Chuyện vợ bán kem nuôi chồng “ôm” mộng làm giàu với cam Canh
Khởi nghiệp từ năm 1997 với 2ha đất đồi trồng vải, sau 3 năm “thành quả” của anh Dương Văn Ký (thôn An Biên, xã Thủy An, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là một khoản nợ lớn. Không nản lòng, người nông dân đất Đông Triều này đã đi qua các vụ na, vải…để rồi đến với cây cam đường Canh như một mối duyên tiền định.
Vợ bán kem nuôi chồng xây mộng làm giàu
Trong cơ ngơi trang trại rộng 4ha xanh rợp bóng cây cam ở thôn An Biên, xã Thủy An (TX Đông Triều), anh Dương Văn Ký luôn cười hồn hậu khi nhắc về quá khứ, dù đó là những ngày tháng cơ cực nhất của vợ chồng anh.
Vào năm 1997, khi mà lớp thanh niên ở thôn An Biên bắt đầu chán nản với ruộng đồng, kéo nhau bỏ làng đi làm thuê xa xứ, thì người thanh niên Dương Văn Ký vẫn quyết bám trụ với mảnh vườn, sào ruộng quê nhà. Thấy ông cậu có 2ha đồi trồng cây kém hiệu quả, anh Ký đề xuất “chung lưng đầu cật” với cậu chuyển sang trồng cây vải.
Ít ai biết rằng, để có cơ ngơi trang trại như ngày hôm nay, anh Dương Văn Ký đã phải trải qua nhiều năm sống trong cảnh cơ cực, bần hàn.
Bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu vốn liếng đã đổ xuống để cải tạo khu đồi, hơn 300 gốc vải sau 3 năm đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Anh Dương Văn Ký và người cậu chưa kịp mừng thì vụ vải năm đó giá rớt thê thảm. Vải thiều năm đó ra quả rất sai, mã quả rất đẹp, nhưng giá bán thì thật là rẻ. Mà bán rẻ cho thương lái còn bị chê lên chê xuống thật là cơ cự.
“Mấy chục triệu đồng ngày ấy lớn lắm, thế mà vay mượn dồn hết vào vườn vải, cuối cùng lại thất bại, sa vào cảnh nợ nần…” – anh Ký nhớ lại.
Mấy năm đầu tư công sức, tiền của vào khu đồi chưa thu được đồng nào, chỉ thấy tiền trong nhà cứ “đội nón” ra đi.Túng thiếu, chị vợ anh Ký phải bỏ việc phụ giúp chồng trên đồi, ngày ngày đạp xe lên tận thị xã Đông Triều bán từng que kem, rao từng chai mắm kiếm đồng rau đồng gạo nuôi chồng con.
Cảnh nhà sa sút không làm cho anh Ký nản lòng. Năm 2000, khi vừa thu vụ vải đầu tiên bị thua lỗ, anh liền đưa ra quyết định táo bạo là chặt hết vải thiều để trồng na. Giống na Việt Dân (cách làng An Biên chỉ 2 Km) ngày đó chưa có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý như bây giờ, nhưng anh Ký đã nhìn thấy hiệu quả từ loại cây trồng này.
Học mót được cách thụ phấn cho hoa na của một lão nông trong làng, anh Ký trồng thử nghiệm 1ha. Những ngày đầu trồng na, đến thời kỳ hoa nở ngày nào a Ký cũng ra vườn ngóng. Cây na được thụ phấn nhân tạo sai trĩu quả, khiến vợ chồng anh Ký khấp khởi mừng thầm và đặt biết bao nhiêu kỳ vọng vào những trái na đẹp. Vụ na đầu tiên năm 2003 trúng đậm, anh đã trả được hết nợ nần. Đây cũng là động lực quan trọng để anh Dương Văn Ký mạnh dạn bước đi theo hướng làm giàu từ trồng cây ăn quả.
Ngay vụ na tiếp theo, anh Ký lấy luôn sổ đỏ của khu đất đồi 2ha để cắm vay ngân hàng, tiếp tục thầu thêm 5ha đất đồi nữa ở khu Hổ Lao xã Tân Việt để trồng na. Ngày đó dân trồng na ở đây chưa nắm vững được kỹ thuật chấm thụ phấn cho hoa na, chỉ có anh Ký nắm được kỹ thuật này, nên vườn na của vợ chồng anh vào mùa sai trĩu quả, quả to, tròn đều, vị ngọt sắc, giá bán ngày đó đã là 20.000 đồng/gg mà các thương lái tranh nhau đến tận vườn thu mua.
