năm. Cô là người viết diễn văn chính trị duy nhất trong nhóm, và đã viết bản nháp cho bài phát biểu của ông Cameron về vấn đề nước Anh có nên tiếp tục là thành viên của EU hay không từ cuối năm ngoái.
Bài phát biểu này đã trải qua cả chục lần chỉnh sửa, vì Clare muốn thêm vào những câu hùng biện có cánh.
Điều quan trọng là Clare hiểu thiên hướng và kiểu nói của ông Cameron đến mức mà các đồng nghiệp gọi cô là “thanh quản của Thủ tướng”.
Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi trước đợt bầu cử toàn quốc vừa rồi, Clare cho biết: “Tôi suy ra cách nói chuyện của David khi tôi lắng nghe ông. Tôi thấy rất dễ để hiểu lối diễn đạt của ông ấy. Ông ấy rất thẳng thắn và rõ ràng khi thể hiện những điều mong muốn trong bài diễn văn”.
Video đang HOT
Clare cho biết cô thấy vui nhất là lúc Thủ tướng sử dụng câu nói đùa của cô trong bài phát biểu.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trong Diễn dàn kinh tế thế giới 2013
Với vai trò “cố vấn đặc biệt”, Clare nhận mức lương sau thuế là 63.000 bảng Anh (hơn 2 tỷ đồng) và là một trong ít người được tham gia vào lực lượng trợ giúp cho Thủ tướng.
Là một tín đồ Ki-tô giáo, Clare tốt nghiệp ĐH Southampton, sau đó học cao học ngành thơ tại ĐH Bristol. Tốt nghiệp đại học, Clare mở công ty quần áo và tự thiết kế đồ trang sức.
Clare gia nhập Đảng Bảo thủ vào năm 2003 khi ông Tony Blair là Thủ tướng và đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Khi cậu con trai 6 tuổi Ivan của ông Cameron qua đời vào tháng 2/2009, chính Clare là người trả lời rất nhiều thư chia buồn gửi tới gia đình ông. Bà mẹ cũng từng mất con mô tả bức thư hồi đáp của (do Clare viết) là lá thư “cảm động nhất” mà chị từng nhận được.
Clare từng giành giải nhì cuộc thi thơ MAG năm 2011 với bài thơ Bank Holiday (Bank Holiday là kỳ nghỉ truyền thống ở Anh và các nước thuộc khối Thịnh Vượng Chung), lấy cảm hứng từ chuyến tham quan một buổi tập quân sự.
Cơ hội tham gia chính trị của Clare đến từ khi cô đang bán kem. Cô xin làm việc bán thời gian trong nhóm Cornerstone của nghị sĩ John Hayes, người theo đường lối bảo thủ ủng hộ các giá trị truyền thống và phản đối hôn nhân đồng tính.
Sau đó, Clare tham gia chiến dịch của Boris Johnson tranh cử chức thị trưởng London.
Sau đợt này, cô được một người bạn cho biết có vị trí tương tự trong nhóm của ông David Cameron, hồi đó đang là lãnh đạo đảng đối lập. Sau 4 cuộc phỏng vấn, Clare đã được lựa chọn, còn Boris Johnson đã cực kỳ thất vọng khi không giữ được chân cô gái trẻ tài năng.
Theo 24h
Kỳ vọng cách dạy và học từ thi nghiên cứu KH
Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT chính thức triển khai kỳ thi học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia. Đến nay đã có hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước hưởng ứng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi khó có tác động trực tiếp tới hoạt động dạy học chính khóa như kỳ vọng của Bộ GD-ĐT nếu các trường hiện nay vẫn coi đó như một hoạt động mang tính phong trào.
Kỳ vọng thay đổi cách dạy - học
Lần đầu tiên VN có thí sinh dự kỳ thi khoa học kỹ thuật (ISEF) dành cho học sinh trung học tại Mỹ cách đây năm năm. Tuy nhiên ba năm đầu, việc lựa chọn học sinh đi thi là do một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đứng ra hướng dẫn, tuyển chọn, tài trợ và thắng lợi thu về chỉ là những trải nghiệm mới mẻ.
Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT chính thức đứng ra đưa học sinh đi thi trên cơ sở tuyển chọn học sinh từ năm địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Huế, Lâm Đồng, Đà Nẵng. Đề tài "Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ sinh hoạt" của một nhóm gồm ba học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) được đưa đi dự thi đã giành giải nhất trong lĩnh vực điện và cơ khí.
Đỗ Hoàng Hải, học sinh Trường THPT Việt Đức - Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu chế tạo pin từ củ khoai tây với đề tài được giải ba hội thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia năm 2012 - Ảnh: Bá Hải
Chiến thắng bất ngờ này là một cơ sở quan trọng để Bộ GD-ĐT quyết tâm ban hành quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ngay trong năm học 2012-2013 và sẽ được tổ chức hằng năm. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: "Việc tổ chức thêm sân chơi trí tuệ này nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học".
