Cơ chế thu hút vốn tư nhân cho tăng trưởng xanh
Việt Nam đang đặt ra nhiều ưu tiên cho việc xây dựng nền kinh tế xanh để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, thực hiện tăng trưởng xanh là lựa chọn đúng đắn, giúp Việt Nam hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Để cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh.
Sản xuất, lắp ráp tấm quang điện mặt trời tại Công ty TNHH chế tạo Canadian Solar Việt Nam, vốn đầu tư của Canada, tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của tăng trưởng xanh đối với nền kinh tế?
Việc Việt Nam đưa ra được chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh là một bước tiến rất lớn của Việt Nam trong câu chuyện hài hòa hóa phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường cũng như đóng góp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm phát thải nhà kính chống sự nóng lên toàn cầu.
Từ trước đến nay, tăng trưởng kinh tế đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, phát triển kinh tế thường đi kèm với sự trả giá về vấn đề môi trường và một phần nào đó liên quan đến các vấn đề xã hội, văn hóa. Chính vì vậy, việc đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường và giữ được các giá trị văn hóa, xã hội là hết sức cấp thiết đối với Việt Nam.
Sau 8 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012-2020, theo ông, đâu là những kết quả được ghi nhận?
Năm 2012, Việt Nam bắt đầu ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thể hiện rõ ràng tầm nhìn của Chính phủ với mục tiêu cân bằng giữa các trụ cột vừa phát triển kinh tế, môi trường và xã hội. Tuy nhiên, ở thời điểm đó vẫn còn khoảng trống nhất định về thể chế để cụ thể hóa chiến lược này. Đến năm 2014, Việt Nam mới cụ thể hóa các bước đi, lộ trình cụ thể.
Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh đặt ra cho giai đoạn từ 2012-2020 chủ yếu là xây dựng thể chế và các nền tảng cơ bản để chuẩn bị cho giai đoạn 2021 trở đi Việt Nam mới thực sự thực hiện các hoạt động về tăng trưởng xanh ở quy mô rộng hơn. Chính vì vậy, kết quả đạt được của giai đoạn 2014-2020 chủ yếu là xem xét đánh giá mức độ khả thi của các phương pháp khác nhau và rà soát đánh giá các khung khổ chính sách.
Video đang HOT
Công nhân điện lực huyện Hòa Thành (Tây Ninh) kiểm tra chất lượng các tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt tại nhà dân. Ảnh tư liệu: Thanh Tân/TTXVN
Xin ông cho biết Việt Nam đã có cơ chế, chính sách gì để thúc đẩy sự phát triển tăng trưởng xanh?
Sau Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã có kế hoạch hành động cụ thể về tăng trưởng xanh. Kế hoạch này nêu rõ về 12 nhóm nội dung để thực hiện và 66 các hoạt động khác nhau với sự tham gia của các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội.
Trên căn cứ đó, Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động nhất là đẩy mạnh nghiên cứu cơ chế chính sách cho tăng trưởng xanh chẳng hạn như ban hành Luật Quy hoạch giúp tạo sự đồng bộ giữa các địa phương trong thực hiện các dự án liên quan; hay hàng loạt các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi…
Ở cấp độ triển khai, có hàng loạt chính sách, tiêu chuẩn đã được các bộ, ngành ban hành để thúc đẩy triển khai tăng trưởng xanh như các chính sách thúc đẩy năng lượng xanh; chính sách trợ giá điện năng lượng mặt trời, điện gió…
Một trong những khó khăn hiện nay đó là huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng xanh nhất là trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công. Theo ông, cần giải quyết vấn đề này thế nào?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo đối với nỗ lực thực hiện chống biến đổi khí hậu hay tăng trưởng xanh. Hàn Quốc chỉ dùng vốn đầu tư công như nguồn vốn kích thích để tạo sự tin tưởng cho nguồn vốn tư nhân với quy mô rộng hơn. Tôi cho rằng thời gian qua, Việt Nam vẫn chưa huy động được nhiều nguồn vốn tư nhân do vẫn còn thiếu cơ chế điều phối từ Trung ương và các bên liên quan.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, tuy nhiên thời gian qua khu vực này chưa có đóng góp tương xứng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Đầu tư tư nhân là vô cùng cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế với sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, thời gian qua nguồn vốn đầu tư tư nhân chưa thực sự nhiều và chưa thu hút được nhiều đầu tư tư nhân.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Quỹ phát triển Liên hợp quốc về huy động nguồn vốn cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cho thấy, nguồn vốn đầu tư công của Việt Nam cho việc chống biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh chỉ chiếm 0,1% GDP. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư tư nhân có vai trò rất lớn trong việc bù đắp nguồn vốn đó.
