Cơ chế COVAX sẽ cung cấp hơn 35 triệu vaccine cho Mỹ Latinh và Caribe
Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu ( COVAX) sẽ bàn giao 35,3 triệu liều vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh) cho 36 quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe từ giữa tháng 2 tới cuối tháng 6 tới.
Trụ sở Công ty dược phẩm và chế phẩm sinh học đa quốc gia AstraZeneca ở Macclesfield, Cheshire (Anh) ngày 21/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng phòng chống dịch (CEPI) và Liên minh Vaccine toàn cầu (GAVI) đứng đầu.
Trong thông báo của mình, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thuộc WHO cho biết khu vực châu Mỹ cần tiêm chủng cho khoảng 500 triệu người mới có thể kiểm soát đại dịch COVID-19. WHO sẽ hoàn tất việc xem xét đưa vaccine của AstraZeneca vào Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) trong một vài ngày. Theo PAHO, số lượng vaccine và lịch trình bàn giao vẫn còn tùy thuộc EUL và năng lực sản xuất của sản xuất.
PAHO cũng cho biết trong 36 quốc gia sẽ nhận được vaccine của AstraZeneca, có 4 nước gồm Bolivia, Colombia, El Salvador và Peru cũng sẽ nhận được tổng cộng 377.910 liều vaccine của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) từ giữa tháng 2 tới.
Video đang HOT
Tuần trước, GAVI cho biết đặt mục tiêu cung cấp 2,3 tỷ vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm 2021, trong đó có 1,8 tỷ liều vaccine miễn phí dành cho nước có thu nhập thấp hơn. GAVI dự kiến sẽ công bố chi tiết về việc phân bổ vacine theo từng quốc gia trong ngày 1/2.
* Cùng ngày, tờ báo tiếng Đức NZZamSonntag đưa tin chỉ có khoảng 650.000 người sẽ được chủng ngừa vaccine phòng COVID-19 trong tháng 2 này so với mục tiêu ban đầu là 1,3 triệu người. Sự chậm trễ giao hàng từ các nhà sản xuất vaccine đồng nghĩa chỉ 50% dân số ở Thụy Sĩ được tiêm chủng theo kế hoạch vào tháng 2.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong một nghiên cứu mới, lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19 của Thụy Sĩ cảnh báo việc tiến độ tiêm phòng chậm hơn dự kiến không chỉ gây hậu quả về sức khỏe mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Nếu tình hình kinh tế được khôi phục sớm hơn một ngày thông qua tiêm chủng, Thụy Sĩ sẽ tiết kiệm được tới 110 triệu CHF (114 triệu USD).
Chính phủ liên bang đã thay đổi mục tiêu tiêm chủng vào tuần trước sau khi cả hai hãng dược Pfizer (Mỹ)/BioNtech (Đức) và Moderna (Mỹ) đều thông báo về việc chậm trễ giao hàng. Ngày 21/1 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Alain Berset thông báo có thể tiêm 525 liều vaccine cho 100.000 người dân/ngày – bảy ngày một tuần. Bộ trưởng Berset nói rằng mặc dù số lượng người được chủng ngừa trong tháng 2 thấp hơn so với dự tính, song ông tin rằng vẫn có thể tiêm chủng cho tất cả những ai có nhu cầu vào mùa Hè tới.
Cho đến nay, khoảng 260.000 người ở Thụy Sĩ đã nhận được ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Theo một cuộc khảo sát của Đại học Zurich, tỷ lệ những người muốn được chủng ngừa dường như đang gia tăng. Vào tuần thứ ba của tháng 1/2021, khoảng 55% người nói rằng họ rất có thể hoặc có ý định sẽ tiêm phòng so với chỉ 41% vào giữa tháng 12/2020.
