Cố đô vương triều cổ kính Gyeongju
Cố đô Gyeongju đẹp nhất vào mùa hoa anh đào hoặc mùa thu lá phong. Đến đây bạn sẽ tìm hiểu sâu xa về lịch sử các triều đại phong kiến Hàn Quốc cũng như cảm nhận không gian tĩnh lặng, bình yên của một thành phố kinh đô.
Hãy cùng ĐTTC làm một chuyến tham quan Gyeongju, để bạn có thể hiểu thêm về triều đại phong kiến Hàn Quốc và các di sản văn hóa quan trọng có ảnh hưởng đến Đại Hàn dân quốc về sau.
Vương quốc cổ Tân La
Gyeongju là kinh đô của vương quốc cổ Tân La (57 TCN-935 SCN), vương quốc này từng kiểm soát hầu hết bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn từ thế kỷ 7 đến 9. Một lượng lớn các điểm khảo cổ và di sản văn hóa từ thời kỳ này vẫn còn hiện diện tại thành phố. Gyeongju thường được đề cập đến với biệt danh “bảo tàng không có những bức tường”. Trong số các di tích lịch sử đó, Seokguram (Thạch Quật am), Bulguksa (Phật Quốc tự), khu di tích lịch sử Gyeongju và làng dân gian Yangdong được công nhận là Di sản thế giới bởi UNESCO.
Tân La là một trong Tam quốc Triều Tiên, và là một trong số các triều đại duy trì liên tục lâu nhất trong lịch sử châu Á. Vương quốc do Phác Hách Cư Thế (Park Hyeokgeose) sáng lập, ông cũng được biết đến với vị thế là người khởi thủy của dòng họ Park tại Triều Tiên, tuy nhiên triều đại này lại do gia tộc Kim Gyeongju nắm giữ ngai vàng trong hầu hết 992 năm lịch sử. Đây là một trong số các triều đại có thời gian trị vì lâu nhất trên thế giới.
Khu di tích Daeneungwon (Đại Lăng Uyển) là nơi tập trung những lăng mộ lớn của triều đại Silla. Tên gọi này vốn được ghi trong Samguksagi (Tam quốc sử ký) về chi tiết vua Michu (Vị Trâu) làm lễ cúng tại Daeneung (Đại Lăng). Các hiện vật thu được trong quá trình khai quật lăng mộ gồm có vương miện bằng vàng, Cheonmado (Thiên Mã đồ – bức vẽ thiên mã), chén thủy tinh, các loại bình, đồ sành được cho là vật dụng sinh hoạt của người Silla xưa.
Đài chiêm tinh Cheomseong được xây dựng từ giữa thể kỷ thứ 7 thuộc triều đại nữ hoàng Seondeok (Thiện Đức), là nơi để quan sát sự chuyển dịch thiên văn. Trong suốt hơn 1.300 năm qua, Đài Cheomseong vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc hình ống và được ngợi ca là đài thiên văn lâu đời nhất châu Á, phản ánh sự phát triển khoa học vượt bậc của triều đại Silla. Đài cao 9,17m và rộng 5,7m.
Khu di tích Hoàng Long tự Hwangnyong là ngôi chùa lớn nhất của triều đại Silla. Vào năm 553, trong khi xây cung điện ở phía Đông Wolseong (Nguyệt Thành), Vua Jinheung (Chân Hưng) nhìn thấy có con rồng vàng bay lên, nên cho đổi thành xây chùa và đặt tên chùa là Hwangnyong (Hoàng Long). Hwangnyong có di tích nền móng của chùa Hwangnyong xưa và chùa Bunhwang (Phân Hoàng). Trước khi bị cháy do bị quân Mông Cổ tấn công vào năm 1238 (năm thứ 25 đời vua Gojong triều đại Goryeo), chùa Hwanyong là ngôi chùa lớn nhất châu Á, được coi là ngôi chùa bảo vệ đất nước trong suốt 700 năm.
Cung điện Donggung (Đông cung) và Wolji (Nguyệt trì) được biết đến như là nơi sinh sống của thái tử triều đại Silla. Trong thời hiện đại, cung điện biệt lập này và hồ Wolji được xem là nơi có cảnh đêm hấp dẫn nhất của thành phố Gyeongju. Đi bộ dọc theo các con đường nhỏ sẽ cho phép bạn nhìn thấy toàn cảnh cung điện, khi đêm xuống tàn tích của hoàng cung sẽ được phát sáng nhiều màu sắc. Hiện tại khu di tích này vẫn còn đang trong quá trình khai quật.
Tất cả các điểm tham quan di sản trên đều rất gần nhau bên trong thành phố, du khách có thể dễ dàng di chuyển bằng xe buýt hoặc taxi. Từ Việt Nam du khách bay đến sân bay Seoul hoặc Busan, sau đó đi tàu cao tốc KTX đến nhà ga Singyeongju, tiếp tục cách 40 phút đi xe đến trung tâm Gyeongju.
