Cờ bạc đội lốt điện tử xèng
Xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Nội từ cách đây khá lâu, máy điện tử xèng ban đầu được nhìn nhận như một trò chơi thuần túy. Tuy nhiên thời gian gần đây, trò chơi này đã bị biến tướng trở thành một hình thức cờ bạc được mệnh danh “phù hợp với mọi lứa tuổi”. Chỉ cần mua xèng, đặt cửa và bấm nút… bất kỳ ai cũng có thể tham gia trò chơi này một cách dễ dàng, nhưng đằng sau nó là những trò cờ bạc, đỏ đen và những hệ lụy khó lường.
Dễ chơi nhưng khó trúng
Máy điện tử xèng có kết cấu hết sức đơn giản bao gồm vỏ máy bằng gỗ, một vi mạch điện tử có đèn led, hệ thống vi mạch, một con IC điện tử và một hệ thống cơ dùng để nhận xèng và đẩy xèng ra (gồm mô tơ và ổ khóa). Máy điện tử xèng có nhiều loại với những tên gọi khác nhau như vương miện, vương miện hoa quả, máy xu phong duyên…, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là loại hoa quả. Trên màn hình của máy điện tử xèng hoa quả được chia ra các ô có hình hoa quả để người chơi đặt cửa. Mỗi cửa như vậy lại tiếp tục chia ra thành các cửa lớn và cửa nhỏ hơn với nhiều mức đặt cược khác nhau như: 1 ăn 2, ăn 5, ăn 10, cao nhất người chơi có thể đặt 1 ăn đến 100. Sau khi mua xèng, người chơi chỉ việc đặt cược vào cửa mình chọn. Khi nhấn nút, hệ thống đèn tín hiệu trên máy sẽ chạy, cuối cùng, nếu đèn sáng dừng lại ở đúng cửa của người chơi đã đặt cược thì sẽ thắng, còn nếu không sẽ mất số điểm đã đặt cược. Khi chơi xong, người chơi sẽ bán lại chính những xèng mình thắng được cho chủ quán để quy đổi ra tiền mặt.
Thông thường, chỉ với một diện tích rất khiêm tốn là đã có thể đặt được vài ba chiếc máy điện tử xèng. Do vậy, không chỉ ở các quán trà đá, quán Games – Internet mà ngay cả những quán bia “cỏ” cũng có thể đặt máy đánh xèng để phục vụ những “thượng đế” có máu đỏ đen. Để sở hữu một máy điện tử xèng loại này chỉ phải bỏ ra số tiền chỉ từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo lời của Tùng, một kẻ đã “cúng” khá nhiều tiền cho điện tử xèng thì những chiếc máy chơi xèng này không phải là của chủ quán mà là do một cai thầu điện tử xèng đến thuê để đặt và ăn chia phần trăm với chủ quán. Tỷ lệ ăn chia thường là cai thầu giữ 60-70% số tiền xèng bán được trong ngày, còn chủ quán đặt máy hưởng số tiền còn lại. Hàng ngày, cứ đến tối, chủ những máy đánh xèng lại đến những điểm đặt máy để kiểm tra lượng xèng bán trong ngày, đồng thời ăn chia với chủ quán.
Cùng với loại máy điện tử xèng truyền thống, gần đây trong giới cờ bạc nghiện trò chơi này còn rộ lên một loại máy điện tử xèng khác, cao cấp hơn có tên gọi: máy điện tử xèng “sư tử”. Khác với máy điện tử xèng kiểu hoa quả chỉ dành cho một người chơi, chiếc máy điện tử xèng “sư tử” này có kích thước lớn hơn, hình mâm tròn với bán kính khoảng 2m và có 8 ô xung quanh dành cho 8 người chơi. Ở mỗi ô đều có hình các loại động vật như sư tử, thỏ, khỉ… và kèm theo mức đặt cược. Trong quá trình chơi, kết thúc vòng quay, đèn sáng nhấp nháy dừng ở con vật nào thì người chơi ăn tiền theo mức đặt cược ở con đó. Mức cao nhất là mức lãi gấp 90 lần, nếu đèn dừng ở hình đầu sư tử vàng. Một chiếc máy điện tử xèng “đầu sư tử” nhập khẩu từ Trung Quốc như vậy có giá khoảng trên 50 triệu đồng. Trong nhiều trường hợp cờ bạc biến tướng của điện tử xèng “đầu sư tử”, người chơi không dùng xèng mà mua điểm rồi sau đó sẽ đặt điểm tại cửa chơi. Nếu thắng và muốn nghỉ chơi, người chơi chỉ cần gọi nhân viên quy đổi lại từ điểm sang tiền mặt.
