Chuyện xây nhà hát ngược đời chỉ có ở VN
Một nhà hát, một rạp của chúng ta trở thành nơi vừa cho thuê hội thảo, hội nghị, cả đám cưới lẫn biểu diễn nghệ thuật…
Liên quan đến đề án lên tới 10.800 tỉ đồng để xây dựng và nâng cấp các công trình văn hóa, tiếp tục mạch bài, PV có cuộc trao đổi với NSND Trần Bình, Giám đốc Nhà hát nhạc nhẹ Việt Nam.
Hôm nay hội thảo micro, ngày mai múa hát, múa rối
Liên quan đến quyết định số 88/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 – 2020), lên đến 10.800 tỉ đồng đang gây chú ý dư luận. Ông nói gì về đề án xây mới các nhà hát? Theo ông, có cần thiết hay không?
- Đây là điều mong mỏi của các nghệ sĩ trên toàn quốc. Hiện nay ở trung ương có 12 đơn vị nghệ thuật lớn còn lại của các tỉnh, lực lượng vũ trang… Các đơn vị nghệ thuật hầu hết chỉ có trụ sở làm việc cực kỳ khiêm tốn còn rạp (nôm na gọi là nhà hát) thì không có chỗ biểu diễn.
Các nước trên thế giới mỗi Nhà hát đều có một nhà hát riêng. Ở đó, có phòng hóa trang riêng, phòng tập luyện, biểu diễn… và họ cực kỳ chủ động công việc. Những lúc không hoạt động đi biểu diễn những nơi khác hoặc dã ngoại chẳng hạn thì có kế hoạch dùng địa điểm đấy cho đơn vị khác thuê hoặc sử dụng.
Thế giới làm mô hình như thế nhưng ở Việt Nam thì có hiện tượng hơi ngược đời. Một nhà hát, một rạp của chúng ta trở thành nơi vừa cho thuê hội thảo, hội nghị, cả đám cưới lẫn biểu diễn nghệ thuật… Và thực tế chúng ta vẫn còn thiếu những rạp, nhà hát đúng nghĩa phục vụ các chương trình văn hóa nghệ thuật.
Chủ trương xây 51 nhà hát, tôi nghĩ đáng hoan nghênh và cần thiết. Chỉ có điều nên chọn ra các nhà hát quốc gia có chất lượng mà chưa có rạp thì xây ngay cho họ. Ví dụ Nhà hát Tuổi trẻ, bao năm rồi tại sao ở trong ngõ mà dân đi vào không có chỗ gửi xe, có mấy trăm chỗ ngồi hay Nhà hát Kịch Việt Nam làm gì có rạp biểu diễn.
Hay như bên tôi là Nhà hát nhạc nhẹ Việt Nam cũng chưa có trung tâm biểu diễn. Thực ra chúng tôi cứ đăng ký ở Nhà hát Lớn nhưng nhiều khi nhạc trẻ mà cứ biểu diễn ở đó thì cũng không phù hợp lắm.
NSND Trần Bình và nhạc sĩ Thanh Tùng
Video đang HOT
Còn vấn đề con người quan trọng như thế nào, thưa ông?
- Lãng phí nhất của chúng ta là mỗi nhà hát lại thành lập một ban quản lý mà đôi khi họ không am tường công việc liên quan đến hoạt động nghệ thuật. Do đó những đơn vị nghệ thuật vẫn không có rạp để biểu diễn là vì thế.
Thực tế nhiều nhà hát không chủ động kế hoạch trong vòng một năm. Đôi khi rơi vào tình trạng “ăn đong”, như Nhà hát của chúng tôi đã ký hợp đồng với Nhà hát Lớn đến năm 2014 nhưng vẫn thấp thỏm bởi ví dụ có một đơn vị nghệ thuật khác nhảy vào trả tiền nhiều hơn thì mình vẫn không chủ động kế hoạch được.
Tôi nói ngay như Nhà hát Lớn mấy hôm vừa rồi là chơi, không làm gì cả. Người ta định đăng ký rồi lại không đăng ký, cả hai bên cùng bị động trong kế hoạch. Giống như là một anh cho thuê bến bãi, cho thuê kho tàng cứ ngồi ngóng xem có ai đến thuê không, còn bên thuê đến nhưng không đáp ứng yêu cầu thì chịu.
Ví dụ một chương trình nghệ thuật cần 3 ngày để chuẩn bị. Ban lãnh đạo nhà hát chỉ cho người ta vào từ lúc 11h đêm cho đến sáng hôm sau thì làm sau mà chuẩn bị được. Cả hai bên đều đẩy nhau vào trường hợp bị động về kế hoạch chưa nói đến việc sẽ làm được cái gì cho ra hồn.