Bảo Quốc tự Bulguksa
Bulguksa là một ngôi chùa rất nổi tiếng tại Hàn Quốc và có thể được xem là ngôi chùa cổ nhất. Vào thời Shilla đây chính là ngôi chùa minh chứng cho sự hưng thịnh của Phật giáo trong vương triều Tân La. Ngôi chùa được xếp hạng 1 trong 7 Quốc bảo, là danh lam thắng cảnh và lịch sử số 1 của Hàn Quốc. Năm 1995, Bulguksa cùng với động Seokguram (cách đó 4km) được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Bulguksa nghĩa là ngôi đền của Đức Phật, được hoàn thành năm 774. Đền đã được cải tạo nhiều lần trong triều đại Goryeo (Cao Ly) và đầu triều đại Joseon (Nhà Triều Tiên). Tuy nhiên, trong Chiến tranh Nhật Bản-Triều Tiên (1592-1598), các tòa nhà bằng gỗ bị đốt cháy hoàn toàn và nhiều vật bảo bị mang về Nhật Bản, sau đó mới hoàn trả lại cho Hàn Quốc.
Kiến trúc của ngôi chùa minh chứng cho kiểu kiến trúc cổ xứ Hàn, trong đó các bậc thang trước mặt tiền ngôi chùa được coi là các bậc thanh còn lại duy nhất từ thời Shilla. Toàn bộ nền móng được xếp bởi hàng triệu phiến đá to nhỏ đủ kích cỡ chồng lên nhau bởi chất keo dính nhưng vẫn vững vàng vượt thời gian. Các kiến trúc gỗ bên trong các điện thờ Phật cũng không sử dụng đinh. Vào khuôn viên chùa du khách như lạc vào không gian thanh tịnh của tiếng kinh kệ và tiếng chuông. Ngôi chùa đẹp nhất khi chìm vào sắc mùa thu lá phong chuyển màu.
Video đang HOT
Khu làng dân gian Yangdong.
Từ nhà ga xe buýt Gyeongju Express Bus du khách đi tuyến buýt nội thành số 11 đến chùa Bulguksa, thời gian di chuyển 55 phút rồi đi bộ khoảng 400m vào chùa.
Làng cổ dân gian Yangdong
Làng truyền thống của Hàn Quốc được phân chia thành nhiều loại, có làng thành lập theo kiểu ấp thành, có làng quây quần theo từng dòng họ. Đặc biệt, kiểu làng theo họ tộc xuất hiện từ đầu triều đại Joseon và đến cuối thời Joseon đã chiếm 80% mô hình làng quê Hàn Quốc. Làng Yangdong có địa thế lưng dựa núi, mặt hướng sông; có kiến trúc phù hợp với khí hậu oi nóng trong mùa hè, khô lạnh trong mùa đông và cũng rất hài hòa theo tinh thần Nho giáo.
Ngôi làng nằm tại Gangdong, cách 16km về phía Đông- Bắc Gyeongju. Đến làng Yangdong ở Gyeongju, điều đầu tiên lọt vào mắt du khách là những ngôi nhà được xây trên sống núi. Nhà của quý tộc được xây trên cao, còn ở những khu thấp xung quanh là nhà của bình dân, thể hiện rõ tôn ti trật tự trên dưới của thời Joseon, khi xã hội đã có sự phân tầng giai cấp.
Du khách đi xe buýt từ Gyeongju Express Bus số 203 với giá 1.500W (30.000VNĐ).
PHẠM HOÀN KHẢI (Youtube: Fahoka Xê Dịch)
Theo saigondautu.com.vn
Êm đềm làng cổ 200 năm
Cách Hà Nội chưa đầy 30km, có một ngôi làng bình dị mà đẹp đến nao lòng. Không chỉ cây đa, bến nước, sân đình, mà ngôi làng đó còn nổi tiếng với những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 200 năm, với kiểu dáng kiến trúc gần như được giữ nguyên vẹn.
Đó là quần thể làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên.
Làng Nôm với những ngôi nhà cổ ven hồ nước đẹp bình yên.
Quần thể làng Nôm nằm cách Hà Nội khoàng 20km, đi đường Quốc lộ 5 rẽ vào khoảng gần 10km là tới. Từ cổng làng, ngôi đình, chợ, ao làng, hồ nước, cây cầu đá... rất nhiều công trình kiến trúc của làng Nôm có niên đại tới 200 năm.
Cổng làng nhìn từ phía trong.
Những mảng chạm gỗ trên cổng vẫn còn nguyên vẹn.
Làng Nôm là nơi hội tụ rất nhiều điều thú vị. Ông Phạm Văn Hiệu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên cho biết, cổng làng được xây từ năm 1855, xây hình bát trụ với các họa tiết tinh xảo, kiểu cổng làng mà chỉ làng nào có hoàng thân quốc thích mới được xây. Làng Nôm được xây cổng bát trụ bởi đây là ngôi làng có nghề đúc đồng tinh xảo, có thời gian đúc tiền cho triều Nguyễn. Vòm cổng được đắp ba đại tự "Đồng cầu nôm".
