Chuyến xe rời Đà Nẵng trước giờ cách ly
Hơn 30 hành khách rời Đà Nẵng trong chuyến xe khởi hành trước giờ TP Đà Nẵng cách ly xã hội 6 quận với hơn một triệu dân.
Chuyến xe rời Đà Nẵng lúc gần nửa đêm 27/7. Video: Gia Chính
23h ngày 27/7, bến xe trung tâm thành phố Đà Nẵng vắng vẻ khác với khung cảnh nhộn nhịp những ngày trước đây. Những người vào bên trong bến đều được bảo vệ hỏi “có phải là hành khách của chuyến xe cuối cùng hay không?”.
Bên trong bến, nhà chờ khu vực xe đi chỉ có một xe giường nằm đang đón khách. Bốn nhân viên của nhà xe Sơn Tùng chạy tuyến Đà Nẵng – Quy Nhơn thay phiên nhau xếp hành lý và đo thân nhiệt hành khách.
Lương Trần Nhật Khang, sinh viên trường Cao đẳng thương mại Đà Nẵng tới bến từ 23h để bắt chuyến xe cuối cùng rời thành phố, quyết định của Khang được đưa ra trước đó chỉ vài tiếng sau khi biết TP Đà Nẵng vừa có thêm 11 ca nhiễm nCoV.
“Gia đình ở quê gọi điện lên khuyên tôi về quê sẽ an toàn hơn”, bạn Khang nói và cho biết việc đầu tiên khi về nhà là sẽ đi trình báo chính quyền địa phương và sẵn sàng đi cách ly nếu được yêu cầu.
Kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi lên xe. Ảnh: Gia Chính
Ngô Trung Tiến, 19 tuổi, làm nghề tự do, quê Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cho hay gọi điện đến tổng đài nhà xe lúc 20h và không nghĩ sẽ còn xe để có thể trở về quê trước giờ TP Đà Nẵng cách ly xã hội (0h ngày 28/7), các phương tiện vận tải liên tỉnh cũng sẽ dừng đi và đến địa phương này.
“Ở lại thành phố trong những ngày tới tôi cũng không biết làm gì vì hàng quán đóng cửa hết”, Tiến nói.
Chuyến xe cuối rời Đà Nẵng lúc 23h30. Ảnh: Gia Chính
Đại diện nhà xe Sơn Tùng cho biết lượng khách đặt vé rời khỏi Đài Nẵng hôm nay (27/7) tăng đột biến so với những ngày thường. “Khách nhiều như những ngày giáp Tết, chúng tôi đã điều thêm 10 xe phục phụ nhu cầu của người dân, mỗi chuyến 40 khách nhưng đến cuối ngày vẫn còn khoảng 80 người có nhu cầu song đã hết chỗ nên chúng tôi phải từ chối”, vị này nói.
Bà Phan Thị Ngọc Lan, Phó giám đốc Bến xe Đà Nẵng, cho biết “từ ngày mai các hoạt động của bến sẽ tạm dừng, chúng tôi chỉ giữ lại một số bộ phận như bảo vệ và người trực để đảm bảo an ninh trật tự”.
Từ 0h ngày 28/7, 6 quận ở Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16. Thành phố kêu gọi mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết. Đà Nẵng dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định trên địa bàn; dừng hoạt động xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện; xe buýt nội thành; tàu thuyền du lịch.
Ba ngày qua, Đà Nẵng ghi nhận 14 ca mắc Covid-19. Ngoài ra một thanh niên ở Quảng Ngãi điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng cũng nhiễm nCoV. Tổng số ca nhiễm tại Việt Nam hiện là 431, trong đó 365 người đã khỏi.
Ba giờ cứu hộ 40 người dưới vực
Khi đến hiện trường, ông Chu Văn Bàn, nhân viên bảo vệ rừng Đăk Rơ Mao, phát hiện ôtô giường nằm lật ngửa dưới vực qua trạm trước đó 20 phút.