Mỗi một loại hình nghệ thuật phải học, phải làm việc với nó. Trong khi đại đa số nhà hát, rạp hát của chúng ta chỉ là nơi cho thuê đến khi các loại hình nghệ thuật vào thuê biểu diễn thì họ bị ngỡ ngàng. Một nơi chỉ quản lý thì hôm nay hội thảo micro nói chuyện, ngày mai múa, hát, múa rối… dễ bị lúng túng.
NSND Trần Bình
Tiền ít, đã nghèo nhưng không tính toán
Thực tế có một số nhà hát, trung tâm được xây dựng lên với số tiền “khủng” nhưng chỉ được cái vỏ còn việc vận hành thì lại không hiệu quả. Đây có thể xem là bài học xương máu để chúng ta rút ra trước khi quyết định 88 được phê duyệt và thực thi?
- Bạn nói đúng. Chúng ta đã có những bài học. Ví dụ Trung tâm văn hóa ở Bắc Ninh xây dựng rất hoành tráng nhưng gần đây chúng tôi có dịp tới đây xem thấy có một nghịch lý rất buồn cười là ngồi 5 hàng ghế đầu chỉ thấy từ đầu gối nghệ sĩ trở lên.
Chiều sâu sân khấu nông choẹt chỉ bằng 2/3 chiều ngang. Thế thì hỏng rồi. Ở nước ngoài chiều sâu sân khấu thậm chí gấp đôi chiều ngang, để họ chuyển cảnh, hệ thống ánh sáng tạo ra không gian tốt nhất. Mình mới xây một trung tâm ở Bắc Ninh mà cũng bị hỏng.
Ngay như TT Hội nghị quốc gia Mỹ Đình cũng vậy. Một tòa nhà xây dựng tốn kém như thế thì tại sao chúng ta lại không nghĩ tới việc nó thích hợp với cả hội nghị và biểu diễn nghệ thuật. Đáng tiếc, sân khấu của TT Hội nghị quốc gia lại không thích hợp lắm với biểu diễn nghệ thuật mà hiện nay thu tiền chủ yếu từ biểu diễn nghệ thuật.
Tôi nói nó không thích hợp biểu diễn là bởi nó nông và không có cánh gà vì chỉ định dùng cho hội nghị mà. Thứ hai là toàn bộ chuyển cảnh, đưa lên hạ xuống của người ta ở phía sau hoặc bên cạnh sân khấu còn TT Hội nghị quốc gia lại phía trước sân khấu. Toàn bộ hệ thống đấy sau khi giải tán hết người ta mới hạ xuống chuyển đồ.
Chúng ta tiền ít, đã nghèo nhưng không tính toán. Đáng lẽ một trung tâm như thế, đất rộng mênh mông, đầu tư tốn kém phải thích hợp hội nghị, hội thảo và chương trình biểu diễn. Ví dụ Hàn Quốc xây một trung trên hòn đảo để phục vụ APEC. Làm xong, họ bán luôn cho một tư nhân để tổ chức biểu diễn.
Những gợi ý của ông xung quanh đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 – 2020), lên đến 10.800 tỉ đồng?
- Phải nói rằng chủ trương xây 51 nhà hát là đáng mừng. Chứng tỏ chính phủ nghĩ đến đời sống văn hóa cho xã hội nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng. Xây một nhà hát chúng ta phải bỏ ít nhất 300 – 400 tỉ. Theo tôi muốn khả thi, có công năng sử dụng đúng không lãng phí thì nên có những hội thảo, gặp gỡ lấy ý kiến phản hồi từ nhiều thành phần như những người quản lý nhà hát, người biểu diễn, người sẽ thuê nhà hát để làm hội thảo, biểu diễn…
Lâu nay chúng ta xây một nhà hát tư tưởng đôi khi vẫn là ban ơn kiểu như tôi xây cho ông như vậy là chìa khóa trao tay và không được tham gia gì cả. Thế nhưng lại không biết hiệu quả của nó thế nào? Âm thanh làm sao mới hay? Làm thế nào để ngồi ở các góc cũng có thể nhìn lên sân khấu thưởng thức một cách trọn vẹn mà không bị vướng?… Cái đó là chuyên ngành biểu diễn mà điều đó chúng ta còn bị thiếu, đôi khi xây dựng chỉ biết xây dựng thôi.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Theo 24h
Lại một dự án 11.000 tỷ xây rạp gây tranh cãi
Trong khi dư luận còn chưa hết "bàng hoàng" về việc rót 11.000 tỉ đồng xây vỏ cho Bảo tàng lịch sử quốc gia mới, chuyện nhà hát nghìn tỉ biến thành nơi tổ chức đám cưới thì mới đây 1 dự án lên đến gần 11.000 tỉ đầu tư cho các công trình văn hóa lại khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Ngày 09/1 vừa qua, đề án "Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012 - 2020" đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tổng số vốn đầu tư dự kiến là 10.800 tỉ đồng (tương đương với nửa tỉ USD), trong đó ngân sách nhà nước là 6500 tỉ. Phân kỳ đầu tư chia thành 2 giai đoạn, 2012-2015 (3000 tỉ đồng) và 2016-2020 (7800 tỉ đồng). Đây không hề là một kế hoạch bất ngờ vì theo người phát ngôn của Bộ VHTTDL, đơn vị chủ trì triển khai thực hiện đề án thì nó đã được chuẩn bị từ năm 2008.
