Cô bé 7 tuổi chết bất thường, Bệnh viện K ‘lên tiếng’
Lãnh đạo bệnh viện K (Tân Triều, Hà Nội) cho rằng, bệnh viện sẽ không bao che, nếu phát hiện thiếu sót, sai phạm trong quá trình điều trị cho bệnh nhi sau khi có kết luận điều tra sẽ xử lý kỷ luật đúng người, đúng sai phạm.
Thông cáo báo chí của Bệnh viện K, ngày 14/3, bệnh nhi Lê Bảo N., 7 tuổi (quê tại xã Tây Cốc, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) tử vong tại bệnh viện K trong quá trình điều trị u lympho ác tính không Hodgkin giai đoạn III
Bệnh nhi bị bệnh 2-3 tháng trước khi vào viện, ban đầu xuất hiện khối u vùng hàm dưới phải, không đỏ, không đau, ăn uống bình thường, sưng to. Đi khám tại bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương được sinh thiết chẩn đoán với Giải phẫu bệnh và Hóa mô miễn dịch: U lympho không Hodgkin.
Ngày 21/02/2019, bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện K được nhập viện khoa Nội Nhi với chẩn đoán: U lympho ác tính không Hodgkin giai đoạn III dòng tế bào B lớn lan tỏa và được truyền hóa chất phác đồ FAB LMB96 nhóm B (prephase COP: thuốc trong phác đồ là vincristine, cyclophosphamide, prednisolone). Đây là phác đồ điều trị chuẩn mực hiện đang được áp dụng tại Việt Nam và các nước tiên tiến.
Cũng theo thông tin từ Bệnh viện K, tổn thương xương hàm phải là điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng, ngoài ra tác dụng phụ của thuốc sau quá trình truyền hóa chất có thể dẫn đến hạ bạch cầu rất dễ dẫn đến nhiễm khuẩn. Các tác dụng phụ của hóa chất đã được bác sĩ điều trị giải thích kỹ cho người nhà trước khi điều trị và người nhà đồng ý ký cam kết điều trị; sau điều trị bệnh nhi ổn định ra viện về nhà điều trị ngoại trú.
Ngày 5/3/2019, bệnh nhi tái khám, được khám, đánh giá lâm sàng. Khối u vùng xương hàm dưới phải đáp ứng một phần, u nhỏ còn lại một phần (khối u giảm khoảng 80%), bệnh nhi tiếp tục được điều trị chuyển pha tấn công COPADM1 (Cyclophosphamide, Vincristine, prednisolone, Doxorubicin, methotrexate) và bệnh nhi được nằm nội trú, theo dõi sát hàng ngày.
Đến ngày 10/3/2019, bệnh nhi đang truyền hóa chất xuất hiện: xuất huyết ở mũi số lượng ít, không sốt, không ngạt mũi, không xuất huyết nơi khác, kèm theo đi ngoài nhiều phân lỏng 10 lần/ngày, được chẩn đoán: Rối loạn tiêu hóa/u lympho ác tính không Hodgkin giai đoạn IIIB đang điều trị, bệnh nhi được điều trị phác đồ tiêu chảy cấp: men vi sinh, bù nước và điện giải.
Đến ngày 12/3/2019, bệnh nhi tỉnh, không sốt, niêm mạc miệng sạch không có giả mạc, toàn bộ khối u vùng hàm mặt phải thoái giảm trên lâm sàng, bụng mềm không có dấu hiệu ngoại khoa, đi ngoài nhiều lần/ngày, phân nhiều nước, không có tình trạng mất nước.
Xét nghiệm cận lâm sàng: Bạch cầu: 6,6G/l; Bạch cầu trung tính: 6,27G/l; Hồng cầu: 3,8 G/l; Tiểu cầu: 303G/l. Bệnh nhi tiếp tục được điều trị theo phác đồ tiêu chảy cấp và theo dõi sát tại khoa.
Ngày 13/03/2019, bệnh nhi tỉnh, niêm mạc miệng sạch không loét, khối u vùng hàm mặt phải tan hoàn toàn, bụng mềm, đau bụng âm ỉ, xét nghiệm Hồng cầu: 3,6g/l; bạch cầu: 0,38g/l; bạch cầu trung tính: 0,17G/l; tiểu cầu: 183G/l, tình trạng nhiễm trùng nặng. Được chẩn đoán: Hạ bạch cầu mức độ 4/u lympho ác tính đang điều trị, được sử dụng thuốc kích thích tăng bạch cầu, kháng sinh và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực và theo dõi sát tại khoa Hồi sức cấp cứu nhưng do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, đến 07h45, sau cấp cứu ngừng tuần hoàn lần 2 theo phác đồ, tim không đập trở lại, huyết áp không đo được, bệnh nhi tử vong.
Sau đó, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc bệnh viện và TS.BS Trần Văn Công, Trưởng khoa Nội nhi cùng với các bác sĩ Trưởng, phó khoa, phòng, đơn vị đã gặp mặt chia sẻ, động viên, giải thích với gia đình bệnh nhi; tổ chức làm việc với Công an huyện Thanh Trì; hỗ trợ cùng gia đình đưa bệnh nhi mổ pháp y tại Bệnh viện Quân Y 103, sau đó hỗ trợ xe đưa bệnh nhi về địa phương; sáng sớm ngày 14/03, PGS.TS Lê Văn Quảng cùng đoàn công tác của bệnh viện đã về địa phương chia sẻ với gia đình và dự tang lễ của bé.