* Tại Anh, ngày 1/2, Văn phòng Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) khu vực England thông báo toàn bộ người cao tuổi tại hơn 10.000 viện dưỡng lão trên địa bàn đã được chủng ngừa liều đầu tiên của vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít các viện dưỡng lão đã phải hoãn việc tiêm chủng do một số ổ dịch bùng phát nghiêm trọng, trong khi một số người cao tuổi không thể chủng ngừa mũi đầu tiên vì các lý do sức khỏe khác.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Anh Boris Johnson nêu rõ: “Hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chạy đua không ngừng nghỉ để có thể chủng ngừa cho nhiều người nhất có thể”. Tuy nhiên, ông cảnh báo thời khắc khó khăn vẫn đang ở phía trước, khi số ca mắc và phải nhập viện vẫn ở mức cao.
Trong ngày 31/1, Anh ghi nhận thêm 21.088 ca mắc, trong khi vẫn còn 34.783 bệnh nhân vẫn đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 3.832 người phải dùng đến máy thở. Anh hiện đang triển khai lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong bối cảnh nước này đang phải đối phó với biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới hơn 106.000 ca – cao nhất châu Âu.
Dịch COVID-19: COVAX bắt đầu bàn giao vaccine trong tháng này
Ngày 7/1, Giám đốc chương trình tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Kate O'Brien thông báo việc bàn giao vaccine ngừa COVID-19 theo Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX có thể được triển khai trong tháng này.
Một loại vaccine phòng COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, bà O'Brien cho biết cần khoảng 7 tỷ USD để cung ứng đủ vaccine đến các quốc gia có thu nhập thấp hơn vào cuối năm nay. Hiện COVAX đã huy động được khoảng 6 tỷ USD, do đó có thể tiếp cận hơn 2 tỷ liều vaccine. Bà nêu rõ WHO dự kiến bắt đầu bàn giao số vaccine này vào cuối tháng này, hoặc trong nửa đầu tháng 2.
COVAX là cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng COVID-19 do WHO khởi xướng để có nguồn kinh phí mua và phân phối vaccine cho các nước nghèo.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước Indonesia Erick Thohir cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) của nước này đã cấp phép cho công ty dược quốc doanh PT Bio Farma sản xuất 100 triệu vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cơ sở sản xuất của PT Bio Farma tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, Bộ trưởng Thohir cho biết: "BPOM đã trao giấy phép sản xuất 100 triệu liều vaccine. Quy trình sản xuất sẽ tuân thủ tiêu chuẩn của BPOM cũng như các tiêu chuẩn quốc tế". Theo ông Thohir, PT Bio Farma chỉ còn phải đợi tiếp nhận các nguyên liệu để có thể bắt tay sản xuất vaccine ngay. Các nguyên liệu thô này sẽ đến chuyển đến trong thời gian sớm nhất.
Tổng năng lực sản xuất của PT Bio Farma là 250 triệu liều vaccine mỗi năm và 150 triệu liều vaccine còn lại vẫn đang phải chờ giấy phép sản xuất của BPOM.
Tổng thống Joko Widodo gần đây đặt mục tiêu đến tháng 3 tới sẽ có 29,55 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối cho các địa phương trong cả nước phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí. Trong số đó, 5,8 triệu liều sẽ được bàn giao trong tháng 1, hơn 10,4 triệu liều trong tháng 2 và 13,3 triệu liều còn lại trong tháng 3.
Trong tháng 12/2020, Indonesia đã tiếp nhận hai lô vaccine ngừa COVID-19 với tổng cộng 3 triệu liều do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Quốc gia này lên kế hoạch khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc vào ngày 13/1 tới.
Các nước Mỹ Latinh với bài toán phân bổ vaccine ngừa COVID-19 Không chỉ các nước châu Phi, một số nước Mỹ Latinh, vốn đang "kẹt" về tài chính, phải đối mặt với rất nhiều thách thức xã hội, kinh tế và địa lý trong nỗ lực đảm bảo phân phối vaccine ngừa COVID-19 đến cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh tại những quốc gia này đang tiếp...