Cô bé tử vong sau tiêm vắc xin được phát hiện khi người đã lạnh, ra máu mũi
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội vừa có báo cáo khẩn về ca tử vong sau tiêm chủng vắc xin ComBE Five tại Thạch Thất, Hà Nội. Cháu bé được bố mẹ phát hiện bất thường vào khoảng 7 giờ sáng sau một ngày bé được tiêm chủng, có hiện tượng ra máu mũi.
Ông Hoàng Đức Hanh cho biết, cô bé 70 ngày tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) có tiền sử sinh hoàn toàn khỏe mạnh, nặng 3,2kg và không có bệnh lý bẩm sinh.
Vào ngày được bố mẹ đưa đi tiêm chủng (ngày 9/1/2019), bệnh nhi được khám sàng lọc không sốt, nhiệt độ cơ thể 36,5 độ, khám phân loại không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, trẻ đủ điều kiện tiêm chủng.
Cán bộ tiêm chủng lấy vắc xin, chuẩn bị tiêm vắc xin ComBE Five cho trẻ. Ảnh: H.Hải
Sau khi được tư vấn tiêm và hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc, xử trí sau tiêm chủng tại nhà, bé được tiêm vắc xin phối họp 5 trong 1 phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Viêm gan B – Hib (ComBE Five) mũi 1 và uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 1. Sau mũi tiêm, bé được theo dõi tại Trạm Y tế xã và không có bất thường.
Theo lời kể của mẹ, đến 12 giờ 30 phút gia đình chủ động cho trẻ uống hạ sốt Acepron 80mg dù trẻ không có biểu hiện bất thường. Sau đó, đến khoảng 14 giờ cùng ngày, mẹ bé gửi con cho bà nội trông. Trong thời gian bà nội trông cháu sờ thấy trán cháu nóng, môi đỏ. Dù bé không quấy khóc nhưng cảm nhận trẻ không được nhanh nhẹn như mọi khi.
Sau 3 tiếng gửi bà, người mẹ đón con về nhà vẫn thấy trẻ bình thường. Đến 19 giờ cùng ngày trẻ sốt (gia đình không cặp nhiệt độ) nhưng vẫn bú bình thường, không khóc, không tím tái và được cho uống thêm một gói hạ sốt t Acepron 80mg.
Dùng thuốc được 30 phút, trẻ đỡ sốt hơn nhưng đến 22 giờ cùng ngày, mẹ thấy con tiếp tục sốt và cũng không kẹp nhiệt độ đã mua thuốc hạ sốt Colocol (paracetamol 80mg, dạng bột) để cho trẻ uống.
Video đang HOT
Sau đó, trong khoảng thời gian từ 5giờ 30 phút đến 06 giờ sáng ngày 10/1/2019, thấy con đỡ quấy khóc, mẹ đã đặt con trên giường bố mẹ và ngủ.
Vào khoảng 7 giờ sáng ngày 10/1/2019 gia đình thấy trẻ ra máu mũi, người lạnh, không động đậy. Bé được bác đưa đến nhà cán bộ y tế thôn để kiểm tra.
Chị Chu Thị Phượng (là y tế thôn Yên Lạc 3) cho biết bé được gia đình bế đến khám. Sau khi mở chăn bông ra, y tá Chu Thị Phượng thấy cháu đã ngừng thở, có máu chảy ở mũi nên ngay lập tức xử trí ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo và ấn huyệt nhân trung trong 2 phút.
Sau đó, gia đình đưa trẻ đến bệnh viện Thạch Thất bằng ô tô của gia đình. Trên đường đi thấy trẻ có biểu hiện sùi bọt mép, mũi chảy ra thêm dịch màu hồng.
Theo báo cáo, trẻ được đưa đến BV Thạch Thất cấp cứu lúc 7 giờ 56 phút ngày 10/1/2019 trong tình trạng người lạnh, tím tái, mũi sùi bọt hồng, mạch không bắt được.
Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, ép tim, dùng thuốc cấp cứu nhưng sau gần 1 tiếng mạch trẻ vẫn không bắt được. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, đến khoảng 10 giờ 00 phút ngày 10/01/2019. trẻ không qua khỏi.
Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành điều tra tại cơ sở tiêm chủng. Sau khi tiến hành rà soát lại tất cả các điểm tiêm chủng trong phạm ví quản lý, đảm bảo các quy định về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, nhân lực cho điểm tiêm chủng; đảm bảo tuân thủ các quy định về tiêm chủng an toàn (quản lý, bảo quản vắc xin, liều tiêm, đường tiêm, thời gian tiêm, xử lý tai biến trong tiêm chủng…).
Trong ngày 09/1/2019, ngoài cô bé này có 39 trẻ được tiêm vắc xin ComBE Five lô 220103118C hạn sử dụng ngày 31/8/2020 và 20 trẻ được uống vắc xin bại liệt lô BP- 0518 hạn sử dụng ngày 06/5/2020.