Giống như các loại hình cờ bạc khác, điện tử xèng luôn đi kèm với những hình thức gian lận để có thể ăn tiền của người chơi. Tưởng rằng, người chơi điện tử xèng chỉ cần nhét đồng xèng vào khe, đặt cược tỷ lệ ăn thua, muốn đặt cửa nào, bao nhiêu là tùy, còn thắng hay thua thì do máy quyết định, thế nhưng sự thật lại không phải như vậy. Hùng cho biết, hầu hết các máy điện tử xèng đều đã được điều chỉnh để có thể vận hành theo ý của chủ máy. Do đã có thời gian mất quá nhiều tiền vào những trò vô bổ này, nên Hùng đã mày mò tìm hiểu về những trò gian lận để móc tiền của người chơi một cách tinh vi.
Theo Hùng, trước đây những máy điện tử đánh xèng này được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nó đã có thể được sản xuất và lắp ráp ngay tại Hà Nội. Thậm chí nếu có nhu cầu, khách hàng có thể mua linh kiện của máy để tự lắp ráp. Theo nguyên tắc hoạt động thì máy xèng tuân thủ gần như chủ yếu vào “con” IC. IC có rất nhiều loại và nó được nhà sản xuất nạp dữ liệu từ máy tính ra rất đơn giản giống như copy vào thẻ nhớ. Mỗi một loại IC dùng cho điện tử xèng có một quy luật hoạt động khác nhau. Ngoài ra, các mạch điện tử hoàn toàn có thể đem sửa khi gặp tình huống bị hỏng. Do vậy các bo mạch điện tử để điều khiển trò chơi đều có thể điều chỉnh được tùy theo ý muốn của chủ máy. Thường ban đầu, để thu hút người chơi những chỗ mới đặt máy sẽ được điều chỉnh làm sao để người chơi có thể dễ dàng trúng thưởng. Nhưng khi có khách đông, chủ máy sẽ điều chỉnh bo mạch điểu khiển trò chơi để khả năng trúng thưởng của người chơi xuống mức thấp nhất. Chính vì lý do này mà hầu hết người chơi đều bị qua mặt và rất ít khi thắng được máy điện tử, mà trong trường hợp có thắng cũng chỉ nằm trong phạm vi cho phép của chủ máy.
Những hệ lụy từ trò chơi điện tử xèng
Video đang HOT
Khảo sát những khu vực tập trung đông người lao động, sinh viên, học sinh trên địa bàn thành phố có thể thấy sự xuất hiện khá nhiều của hình thức cờ bạc núp bóng trò chơi điện tử này. Từ hàng quán ở sâu trong những con ngõ nhỏ, các bàn điện tử xèng đã thu hút một lượng người chơi không hề nhỏ. Bất kể thời gian rảnh rỗi nào trong ngày, tranh thủ lúc ngồi uống nước, uống bia hay khi chờ đợi để chơi games online, các thượng đế đều có thể mua xèng và thử vận may của mình. Do tính chất ăn thua, đỏ đen từ điện tử xèng nên đã có nhiều trường hợp bị mất một số tiền lớn khi chơi. Được thua, tranh cãi, rồi mâu thuẫn, xô xát và không ít các vụ án đã xảy ra.