Video đang HOT
Những vụ na ngọt trái với bí quyết thụ phấn thủ công của anh Dương Văn Ký đã tạo động lực lớn để vợ chồng anh tiếp tục chinh phục đất đồi cằn ở vùng than xây dựng khát vọng làm giàu từ trang trại nông nghiệp…
Làm trang trại phải biết thức thời, quyết đoán
Ngay thời điểm thu tiền tỷ mỗi vụ từ cây na, anh Dương Văn Ký đã nhận thấy thời điểm thoái trào, để rồi nghiên cứu chuyển sang một giống cây mới phát triển kinh tế. Năm 2008, bao nhiêu tiền thu được từ những vụ na, anh dồn tất cả mua gom đất, đầu tư cho khu trang trại rộng 4ha ngay tại An Biên quê nhà.
“Thời điểm này vợ chồng tôi gần như khởi nghiệp lại từ đầu. Trước khi xây dựng trang trại đã có hướng trồng cây cam đường canh, nhưng xây dựng xong thì vốn liếng gần như cụt hết. Thế là phải vay mượn lại để đầu tư vào giống cây hoàn toàn mới” – anh Ký nói.
Vườn cam đường canh 5.000 gốc của anh Dương Văn Ký đều đặn mỗi năm cho thu hơn 1 tỷ đồng.
Ngày đó cả xã Thủy An chưa ai trồng cây cam đường canh, anh Ký mày mò lên tận huyện Văn Giang, Hưng Yên để tìm hiểu về giống cây ăn quả này. Cam đường canh trồng không tốn công như cây na, nhưng năng suất lại lớn hơn rất nhiều. 1 cây vào vụ có thể cho thu bình quân 50 Kg, giá bán thấp nhất cũng 50.000 đồng Kg, thu về ít nhất hơn 2 triệu đông/cây.
Thế là, cả 2 tỷ đồng vay mượn, cộng thêm chút vốn liếng tích cóp, anh Ký dồn toàn lực cho cam đường canh. Nói là ít công chăm bón hơn na, nhưng để đạt được hiệu quả cao nhất từ cây cam đường canh, cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu ghép thân với gốc cây bưởi, chăm sóc cây, bắt hoa, giữ quả, hãm cho quả nhỏ vừa phải…mọi công đoạn đều hết sức tỉ mỉ.
“Năm 2017, giời thương cho vườn cam đậu quả đạt 50 tấn, thu về hơn 2 tỷ đồng. Toàn bộ nợ nần được trang trải xong xuôi cũng từ vụ này. Sang năm 2018, thời tiết khắc nghiệt hơn nên năng suất giảm, nhưng cũng đạt 30 tấn, thu hơn 1 tỷ đồng” – anh Ký nở nụ cười phấn chấn, khoe.
Trải qua nhiều năm kinh nghiệm với trồng cây ăn quả, anh Ký khẳng định cam vẫn là giống cây cho thu nhập ổn định nhất. Với 5.000 gốc cam, diện tích trồng 4ha, trang trại cam của gia đình anh Dương Văn Ký đều đặn mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại trang trại của anh đã tham gia vào tổ hợp tác, liên kết sản xuất hoa quả sạch, an toàn nên sản phẩm thu đến đâu được các thương lái tới tận vườn mua đến đó.
Cũng như thời điểm thắng lợi với cây na lần trước, đến bây giờ khi đã bước sang năm thứ 10 trồng cam đường canh, anh Ký lại bắt đầu tính đến xoay chuyển hướng đi mới. “Cây cam đã bước sang tuổi thoái hóa, nhưng trước mắt tôi vẫn giữ cây cam là cây trồng phát triển kinh tế chủ đạo, sắp tới sẽ thử nghiệm trồng thêm một số giống mới là nho, táo đỏ và thanh long” – anh Ký chia sẻ.