Ngày 12/7, chiếc xe giường nằm chở 40 lao xuống vực sâu 20 m đã được cẩu khỏi hiện trường. Ở vị trí xe lật, đồ đạc, chăn màn và nhiều mảnh vỡ của xe vẫn còn nằm vương vãi khắp nơi. Cây cối ngã rạp, bật gốc, đất bị cày xới.
Đèo Ngọc Vin, vị trí xảy ra tai nạn. Ảnh: Trần Hóa.
Phía trên vực, nơi hai cọc tiêu bị húc đổ, những nén nhang vừa thắp còn nghi ngút khói. Xe máy, ôtô đến đoạn đường này chạy chậm rãi. Vị trí tai nạn nằm giữa rừng (vườn quốc gia Chư Mom Ray), các cán bộ Trạm bảo vệ rừng Đăk Rơ Mao ở gần nhất, cách 5 km.
Nhìn ôtô bị nạn biến dạng được kéo về tại trạm, ông Chu Văn Bàn, 51 tuổi, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đăk Rơ Mao, cho biết chưa bao giờ thấy cảnh tượng tai nạn tang tóc như ở đèo Ngọc Vin, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy.
Từ khi Covid -19 bùng phát, ông Bàn cùng nhân viên trạm và dân quân tự vệ được giao dừng kiểm tra người qua lại tuyến quốc lộ 14C. Nhưng khi dịch bệnh lắng xuống, các nhân viên ở đây mở barie mỗi khi có xe đi qua mà không cần phải khai báo.
Chưa đầy 4h hôm 11/7, cũng như mọi ngày, ông Bàn ngồi trực, một ôtô giường nằm chạy hướng từ hướng Bắc vào, theo quốc lộ dừng trước chốt. Phụ xe liền nhảy xuống, chạy đến cạnh ông Bàn xin "cho cháu qua". Ông Bàn lập tức nâng thanh chắn để cho xe đi. "Phụ xe còn ngoái lại chào", ông Bàn nhớ lại.
Ông Chu Văn Bàn, một trong số ba người có mặt tại hiện trường đầu tiên. Ảnh: Trần Hóa.
Khoảng 20 phút sau, ông Bàn nhận được cuộc gọi từ Chủ tịch xã Rờ Kơi báo có vụ tai nạn xe khách ở đèo Ngọc Vin. Ông Bàn, Trưởng trạm và một dân quân lập tức lấy xe máy chạy lên hiện trường. Ba người đến nơi khoảng 5h kém, lờ mờ thấy vài người đã leo lên đường, máu me bê bết.
Sức lao của chiếc xe gặp nạn đã nhổ một bụi tre mọc ở triền vực. Dưới vực sâu 20 m, chiếc ôtô giường nằm lật ngửa cùng tiếng kêu cứu, khóc lóc. Nhiều người đã tự thoát ra, kiệt sức nằm la liệt quanh xe bẹp dúm. Tầng trên xe gần như dính chặt, khung giường xiêu vẹo. Ghế nệm bị bung ra. Ông Bàn chợt nhận ra, chiếc xe gặp này chính ông mở chốt cho qua trước đó 20 phút.
Không chút chần chừ, cả ba men theo vết xe cày xới để xuống vực. Họ chạy đến đưa được ba người bị mắc kẹt ra ngoài, cõng, khiêng lên lộ. Số còn lại bị kẹt sâu bên trong, các nhân viên đành bất lực trong tiếng kêu cứu mỗi lúc yếu dần.
Khi không thể giải cứu những người còn lại ra khỏi xe, ông Bàn cõng hai bà cháu thoát ra trước đó lên vực, một tay giữ đằng sau, một tay bám vào những thân cây, bước từng bước một. "Đưa được lên đường, thấy bé gái 8 tuổi mệt lả, tôi phải dùng miệng cắn đứt lá chuối, lót cho cháu nằm nghỉ", ông Bàn nói và cho biết, đến hiện trường được vài chục phút thì công an huyện, chính quyền xã, bộ đội... đến đông dần. Ông quay về trạm, lấy chiếc võng lên để khiêng người bị nạn lên.
