CLB TP.HCM bổ sung ngoại binh thay Diakite
Junior Barros đã được CLB TP.HCM đăng ký thay cho trung vệ Pape Diakite, nhưng chưa thể thi đấu ngay lập tức vì đang còn trong thời gian cách ly.
Barros sẽ hoàn tất thời gian cách ly phòng ngừa dịch Covid-19 vào ngày 3/2 ở TP.HCM. Sau đó, anh mới bắt đầu tập luyện cùng đoàn quân của HLV Alexandre Polking.
Lãnh đạo CLB TP.HCM xác nhận hoàn tất thủ tục đăng ký thay thế Barros cho Diakite. Đội bóng sẵn sàng “chấp tây” trước trận làm khách trên sân đội Quảng Ninh. Tuy nhiên, trận đấu này đã bị hoãn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Barros được bổ sung để tăng cường hàng công cho CLB TP.HCM. Ảnh: Getty Images.
Tiền đạo Barros sinh năm 1993, quốc tịch Braizil. Trước khi đến V.League, anh thi đấu cho hai CLB Nhật Bản là Gifu FC (J3 League) và Ventforet Kofu (J2 League).
Sau khi hết hạn cách ly, Barros phải kiểm tra y tế để bổ sung đủ giấy tờ cho ban tổ chức giải. Người đại diện của cầu thủ 28 tuổi cho biết thủ tục ITC của Barros đã hoàn tất, anh đủ tư cách thi đấu.
Tân binh của CLB TP.CM có sở trường là vị trí trung phong. Barros sẽ kết hợp cùng Dario Silva bên cánh trái, Joao Paulo bên cánh phải và Lee Nguyễn ngay phía sau để tạo thành bộ khung tấn công đậm chất kỹ thuật.
Đây là quyết định của HLV Polking khi ông muốn lấy tấn công bù thủ. Việc rút Diakite ra khỏi danh sách thi đấu lượt đi là một phương án bất ngờ của nhà cầm quân người Đức.
Có thông tin cho rằng trung vệ người Senegal sẽ gia nhập SLNA theo bản hợp đồng cho mượn. Tuy nhiên, CLB TP.HCM sẽ giữ lại cầu thủ phòng ngự này ít nhất là đến giai đoạn 2.
Video đang HOT
Diakite vẫn còn hợp đồng một mùa giải với CLB TP.HCM. Trung vệ sinh năm 1992 gia nhập đội chủ sân Thống Nhất từ đầu năm 2020. Anh thi đấu đủ 1620 phút chính thức trong 18 trận năm ngoái, nhận 7 thẻ vàng cả mùa giải VĐQG.
Lee Nguyễn - ngôi sao giữa dàn thợ máy
CLB TP.HCM mua một cầu thủ đã 34 tuổi về có lẽ không phải để "gánh team". Cái mà họ cần ở Lee Nguyễn là bộ óc nghệ sĩ giữa một rừng thợ máy.
Sau đúng 10 năm kể từ ngày rời CLB Bình Dương, Lee Nguyễn mới xỏ giày đá một trận V.League. Không nhiều cầu thủ vừa kết thúc hạn cách ly, chỉ có hơn một ngày tập cùng CLB mới lại được đá chính ngay, nhưng Lee Nguyễn là trường hợp đặc biệt. Thương hiệu của anh đủ thuyết phục HLV Alexandre Polking cho phép ông phá lệ.
Lee Nguyễn chơi 72 phút, vừa đủ thời gian trên sân để chứng kiến đội nhà ghi 2 bàn, cầm chắc chiến thắng. Màn trình diễn của anh, như ông Polking nhận xét ngắn gọn, là "tốt" và "khiến ông hài lòng". Mọi thứ xảy ra êm ả và suôn sẻ nhưng chừng mực, không hào nhoáng, không rực rỡ, đúng như cách trở về của một ngôi sao đã xế chiều.
