Clip phản cảm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng YouTube Việt Nam
Đại sứ YouTube tại Việt Nam Kim Phi Long cho rằng các video Elsa, Spiderman phản cảm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng sản xuất nội dung, và các network cũng có một phần trách nhiệm.
“Những clip phản cảm đội lốt các nhân vật hoạt hình như Elsa, Spiderman chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng người làm nội dung YouTube tại Việt Nam”, anh Kim Phi Long – Đại sứ YouTube tại Việt Nam – chia sẻ.
Những video Elsa, Spiderman phản cảm nổi lên gần đây khiến cộng đồng nổi giận. Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã vào cuộc xử phạt những người sản xuất nội dung trên.
Bên cạnh hậu quả tác động đến người xem, đặc biệt là đối tượng trẻ em, những clip này còn khiến cộng đồng làm nội dung Việt Nam vốn đã khó khăn sẽ càng gặp nhiều thử thách.
“Nếu clip phản cảm rộ lên nhiều, YouTube sẽ thắt chặt hơn những creators (người làm nội dung) tới từ Việt Nam”, anh Kim Phi Long cho biết.
Đơn vị quản lý kênh phải có trách nhiệm
Cũng theo anh Long, các đơn vị quản lý kênh YouTube (MCN – Multi-channel Network) như Yeah1 cần có trách nhiệm với những kênh nằm trong hệ thống của mình.
“Khi các kênh đã tham gia network thì network sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về kênh đó với pháp luật”, anh Long nhận định.
Để làm được điều đó, mỗi network được cung cấp công cụ rất mạnh để quản lý nội dung, bản quyền – thứ người dùng phổ thông không được trang bị.
Tuy vậy, anh Long cho rằng điều này còn phụ thuộc vào hợp đồng giữa MCN với người làm nội dung.
Video đang HOT
Không chỉ người làm nội dung, các network cũng cần có trách nhiệm với kênh mình phụ trách.
Mặt khác, nếu network “tiếp tay” cho một kênh không phù hợp, hoạt động và uy tín của network đó sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Trong thông cáo báo chí của mình, Yeah1 Network – đơn vị quản lý các kênh YouTube chứa video phản cảm – cho biết đang “khuyên nhủ, tư vấn, cảnh báo…” các đơn vị làm nội dung.
Theo đó, vài kênh đã tự xóa, nhưng vẫn còn vài đối tác trong quá trình thuyết phục. Nếu họ vẫn không thay đổi, Yeah1 Network sẽ ngưng hợp tác và báo cáo sự việc với YouTube, thông cáo ghi rõ.
Yeah1 Network cũng cho biết họ không tham gia sản xuất hay cung cấp ekip sản xuất video phản cảm, cũng như không định hướng cho bất cứ một nhà sáng tạo nội dung trên YouTube nào làm ra những sản phẩm trái với thuần phong mỹ tục và văn hoá Việt Nam.
Tuy nhiên, Yeah1 Network chưa trả lời câu hỏi vì sao họ không phát hiện và ngăn chặn những clip không phù hợp với trẻ em trên trong suốt thời gian dài.
Người sản xuất nội dung giữa ngã ba đường
Theo anh Kim Phi Long, hiện nay, người sáng tạo nội dung ở Việt Nam bị bó buộc bởi rất nhiều nguyên tắc và việc phát triển sáng tạo kênh trên YouTube khá khó khăn, một phần lớn do nạn vi phạm và sao chép bản quyền trái phép.
Điều này dẫn đến việc người làm nội dung bị đứng giữa hai con đường. Các kênh nội dung không phù hợp, “bẩn”, nhưng lại thu hút lượng xem và theo dõi lớn. Điều này khiến nhiều người sáng tạo chuyển sang phát triển kênh nội dung “bẩn” để kiếm lời.
Đó là một phần lý do có ngày càng nhiều kênh YouTube từ Việt Nam làm nội dung “Kids” nhưng mang yếu tố người lớn.
Ngoài ra, nạn “ăn cắp” nội dung của người khác, sau đó tải lại (reupload) lên kênh của mình để trục lợi cũng còn nhan nhản. Thậm chí, có rất nhiều khóa học làm giàu bằng YouTube thông qua việc tải lại các nội dung của người khác.
Không khó kiếm những trang chia sẻ cách lách bản quyền, reup nội dung YouTube để trục lợi.
Song song, nhiều group tự phát về YouTube hoạt động mạnh, đa số đều thảo luận về cách lách luật để kiếm tiền từ YouTube. Nhiều người công khai khoe số tiền hàng chục nghìn USD từ YouTube mỗi tháng.