Khi trở lại hiện trường, ông đã thấy bốn chiếc xe cấp cứu, còi hú inh ỏi, hàng chục nhân viên y tế cáng người bị thương lên xe chở đến bệnh viện. Cảnh sát mang máy cẩu, máy bơm thủy lực, máy cắt sắt..., phục vụ cứu hộ. Người dân qua đường cũng dừng xe, chạy đến phụ giúp.
Có mặt sớm nhất cùng với ông Bàn, dân quân A Lăk, 23 tuổi, nói rằng, chưa bao giờ anh chứng kiến cảnh tượng hãi hùng như thế. Tiếng những đứa trẻ khóc, nước mắt giàn giụa, những cánh tay còn dính máu vẫy kêu cứu. "Cảm giác ớn lạnh trong người nhưng chân tôi cứ bước đến gần cầm tay các nạn nhân lôi ra", Lăk kể.
6h, lượng cứu hộ đông hơn, khoảng 40 người. Lúc đó trong xe, ở giường trên tầng hai, bên phải có một cháu nhỏ đã chết, bên trái có một người đang còn sống. Do xe lật ngửa, tất cả lực lượng quyết định nâng bên trái để cứu người đàn ông, sau mới nâng bên phải để đưa thi thể bé gái 7 tuổi.
Ôtô bị nạn đã được đưa về Trạm bảo vệ rừng Đăk Rơ Mao, cách hiện trường 5 km. Ảnh: Trần Hóa.
Có một phụ nữ trung niên kẹt hai chân, cả đầu tóc dài bị kẹp giữa các khung sắt. Lực lượng cứu hộ phải cắt tóc, hàng chục người dùng sức kết hợp máy thủy lực để nhấc một phần chiếc xe lên, mới kéo nạn nhân ra được.
Đến 8h, mọi người trong xe đã được giải cứu, đưa đến bệnh viện. Nhiều cán bộ máu và mồ hôi nhuộm đỏ áo, phải giặt 7-8 lần mới sạch. Một số kịp ăn mì tôm sống và nước suối cầm cự. "Đáng tiếc đã có 6 người chết. Nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức", Lăk nói và cho biết, tối hôm qua anh mất ngủ do bị ám ảnh.
Sáng hôm qua, tài xế Mai Hải Nam (39 tuổi, quê Thanh Hóa) lái xe khách giường nằm chở 40 người, trong đó có 9 trẻ em, trên quốc lộ 14C, hướng từ Bắc vào Nam. Khi đến đèo Ngọc Vin, xe lao xuống vực sâu 20 m. Hiện tài xế và 33 người khác bị thương vẫn điều trị.
Theo cơ quan điều tra, tài xế và phụ xe đều không có nồng độ cồn trong máu. Riêng phụ xe Trần Minh Tú (đã chết, quê Thanh Hóa) dương tính ma túy. Dữ liệu ghi nhận, tốc độ cuối cùng của ôtô lúc 3h38 phút sáng 11/7 là 65 km/h, trước đó 10 giây là 59 km/h. Tài xế khai xe bị mất phanh, và lúc tai nạn chỉ chạy 35 km/h.
Hành khách trên xe lao xuống vực kể lại lúc gặp nạn. Video: Trần Hóa - Thanh Huyền.
46 mẫu xét nghiệm ở Đà Nẵng liên quan du khách Anh có kết quả âm tính Chưa phát hiện thêm trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2 ở những người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 35 và hai du khách người Anh. Chiều tối nay (12/3), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tiếp tục có thông báo về kết quả xét nghiệm đối với các trường hợp người có tiếp xúc gần với bệnh nhân...