Có thể kể đến trường hợp bắt cóc đòi tiền chuộc mới bị triệt phá gần đây. Vụ việc bắt đầu từ khoảng tháng 9-2012, anh Nguyễn Hoàng Long (29 tuổi, quê Kim Động, Hưng Yên) chơi điện tử xèng tại quán của Đặng Ngọc Sơn (SN 1989), trú ở xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm. Trong nhiều tháng, anh Long thua và nợ Sơn số tiền hơn 120 triệu đồng mà không có khả năng. Ngày 22-1, Sơn đã nhờ một nhóm đối tượng đưa anh Long về nhà gặp bố mẹ để đòi tiền. Không đạt được mục đích nên nhóm này đã đưa anh Long sang địa bàn huyện Văn Lâm, Hưng Yên và ép anh này phải bán hiệu thuốc tân dược để trả nợ. Anh Long khất lần và xin được liên lạc nhờ người nhà mang 50 triệu đồng để trả trước. Tối 24-1 khi giao dịch giữa người nhà anh Long và nhóm bắt cóc đang diễn ra thì Đội Cảnh sát Hình sự CAH Gia Lâm đã ập vào bắt quả tang.
Nghiêm trọng hơn, xuất phát từ trò chơi điện tử xèng đã dẫn đến những vụ án mạng gây xôn xao trong dư luận. Điển hình là câu chuyện giết người, đốt xác chỉ vì thiếu nợ tiền chơi điện tử xèng. Hung thủ có tên là Nguyễn Anh Vũ (Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong một lần đến chơi điện tử xèng tại nhà bà Bùi Thị Vân (phố Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), Vũ bị thua cháy túi và phải nợ bà Vân số tiền hơn 1 triệu đồng. Chỉ trả được non nửa số tiền đã thua, Vũ xin được khất nợ nhưng bà Vân đã không đồng ý. Sau một hồi tranh cãi qua lại, Vũ đã lao vào bóp cổ, lấy áo bịt mặt nạn nhân cho đến chết rồi dùng chăn màn cuốn bà Vân, đặt lên giường châm lửa đốt. Sau khi gây án, y đã bỏ trốn vào Bình Thuận, tuy nhiên đã bị bắt chỉ một thời gian ngắn sau đó.
Theo một cán bộ của Đội Hình sự Công an quận Hoàng Mai, cờ bạc núp bóng hình thức điện tử xèng luôn thu hút được lượng lớn người tham gia, trong đó có cả trẻ em. Tuy nhiên nếu trong trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc không đủ mức 2 triệu đồng thì sẽ không thể truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ dừng ở mức tịch thu máy điện tử xèng và xử phạt hành chính người kinh doanh. Trong khi đó, việc đầu tư máy điện tử xèng lại không đòi hỏi vốn cao và có thể thu lãi nhanh nên đã thu hút được nhiều đối tượng tham gia kinh doanh. Trước sự phức tạp của loại hình cờ bạc này, thời gian qua Đội Phòng chống tệ nạn xã hội, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội đã tập trung đấu tranh với loại hình cờ bạc núp bóng hình thức trò chơi điện tử xèng. Điển hình như trong ngày 27-5, qua kiểm tra đơn vị đã triệt phá 3 ổ đánh bạc dưới hình thức điện tử xèng tại số 706, 759 và 770 phố Trương Đinh (Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội), bắt quả tang 14 đối tượng và thu giữ trên 40 máy điện tử xèng. Chỉ huy của Đội Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, trong thời gian tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh đối với loại hình cờ bạc núp bóng trò chơi điện tử xèng.
Có thể thấy, việc “núp bóng” kinh doanh trò chơi điện tử xèng để tổ chức đánh bạc là vi phạm pháp luật, cần được cơ quan chức năng vào cuộc một kiên quyết dẹp bỏ, không để tệ nạn này tồn tại, ảnh hưởng đến ANTT. Ngoài việc, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, tịch thu máy và yêu cầu chủ quan ký bản cam kết không tái phạm còn cần phải triệt phá các cơ sở sản xuất máy điện tử xèng và ngăn chặn mặt hàng này thâm nhập vào địa bàn Hà Nội.
Theo ANTD
Săn "quà thượng đế" ở Phìn Hồ
Nhiều người dân xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã ví vựa chè san tuyết ở Phìn Hồ là món quà mà "thượng đế" đã ban tặng cho người dân vùng cao nguyên đá...