Lee Nguyễn có màn chào sân trong lần trở lại ở chiến thắng 2-0 của CLB TP.HCM trước Hà Tĩnh tại vòng 2 V.League 2021. Ảnh: Y Kiện.
Lần chia tay tiếc nuối
Ởtuổi 34, Lee Nguyễn cập bến CLB TP.HCM chắc chắn không phải để dưỡng già, nhưng nếu đội bóng kỳ vọng anh là người "gánh team", thì nhiệm vụ đó dường như quá nặng. Ngay cả thời trai trẻ, Lee cũng thường được coi là một tiền vệ công tài hoa chứ chưa phải mẫu cầu thủ định đoạt trận đấu.
Năm 2009, bầu Đức trong nỗ lực tìm lại ánh hào quang của "Gỗ", mời về Lee Nguyễn - lúc này đã rũ bỏ cái mác ngôi sao sáng nhất làng bóng đá sinh viên Mỹ - để làm kép phụ ở các giải chuyên nghiệp Hà Lan, Đan Mạch.
Dù không tỏa sáng một cách đều đặn tại các giải vô địch ở châu Âu, đẳng cấp và kinh nghiệm của Lee đủ để thuyết phục ông chủ họ Đoàn móc hầu bao làm một cú chuyển nhượng rùm beng không thua kém thương vụ Kiatisuk Senamuang thuở trước.
Lee Nguyễn khởi đầu với HAGL ngọt ngào như trăng mật. Với những bàn thắng liên tiếp (ra mắt bằng cú hat-trick vào lưới Sài Gòn United), những pha xử lý thông minh, điệu nghệ ở đẳng cấp cao, Lee Nguyễn khiến người hâm mộ nô nức kéo đến xem anh thi đấu.
Mùa bóng đầu tiên của anh với HAGL tạm coi là ổn, dù CLB xếp hạng 6 chung cuộc. Với 12 bàn thắng và 16 kiến tạo ở cả V.League lẫn Cúp Quốc gia, cầu thủ người Mỹ có một giải đấu không đến nỗi nào.
Tuy nhiên, tương lai của Lee Nguyễn thay đổi chóng mặt khi Kiatisuk được triệu về cầm sa bàn ở HAGL. Một rừng không thể có hai hổ, mâu thuẫn không cần che đậy giữa Lee và "Sắc" được giải quyết khi bầu Đức gật đầu đẩy Lee Nguyễn về CLB Bình Dương cuối năm 2010.
Bầu Đức theo dõi Lee Nguyễn thi đấu sau gần 10 năm. Ảnh: Y Kiện.
Đất Thủ cũng không phải chốn dung thân của Lee Nguyễn. Anh chơi thân và kết hợp hoàn hảo với "King" Leandro, người cũng có lối đá hào hoa phong nhã, nhưng lại va chạm với quyền lực lâu bền từ Philani.
Lee mệt mỏi chơi nốt mùa 2011 rồi chia tay V.League không kèn không trống. Những gì diễn ra sau đó khiến người ta vừa băn khoăn vừa tiếc nuối cho năng lực thực sự của Lee Nguyễn, khi anh có giai đoạn chói sáng nhất trong sự nghiệp của mình cùng CLB New England Revolution tại Giải Nhà nghề Mỹ (ghi 51 bàn trong 191 trận từ 2012-2018).
Thách thức của Polking
Sau này, dõi theo những bước thăng tiến của Lee, người ta mới nhận ra anh thất bại ở V.League vì quá cô đơn. Chơi cho 2 CLB, Lee Nguyễn đều bị cô lập bởi HLV hoặc đồng đội. V.League không dung nạp Lee Nguyễn, và ở chiều ngược lại, lối sống, tác phong của Lee Nguyễn cũng chưa thích nghi với V.League.