Hay tin đề án nghìn tỉ trên được phê duyệt, nhiều người cho rằng việc đầu tư số tiền lớn như vậy là lãng phí và không đúng thời điểm. Việc xây dựng những nhà hát, công trình văn hóa quy mô là cần thiết nhưng việc vận hành nó thế nào, yếu tố con người - chủ thể của những công trình hoành tráng đó ra sao được quan tâm hơn cả. Bởi trên thực tế, đã có quá nhiều bài học đau lòng về việc đầu tư tiền tấn cho những công trình lớn nhưng sau đó hoặc là vắng như chùa bà đanh, hoặc hoạt động không hiệu quả dẫn đến đóng cửa hoặc dùng sai chức năng.
Rạp Đại Nam thuộc Nhà hát Chèo Hà Nội được đầu tư 92 tỉ đồng nhưng thường xuyên tổ chức tiệc cưới
Câu chuyện Bảo tàng Hà Nội được đầu tư lên tới trên 2000 tỉ đồng nhưng không có gì để trưng bày, thưa vắng người xem, rạp Đại Nam thuộc quản lý của Nhà hát Chèo Hà Nội được rót 96 tỉ đồng nhưng xây xong chủ yếu cho thuê tổ chức đám cưới. Một phần diện tích nhà hát Chèo Kim Mã đang cho thuê để bán đồ gốm sứ, mở quán ăn... Những câu chuyện đau lòng này đã được báo chí phản ánh trong năm 2012 thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Quản lý và sử dụng công năng của những công trình văn hóa tốn kém không hiệu quả luôn là câu chuyện nhức nhối trong xã hội. Bởi rõ ràng, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, đời sống người dân quá khó khăn, chưa biết được hưởng thụ văn hóa chất lượng cao đến đâu đã phải oằn lưng đóng thuế và gánh cho hàng loạt công trình tiêu tốn tiền của mà không mang lại ích lợi gì. Chính vì vậy, khi đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa được duyệt với kinh phí "khủng" đã khiến nhiều người băn khoăn. Liệu rằng những công trình ngốn tiền của có phát huy giá trị và được khai thác tốt khi hoàn thành hay sẽ lại hoạt động ì ạch, sai chức năng như vẫn thấy nhan nhản khắp nơi?
Song cũng có không ít ý kiến đồng tình với đề án này với lập luận rằng đầu tư cho các công trình văn hóa không bao giờ là tốn kém và nếu không làm bây giờ thì bao giờ làm? Nhất là khi, mỗi khi có những sự kiện văn hóa quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam, người ta lại đau đầu tìm một địa điểm hoành tráng, xứng tầm sự kiện mà không có. Và trong khi có nơi dùng nhà hát, cung văn hóa, trung tâm triển làm làm nơi tổ chức tiệc cưới để nhiều đoàn kịch, nhiều nhà hát lại phải đi thuê địa điểm tập, không có chỗ diễn. Nhiều nhà hát hiện nay lại quá ít ghế, thiết kế không đúng quy chuẩn hoặc xuống cấp nên rõ ràng kế hoạch nâng cấp và xây dựng mới 71 nhà hát (trong đó xây mới 51, nâng cấp 20 nhà hát) thực sự là một kế hoạch tham vọng.
Rạp Tháng 8 ngoài chiếu phim còn mở thêm quán bar
Tham vọng là ở chỗ đề án phê duyệt xây mới 51 nhà hát (11 nhà hát có quy mô lớn từ 2000-2500 ghế; 4000 nhà hát có quy mô lớn từ 1000-2000 ghế) tại chừng ấy tỉnh, thành phố. Tức là ngoài 2 nhà hát lớn xây mới tại HN và TP.HCM, mỗi tỉnh và thành phố sẽ được "phân phối" đều 1 cái. Việc vận hành 51 nhà hát mới được xây dựng từ nay tới năm 2020 quả là không đơn giản bởi ngoài chuyện xây vỏ thì việc ai sẽ là người điều hành chúng, quản lý sao cho hoạt động hiệu quả và đúng chức năng là cả một bài toán khó. Bài học từ những công trình rỗng ruột, có vỏ mà không có nội dung để lấp đầy đến nay vẫn còn nóng. Còn với 20 nhà hát đã bị xuống cấp nằm trong kế hoạch nâng cấp, cải tạo của đề án này thì không có gì để bàn.