Chè san tuyết Phìn Hồ nằm treo leo trên những dãy núi cao trên 1.300m so với mặt nước biển, điều này đã tạo nên nét riêng biệt về chất lượng chè nơi cao nguyên đá mà hiếm nơi nào có được.
Bà con dân tộc Dao đã tỉa cành chè san tuyết cổ để tăng sản lượng chè đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường (ảnh Lý Nhàn).
Đặc sản chè ống
Đó là một sản phẩm đặc biệt từ ngàn đời nay của bà con dân tộc Dao ở cao nguyên Phìn Hồ. Tuy nhiên đến nay, chè san tuyết được chế biến một cách đặc biệt này đang chìm dần vào quá vãng bởi lí do đơn giản: "Đó là thứ chè đầy ám ảnh của một thời khổ sở, nhơ nhớp...". Thế nhưng, từ trong tiềm thức của nhiều người, chè ống vẫn là thứ đặc sản, là điểm nhấn mang tính văn hóa không nơi nào có được.
Vất vả lắm chúng tôi mới tìm được nhà anh Lý Văn Hảo ở xã Thông Nguyên - một trong số rất ít người còn làm món chè ống truyền thống của dân tộc mình. Thế nhưng, khi vào nhà anh Hảo, chúng tôi thấy trên bàn uống nước là một bộ ấm chén trắng tinh. Anh bạn đồng nghiệp hỏi gia chủ về món chè truyền thống. Anh Hảo cười lớn rồi vào nhà lôi ra những ống tre cũ nát khoe rằng: "Giờ dân bản bỏ kiểu uống chè ống rồi, uống chè pha vào ấm, tách như dưới xuôi hay hơn. Nhà tôi là gia đình cuối cùng ở đây bỏ chè ống". Nói rồi anh tiện tay quăng luôn mấy cái ống tre mà cách đây vài tháng anh còn dùng pha chè ống ra vườn. Anh bảo: "Không dùng nữa thì vứt ống tre đi thôi chứ để làm gì nữa".
Anh Hảo giới thiệu: "Chè ống do người dân tự làm, đầu tiên là đi hái búp chè sau đó dùng chân nhồi cho nhè nhừ ra và đem phơi dưới trời nắng, hoặc cũng có thể để gác bếp cho đến khi chè khô. Khi uống phải cho chè vào một ống tre rồi cho nửa ống nước nóng sắc đều và đổ nước này đi, tiếp đó mới cho nước nóng lần 2 vào đợi khoảng 5 - 10 phút cho chè ngấm rồi mới uống. Khi có khách, mỗi người sẽ được mời một ống chè nóng... Khi uống, chè ống có mầu vàng, trong, vị đậm, ngọt đặc trưng của chè san tuyết và có cả mùi thơm của tre tiết ra".
Nhắc đến chè ống, một cán bộ Phòng Văn hóa Si Ma Cai nuối tiếc: "Đó là loại chè đặc biệt mà thượng đế đã ban tặng cho Phìn Hồ, chỉ ở nơi này mới có chè ống. Hiện tại chỉ còn rất ít nhà giữ được thói quen xưa cũ, mỗi khi có khách du lịch hỏi han về kiểu uống chè lạ lùng này chúng tôi chỉ còn cách thành thật là chè này rất ít, muốn uống chè phải mất thời gian tìm ở các bản xa trung tâm huyện thì mới có".
Anh Lý Chòi Nhàn, Phó phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai lại có cách nhìn khác. Anh bảo: "Đó không phải là đặc sản, trước đây do đời sống người dân khổ sở nên mới phải uống cái thứ chè được chế biến bẩn đó. Người dân dùng chân nhồi chè rất bẩn, rồi lại còn gác bếp khiến chè bị ám khói... Bây giờ đời sống khá lên, người dân từ bỏ loại chè dị kỳ đó là phải".
Hàng trăm héc ta chè san tuyết Phìn Hồ vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường.