Vì thế, việc Lee Nguyễn chấp nhận về với CLB TP.HCM đầu mùa này khiến khá nhiều người bất ngờ. Dù sao, V.League vẫn là bến đỗ khá "dễ chịu" so với tuổi nghề của Lee. Còn từ góc nhìn đội bóng, CLB TP.HCM mới chia tay Công Phượng, Phi Sơn, nên Lee Nguyễn có thể là giải pháp bù đắp vào khoảng trống.
Cả Phượng và Sơn đều là những người có thiên hướng chơi kỹ thuật. Họ rời đi, để lại cho HLV Polking toàn máy chạy và đấu sĩ như bộ đôi Dario Junior và Joao Paulo, Ngô Hoàng Thịnh, Trần Thanh Bình, Lê Sỹ Minh, Lâm Ti Phông.
Trong tình cảnh đó, một bộ óc tinh tế và đẳng cấp như Lee Nguyễn là mảnh ghép còn thiếu để gắn kết các vị trí trên sân. Dù chưa đạt thể trạng tốt nhất, anh vẫn thể hiện được những bước di chuyển khôn ngoan, tạo khoảng trống thuận lợi mà nếu các đồng đội quan sát tốt hơn để chuyền bóng, khả năng ăn bàn từ vị trí của Lee là rất lớn.
HLV Polking phải tìm cách khai thác tối đa khả năng của Lee Nguyễn. Ảnh: Y Kiện.
Dĩ nhiên, Lee Nguyễn chưa để lại dấu ấn rõ rệt, chiến thắng đầu tay của CLB TP.HCM cũng được trợ giúp không nhỏ bởi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bị mất người. Những ngày tiếp theo của Lee cũng dự báo nhiều khó khăn, bởi với chiều cao 1,73 m, ngay từ 10 năm trước, anh đã nếm đủ "đòn" từ các hậu vệ V.League vốn được trang bị kỹ năng "săn Tây" thượng thặng.
Bây giờ, bài toán hóc búa của HLV Alexandre Polking là bằng cách nào vừa sử dụng Lee Nguyễn hiệu quả, vừa bảo vệ anh khỏi các vấn đề của tuổi tác, của cạnh tranh.
Ở New England Revolution, Lee Nguyễn thăng hoa bởi anh được chơi khá tự do để phát huy khả năng "ngửi" không gian trống. CLB TP.HCM hẳn cũng chấp nhận dành cho Lee những đặc ân phóng khoáng, nhưng hiệu quả đến đâu thì còn phụ thuộc vào kỹ năng sinh tồn của anh, cũng như khả năng nắm bắt cơ hội từ đồng đội.
Tồn tại muôn thuở của bóng đá nội là khả năng chơi không bóng. Ngay cả những người được đào tạo theo giáo án "Tây" từ nhỏ như đám trẻ nhà bầu Đức cũng còn yếu khoản này. HAGL bế tắc cả hiệp 1 trước SLNA là bởi không tìm ra kẽ hở để chuyền và chạy. CLB Hà Nội thua liền 2 trận cũng do chưa lấy lại được nhịp đập nhả tí tách như các mùa bóng trước.
Vậy thì tậu được một nghệ sĩ săn khoảng trống như Lee Nguyễn, CLB TP.HCM cũng cần nâng cấp tư duy dàn thợ máy của mình sao cho đồng điệu. Nếu không, e là lại một lần nữa người ta phải tiếc cho Lee xỏ nhầm giày.
HLV Phạm Minh Đức xem buổi tập của Lee Nguyễn với CLB TP.HCM Ông Phạm Minh Đức đứng quan sát buổi tập chiến thuật của CLB TP.HCM khi Lee Nguyễn trở thành trung tâm của sự chú ý trong chiều 22/1. CLB TP.HCM có buổi tập lúc 15h30 đến 17h30 trên sân Phú Thọ để chuẩn bị cho trận đấu gặp CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT). HLV Alexandre Polking dành 60 cuối cho bài tập...