Để huy động được đầu tư tư nhân, các chính sách của Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn hơn thay vì các chính sách ngắn hạn có tầm nhìn 5 năm để tạo sự tin tưởng của khối tư nhân. Hiện rất nhiều các khoản đầu tư của tư nhân nhưng chỉ ngắn hạn trong thời gian 4-5 năm sau đó họ chuyển sang các lĩnh vực khác do lo sợ về rủi ro về mặt chính sách.
Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, hướng tới 2050. Với tư cách là một chuyên gia, theo ông Chiến lược cần nhấn mạnh những giải pháp gì?
Theo tôi, trước tiên vẫn là câu chuyện thể chế. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn tới cần tập trung vào cách điều phối từ Trung ương đến địa phương như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Thứ hai, sự tham gia của khối tư nhân là hết sức quan trọng khi muốn triển khai chiến lược quy mô rộng hơn ở nhiều ngành, lĩnh vực. Chính vì vậy cần có cơ chế chính sách rõ ràng nhất là cơ chế về tài chính để khuyến khích đầu tư từ khu vực này.
Xin cảm ơn ông!
Nhiều chương trình hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn
Bên cạnh việc "căng mình" phòng, chống dịch COVID-19, các y, bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai chương trình "Tủ quần áo 0 đồng" và "Bếp ăn từ thiện" để chia sẻ cùng người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Chương trình đã tiếp thêm động lực để bệnh nhân nghèo vươn lên trong cuộc sống, yên tâm điều trị.
Người nhà bệnh nhân nhận quần, áo tại "Tủ quần áo 0 đồng" của Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum).
Mỗi ngày, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trung bình từ 60-70 bệnh nhân, cao điểm lên tới hơn 100 bệnh nhân/ngày. Nhiều gia đình có con điều trị tại đây hoàn cảnh rất khó khăn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Chứng kiến nhiều mảnh đời éo le, các y, bác sỹ của Khoa Nhi đã có ý tưởng thành lập chương trình "Tủ quần áo 0 đồng" với mong muốn chia sẻ với các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn.
Triển khai từ năm 2019, các y, bác sỹ trong Khoa đã góp mỗi người một ít quần áo cũ, đồ dùng cho trẻ để tạo nên tủ quần áo mang đầy hơi ấm tình thương. Tủ quần áo trông rất đơn sơ, giản dị nhưng chứa đầy tình cảm và sự sẻ chia mà đội ngũ nhân viên y tế tại Khoa Nhi dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây.
Chị Y Tra (thôn 3, xã Krong, thành phố Kon Tum) chia sẻ, hai vợ chồng chị làm nông nghiệp, nuôi 3 con nhỏ nên đời sống còn nhiều thiếu thốn. Khi cháu bị ốm, toàn bộ số tiền gia đình tích góp được đều dùng vào việc chữa trị cho cháu. Nhờ tủ quần áo miễn phí của các y, bác sỹ tại Khoa Nhi, cháu đã có tã mới và quần áo đẹp để mặc.
