Cô bé bán vé số vô địch boxing thế giới và trận đánh đổi đời
Từng bán vé số và ước mơ làm bác sĩ, nhưng hiện tại, Nguyễn Thị Thu Nhi lại là người Việt Nam đầu tiên giành đai vô địch boxing thế giới.
“Nhi bây giờ khác xưa rồi, đừng nên nhìn lại quá khứ nữa“, Nguyễn Thị Thu Nhi thường tự nhủ mỗi lần đứng trước gương và thầm tự hào vì mình chính là nhà vô địch thế giới. Cô là võ sĩ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử giành đai WBO – một trong những danh hiệu lớn nhất của giới boxing chuyên nghiệp.
Thu Nhi là võ sĩ Việt Nam đầu tiên vô địch boxing thế giới.
Bán vé số, chạy quán ăn sau giờ học
“Em đã từng làm những công việc nhỏ để kiếm tiền. Ngày đó cũng mơ mình làm bác sĩ hay gì đó, chỉ ước vậy thôi chứ cũng không nghĩ xa. Còn rẽ sang thể thao, rồi một ngày được đứng trên đỉnh vinh quang, em không nghĩ đến”, nhà vô địch WBO hạng mini-flyweight (dưới 48 kg) nhớ lại.
” Có một thời gian em đi bán vé số. Sau lớn rồi người ta không mua ủng hộ nhiều nữa thì em đi phụ bán quán ăn, bưng bê, rửa chén. Em không thấy những việc đó là khó khăn, cũng không thấy xấu hổ trước mặt bạn bè. Hồi trung học em còn phục vụ cho cả các bạn em đến quán nữa“, Nhi cười tươi và rất hào hứng kể lại chuyện đi làm thêm ngày nhỏ. Đối với cô đó là những kỷ niệm, những trải nghiệm mà chúng bạn không có.
Thời niên thiếu của Nhi chỉ cực hơn một chút khi cô bé học sinh cấp hai vô tình phát hiện ra đam mê với võ thuật. Cô tập võ từ năm 2010, ban đầu chỉ là một môn ngoại khóa tự chọn để được cộng điểm thể dục ở trường.
Sáng đi học, chiều làm thêm và đến tối thì đi tập. Kỳ nghỉ hè, khi các bạn đi chơi, đi học thì Nhi mướt mồ hôi cả ngày ở phòng tập. Cô hầu như không có thời gian đi chơi với bạn bè.
Ban đầu là võ cổ truyền, cô dần chuyển sang boxing, tập ở CLB của quận rồi đi đấu giải thành phố. Đấy cũng là lần đầu tiên Nhi cảm thấy rằng mình… giỏi đánh lộn, và biết được việc đi đấu võ cũng kiếm ra tiền.
” Lúc đó mới tập đánh, chưa biết đánh gì cả, chỉ háo thắng thôi mà em được huy chương vàng luôn. Chắc là em khát khao để được nhận vào đội tuyển thành phố.
Giải đó em được thưởng 600 nghìn đồng. Đến khi lên đội tuyển thành phố, một tháng lương ở tuyến thấp nhất là một triệu rưỡi, một số tiền rất lớn đối với em ở thời điểm đó.
Em thấy đi làm thêm tiền kiếm được còn không bằng đi tập võ, nên em quyết định bỏ việc làm thêm, chỉ còn tập trung vào tập võ và đi học. Em bắt đầu có suy nghĩ tập võ vừa là đam mê, vừa là công việc của mình”.
Trận đánh đổi đời
Nhi đã ăn tập ở đội tuyển của TP.HCM vài năm, đấu nhiều giải và giành cả huy chương quốc gia. Nhưng đó không phải là boxing chuyên nghiệp. Boxing ở Việt Nam chủ yếu là thể loại để đi đấu ở các đại hội thể thao, như SEA Games, ASIAD hay Olympic. Trên thực tế đây chỉ là hạng nghiệp dư vì đã lược bỏ đi rất nhiều yếu tố khốc liệt của các trận đấu.