Video đang HOT
Đồng thời, Bệnh viện đã báo cáo về sự cố y khoa lên lãnh đạo Bộ Y tế. Bệnh viện đã thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá quá trình điều trị bệnh nhi và phối hợp chặt chẽ với cơ quan Cảnh sát điều tra để sớm làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhi.
“Bệnh viện đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với TS.BS Phạm Thị Việt Hương, Phó Trưởng khoa Nội nhi (bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhi) để phục vụ công tác điều tra làm rõ vụ việc. Quan điểm của bệnh viện là sẽ không bao che, nếu phát hiện thiếu sót, sai phạm trong quá trình điều trị cho bệnh nhi sau khi có kết luận điều tra sẽ xử lý kỷ luật đúng người, đúng sai phạm”, Thông cáo của Bệnh viện K. cho biết.
Huyền Trang
Theo baophapluat
Tầm soát sớm ung thư cổ tử cung như thế nào?
Theo thống kê của Bệnh viện K, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Hình ảnh khối u xâm lấn trên bệnh nhân S. Ảnh: VGP/Trần Hà
Cụ thể, ghi nhận của Bệnh viện K cho thấy, năm 2018, Việt Nam có khoảng gần 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này.
Mới đây, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K đã tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân S. (54 tuổi), chẩn đoán ung thư cổ tử cung, nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo, chóng mặt, buồn nôn, da xanh niêm mạc nhợt, vô niệu.
Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị suy thận cấp do khối ung thư cổ tử cung xâm lấn lan rộng. Các bác sĩ đã truyền máu, lọc máu, cấp cứu tích cực cho bệnh nhân. Bệnh nhân được chẩn đoán bị suy thận cấp và mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IV, sẽ tiếp tục được theo dõi và điều trị theo phác đồ.
Trường hợp bệnh nhân S chỉ là 1 trong số nhiều bệnh nhânđến khám và điều trị tại Bệnh viện K khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
TS.BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện K khuyến cáo, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung, phụ nữ cần ghi nhớ gồm:
- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.
- Ra máu âm đạo bất thường.
- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.
- Đau tức vùng bụngdưới.
- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung
- Virus HPV: là thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung (99,7%), lây truyền qua đường tình dục. Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. Trong đó, có 2 type nguy cơ cao nhất là type 16 và type 18.
- Ức chế miễn dịch: thuốc hay các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng HPV và dẫn đến ung thư cổ tử cung.
- Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng, đặc biệt là trên 35 tuổi.
- Sinh con quá sớm (dưới 17 tuổi) khi cơ quan sinh sản chưa phát triển hết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.
- Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần (từ 3 lần trở lên) thì tỉ lệ mắc bệnh cao gấp hai lần so với những phụ nữ sinh 1-2 con.
- Một số nguyên nhân khác: béo phì, thuốc lá, quan hệ tình dục bừa bãi, sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài ....
Tại sao tầm soát sớm ung thư cổ tử cung
- Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị ở giai đoạn đầu. Việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất cần thiết cho điều trị căn bệnh này, đem lại hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm thời gian điều trị, giảm thiểu rủi ro. Chi phí cho một lần đi khám sàng lọc ung thư sớm là rất nhỏ so với số tiền bạn phải bỏ ra để điều trị bệnh lâu dài khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
Tầm soát sớm ung thư cổ tử cung như thế nào?
Bệnh nhân cần: Khám phụ khoa; soi cổ tử cung để phát hiện tổn thương sớm bất thường tại cổ tử cung; thực hiện xét nghiệm Pap để tìm những biến đổi bất thường của tế bào cổ tử cung; xét nghiệm HPV sàng lọc ung thư cổ tử cung...
Những điều cần lưu ý khi tầm soát ung thư cổ tử cung
Phụ nữ thăm khám, làm xét nghiệm này trong lúc không có kinh nguyệt.Khoảng 2 ngày trước khi thử Pap không bôi kem hay đăt thuốc vào âm đạo.Không nên sinh hoạt tình dục trong vòng 1 -2 ngày trước khi thử Pap.
Tùy vào giai đoạn của bệnh mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hiện nay, tại Việt Nam bệnh ung thư cổ tử cung đang được điều trị theo các phương pháp hiện đại và hiệu quả như phương pháp phẫu triệt căn, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật. Phẫu thuật là phương pháp phổ biến đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Phạm vi phẫu thuật ung thư cổ tử cung có thể là phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung. Cắt tử cung toàn bộ, cắt tử cung triệt căn, vét hạch bằng mổ nội soi hoặc mổ mở. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa.
Hiền Minh
Theo baochinhphu
Đau tức ngực, khó thở có thể liên quan đến ung thư Vừa qua bệnh viện K ghi nhận hai trường hợp với triệu chứng ban đầu đau ngực, khó thở. Sau thăm khám người bệnh đều được chẩn đoán là ung thư giai đoạn muộn. Do vậy khi thấy biểu hiện bất thường của cơ thể, người bệnh cần đi khám sớm, nếu kéo dài có thể để lại hậu quả xấu và khó...