Có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng
Trong 6 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó bao gồm 35.600 đơn vị tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và 9.900 công ty hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Hơn 70.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa)
Còn ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942.600 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484.300 lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỉ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
Video đang HOT
Nếu tính cả 1.152,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2.095,1 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 26.100 công ty quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên 93.200 đơn vị. Như vậy trung bình mỗi tháng có 15.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê trong quý 2/2021 cho thấy có 30,5% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý 1/2021; 37,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 31,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý 3/2021, có 39,2% số đơn vị đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 2/2021; 22,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 38,6% số công ty cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định .
Quảng Nam: Hàng trăm doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh để nghe ngóng tình hình dịch bệnh
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quý I/2021, tỉnh có 377 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 36,4%. Xu hướng của DN trong giai đoạn hiện nay là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để xem xét tình hình của dịch bệnh.
Thu ngân sách đạt khá
Chiều 5/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021 trên địa bàn. Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 15,9% so với cùng kỳ; trong đó tăng chủ yếu ở 3 nhóm ngành lớn là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,3%, sản xuất và phân phối điện tăng 143%, cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 8%; riêng ngành khai khoáng giảm 24%.
Một góc TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I hơn 12,6 nghìn tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa khoảng 9,2 nghìn đồng, tăng 3,5%; doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 81%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 88%.
Tổng lượt khách lưu trú tháng 3 gần 77 nghìn lượt, tăng 27,3% so với tháng trước nhưng giảm 32,4% so với cùng kỳ; trong đó, khách tham quan do các đơn vị lữ hành phục vụ hơn 2.241 lượt, tăng hơn 17 lần so với tháng trước nhưng giảm 43% so với cùng kỳ.
Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh giảm 71% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế giảm 98%, khách trong nước giảm 63%; tổng lượt khách tham quan do các đơn vị lữ hành phục vụ giảm 79%.
Doanh thu dịch vụ tháng 3 gần 428 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 7,2% so với tháng cùng kỳ. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ, trong đó giảm sâu ở dịch vụ bất động sản, giảm 39% và nghệ thuật vui chơi giải trí giảm 22,4%.
Đáng chú ý, thu ngân sách đạt khá. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 tháng đầu năm 7.317 tỷ đồng, bằng 38% dự toán và tăng 38% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 6.060 tỷ đồng, bằng 38% dự toán năm và tăng 49%.
"Thu ngân sách tăng cao chủ yếu do tăng thu ngành ô tô và thủy điện. Tập đoàn ô tô Trường Hải 3 tháng tổng thu gần 3.500 tỷ đồng, đạt 43% dự toán và tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Thủy điện ước khoảng 250 tỷ đồng, tăng 4 lần so cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu 1.229 tỷ đồng, bằng 37% dự toán", UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.
Bên cạnh đó, tổng chi ngân sách địa phương 5.019 tỷ đồng, bằng 25% dự toán năm; trong đó, chi thường xuyên hơn 2.237 tỷ đồng, chi đầu tư phát triển 2.781 tỷ đồng.
DN tạm ngừng kinh doanh tăng mạnh
Về tình hình phát triển DN, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong quý I, có 283 DN thành lập mới, giảm 6,3% so với cùng kỳ nhưng vốn điều lệ đăng ký tăng 70,5%.
Đáng chú ý, có 434 DN rút lui khỏi thị trường; trong đó, 377 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 36,4%; 79 DN chờ giải thể, tăng 33%; 57 DN hoàn tất thủ tục giải thể, giảm hơn 57%.
"Như vậy, số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng mạnh và giảm về số DN giải thể. Qua đó thể hiện rõ xu hướng của DN trong giai đoạn hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa, chưa đóng cửa hoàn toàn ở thời điểm này", UBND tỉnh Quảng Nam nhận định.
Đặc biệt, qua 3 tháng đầu năm, Quảng Nam đã xử lý cảnh báo và vi phạm thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của 445 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Đây là những DN không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, những DN này có thể đang hoạt động, đã chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, trong quý I đã cấp mới 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 2,7 triệu USD, giảm 2 dự án và giảm 86,6% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, cấp phép 5 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 425 tỷ đồng, giảm 10 dự án và 70% vốn đăng ký so cùng kỳ. Như vậy, do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng DN và cấp phép đầu tư giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Cả nước có thêm 29,3 nghìn doanh nghiệp mới trong 3 tháng đầu năm Tính chung quý I/2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 447,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 245,6 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 0,8% về số lao động so với cùng kỳ năm...