Ngoài trồng cây ăn quả, quy mô trang trại của gia đình anh Ký ngày càng được mở rộng, xây dựng một cách khoa học để trồng trọt kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Hiện tại anh đang chuẩn bị đầu tư nuôi lợn thịt, kết hợp nuôi cá rô phi đơn tính. Hỏi tại sao lại bắt tay vào nuôi lợn, giữa thời điểm dịch tả lợn Châu Phi đang làm kiệt quệ biết bao hộ nuôi trên cả nước, anh Ký chỉ mỉm cười, nói: “Chính vì thế tôi mới chọn thời điểm này để bắt tay vào nuôi lợn. Làm giàu từ nghề nông phải cần có sự thức thời, quyết đoán. Chần chừ một chút thôi là cơ hội đi qua rồi!”.
Từ một hộ khó khăn về kinh tế, anh đã mạnh dạn vay vốn xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại, đến nay anh Ký đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại kết hợp trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, để mở rộng quy mô sản xuất, anh Ký đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vườn đồi, xây dựng hệ thống chuồng trại.
Vẫn biết làm giàu từ nghề nông phải trải qua biết bao cơ cực, nhưng từ trong đôi mắt còn sáng rực lửa đam mê, tôi tin anh Ký sẽ không khuất phục trước bất cứ thất bại nào.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng, sự cần cù chăm chỉ là nhiệt tình với phong trào nông dân giúp nhau làm giàu, giảm nghèo ở địa phương, anh Dương Văn Ký đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi của cấp T.Ư và địa phương. Anh Dương Văn Ky là nông dân tiêu biểu đại diện cho nông dân tỉnh Quảng Ninh vừa được bình chọn nhận danh hiệu “ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″.
Theo Danviet
CHÍNH THỨC: Đã bình chọn được 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2019
Sáng nay 5/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) Phạm Tiến Nam, Trưởng ban Tổ chức Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam", Chủ tịch Hội đồng bình chọn Danh hiệu NDVN xuất sắc, các thành viên của Hội đồng bình chọn chung khảo đã họp và tiến hành bỏ phiếu để tìm ra 63 ứng cử viên xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019".
147 ứng cử viên từ 63 tỉnh, thành
Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam, Trưởng ban Tổ chức Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam", Chủ tịch Hội đồng bình chọn chung khảo chủ trì phiên họp. Ảnh: Đàm Duy
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Phạm Tiến Nam nhấn mạnh, Chương trình "Đây là năm thứ 7 Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam được T.Ư Hội NDVN giao Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức. Trong chuỗi các sự kiện của Chương trình thì Danh hiệu nông dân xuất sắc luôn là sự kiện trung tâm. Đặc biệt năm nay, với mục tiêu lập thành tích chào mừng 89 năm thành lập Hội NDVN, sự kiện này càng có ý nghĩa lớn lao hơn, bởi nó không chỉ đơn thuần là tìm ra các nông sân xuất sắc mà còn đề cao vai trò, vị trí của giai cấp NDVN trong quá trình phát triển đất nước, xây dựng nông thôn mới".
Cũng như mọi năm nay Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" sẽ có 11 hoạt động được tổ chức bao gồm: tổ chức bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc", tổ chức Giai bao chí toàn quốc "Tự hào Nông dân Việt Nam 2018"; trao giải cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0"; tổ chức chương trình đưa nông dân xuất sắc thăm quan, học tập mô hình và khảo sát thị trường trong và ngoài nước; tổ chức đoàn "Nông dân Việt Nam xuất sắc" tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tổ chức hội thảo, diễn đàn nông dân tầm quốc gia liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019...
BTC đã xây dựng thể lệ, đề cử theo đúng tinh thần thể lệ bình chọn; thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng làm chủ tịch, đồng thời, mời các bộ ban ngành cùng với Hội NDVN để bình chọn, tôn vinh những nông dân tiêu biểu, xây dựng gương nông dân điển hình cấp nhà nước.
