CIA thừa nhận dàn dựng vụ đảo chính tại Iran năm 1953
Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã công bố các tài liệu trong đó lần đầu tiên chính thức thừa nhận vai trò chủ chốt trong cuộc đảo chính năm 1953 tại Iran nhằm lật đổ Thủ tướng dân cử Mohammad Mossadeq.
Thủ tướng Iran Mohammad Mossadeq bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1953.
Các tài liệu được rút từ lịch sử nội bộ về Iran của CIA từ những giữa năm 1970. Chúng được đăng tải trên trang web của Cơ quan lưu trữ an ninh quốc gia thuộc Đại học George Washington đúng dịp kỷ niệm 60 năm của cuộc đảo chính.
“Cuộc đảo chính quân sự… đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của CIA như một hành động trong chính sách đối ngoại của Mỹ”, một đoạn trích tài liệu viết.
Vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính đã được cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright nhắc tới công khai vào năm 2000 và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đề cập tới nó trong một bài phát biểu ở Cairo năm 2009.
Nhưng cho tới nay các cơ quan tình báo vẫn bác bỏ vai trò của họ. Đây được tin là lần đầu tiên CIA tự thừa nhận về vai trò trong cuộc đảo chính, phối hợp với cơ quan tình báo MI6 của Anh.
Iran giành độc lập khỏi Anh sau Thế chiến II. Vào năm 1951, người Iran đã bầu ông Mossadeq làm thủ tướng. Ông này nhanh chóng quốc hữu hóa ngành sản xuất dầu mỏ của Iran, khi đó nằm dưới sự kiểm soát của Công ty dầu mỏ AIOC (Anglo-Iranian Oil Company) mà sau này trở thành BP.
Video đang HOT
Điều đó đã gây lo ngại cho cả Mỹ và Anh, vốn xem dầu mỏ Iran là chìa khóa cho sự tái thiết kinh tế hậu chiến tranh.
Chiến tranh Lạnh cũng là một nhân tố dẫn tới cuộc đảo chính.
Các tài liệu mới được công bố đã cho thấy cách thức CIA chuẩn bị cho cuộc đảo chính bằng cách đăng tải các bài viết chống ông Mossadeq trên cả báo chí Mỹ và Iran.
Cuộc đảo chính đã giúp tăng cường sự lãnh đạo của ông Shah Mohammad Reza Pahlavi, người rời khỏi Iran sau cuộc tranh giành quyền lực với ông Mossadeq và chỉ về nước sau cuộc đảo chính, trở thành đồng minh thân cận của Mỹ.
Các cơ quan tình báo Anh và Mỹ đã ủng hộ các lực lượng thân ông Shah và giúp tổ chức các cuộc biểu tình phản đối ông Mossadeq.
Ông Shah chỉ rời bỏ quyền lực vào năm 1979, khi ông này bị lật đổ trong cuộc cách mạng Hồi giáo.
Theo Dantri
Ai Cập bắt nhà lãnh đạo phong trào Anh em Hồi giáo
Các quan chức an ninh Ai Cập xác nhận đã bắt giữ nhà lãnh đạo tối cao của phong trào Anh em Hồi giáo, ông Mohammed Badie tại Cairo. Trong khi đó, Mỹ và EU đang tiếp tục tìm cách gia tăng sức ép lên chính quyền Ai Cập nhằm chấm dứt đổ máu.
Ông Mohammed Badie đã bị bắt.
Hãng tin AP dẫn lời các quan chức an ninh Ai Cập khẳng định ông Mohammed Badie đã bị bắt giữ tại một căn hộ ở quận Nasr City, phía đông Cairo sáng sớm nay.
Đây chính là nơi những người ủng hộ cựu Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi đã có cuộc biểu tình ngồi kéo dài 6 tuần, đã bị các lực lượng an ninh giải tán hồi tuần trước.
Ông Badie và cấp phó đầy quyền lực của mình là Khairat el-Shater, người đang bị giam giữ, sẽ ra hầu tòa vào cuối tháng này vì bị nghi có liên quan đến việc sát hại 8 người bên ngoài trụ sở của Anh em Hồi giáo tại Cairo hồi tháng 6.
Mới cuối tuần trước, con trai của ông Badie là Ammar Badie, 38 tuổi, đã bị bắn chết trong các cuộc biểu tình tại khu vực quảng trường Ramses.
Trong khi đó, Mỹ và EU đang tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Ai Cập trong việc thúc đẩy hòa giải với các đối thủ chính trị và chấm dứt bạo lực.
Phát biểu trong cuộc hội đàm với người đồng cấp phía Trung Quốc, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định: "Chính quyền lâm thời tại Ai Cập phải quay trở lại với cách tiếp cận cho phép sự tham gia của các bên khác, nhằm thúc đẩy hòa giải tại Ai Cập".
Tuy vậy ông Hagel cũng nhấn mạnh rằng Washington chỉ có ảnh hưởng hạn chế đối với quốc gia Bắc Phi này.
"Khả năng của chúng tôi trong việc tác động đến kết quả tại Ai Cập là hạn chế. Tất cả tùy thuộc vào nhân dân Ai Cập. Đó là một quốc gia rộng lớn, vĩ đại và có chủ quyền", ông Hagel nói.
Khi được hỏi vì sao Washington vẫn chưa quyết định cắt toàn bộ các khoản viện trợ cho Cairo như một số nghị sỹ đề xuất, ông Hagel cho rằng Mỹ có "những lợi ích quan trọng" trong khu vực, bao gồm cả việc đảm bảo hòa bình trong quan hệ Israel - Palestine.
Một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc thì tiết lộ với hãng tin AFP rằng, Mỹ đang cân nhắc dừng việc chuyển giao thêm các loại vũ khí cho Ai Cập, trong đó có trực thăng Apache và xe tăng M1A1 Abrams.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, ngoại trưởng các nước EU sẽ có cuộc họp khẩn vào ngày mai (21/8) để đưa ra một phản ứng nhất quán trước tình hình bạo lực tại Ai Cập. Rất có thể EU sẽ xem xét dừng toàn bộ các khoản viện trợ hoặc cung cấp vũ khí cho Ai Cập và hối thúc tìm giải pháp chính trị.
Hiện EU và các ngân hàng của châu Âu là EIB và EBRD đang cam kết dành cho Ai Cập các khoản tín dụng và viện trợ trị giá gần 5 tỷ euro (6,7 tỷ USD). Khoản viện trợ này được gắn với những cải cách về chính trị và tư pháp sau cuộc nổi dậy tại Ai Cập năm 2011, vốn khiến chế độ của ông Hosni Mubarak bị lật đổ.
Đặc phái viên của EU tại Ai Cập, ông Bernardino Leon, người từng dành nhiều tuần tại Ai Cập để làm trung gian hòa giải cho biết: "chúng tôi sẽ phản ứng trước tình hình hiện tại. Nhưng cùng lúc đó chúng tôi sẽ là người hành động một cách xây dựng để thúc đẩy một giải pháp chính trị".
Theo Dantri
Thảm sát tại Ai Cập: Vì đâu nên nỗi? 638 người chết và hơn 3.700 người bị thương chỉ trong một ngày cưỡng chế. Thêm gần 1.500 người thương vong trong ngày dẹp loạn thứ hai, có sự tham gia của tăng thiết giáp và đạn thật. Vì đâu Ai Cập bị đẩy vào vòng vòng xoáy xung đột vô định hiện nay. Dưới sức mạnh của bàn tay thép do quân...