Cơ cấu ngành nghề đào tạo đang thay đổi
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu hay dư thừa nguồn nhân lực ở một số ngành đào tạo đang diễn ra trong khối các trường ĐH, CĐ khiến các trường bắt buộc phải có những thay đổi về cơ cấu ngành nghề.
- Việc các trường đổ xô mở các ngành “hot” đang dẫn đến tình trạng nơi dư thừa, nơi thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực. Bộ có giải pháp gì để khắc phục thực trạng này?
- Việc giao chỉ tiêu cho các trường hiện nay là do các trường tự xác định. Bộ chỉ quản lý chỉ tiêu tổng hợp còn việc phân chỉ tiêu cho từng ngành tùy theo thị trường lao động và các hiệu trưởng phân bố cho phù hợp. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch nguồn nhân lực đến 2020, đây là tài liệu căn bản để cho các trường, các cơ sở giáo dục và bộ dựa vào đó để định hướng đào tạo các ngành nghề cho phù hợp. Bộ đang tiến hành điều chỉnh lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ cho đến năm 2020 cho phù hợp với quy hoạch nhân lực và điều phối mở ngành. Bộ cũng khuyến cáo các trường về những ngành nhân lực đang dư thừa, khuyến khích mở những ngành xã hội đang cần.
- Hiện Bộ GD-ĐT chưa có trung tâm dự báo thị trường nhân lực, vậy Bộ căn cứ vào đâu để định hướng các trường?
- Như tôi đã nói, Quy hoạch phát triển nhân lực đã được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 10-2012 và dự báo đến năm 2020. Đây là số liệu tổng thể của từng ngành, từng địa phương, từ đó sẽ có bức tranh tổng thể để các trường đào tạo trên cơ sở đó. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương cũng có trung tâm dự báo nhân lực. Như thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm này hoạt động rất tốt. Đây là những căn cứ thực tế cần thiết cho các trường điều chỉnh cơ cấu đào tạo ngành nghề của mình.
- Căng thẳng nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 là việc các trường ngoài công lập không tuyển sinh được. Bộ sẽ giải quyết ra sao?
- Khó khăn vừa rồi không chỉ các trường ngoài công lập mà ngay cả các trường công lập cũng rất khó khăn như ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Đây là tình trạng chung, do kinh tế khó khăn, cán bộ quản lý kinh tế cũng đã bão hòa. Vấn đề này, Bộ đã cảnh báo 2 năm do lượng đào tạo gấp đôi nhu cầu thực tế. Đa số các trường khó khăn năm nay là các đơn vị tuyển sinh đơn ngành như kinh tế quản lý, còn những trường đa ngành thì vẫn tuyển bình thường. Khó khăn năm nay cũng là để các trường có thể nhìn lại chiến lược phát triển của mình. Năm nay, theo báo cáo của các đơn vị thì cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi, nhiều trường đã nghiêng hẳn về khoa học công nghệ, kỹ thuật, giảm bớt kinh tế. Hy vọng năm nay, cơ cấu nhân lực có nhiều thay đổi theo đúng nhu cầu của xã hội. Sự điều chỉnh này mang tính tích cực. Năm nay Bộ giao quyền tự chủ rất cao cho các trường, do đó công tác thanh tra, kiểm tra cũng được tăng cường các khâu liên kết đào tạo, mở ngành, chất lượng đào tạo. Tất cả những trường không thực hiện đúng quy định sẽ được chấn chỉnh xử lý kịp thời.
Theo ANTD
Video đang HOT
'Trường đại học chưa có trụ sở sẽ bị giải thể'
"Đến tháng 6/2014, trường nào không giải quyết được vấn đề đất thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định chiều 22/1.
- Thưa Thứ trưởng, Luật giáo dục đại học vừa có hiệu lực tạo những thay đổi cơ bản nào trong việc tuyển sinh, dạy và học của hệ đào tạo này?
- 2013 là năm đầu tiên thực hiện luật giáo dục đại học với mục tiêu hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện. Bộ đã thay đổi 36 văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đào tạo liên thông, sau đại học, không chính quy... không còn phù hợp với luật giáo dục đại học. Vì vậy Bộ đã sửa đổi quy chế đào tạo liên thông cho phù hợp với mục tiêu đào tạo. Theo đó người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp phải đủ 36 tháng mới được thi liên thông, nếu muốn học luôn sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm (nếu theo học hệ chính quy) hoặc kỳ thi vừa làm vừa học (nếu theo học hệ vừa làm vừa học).
Để giải quyết tình trạng chất lượng không theo kịp quy mô đào tạo, ngoài việc tăng cường giám sát bằng văn bản, Bộ thực hiện kiểm tra tại chỗ các trường. Vừa qua, thanh tra Bộ đã kiểm tra việc thành lập trường, liên doanh liên kết đào tạo, mở ngành... Các vi phạm đã được xử lý, đưa giáo dục đại học đi đúng quỹ đạo.