Sau hơn 2 tháng tiếp nhận hồ sơ, đến nay đã có 63 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ của 147 ứng cử viên tham gia đề cử bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019". Trong đó có 17 ứng viên nữ (chiếm 17,6%), 130 ứng viên nam (chiếm 88,4%). Trong số 8 tiêu chí xét bình chọn năm nay thì tiêu chí Trồng trọt có nhiều ứng viên nhất với 48 người; Chăn nuôi 30 người; Trang trại tổng hợp 19 người; Thủy, hải sản: 16 người; Sản xuất, chế biến kinh doanh 22 người; Phát minh sáng kiến 5 người; Xây dựng Nông thôn mới 4 người và Bảo vệ an ninh Tổ quốc 3 người.
Các tiêu chí sát với thực tế
Về cách thức bình chọn, 11 thành viên của hội đồng sẽ bình chọn độc lập, kết quả chấm độc lập sau đó gửi về tổ thư ký. Sau khi tổ thư ký tổng hợp, báo cáo kết quả độc lập từ 11 thành viên, hội đồng sẽ cùng đánh giá, thảo luận và chốt danh sách cuối cùng.
Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam mong các thành viên trong hội đồng bình chọn làm việc với tinh thần khách quan nhất để chọn ra nông dân xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt...), phát minh sáng kiến, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh tổ quốc.
"Đối với khu vực biên giới, đồng bào dân tộc thì việc so sánh là rất khó khăn nên hội đồng cần dựa vào tiêu chí để lựa chọn cho hài hòa, phù hợp. Đặc biệt là các tỉnh miền núi đề cử 2-3 nông dân thì hướng ưu tiên là ưu tiên cho đồng bào, đặc biệt là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60-70% để đảm bảo tính chất động viên phong trào", đồng chí Phạm Tiến Nam nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi chấm chung khảo, ông Trương Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và tuyên truyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá cao Chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam" do Hội NDVN và Báo Nông thôn ngày nay tổ chức.
Ông Trương Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng và tuyên truyền, Bộ Tài nguyên Môi trường. Ảnh: Đàm Duy
Ông Đạt nhận xét, đa số các nông dân được đề cử năm nay đều đáp ứng các tiêu chí bình chọn, một số tỉnh những nông dân được đề cử có thành tích ngang nhau nên cần xem xét nhiều yếu tố để đưa ra quyết định lựa chọn. Bên cạnh đó, một số tỉnh như TP.HCM, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc... có một số yếu tố đặc thù nên số lượng nông dân được lựa chọn có thể nâng lên thành 2.
Đồng thời, ông Đạt cũng góp ý cho BTC cần căn cứ vào các tiêu chí cụ thể bổ sung thêm nông dân trong một số lĩnh vực sản xuất cho thu nhập cao như nông dân trồng cây cảnh, bonsai ở Hưng Yên, Nam Định.
Đánh giá về nét mới trong các tiêu chí lựa chọn của năm nay, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) cho rằng: các tiêu chí của năm nay rất sát với thực tế đời sống của nông dân, đặc biệt ngoài tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi còn có các tiêu chí về xây dựng NTM, tham gia gìn giữ quốc phòng an ninh... đây đều là những yêu cầu đòi hỏi từ thực tế mà nhiều địa phương đang đẩy mạnh phát huy, góp phần làm toàn diện hơn danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc thời đại mới.
Hội đồng cũng thảo luận về vấn đề ưu tiên cho các ứng viên có thành tích trong phong trào bảo vệ an ninh bảo vệ tổ quốc nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố thành tích trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo đúng tiêu chí đã đặt ra và tính khách quan của hội đồng.
Sau nhiều giờ làm việc nghiêm túc, công tâm và khách quan, Hội đồng bình chọn đã chọn ra được 63 nông dân xứng đáng với danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Thay mặt Ban tổ chức, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực thực hiện các nội dung, tiến độ công việc của các đơn vị tham gia, đồng thời nhấn mạnh: đây chính là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2019.
Theo Danviet
Xe tải đâm đổ hàng chục mét dải phân cách, nằm ngửa bụng trên quốc lộ Một xe tải mất lái, đâm xô hàng chục mét dải phân cách cứng rồi lật nhào trên QL18, đoạn qua xã Hoàng Quế, thị xã Đồng Triều, tỉnh Quảng Ninh. Xe tải mang BKS 14C-23859 bị mất lái, tự đâm vào giải phân cách rồi lật nhào, nằm nghiêng trên đường Sáng nay (14/3), trên Quốc lộ 18, đoạn qua xã Hoàng...