Đưa chè xuống phố
Trước đây, chè san tuyết Phìn Hồ không được chăm sóc khoa học nên năng suất không cao, người dân địa phương chỉ trồng chè để uống với cách chế biến duy nhất đò là chè ống chứ ít khi bán ra ngoài. Anh Lý Chòi Nhàn nhớ lại: "Cách đây mấy năm, chè san tuyết không được cắt tỉa, khi hái, người dân phải treo mình trên những cây chè cổ thụ cao tít tắp, việc chăm sóc thiếu khoa học này khiến cho sản lượng chè không cao, không đem lại giá trị kinh tế cho người dân".
Không ngồi nhìn cảnh hàng trăm héc ta chè san tuyết cổ thụ bỏ phí và người người dân chỉ biết hái chè gác bếp uống chè ống, năm 2008, anh Nhàn đã tự làm sản phẩm chè sạch đem xuống các thành phố từ Hà Giang đến Hà Nội để bán và tìm hướng đi mới cho cây chè san tuyết Phìn Hồ. Anh cho khách hàng dùng thử sản phẩm, nếu thấy ngon, ưng ý thì mua không thì thôi. Ngay chuyến đi đầu tiên xuống thành phố anh đã bán hết trơn một tạ chè khô. Việc này khiến anh rất vui, sau chuyến buôn đầu tiên, anh Nhàn trở về Phìn Hồ và dùng 2 con ngựa để thồ hàng tạ chè xuôi thành phố bán.
Thấy chè san tuyết Phìn Hồ chất lượng tốt, những đại lý chè ở Hà Giang, Hà Nội, Thái Nguyên... đã đặt mua chè dài hạn. Đến lúc đó, sản lượng chè Phìn Hồ không đủ để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của các đại lí dưới thành phố. Anh Nhàn về bản huy động bà con chặt tỉa chè san tuyết để chè ra nhiều búp hơn nhằm nâng cao sản lượng chè Phìn Hồ để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngay sau khi tìm được đầu ra cho chè san tuyết Phìn Hồ, anh Nhàn đã đi đăng ký thương hiệu "Fìn Hò Trà" để tạo đà thuận lợi cho việc phát triển chè san tuyết cải thiện đời sống của bà con dân bản.
Anh Nhàn tâm sự: "Tôi sinh ra lớn lên ngay tại cao nguyên Phìn Hồ, cùng chịu đựng những vất vả, khổ sở của người dân vùng cao nên tôi muốn thay đổi cuộc sống hiện tại và đem lại cuộc sống tốt hơn cho anh em họ hàng và người dân trên núi. Nếu dân bản cứ duy trì nét văn hóa cũ là uống chè ống thì sẽ không tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế, mỗi khi có khách du lịch đến, cùng lắm thì họ cho người dân được một hai trăm ngàn, tiêu hết thì thôi, nhưng nếu làm chè thương phẩm thì sẽ nâng cao được giá trị kinh tế của cây chè, giúp người dân thoát đói, nghèo nhanh hơn".
"Năm 2008 HTX chè Phìn Hồ được thành lập với 38 xã viên, đến 2012 số xã viên tăng lên con số 45 với hàng trăm héc ta chè san tuyết, trong đó có cả diện tích chè san tuyết được trồng mới... Sản phẩm chè Phìn Hồ làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí hiện tại, lượng chè làm ra không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường. Chè Phìn Hồ có nhiều loại, trong đó loại chè rẻ nhất là 150.000đ/kg chè khô, loại đắt nhất là 1,5 triệu đồng/kg chè khô", anh Lý Chòi Nhàn cho biết.
Theo vietbao
"Muốn vén áo khám cho người bệnh cũng phải xin phép" "Khách hàng là thượng đế, họ mang tiền đến cho mình, vì sao lại quát họ. Không thể có chuyện cứ mãi quát tháo người bệnh, lơ là, phớt lờ lời người bệnh hỏi. Phải tiến tới, khi khám cho người bệnh, muốn vén áo để khám cũng phải xin lỗi họ trước...". Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Kim Tiến nhấn...