Nhiều nhà quản lý giáo dục cũng hồ hởi với kỳ thi này. Ông Nguyễn Thiết Sơn - hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, Hà Nội - nhận xét kỳ thi sẽ đem lại những điểm tích cực nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Các em có cơ hội hoạt động nhóm, giao tiếp, ứng xử, hùng biện...
Cuộc thi cũng là cơ hội để thầy cô giáo, các nhà khoa học và học sinh có sự tương tác, hỗ trợ, trao đổi để cùng giải quyết các vấn đề khoa học. Điều này khiến các em học sinh tự tin, chủ động hơn trong việc nắm bắt kiến thức. "Giáo viên từ hoạt động này cũng có thể thay đổi cách dạy học, bản thân giáo viên cũng tự thấy phải năng động hơn, tìm tòi đổi mới cách thức dạy học cũng như hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học" - ông Sơn nhận xét.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện đã có hơn 30 địa phương đăng ký dự thi. Dự kiến tháng 3/2013 sẽ tổ chức kỳ thi cấp quốc gia, đề tài được giải nhất toàn cuộc sẽ được mang sang Mỹ dự kỳ thi ISEF thường niên vào tháng 5/2013.
Đừng để cuộc thi mang tính "phong trào"
Tuy nhiên, theo nhiều nhà giáo, thời điểm này còn hơi sớm để cho rằng cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật trở thành cuộc thi "đối trọng" với kỳ thi học sinh giỏi truyền thống hiện nay. Trước hết, điều kiện dạy - học nói chung ở các trường phổ thông hiện nay còn rất nhiều khó khăn nên các trường khó thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong học sinh cũng như trong việc tạo nguồn để tham gia thi thố.
"Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của các trường quá sơ sài, khó đáp ứng được yêu cầu của đề tài đòi hỏi thí nghiệm, khảo nghiệm thực tế. Kinh phí để mời nhà khoa học, để khuyến khích thầy trò tham gia, kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho đề tài của các trường còn hạn hẹp, thậm chí nhiều nơi không có" - ông Nguyễn Thiết Sơn nói.
"Để có thể thực hiện được việc nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông, rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của các trường đại học, của các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên đại học, nhưng thực tế các trường phổ thông chưa vươn tới được việc này" - ông Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết.
"Thí sinh tham dự chỉ là một bộ phận nhỏ nhưng còn gặp vô vàn khó khăn, việc tạo nên sự lan tỏa cho học sinh đại trà là việc không dễ dàng, nếu muốn làm thực chất chứ không phải làm kiểu phong trào" - một giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ.
Bên cạnh đó, "Thế nào được coi là "sáng tạo"? Có cách gì để kiểm soát được đề tài dự thi có phải là ý tưởng của thí sinh hay là vay mượn, nếu như cuộc thi bị biến tướng thành cuộc "chạy đua thành tích" như đã xảy ra với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia?" là điều lo ngại của không ít thầy, cô giáo có tâm huyết.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: "Thí sinh phải chịu trách nhiệm mọi mặt của dự án nghiên cứu, kể cả việc mời người hướng dẫn, chuyên gia đến thực hiện các thí nghiệm, thiết kế, phân tích dữ liệu... Nếu phát hiện có hành vi sai trái, gian lận khoa học bao gồm sao chép, giả mạo, sử dụng sản phẩm của người khác sẽ bị xử lý nghiêm khắc".
Tuy vậy, cuộc thi vẫn cần hướng dẫn chi tiết hơn nữa, từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến chấm thi, xét giải..., đặc biệt là việc "không đưa kết quả giải thưởng vào bảng thành tích xét thi đua của Sở GD-ĐT các tỉnh, thành" để tránh cho cuộc thi bị biến tướng - một thầy giáo ở Hà Nội nhận xét.
"Để cuộc thi tác động trực tiếp trở lại hoạt động dạy học chính khóa trong nhà trường thì các nhà giáo dục còn phải bàn với nhau nhiều nữa. Nhiều vấn đề về dạy học trong nhà trường được đầu tư, nghiên cứu mãi còn chưa xong, mới phát động một vài cuộc thi thế này làm sao đã chuyển biến được?" - thầy Vũ Đức Thuật, phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), nói.
Theo Vĩnh Hà - Hồ Ngọc (Tuổi Trẻ)
Chàng sinh viên Du lịch giỏi hùng biện bằng... tiếng Anh Chọn tiếng Anh để hùng biện về đề tài văn hóa - du lịch, chàng sinh viên Nguyễn Du Hạ Long đến từ ĐH Tây Đô đã đoạt giải Nhất hùng biện khi nói về "tục thờ cúng tổ tiên ông bà" tại cuộc thi Kỹ năng hướng dẫn du lịch toàn quốc lần 1 năm 2012. Chúng tôi hẹn gặp Nguyễn Du...