Nhi kể: “Tập nghiệp dư thể lực đòi hỏi ít hơn. Đánh nghiệp dư chủ yếu là tốc độ thôi. Sang chuyên nghiệp giáo án nặng hơn gấp đôi luôn. Em tập tạ, chạy bộ, làm cái gì cũng phải gấp đôi so với khi tập nghiệp dư. Khi mới đánh trận chuyên nghiệp đầu tiên, em chỉ biết đánh ăn điểm, cứ ra đòn xong rồi chạy để thở.
So với lúc đấy, nếu mà có 100 mức thì bây giờ em phải lên cấp 70 hay 80 rồi. Hồi đầu em đánh cứ như múa, đấm đối thủ không có thấm. Em chỉ đánh nhanh để ăn điểm người ta thôi”.
Trận đánh để đời đầu tiên của Nhi, cũng là bước ngoặt để cô chuyển sang con đường chuyên nghiệp diễn ra vào năm 2018. Cô đánh thắng Abaniel Gretchen, tay đấm từng 3 lần giành đai vô địch WIBA (Hiệp hội boxing nữ quốc tế). Dù chỉ là một sự kiện giao hữu theo thể thức 4 hiệp nhưng trận đấu đó đủ để Nhi gây ấn tượng trước các chuyên gia nước ngoài.
” Em lúc đó mới chuyển sang đánh không mũ bảo hộ. Em sợ bị knock-out lắm, vì tay của chị ý to bằng cái bắp đùi của em. Thường mà vào trận nhìn thấy đối thủ mà có thể đánh knock-out mình thì em sẽ rất tập trung, để bảo vệ bản thân mình trước đã“, Nhi kể lại.
Video đang HOT
Sau trận đấu đó, Kim Sang-bum, chủ sở hữu của Cocky Buffaloes, một trong những CLB boxing chuyên nghiệp lớn nhất ở Việt Nam, đã tìm gặp để mời Nhi về đầu quân. Nhi cần một môi trường cấp độ cao hơn để nâng tầm trình độ đúng với tiềm năng sẵn có, và cô cũng giúp cho ông bầu người Hàn Quốc thực hiện được giấc mơ từ khi sang Việt Nam đầu tư phòng tập.
“Ông nói là muốn đào tạo một võ sĩ Việt Nam giữ đai thế giới, cho người Việt Nam biết đến boxing chuyên nghiệp nhiều hơn”, Nhi nói.
Sau ba năm kể từ ngày chuyển sang tập chuyên nghiệp, Nguyễn Thị Thu Nhi mới đánh tổng cộng 4 trận WBO, nhưng đã thách đấu nhà vô địch WBO châu Á-Thái Bình Dương Kanyarat Yoohanngoh (Thái Lan) rồi đến nhà vô địch WBO thế giới Etsuko Tada (Nhật Bản). Võ sĩ 25 tuổi người Việt Nam thắng cả 2 trận và giật 2 chiếc đai vô địch.
Người Việt Nam vô địch thế giới
Trở thành võ sĩ số một thế giới ở một hạng cân là cảm giác như thế nào?
“Trời ơi, giống như trong phim kiếm hiệp vậy. Hôm em giành đai vô địch xong đã có 2 bạn nữa người Nhật Bản thách đấu với em. Thế mới biết lòng tự tôn của người Nhật cao cỡ nào.
Được người khác thách đấu em cũng vui lắm. Như vậy là nhiều người trên thế giới chú ý đến mình. Được đánh nhiều, em lại càng thích vì em là người yêu công việc, mà càng làm việc nhiều thì càng có nhiều tiền, đi đánh giải có tiền là em thích”, Nhi chia sẻ đầy phấn khích.
Tính đến trước ngày 23/10/2021, đai WBO hạng mini-flyweight thuộc về Etsuko Tada, người đấu boxing chuyên nghiệp từ khi Nhi còn chưa tập võ. Trong vòng 3 năm, tay đấm người Nhật Bản dù đã gần 40 tuổi vẫn 2 lần thách đấu và giành đai vô địch.