Nằm giữa những vạt lúa, vạt rau xanh mướt mát, bước qua cánh cổng làng Nôm là một không gian yên bình, tĩnh lặng. Có lẽ hiếm có nơi nào còn thấy được hình ảnh hồ nước giữa làng trong xanh, hai bên hồ là các cụ già ngồi đánh cờ trên ghế đá, cuối ao là đình làng, cây đa cổ thụ với lũ trẻ thi nhau túm rễ đa mà đánh đu từ bờ tường ra giữa sân.
Bọn trẻ đánh đu với rễ đa.
Dọc hai bên hồ nước là những hàng cau và những dãy nhà cổ gồm nhà ở và nhà thờ tổ của các dòng họ trong làng. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên, hiện nay làng Nôm còn giữ lại nguyên vẹn khoảng chín căn nhà thờ tổ của các dòng họ Nguyễn, Lê, Phùng, Tạ.... với kiểu dáng kiến trúc từ trên dưới 100 năm đổ lại. Nhiều căn nhà cổ còn giữ được nguyên vẹn những chi tiết, họa tiết trang trí tinh xảo, cầu kỳ và rất tự nhiên. Những căn nhà cổ nối nhau bên hồ này đã tạo ra một nét độc đáo hiếm thấy ngay cả ở những làng quê Bắc Bộ khác.
Đình Nôm.
Những cấu kiện gỗ còn nguyên mảng chạm khắc tinh xảo.
Phía cuối hồ nước là ngôi đình làng, tương truyền là thờ Thánh Tam Giang, một vị tướng từ thời Hai Bà Trưng. Truyền thuyết kể rằng, trước khi mất, Thánh Tam Giang có di nguyện được chôn cất tại làng Nôm, nơi ông từng đóng quân. Được biết, cây đa bên đình cũng đã có tới 100 năm tuổi đời.
Nhắc đến làng Nôm, không thể bỏ qua chùa Nôm, còn có tên là Linh Thông cổ tự. Mặc dù nhiều hạng mục ở chùa Nôm mới được xây dựng hoặc xây lại, nhưng hiện tại ở chùa Nôm vẫn còn lưu giữ hơn 100 pho tượng La Hán bằng đất nung rất đẹp. Theo các tài liệu bằng chữ Hán, chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê. Các pho tượng đất nung ở đây đã trải qua các trận lụt vào các năm 1945, 1971, và 1986 nhưng nhiều pho vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn.
Ngay trước chùa là chợ Nôm với kiểu kiến trúc đặc biệt, gạch trần, mái ngói, xây từng dãy riêng biệt, với kiểu không gian cổ kính khiến người qua lại cảm giác như lui lại quá khứ mấy trăm năm.
Nhà cổ của gia đình ông Phùng Văn Long.
Một trong những địa điểm mà ai đến làng Nôm cũng phải ghé qua là gian nhà cổ có tuổi đời hơn 200 năm của gia đình ông Phùng Văn Long với lối kiến trúc năm gian, mái ngói thấp và sân gạch cũ. Các xà gỗ và đầu hồi đều được chạm trổ rất tinh xảo, hình chạm vẫn còn khá nguyên vẹn. Ông Phùng Văn Long cho biết, có người đến trả hàng tỷ đồng cho căn nhà nhưng gia đình ông không bán. Được biết, những gian nhà cổ trong làng hiện nay vẫn còn được người làng giữ lại khá nhiều và nguyên vẹn.
Những ngôi nhà thờ họ cổ kính.
Làng Nôm còn có cây cầu đá nguyên bản, do thợ thủ công đục đẽo bằng tay, gồm chín nhịp, mặt ghép đá phiến xanh. Mỗi đầu trụ cầu đều được đục hoa văn tinh xảo, cầu kỳ.
Là một trong số ít nơi còn giữ lại khá nguyên vẹn cảnh sắc làng quê Bắc Bộ, người làng Nôm không chỉ giữ gìn những công trình cổ của gia đình, dòng họ, của làng, mà còn rất có ý thức giữ gìn một môi trường sống trong lành, sạch sẽ. Dọc con đường làng, dù đường gạch hay bê tông đều không thấy hiện tượng rác thải vứt bừa bãi. Và cho đến bây giờ, quần thể làng Nôm vẫn luôn là nơi đặt chân đến của nhiều du khách trong và ngoài nước, mặc dù chưa hoàn toàn hình thành một điểm du lịch chính thức ở đây.
Theo nhân dân
Đến Lăng Cô, thả hồn theo mây trời xứ Huế Có thể nói Vịnh Lăng Cô một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới.. Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam với bãi cát trắng dài tới hơn 10 km, làn nước biển trong xanh bao la tuyệt đẹp, bên...