Có 10.000 hộ nông dân được hưởng lợi từ dự án chuỗi giá trị lúa gạo
Ngày 21/9, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường – Sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á giai đoạn 2, gọi tắt là MSVC-BRIA 2.
Ông Mohit Agarwal, Tổng Giám đốc Olam Agri Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN
Dự án MSVC – BRIA 2 được triển khai ở Việt Nam từ năm 2018 với tên gọi “ Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường” (MSVC) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Công ty Quốc tế Olam Việt Nam (gọi tắt Olam Agri Việt Nam) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức thực hiện.
Từ năm 2018-2022, dự án MSVC đã triển khai hoạt động thúc đẩy tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững (SRP) tại 4 tỉnh, thành phố: Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu và Cần Thơ. Sau 4 năm tham gia dự án, các nông hộ đã tuân thủ theo các yêu cầu của tiêu chuẩn SRP, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập của nông hộ nhỏ, liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến theo yêu cầu của thị trường.
Có 10.000 nông hộ nhỏ đã cải thiện thực hành canh tác và nâng cao chất lượng lúa khi tham gia dự án. Một số nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón N-P-K khi chuyển từ tưới ngập liên tục theo phương pháp truyền thống sang kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ và tưới nhỏ giọt.
Với cách canh tác lúa truyền thống từ bao đời nay nên bà Nguyễn Thị Nhĩ ở Tri Tôn, tỉnh An Giang gặp khó khăn vì sử dụng giống không đảm bảo chất lượng, phun xịt thuốc nhiều nên lúa không chất lượng, chi phí sản xuất lúa cao.
Bà Nguyễn Thị Nhĩ chia sẻ, khi tham gia dự án sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, bà tiết kiệm được giống, tiết kiệm được lượng phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật. Với 5,5ha lúa tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn SRP chuẩn bị thu hoạch, năng suất lúa đạt và có khả năng lãi cao.
Trong hai năm đồng hành cùng dự án MSCV, hiện Hợp tác xã Vĩnh Cường tại tỉnh Bạc Liêu đang triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP với 800ha và được Olam Agri cam kết thu mua hết sản lượng lúa.
Ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vĩnh Cường mong muốn ngoài những nông hộ được tham gia dự án, tiếp cận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP, sẽ có nhiều hơn nữa nông dân trồng lúa am hiểu và tiếp cận sản xuất lúa tiêu chuẩn SRP để giảm chi phí sản xuất, an toàn sức khỏe.
Để hỗ trợ nông dân hiểu được ý nghĩa và hiệu quả mà dự án đem lại cho người trồng lúa, bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm khuyến nông An Giang cho biết trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nông dân từng bước tiếp cận với các kỹ thuật, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP để có những thay đổi tư duy và áp dụng được các kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng theo tiêu chuẩn SRP để hạt gạo có thể xuất khẩu được.
Thu hoạch lúa Hè Thu ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN
Thông qua dự án MSVC, 150.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được sản xuất, tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường như châu Âu và Mỹ.
Video đang HOT
Olam Agri là một trong những tập đoàn kinh doanh lúa gạo lớn nhất thế giới và luôn ủng hộ mạnh mẽ việc trồng lúa bền vững. Trong dự án MSVC, Olam Agri đã triển khai hoạt động khuyến khích nông dân sản xuất và tạo ra liên kết thị trường giữa các hợp tác xã và nhà máy xay xát để mua lúa trực tiếp từ nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Với chuyên môn và kiến thức đã được kiểm chứng trong các thực hành canh tác hiệu quả, Olam Agri sẽ sản xuất và đóng gói gạo được chứng nhận SRP ở Đồng bằng sông Cửu Long.
“Sản xuất lúa bền vững mang lại lợi ích cho nông dân, cộng đồng và người tiêu dùng, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho 97 triệu người dân Việt Nam. Phù hợp với mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp vì một tương lai bền vững hơn, Olam Agri đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để nâng cao chất lượng gạo sản xuất tại Việt Nam và cải thiện sinh kế của nông dân Việt Nam bằng cách tăng cường liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu, các thị trường có nhu cầu cao về gạo an toàn, chất lượng cao và sản xuất có trách nhiệm,” ông Mohit Agarwal, Tổng Giám đốc Olam Agri Việt Nam cho biết.
Ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đánh giá cao những nỗ lực của các bên đối tác trong việc xây dựng bộ giải pháp toàn diện từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường, trong đó phát triển năng lực của nông dân, các tổ chức nông dân trong việc nâng cao chất lượng giá trị nông sản. Những thành công và bài học từ dự án sẽ góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quá trình chỉ đạo xây dựng điều chỉnh chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trong cả nước.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung và lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025, trong đó có thí điểm phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo tại hai tỉnh là An Giang và Kiên Giang với diện tích khoảng 50.000ha.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành xây dựng Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao, nâng cao giá trị và thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.
Thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả mà dự án MSVC đã đạt được, đồng thời thực hiện mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu lúa chuyên canh chất lượng cao và đảm bảo môi trường sinh thái theo các đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương có liên quan định hướng quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, hỗ trợ cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao rộng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ là vấn đề giống
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Để hiểu rõ về nội dung bao trùm cũng như mục tiêu của đề án, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.
Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu lớn; trong đó có vùng lúa chất lượng cao. Xin thứ trưởng cho biết định hướng về vấn đề này?
Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, đạt bình quân 2,62%/năm giai đoạn 2016-2020. Các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu sang trên 180 nước và vùng lãnh thổ, mang lại giá trị 48,6 tỷ USD năm 2021.
Để phát triển bền vững theo Chiến lược, nhiều vấn đề ngành phải thực hiện trong thời gian tới, đặc biệt là việc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn, có sự đầu tư bài bản, cơ giới hóa đồng bộ, đạt tiêu chuẩn chứng nhận để đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới.
Năm 2021, Bộ đã xây dựng "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu" cho một số mặt hàng như: vùng cây ăn quả ở miền núi phía Bắc và Đồng Tháp Mười, vùng gỗ rừng trồng đạt chứng chỉ bền vững ở Duyên hải Miền Trung, cà phê ở Tây Nguyên, lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 160.000 ha tại 13 tỉnh, thành.
Đối với ngành hàng lúa gạo, được sự chỉ đạo quyết liệt của bộ, ngành hàng này đã đạt được kết quả tốt với trên 80% diện tích ở các vùng chuyên canh sử dụng lúa chứng nhận, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nhất là gia tăng gia trị, tăng thu nhập cho nông dân, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang định hướng xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đề án này nhằm xây dựng vùng lúa chất lượng cao vừa đảm bảo gia tăng giá trị vừa giảm phát thải khí nhà kính để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường, đồng thời góp phần vào thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia tại COP26.
Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về nội hàm khi xây dựng vùng nguyên liệu lúa chuyên canh chất lượng cao này?
Trong đề án Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang định hướng xây dựng cần phải hiểu rộng về nội hàm vùng lúa chất lượng cao.
Vùng lúa này phải giống lúa chất lượng cao đạt chứng nhận, đáp ứng được nhu cầu trong nước và thế giới. Có thể hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng như việc nhiều người tiêu dùng có nhu cầu về gạo cho người tiểu đường, hay nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.
Vùng này phải đảm bảo quy trình sản xuất bền vững, nhất là sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính.
Vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đảm bảo được đầu vào có chất lượng, đầu ra có giá trị gia tăng, đem lại lợi ích cho các bên tham gia.
Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng người nông dân được cung cấp đầu vào đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.
Như vậy, vùng lúa chuyên canh chất lượng cao không chỉ là giống lúa chất lượng mà phải đem lại giá trị gia tăng và thu nhập cao cho nông dân. Nếu lúa chất lượng cao nhưng không bán được, không tạo giá trị gia tăng cho nông dân thì sẽ không phải là vùng lúa chất lượng cao.
Vùng lúa chuyên canh chất lượng cao phải thực hiện cơ giới hóa và hạ tầng đồng bộ. Cánh đồng được số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và tích hợp các công nghệ thông minh trong sản xuất như cảnh báo dịch bệnh, tưới nước tiết kiệm...
Vùng lúa này phải được đầu tư phát triển bền vững, sẽ tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa gạo.
Việc gia tăng giá trị ở vùng lúa chất lượng cao, nông dân không chỉ hưởng lợi từ giá trị gia tăng của hạt gạo mà còn từ quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu gạo.
Để có thể xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, theo Thứ trưởng vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan là thế nào?
Với mục đích xây dựng vùng nguyên liệu lúa chuyên canh chất lượng cao như tôi vừa chia sẻ thì đây là một vấn đề khó, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu chất lượng cao; hỗ trợ chính sách để nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất.
Nhà nước sẽ giữ vài trò quản lý, định hướng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu và xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hệ thống logistics, phát triển thương hiệu theo hướng "lúa sinh thái", "lúa phát thải thấp".
Đối với doanh nghiệp, hiệp hội giữ vai trò dẫn dắt, cung ứng nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Nông dân trồng lúa và hợp tác xã giữ vai trò trực tiếp sản xuất và tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn, quy trình và thực hiện quy mô phát triển liên kết hợp tác sản xuất. Ở đây, lực lượng khuyến nông cộng đồng cũng giữ vai trò là cầu nối truyền tải kiến thức khoa học công nghệ, chủ chương chính sách của nhà nước đến người nông dân.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ hợp tác của các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế, điển hình là Viện Nghiên cứu lúa quốc tế trong chuyển giao thành tựu khoa học công nghệ, trang bị kiến thức về thị trường và định hướng xu hướng phát triển của ngành hàng này theo nhu cầu thị trường toàn cầu.
Vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có kế hoạch thực hiện như thế nào?
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Hiện tại, Bộ đang giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án cụ thể để tổ chức thực hiện.
Chúng ta cần hiểu đề án không có nghĩa là quy hoạch diện tích, địa điểm cụ thể và giao chỉ tiêu cho các tỉnh.
Trên cơ sở xây dựng các tiêu chí cơ bản về vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo, các hợp tác xã để xác định diện tích triển khai cụ thể tại các vùng sản xuất đã được quy hoạch đất sản xuất lúa. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia thực hiện đề án.
Đây là vấn đề khó đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm cao của các bên tham gia thì mới có thể thực hiện thành công. Nhưng, đây cũng là con đường tất yếu của ngành hàng lúa gạo khi thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Mở rộng vùng nguyên liệu và diện tích cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ Kiên Giang có diện tích đất sản xuất nông chiếm 17,7% diện tích đất nông nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó diện tích đất trồng lúa kế hoạch năm 2022 là 342.670 ha, chiếm 53,97% diện tích đất tự nhiên của tỉnh và diện tích sản xuất lúa hai vụ ổn định bình quân khoảng 282.000 ha, diện tích...