” Khi bước chân sang Hàn Quốc, em đã nghe mọi người nói chị này mạnh lắm. Chị ấy 40 tuổi mà vẫn còn rất nhanh. Em cũng lo lắng, sợ mình bị knock-out, nhưng khi lên đài đánh được một hiệp thì em cũng thấy là chị ấy bị ảnh hưởng bởi tuổi tác rồi. Đòn của chị ấy không nhanh, cũng không nặng để knock-out mình được”, Nhi kể lại.
Dẫu vậy, đó quả thực vẫn là trận đấu khó nhất của Nhi kể từ ngày đi đấu boxing. Chưa bao giờ cô bị đấm đến rách mắt như lần thượng đài ở Hàn Quốc vừa rồi. Tay đấm của Việt Nam chỉ hơn đối thủ 2 điểm và điều đó khiến Etsuko Tada không phục.
“Nếu chị ấy không phục thì vẫn có thể thách đấu lại với em như em thách đấu chị ấy mà. Đai thì em vẫn giữ ở đây, chị ấy cứ đến lấy, lấy được thì cứ lấy. Cả 3 trọng tài đều chấm hơn 2 điểm. Thắng vậy tuy không phải knock-out nhưng là một chiến thắng thuyết phục, chứ không phải là 2 trọng tài chấm mình thắng còn một trọng tài không. Đấy mới là sít sao. Em thấy mình thắng xứng đáng”, Nhi nói.
Khoảnh khắc được trọng tài cầm tay giơ cao báo hiệu người chiến thắng, Nhi thậm chí còn không biết phải phản ứng như thế nào. Cô chỉ chuẩn bị để đánh thắng, chứ không tính trước đến việc thắng xong sẽ làm gì. Từ trái tim của nhà vô địch bỗng hét lên câu nói: ” Tôi là người Việt Nam“.
” Lúc qua bên đó em mang theo nhiệt huyết của người Việt Nam thi đấu, nhưng không nghĩ là mình có thể thắng nên không chuẩn bị trước ăn mừng thế nào, tự nhiên trong đầu hiện ra như vậy. Có lẽ đó là lời khẳng định của em, rằng tôi là người Việt Nam, tôi có thể vươn ra đấu trường thế giới!“, Nhi kể lại.
Nữ võ sĩ Việt đầu tiên vô địch boxing thế giới: "Nhiều người hỏi tôi Việt Nam ở đâu?"
Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã làm nên lịch sử cho boxing Việt Nam khi đánh bại đương kim vô địch Etsuko Tada (Nhật Bản), đoạt chiếc đai WBO thế giới hạng minimum.
Sau trận đấu, trên mặt Thu Nhi để lại 2 vết sẹo lớn, một trên đỉnh đầu, một ngay khoé mắt mà trong suốt buổi nói chuyện với PV, nó khiến cô gần như không thể mở to mắt.
Nhưng đối với Nhi, đó chính là dấu tích của niềm tự hào chiến thắng. "Lúc thấy nước nhiễu xuống nhiều, mình đã biết chắc là máu chứ không phải mồ hôi. Nhưng đã vào trận, mình chẳng còn thấy đau, chỉ đấu hết mình và giành chiếc đai vô địch về cho Việt Nam" - Nhi cười.
"NHIỀU NGƯỜI HỎI TÔI VIỆT NAM LÀ Ở ĐÂU?"
Để bước vào trận đầu mang tầm thế giới và giành được chiếc đai vô địch danh giá, Thu Nhi đã chuẩn bị về thể lực lẫn tinh thần trong bao lâu?
Thu Nhi: Gần 2 năm!
Từ sau khi đạt vô địch châu Á vào năm trước, mình đã sẵn sàng tinh thần để chinh phục chiếc đai thế giới. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, lịch thi đấu bị lùi lại, mình đã lên kế hoạch qua Uzbekistan để tu luyện trên núi.