Ngoài trường hợp cô bé này, có 2 trẻ có biểu hiện sốt trên 38,5 độ và được theo dõi tại Trạm Y tế xã Cần Kiệm, các trường hợp còn lại hiện tại chưa ghi nhận có phản ứng gì bất thường.
Hiện tại, cơ quan chức năng đang chờ kết quả mổ tử thi để tìm nguyên nhân trẻ tử vong.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Nam Định: Vụ hai trẻ tử vong sau tiêm chủng: Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh lên tiếng
Sau khi nhận được thông tin có 2 trẻ tử vong sau khi tiêm chủng, Sở Y tế Nam Định đã thành lập đoàn công tác, tiến hành điều tra, thu thập thông tin về công tác tiêm chủng tại các cơ sở Y tế liên quan, đồng thời tổ chức Hội đồng đánh giá tai biến phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Mấy ngày qua, dư luận vô cùng hoang mang, lo lắng trước thông tin có 2 trẻ ở Nam Định, tử vong sau khi tiêm chủng vắc xin ComBe Five, uống vắc xin bại liệt tại trạm y tế.
Theo ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định, sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Nam Định đã thành lập đoàn công tác, tiến hành điều tra, thu thập thông tin về công tác tiêm chủng tại các cơ sở Y tế liên quan.
Vào chiều ngày 27/12, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội đồng đánh giá tai biến phản ứng nặng sau tiêm chủng. Hội đồng kết luận: Trẻ tử vong không nghĩ đến phản vệ nặng liên quan đến vắc xin; không do thực hành tiêm chủng; việc tử vong chưa xác định được nguyên nhân...
Ông Đỗ Đức Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định
Hai trẻ xác định tử vong gồm, cháu Hứa Trần Gia Hân, sinh ngày 29/9/2018, ở xóm 10, xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường. Ngày 25/12/2018, cháu được gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Thọ Nghiệp để tiêm vắc xin. Tại đây, sau khi khám sàng lọc, cháu Hân được cán bộ Y tế chỉ đinh tiêm vắc xin ComBe Five mũi 1, OPV1 vào lúc 7h41.
Sau khi tiêm, qua thời gian theo dõi tại Trạm trong thời gian 30 phút theo quy định, cháu Hân không có biểu hiện bất thường về sức khỏe, được cho về nhà. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, cháu có biểu hiện sốt nhẹ. Đến chiều ngày 26/12 cháu sốt cao.
Đến 19h30 ngày 26/12 cháu có biểu hiện tím tái. Qua thăm khám của một cán bộ y tế công tác tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy (hàng xóm của gia đình) cháu có biểu hiện thở nấc, cơn ngừng thở, nhịp tim rời rạc. Khi đó, gia đình đã gọi xe đưa cháu tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy. Tuy nhiên, khi đến nơi. Trung tâm xác định cháu đã tử vong trước đó.
Trường hợp thứ hai là cháu Mai Tiến Đạt, sinh ngày 12/10/2018, ở xóm 13, xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh. 7h40 sáng ngày 25/12 cháu Đạt được cán bộ Y tế của Trạm Y tế xã Trực Mỹ tiêm vắc xin ComBe Five mũi 1, cho uống OPV lần 1 và uống Rotavin.
Sau khi tiêm và uống vaccin, được theo dõi 30 phút tại Trạm Y tế đúng quy định, cháu Đạt vẫn khỏe mạnh, được về nhà. Tuy nhiên, sang ngày 26, từ thời điểm 17h cháu có biểu hiện sốt 38 độ C. Sáng ngày 27/12, cháu có biểu hiện da lạnh, tím tái. Cháu được gia đình đưa tới Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng (cách nhà gần 10 km) sau đó để cấp cứu. Tuy nhiên, giống trường hợp cháu Hân, cháu Đạt cũng được Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng xác định đã tử vong ngoại viện.
Nhiều người hoang mang trước thông tin tiêm vắc xin mới
Trong đợt tiêm chủng này, tỉnh Nam Định đã cấp cho các cơ sở Y tế trong tỉnh tổng cộng 11.040 liều vắc xin ComBe Five để tiêm mũi 1 trong ngày 25/12/2018. Tổng số trẻ đã được tiêm là 8.456/11.025 trẻ.
Ngoài hai trường bị tử vong trên, sau tiêm chủng, toàn tỉnh ghi nhận có 40 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị vì bị sốt cao, quấy khóc, một số trường hợp bị tím tái toàn thân, khó thở từ nhẹ đến nặng. Ngoài ra còn có 716 trường hợp có một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau tại vị trí tiêm. Các trường hợp trên đều đã được xử lý, sức khỏe trẻ đã ổn định.
Đức Văn
Theo Dân trí
Bộ Y tế thông tin về hai trường hợp trẻ tử vong tại nhà sau tiêm chủng Chiều 28/12, Bộ Y tế đã chính thức đưa ra thông tin về hai trường hợp trẻ ở Nam Định tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36 đến 48 tiếng. Theo đó, hai trẻ đều được khám sàng lọc và tiêm vắc xin ComBE Five, uống vắc xin bại liệt tại trạm y tế, sau tiêm được theo dõi 30 phút...