Hệ quả, nội dung do người sáng tạo ở Việt Nam làm còn ít, mà reupload lại thì rất nhiều. Từ đó, các doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế đầu tư vào quảng cáo trên YouTube, khiến doanh thu của những người sáng tạo nội dung chân chính thu về rất ít so với số vốn lớn phải bỏ ra.
Việc cần làm hiện tại là giúp người xem cũng như người sáng tạo nội dung hiểu về các hành vi vi phạm pháp luật.
“Theo kinh nghiệm làm YouTube và giúp đỡ các creator, tôi thấy rằng đa số các bạn mắc lỗi do không biết rằng việc làm đó là sai. Sau khi hiểu rõ hơn về các sai phạm, đa số không ai còn cố tình vi phạm”, anh Long chia sẻ.
Lê Phát
Theo Zing
Bộ TTTT sẽ xử phạt người tạo clip phản cảm cho trẻ em
Ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết Cục đã yêu cầu gỡ bỏ, buộc giải trình về loạt clip phản cảm cho trẻ em trên YouTube.
"Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã nhận thông tin từ sáng nay và lập tức cho tiến hành điều tra, xác minh thông tin", ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TTTT chia sẻ với Zing.vn, liên quan đến việc nhiều clip có nội dung phản cảm gán mác dành cho trẻ em phát hành tràn lan trên YouTube thời gian gần đây.
Theo ông Lê Quang Tự Do, trưa 17/1, những clip này đã bị gỡ bỏ. Cục đang yêu cầu phía đơn vị phát hành gặp mặt để giải trình. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử phạt nghiêm với mục đích là để bảo vệ thế hệ trẻ Việt Nam.
"Về cơ bản, quan điểm của Cục là xử lý người xây dựng nội dung còn nền tảng truyền đưa sẽ yêu cầu phối hợp gỡ bỏ clip với mục đích bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường Internet lành mạnh".
Những clip gán mác dành cho trẻ em với nội dung hở hang, phản cảm trên YouTube khiến nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng.
"Thông tư 38 mới ban hành quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại nước ngoài sử dụng trang tin điện tử, mạng xã hội để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng tại Việt Nam truy cập hoặc sử dụng dịch vụ là phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc loại bỏ các nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đặc biệt là nội dung cho trẻ em", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.
Khoảng vài ngày qua, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra bức xúc trên mạng xã hội khi phát hiện con cái mình thường xuyên xem những đoạn clip với nhân vật là công chúa Elsa, Spiderman, Joker hay Superman nhưng nội dung bên trong nhảm nhí, nhân vật ăn mặc hở hang, nhiều cảnh máu me bạo lực thậm chí gợi dục.
Trên các diễn đàn và một số mạng xã hội, nhiều người đang kêu gọi tẩy chay các kênh YouTube này, đồng thời báo cáo (report) cho YouTube với mong muốn xóa bỏ các đoạn clip này.
Đại diện truyền thông của YouTube tại Việt Nam cho biết YouTube là nền tảng mở nên sẽ có cơ chế xử lý dựa trên cộng đồng. Nếu video hoặc kênh video gây ảnh hưởng đến cộng đồng, họ sẽ xem xét gỡ bỏ.
Phía Yeah1 Network cũng vừa phát đi thông cáo báo chí, khẳng định họ không phải là người đầu tư, sản xuất video clip hoặc định hướng nội dung. Họ cũng đang tiến hành báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước để làm rõ mọi thông tin.
"Ngoài cơ chế kiểm soát qua người xem, YouTube còn lập ra cơ chế hỗ trợ và quản lý các kênh YouTube một cách vật lý thông qua các đơn vị được cấp chứng chỉ MCN (Multi Channels Network), Yeah1 Network là một trong hơn 200 đơn vị được cấp chứng chỉ của Google trên toàn thế giới.
Đối với sự việc những video clip có nội dung phản cảm dành cho thiếu nhi đang được dư luận bàn tán, chúng tôi khẳng định đó không phải là video clip của Yeah1 Network. Yeah1 Network cũng không tham gia đầu tư sản xuất hay cung cấp ê-kip sản xuất ra những video clip đó", thông cáo của Year1 Network viết.
Đơn vị này nhận lỗi "chưa làm tốt nhất việc kiểm soát chặt chẽ nội dung của những video clip này" với cương vị là người đứng giữa YouTube và nhà sáng tạo nội dung.
Thành Duy
Theo Zing
Clip phản cảm cho thiếu nhi tràn lan trên YouTube Sử dụng hình ảnh nhân vật hoạt hình quen thuộc, các clip biến tấu trên YouTube được sản xuất và đăng tải tràn lan, với nhiều nội dung hở hang, không phù hợp với đối tượng trẻ em. "Tôi thường để cháu (2 tuổi) xem YouTube công chúa Elsa, một lần bất ngờ nhìn thấy hình ảnh hở hang, nhảm nhí nên cấm...