Lúc đó, nhiều người nghe mình đến từ Việt Nam, họ liền hỏi: "Việt Nam là ở đâu?". Nghe xong, mình thực sự rất tổn thương, bởi nước mình còn nhỏ và thứ hạng boxing trên bản đồ thế giới chưa cao. Thế là mình liền lao vào luyện tập với cường độ cao để nâng cao kỹ thuật, thể lực, tốc độ.
Đến khi đánh bại đối thủ Nhật Bản, giành chiếc đai vô địch, trên sàn đấu, mình chỉ hô vang: "I'm from Vietnam" (Tôi đến từ Việt Nam). Vì mình muốn mọi người biết Việt Nam là đâu và các võ sĩ Việt cũng có thể bước lên đài danh vọng như thế nào!
Thu Nhi đã lập kỷ lục đối với bộ môn Boxing Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Vậy sau trận đấu, cái nhìn của bạn bè quốc tế thay đổi như thế nào?
Thu Nhi: Lúc chưa bước lên sàn, mình đã nghe rất nhiều thông tin rằng đối thủ của mình lớn tuổi, có kinh nghiệm chính chiến, kỹ năng, thể lực đều rất tốt nên cũng có phần lo lắng!
Thế nhưng, mình đã xác định đến đây không phải để đặt nặng vấn đề thắng thua, mà để thi đấu hết mình, có một trận đẹp.
Có 2 thứ mà mình nghĩ mình có được. Thứ nhất tình cách từ nhỏ đã rất lì đòn. Thứ 2, thời điểm bước vào thi đấu chuyên nghiệp, vì không có bạn nữ nào tập chung nên mình toàn thi đấu với nam giới, nhờ thế đòn đánh của nữ đối với mình chẳng xi nhê gì.
Khi lấy được đai rồi, mình nhớ, cả đêm đó mình chẳng thể ngủ được. Trong điện thoại, trên mạng xã hội, mọi người nhắn tin, gọi điện chúc mừng liên tục.
Rất nhiều võ sĩ tại Hàn Quốc, Uzbekistan nói rằng võ sĩ Việt Nam rất giỏi, và mình đã mang niềm tự hào về cho đất nước.
"MẸ THẤY MÁU, BÀ ẤY GẦN NHƯ ĐÃ KHÓC"
Còn gia đình của Nhi thì sao? Họ chắc hẵng sẽ phải tự hào lắm vì bạn đã làm nên một chiến thắng lịch sử cho boxing Việt Nam...
Thu Nhi: Hoàn toàn ngược lại... (Cười!).
Mình nhớ, gần cuối hiệp chính thì mình bị chấn thương gây ra 2 vết sẹo rất dài. Một cái là ngay khoé mắt vì đập vào cùi chỏ đối thủ, một cái toét đầu khi cả hai húc nhau.
Lúc mình thấy nước nhiễu xuống nhiều thì biết chắc máu chứ không phải mồ hồi. Trọng tài liền "Stop", đưa mình ra y tế. Bôi thuốc xong, y tế bảo không sao thì mình đề nghị quay lại sàn ngay.
Vết thương kéo dài trên mắt và đỉnh đầu lại là dấu tích của niềm tự hào chiến thắng.
Thật ra, đang đấu nên mình còn chẳng thấy đau gì nữa cả. Với lại mười mấy năm tập luyện, chuyện chảy máu mũi, bầm dập đã là thường nên lúc đó có tét mắt, gãy mũi, thì mình vẫn sẽ đấu tiếp.
Chỉ khi giành chiến thắng, mình gọi điện về Việt Nam cho mẹ. Nhìn vết thương, bà gần như sắp khóc, bảo: "Con nghỉ đi, mẹ ko muốn sống bằng tiền máu me của con vậy đâu". Mình sợ thấy mẹ rơi nước mắt nên vội vàng cúp máy.
Mẹ mình ấy, bà ấy luôn ủng hộ con đường mình chọn, nhưng lo lắng cho sức khoẻ của mình lắm! Mấy nay, hôm nào mẹ cũng gọi, dặn dò mình dưỡng thương để sớm trở về Việt Nam.