Các công trình rạp chiếu phim là đối tượng được quan tâm đặc biệt với kế hoạch nâng cấp và xây dựng mới 106 rạp chiếu phim, trong đó có 57 rạp cần xây mới, 49 rạp thuộc đối tượng được nâng cấp. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc sẽ xây mới 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và TP.HCM với quy mô khoảng 1500 ghế. Các rạp này sẽ được xây theo mô hình cineplex giống các cụm rạp tư nhân và nước ngoài đang sở hữu tại VN, có dịch vụ văn hóa tổng hợp khác, đảm bảo có thể tổ chức LHP quốc tế và trong nước. Kế hoạch này rõ ràng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh rạp chiếu nhà nước đang co cụm và khó tìm kiếm địa điểm phù hợp để tổ chức các sự kiện điện ảnh mang tầm quốc gia và quốc tế diễn ra đều trong mỗi năm.
Cùng với đó, 55 rạp quy mô từ 500-1000 ghế với từ 2/6 phòng sẽ được xây mới tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng người dân ở nhiều tỉnh, thành xa xôi không thể tiếp cận với phim ảnh do không có rạp chiếu. Tuy nhiên, việc vận hành những rạp chiếu "quốc doanh" này thế nào cũng là vấn đề cần bàn, nhất là khi các rạp này khó tiếp cận với các nguồn phim mới phát hành ngoài rạp mà chủ yếu chỉ đến được với các thành phố lớn. Kế hoạch nâng cấp 49 rạp chiếu xuống cấp có thể khiến nhiều chủ rạp vui mừng.
Các rạp chiếu phim nhà nước khó cạnh tranh với cụm rạp của tư nhân và nước ngoài đầu tư
Tuy nhiên, với sự đầu tư xây mới và nâng cấp hơn 100 rạp chiếu phim trên cả nước đánh dấu sự trở lại của các rạp "quốc doanh" vốn đã hoạt động không hiệu quả nhiều năm qua trước sự bành trướng của các cụm rạp hiện đại của nước ngoài và tư nhân tiếp tục đặt ra bài toán hiệu quả. Cách đây hơn 1 thập niên, ngay tại Hà Nội, rất nhiều rạp chiếu của nhà nước đã phải đóng cửa hoặc chuyển hình thức kinh doanh vì hoạt động không hiệu quả như Bạch Mai, Đặng Dung, Đại Đồng, Bắc Đô, Đống Đa.... Do vậy, sự xuất hiện trở lại của các rạp nhà nước lại 1 lần nữa cho thấy những thách thức thực sự.
Các công trình nhà triển lãm văn hóa nghệ thuật cũng được đưa vào đối tượng của dự án "khủng" này. Và theo kế hoạch, tổng số nhà triển lãm cần nâng cấp và xây dựng mới lên tới 66, trong đó có 36 công tình xây dựng. Đáng chú ý là trong số 30 công trình được nâng cấp có cả nhà triển lãm văn học nghệ thuật Việt Nam, nơi ngoài các sự kiện văn hóa cũng nổi tiếng chuyên tổ chức tiệc cưới, các hội chợ hàng hóa. Câu chuyện xảy ra từ cuối năm 2008 đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc tới đầy bức xúc khi người ta ngang nhiên dùng màn che các tác phẩm tham dự cuộc triển lãm tranh sơn dầu có quy mô toàn quốc vài năm mới tổ chức được một lần để kê bàn mở tiệc cưới.
Đầu tư cho văn hóa không bao giờ là thừa và giá trị nó mang lại cho những người thụ hưởng không đong đếm được cụ thể nhưng quản lý các công trình văn hóa thế nào, vận hành sao cho hiệu quả và xứng số tiền bỏ ra mới là điều đáng bàn.
Theo 24h
"Đĩa bay" ở Thanh Hoá: Chủ tịch huyện nói gì? Khoảng 17h, ngày 9/12, Lê Khắc Đạt (19 tuổi), thôn 3, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) sử dụng điện thoại vô tình chụp được có một vật thể lạ lơ lửng trong không gian. Trao đổi với báo chí, Đạt cho biết: Vị trí Đạt chụp bức ảnh có vật lạ trên là ở bờ ao, trước nhà mình. Khi...