- Trong các đợt thanh tra năm 2012, lỗi vi phạm lớn nhất của các trường là gì thưa ông?
- Đa số trường được thanh tra đều vi phạm quy chế, nhưng chủ yếu là không đảm bảo hai yếu tố giáo viên cơ hữu và diện tích xây dựng trên đầu sinh viên. Một số trường ngoài công lập sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn chưa có đất xây trường đúng như cam kết khi thành lập. Bộ đã xử lý bằng nhiều hình thức, như giao chỉ tiêu tối thiểu, dừng tuyển sinh, rút quyết định mở ngành, kỷ luật hiệu trưởng...
Hiện Bộ đã phát đi ba thông điệp, thứ nhất là đối với trường chưa đảm bảo chất lượng đào tạo thì tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy. Thứ hai là cơ sở vật chất không đảm bảo thì phải tăng cường trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ quá trình dạy và học. Cuối cùng, Bộ cảnh báo các trường chưa có đất xây dựng phòng học. Đến tháng 6/2014, nếu không giải quyết được việc này thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Một loạt địa phương đang quay lưng với hệ đào tạo dân lập như Hà Nội, Hà Nam... Quan điểm của Bộ như thế nào về vấn đề này?
- Về nguyên tắc, giá trị của các bằng đại học là như nhau. Tại chức, liên thông hay chính quy thì chương trình giảng dạy là như nhau dù phương pháp dạy khác nhau. Tuy nhiên, thực tế có một số cơ sở đào tạo không đảm bảo, chất lượng sinh viên ra trường thấp khiến nhiều địa phương quay lưng.
Hiện nay, Bộ đã điều chỉnh thông qua quy phạm pháp luật, như thay đổi quy chế thi liên thông để từng bước kéo gần chất lượng đào tạo của hệ này so với chính quy. Quan điểm của Bộ là dù có đào tạo ở hệ nào thì chất lượng đầu ra phải như nhau để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi đấy xã hội sẽ không quay lưng với bất kỳ hệ đào tạo nào.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay học nghề đều có sứ mệnh riêng. Người nào có nhu cầu học tiếp thì liên thông và được giảm thời gian những môn đã học trước đó. Chính vì vậy, để nhận ưu tiên này thì đầu vào liên thông cũng phải siết chặt, phải chờ đủ 36 tháng để có kinh nghiệm trong công việc, hoặc nếu muốn học ngay thì thi đại học như bình thường.
- Vậy trách nhiệm của Bộ như thế nào để giáo dục đại học đạt được kết quả như chủ trương đề ra?
- Trong những năm tới, Bộ tiếp tục giao quyền tự chủ cho các trường. Năm nay, 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật được giao tuyển sinh riêng. Cách đây 3 năm Bộ đã giao quyền tự chủ cho hai trường ĐH Quốc gia, thế nhưng năm nay hiệu trưởng các trường này vẫn xin lỗi vì chưa sẵn sàng tự tuyển sinh.
Về việc mở ngành, Bộ vẫn sẽ nắm để điều tiết nguồn nhân lực theo nhu cầu. Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển nhân lực đến năm 2020. Bộ sẽ dựa vào đề án này để điều chỉnh quy hoạch mạng lưới nguồn nhân lực quốc gia. Những ngành nào đang cần cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước thì phát triển, những ngành đã bão hòa, sinh viên ra không tìm được việc làm thì dừng mở mới như kinh tế, tài chính, ngân hàng...
Luật giáo dục đại học chú trọng tăng cường chất lượng, không phải tăng quy mô như trước đây. Để làm được việc đó, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các trường để đảm bảo chất lượng dạy và học.
Phát biểu tại hội nghị tuyển sinh ngày 22/1, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng phải xác định rõ mục đích mở trường trung cấp, trường nghề và nhiệm vụ của hệ thống giáo dục trong việc phân luồng. "Quy định mới về đào tạo liên thông không phải là vẽ đường vòng và trên thực tế đã có lúc nó là con đường tắt đưa các cháu vào đại học với chất lượng thấp hơn", Bộ trưởng nói và cho hay cả xã hội đang lên án việc thừa thấy thiếu thợ.
Theo Bộ trưởng, cần tôn trọng nhu cầu học tập của học sinh và việc học tập suốt đời, vì vậy mới mở lối cho các cháu có cơ hội học đại học. Nhưng học cao đẳng xong ngay lập tức vào đại học thì không phải mục tiêu thiết kế của liên thông. "Nếu làm thế thì việc xây dựng hệ thống trường nghề, trung cấp, cao đẳng thất bại. Nếu thế chỉ cần mở thêm trường phổ thông cho học sinh học văn hóa một cách tử tế, sau cho vào đại học", ông Luận nói.
Theo VNE
Cần tối đa hóa lợi ích do hội nhập WTO Nghiên cứu "Phân cấp quản lý trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế" của Viện Kinh tế Việt Nam và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Hội nhập có thể mang lại lợi ích cho sự phát triển của Việt...