"NGOẠI ĐỢI MÌNH VỀ VIỆT NAM RỒI MẤT"
Thời điểm ban đầu, cơ duyên nào đưa Nhi đến với bộ môn boxing?
Thu Nhi: Năm 3 tuổi, bố mẹ mình không ở với nhau nữa. Mình theo mẹ từ An Giang lên Sài Gòn sống cùng Ngoại.
Ở quận có tổ chức cho học sinh học võ, thầy giáo thấy mình có năng khiếu nên đăng ký cho mình học thêm bộ môn boxing.
Thời điểm mới tập tễnh vào nghề, 1 buổi mình đi học, 1 buổi đi tập, 1 buổi phải bán vé số, rửa chén thuê để trang trải cuộc sống nên chậm phát triển lắm! Ngày hè, không còn phải đi học nên mình cố gắng bù lại. Đến khi được chọn vào đội tuyển thành phố, có thu nhập cố định rồi thì mình chỉ chăm chú vào luyện tập thôi.
Năm 2014 mình được Việt Nam đưa sang Thái Lan để tập huấn. Nhưng đó cũng là năm nuối tiếc nhất với mình!
Thu Nhi chiếm thế áp đảo trong trận đấu.
Nuối tiếc về chuyện gì?
Thu Nhi: Năm đó Ngoại mình mắc bệnh nặng. Trước ngày mất, bà được bác sĩ đứa trở về nhà, vẫn cắm oxy để đợi mình trở về.
Nghe tin xong, mình đã mua vé máy bay để trở về Việt Nam gấp. Hôm đó, mình nói: "Con về rồi, bà có thể an lòng đi được rồi" thì Ngoại mới nhắm mắt.
Ngoại đã nuôi mình từ khi còn nhỏ xíu. Bà không biết gì về boxing cả đâu, nhưng thấy cháu đam mê gì thì bà luôn ủng hộ hết mình. Nhưng lúc mình mới chập chững vào nghề, tiền bạc chỉ đủ nuôi bản thân nên chưa làm được gì lớn lao cho Ngoại.
"TỰ HÀO NHẤT LÀ VIỆT NAM ĐÃ ĐI VÀO LỊCH SỬ BOXING THẾ GIỚI"
Sự tiếc nuối đó có phải lí do để Nhi tiếp tục con đường này?
Thu Nhi: Thời gian vừa đi học vừa đi làm, mình đã rất nhiều lần muốn từ bỏ boxing. Nó rất cực và mình chỉ muốn có thời gian để kiếm tiền, để nuôi bản thân và gia đình.
Đến bây giờ khi đã vào đội tuyển quốc gia, có lương thì mình tiếp tục theo đuổi thực hiện ước mơ thôi. Bởi mình không thể làm cho Ngoại, mẹ, các thầy và người ủng hộ mình thất vọng.
Đối với mình được lên sàn đấu, trở thành nhà vô địch,... điều tự hào nhất không chỉ là bản thân mà còn cho thế giới thấy Việt Nam đã làm nên lịch sử như thế nào.
Giai đoạn tiếp theo, Nhi đã những dự định như thế nào?
Thu Nhi: Mình sẽ sớm trở về Việt Nam khi có chuyến bay và cách ly theo quy định. Khi vết thương bình phục thì mình sẽ tiếp tục luyện tập trở lại.
Trong vòng 4 tháng nữa sẽ có người thách đấu và mình sẽ sẵn sàng chấp nhận để bảo vệ chiếc đai và nâng cao thứ hạng của Việt Nam hơn trên bảng thành tích thế giới.
Cảm ơn Thu Nhi vì những chia sẻ chân thành này.
Từ cô bé bán vé số đến nhà vô địch boxing thế giới Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi, người mang chức vô địch boxing thế giới đầu tiên cho Việt Nam cho biết, tuổi thơ cơ cực giúp cô trưởng thành hơn... Lạ lẫm với cuộc sống mới Liên hệ với võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi, nhà vô địch boxing thế giới hạng ruồi nhẹ (vô địch WBO) vào những ngày cuối năm,...