Các bệnh nhân tại Khoa Nhi đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh rất khó khăn. Các em khi vào nằm viện lâu ngày sẽ không có đủ quần áo để mặc. Đáp ứng nhu cầu thiết yếu của các em, Khoa Nhi thường xuyên kêu gọi nhà hảo tâm quyên góp số quần áo cũ, tã và đồ dùng cho trẻ để lan tỏa tấm lòng thiện nguyện, giúp chương trình ngày càng phát huy hiệu quả.
Bác sỹ Hà Anh Đức, Trưởng Khoa Nhi cho biết, một số nhà hảo tâm đã quyên góp hơn 10 bao tải đồ để mang lại nụ cười cho các em. Khi tiếp nhận số quần áo ủng hộ, đội ngũ nhân viên tại Khoa Nhi sẽ giặt tẩy, phơi khô và mang ra đặt tại chiếc tủ trong khuôn viên bệnh viện. Thông qua "Tủ quần áo 0 đồng", các gia đình có thể lựa chọn cho con em mình những bộ quần áo phù hợp để mặc. Đây cũng là nguồn động viên lớn giúp các gia đình khó khăn bớt áp lực, lạc quan hơn trong cuộc sống.
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai chương trình "Bếp ăn từ thiện" để hỗ trợ người dân có những bữa ăn chất lượng và vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.
Bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nhận phần ăn miễn phí tại "Bếp ăn từ thiện".
Đều đặn vào 6 giờ mỗi ngày, nhân viên Khoa Dinh dưỡng tất bật chuẩn bị để làm ra những suất ăn nghĩa tình mang đến cho người bệnh. Các nhân viên chia nhau mỗi người một việc như rửa rau, nấu cơm, nấu thức ăn... tạo nên bầu không khí rộn ràng, ấm cúng trong gian bếp bệnh viện. Đến khoảng 10 giờ, tất cả thức ăn đã sẵn sàng để mang đến cho bệnh nhân.
Trung bình mỗi ngày, các nhân viên tại bếp ăn chuẩn bị khoảng 150 - 300 suất ăn miễn phí phục vụ người dân vào 2 bữa trưa và chiều. Khoa Dinh dưỡng lên kế hoạch về thực đơn và thay đổi thường xuyên, đảm bảo dinh dưỡng. Trong đó, Khoa đặc biệt chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, khi thực phẩm vận chuyển đến, nhân viên trong Khoa kiểm tra nhanh nguồn gốc xuất xứ, lưu mẫu trước khi đưa vào chế biến.
Để đảm bảo phòng dịch COVID-19, Khoa Dinh dưỡng đã chia một số phần ăn vào hộp và phân công nhân viên mang đến tận giường cho bệnh nhân. Đối với người dân đến lấy cơm tại khu vực "Bếp ăn từ thiện" sẽ thực hiện giãn cách, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang trước khi nhận phần ăn.
Vui mừng khi nhận suất ăn trên tay, chị Y Thơ (trú ở thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei) cho biết, nhờ bếp ăn từ thiện, chị đã tiết kiệm được một phần chi phí để dùng vào việc khám chữa bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Khoa Dinh dưỡng cho biết, chương trình "Bếp ăn từ thiện" được triển khai nhằm chia sẻ những bữa cơm yêu thương và cung cấp các bữa ăn cho bệnh nhân nghèo, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc duy trì bếp ăn gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu kinh phí để mua thực phẩm.
Thời gian tới, Khoa Dinh dưỡng hi vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhà hảo tâm, các đơn vị trên địa bàn để có thể tiếp tục mang đến những bữa yêu thương cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây.
Chương trình "Tủ quần áo 0 đồng" và "Bếp ăn từ thiện" của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã trở thành điểm tựa vững chắc cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua khó khăn, hướng đến một tương lai tươi đẹp. Với tinh thần tương thân tương ái, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục triển khai, nhân rộng nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường châu Âu Châu Âu đang là thị trường xuất khẩu lớn, còn nhiều tiềm năng mở rộng thị phần dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng dệt may, thủy sản, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp Viêt Nam cần nắm rõ các...