Có bao nhiêu tội phạm người Việt đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ?
Theo Bộ Công an tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy trường hợp bị khởi tố và truy nã quốc tế (ảnh IT).
Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về dẫn độ và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và tác động về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ. Dự thảo nêu trên được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến nhân dân.
Báo cáo tổng kết thi hành về dẫn độ cho biết, tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1.200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng
Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ yêu cầu dẫn độ (YCDĐ) đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (gồm 21 YCDĐ theo các hiệp định song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Ô-xtrây-li-a, Cộng hòa Bê-la-rút, Vương quốc Căm-pu-chia, Cộng hòa U-crai-na, Cộng hòa Séc, Cộng hòa Bun-ga-ri và 14 YCDĐ theo nguyên tắc có đi có lại với Vương quốc Anh, Hồng Công – Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Pê-ru, Ma-lai-xi-a…), trong đó:
Đã dẫn độ được 07 đối tượng về Việt Nam (gồm: Phạm Thế Vinh, Nguyễn Hà Lan, Phạm Thúy Ngân và Nguyễn Xuân Đại từ Liên bang Nga, Lê Quang Nhật từ Cộng hòa U-crai-na, Phùng Hữu Sơn từ Cộng hòa Séc và Phạm Minh Đại từ Cộng hòa Bê-la-rút); 1 đối tượng bị bắt giữ khi bỏ trốn về Việt Nam (Nguyễn Tất Kiên từ Ô-xtrây-li-a);
Có 4 YCDĐ bị phía nước ngoài từ chối (gồm Nguyễn Trần Hường bị Nhật Bản từ chối do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Nhật Bản, Nguyễn Hải An bị Cộng hòa Séc từ chối do đối tượng được cấp quy chế tỵ nạn tại Séc, Phạm Mạnh Hùng bị Vương quốc Thái Lan từ chối do đối tượng được Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn cấp quy chế tỵ nạn và đã được Ca-na-đa tiếp nhận, Đào Thanh Tùng bị Liên bang Nga từ chối do đang chấp hành án về một tội phạm thực hiện trên lãnh thổ Nga);
Có 1 đối tượng trở về Việt Nam và ra trình báo với cơ quan chức năng về việc đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chấp hành hình phạt về tội phạm bị YCDĐ tại nước ngoài (Nguyễn Văn Trung từ Vương quốc Căm-pu-chia).
Video đang HOT
Bộ Công an đang tiếp tục tích cực đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài khẩn trương giải quyết các YCDĐ còn lại.
Lệnh truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống lệnh truy nã hiện có của Interpol và cũng là một loại giấy chứng nhận bắt giữ hình sự mang tính chất tạm thời. Lệnh truy nã đỏ chính thức được ban hành và có hiệu lực sau khi có cả hai chữ ký, một của Trưởng trung tâm Interpol nước xin phát lệnh truy nã và chữ ký của Tổng thư ký Tổ chức Interpol quốc tế.
Trong lệnh truy nã đỏ ngoài ảnh đối tượng truy nã còn có hai phần nội dung chính yếu. Phần thứ nhất là những thông tin liên quan nhân thân đối tượng (họ tên, quốc tịch, đặc điểm nhận dạng, vân tay, số hộ chiếu, số chứng minh thư…). Phần thứ hai là những thông tin tư pháp thông báo quá trình phạm tội và những căn cứ pháp luật để bắt giữ đối tượng (trích yếu vụ án, tòng phạm, tội danh, các điều khoản pháp luật liên quan, lệnh bắt giữ, bản án, thời gian bản án có hiệu lực…).
Trong vòng 1 tuần, lệnh truy nã đỏ sẽ được Tổng thư ký Interpol xem xét, sau đó chuyển cho các chuyên gia luật pháp của Interpol thẩm định kỹ càng mới được ký duyệt và chính thức có hiệu lực tại lãnh thổ các quốc gia thành viên Interpol.
Theo Danviet
Khởi tố bổ sung vụ án hình sự tội "rửa tiền" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo Quyết định khởi tố vụ án số 27/C03-P14, xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Đồng thời, đã ra Quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh khác nhau gồm "Buôn lậu" theo Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015. Trong đó, đối tượng Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường bị khởi tố về cả 02 tội danh "Buôn lậu" theo Khoản 4 Điều 188 và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015.
Bị can Bùi Quang Huy
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Ngoài hành vi đã bị khởi tố, bị can Bùi Quang Huy còn có hành vi sử dụng tiền do phạm tội "Buôn lậu" đưa vào Công ty Nhật Cường và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm "Rửa tiền" theo quy định tại Điều 324 Bộ luật hình sự.
Ngày 09/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và Lệnh khám xét số 114/C03-P14 đối với bị can Bùi Quang Huy về tội "Rửa tiền" theo khoản 3 Điều 324 Bộ luật hình sự.
Ngày 10/7/2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên. Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thi hành Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan; thu giữ vật chứng và xác minh thu hồi, kê biên triệt để tài sản cho Nhà nước.
* Trước đó, ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 27/C03-P14 về tội "Buôn lậu" theo Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015, xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Đồng thời đã khởi tố 10 bị can, gồm:
1. Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường về 02 tội danh "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 4 Điều 188 và Khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015;
2. Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường về 02 tội danh "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 4 Điều 188 và Khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015;
3. Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường về tội danh "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo Khoản 3 Điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015;
4. Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường về tội danh "Buôn lậu" theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015;
5. Đỗ Quốc Huy, Giám đốc kinh doanh Công ty Nhật Cường về tội danh "Buôn lậu" theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015;
6. Hoàng Văn Phong, Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường về tội danh "Buôn lậu" theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015;
7. Nông Văn Lư, Nhân viên Công ty Nhật Cường về tội danh "Buôn lậu" theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015;
8. Đỗ Văn Dũng, về tội danh "Buôn lậu" theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015;
9. Ngô Xuân Sử, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn về tội danh "Buôn lậu" theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015;
10. Ngô Tuấn Sửu, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Thanh Sơn về tội danh "Buôn lậu" theo Khoản 4 Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015.
Trong đó, đã truy nã toàn quốc, truy nã quốc tế đối với bị can Bùi Quang Huy và Ngô Xuân Sử; 08 bị can còn lại hiện đang tạm giam.
Theo TPO
Luật sư nói về ông chủ Nhật Cường đã có lệnh bắt tạm giam vẫn bị truy nã Thông tin ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy bị cơ quan công an phát lệnh truy nã dù trước đó đã có lệnh khởi tố, lệnh bắt tạm giam khiến nhiều người băn khoăn. PV Lao Động đã trao đổi với một số luật sư dưới góc nhìn pháp lý về việc này. Công an khám xét cửa hàng Nhật Cường...