Chuyện về Quán quân Olympia: ‘Quan niệm tài thì phải ngoan, hiền, khiêm tốn xưa cũ lắm rồi’
Trương Anh Ngọc cho rằng cô nữ sinh có quyền sống đúng với con người, cá tính thật của mình.
Có lẽ chưa năm nào, Quán quân Đường lên đỉnh Olympia lại giành được nhiều sự chú ý đến thế. Dù trận chung kết nảy lửa đã trôi qua được 2 ngày nhưng những câu chuyện bên lề như thái độ của cô nữ sinh Thu Hằng vẫn là chủ đề được bàn tán ít nhiều. Cho đến thời điểm này, nhiều tên tuổi có sức ảnh hưởng như BTV Quang Minh, ca sĩ Tóc Tiên, vlogger Giang Ơi hay chính MC của chương trình là Diệp Chi đều đã lên tiếng bênh vực cô gái 17 tuổi.
Mới đây, nhà báo, BLV, nhà văn nổi tiếng Trương Anh Ngọc cũng đã có bài chia sẻ rất dài về quan điểm của mình trong chuyện này. Theo đó, anh hoàn toàn đứng về phía Thu Hằng và cho rằng em không cần phải gò ép bản thân theo định kiến xã hội, mà hãy cứ sống là chính mình.
“Khổ thân cô cháu quán quân ‘Đường lên đỉnh Olympia’, đến ăn mừng theo như cách của mình cũng bị ném đá là ‘tự tin thái quá khi ăn mừng chỉ 2 tay lên trời’ thì không hiểu người ta còn muốn cháu phải sống như thế nào nữa nhỉ?
Hay là họ muốn cháu phải cười nhẹ nhàng, dịu dàng, nói những câu có cánh về các thể loại cảm ơn như đọc diễn văn thể hiện sự biết ơn vốn chúng ta đã nghe rất nhàm, hay phải khóc nức lên cho giống drama, hoặc nói những câu để thấy rằng mình là người rất là khiêm tốn, có ý chí tiến thủ, phải học hỏi nhiều?
Cháu ạ, cháu cứ như thế nào thì hãy sống như thế, nói như thế, thể hiện như thế. Vì đấy là cháu, chính cháu, không phải ai khác, không phải là bạn A, bạn B nào đó, không cần phải làm như thế nào đó để cho rằng, như thế mới có thể hài lòng tất cả mọi người.
Nhà chú cũng không muốn con gái chú như thế và nhà chú luôn nói với con rằng, con hãy là chính con, là riêng con, đừng tự làm mình tròn vo đi để cho rằng nhờ thế mà sống ổn, mà từ đó leo lên các bậc thang xã hội, đừng đánh mất những gì con có, dù con có gai góc và cá tính đến mấy.
Một xã hội văn minh là một xã hội mà các thành viên của nó chấp nhận mỗi người là một người khác nhau, chấp nhận và không đánh giá, phán xét, chụp mũ những người nào đó khác mình khi bản thân người ấy không gì phạm pháp hay vi phạm bất cứ điều gì về thuần phong mĩ tục. Sự tự tin của những người trẻ về những giá trị mà mình có không phải là một tội ác cháu ạ, mà đó là một giá trị cần phát huy.
Trí tuệ là một tài sản lớn, và trí tuệ ấy cũng cần phải được phát huy. Nhưng trước hết, dù gì đi chăng nữa, một cá nhân vẫn là một cá nhân riêng lẻ và việc dìm cá nhân ấy xuống chỉ vì khác với số đông là một điều ngớ ngẩn vô cùng.
Video đang HOT
Chú lại nhớ cái cách mà nền giáo dục này đã áp đặt lên thế hệ của chú nhiều năm trước, và chú không hề muốn cách nghĩ “đồng phục” ấy vẫn còn len lỏi gây tác động tiêu cực trong thời hiện đại này. Đấy là người ta ép các chú phải viết bằng tay phải, ai viết tay trái sẽ bị đánh hoặc mắng. Đấy là người ta muốn các chú phải viết đẹp và bất cứ ai viết không đẹp như cách nghĩ, như chuẩn của họ, sẽ bị cho là xấu, là thiếu nết người (chú là một điển hình về việc từng bị áp đặt suy nghĩ này, vì chú không làm sao viết đẹp như các bạn được).
Đấy là người ta từng coi những người như chú là một thất bại của giáo dục vì chú có lần dám lên tiếng nói với thầy rằng, “thưa thầy, số liệu của thầy cần cập nhật ạ, em có số liệu mới hơn”. Đấy là người ta áp đặt các học sinh một lối suy nghĩ, cảm thụ về văn học, về lịch sử, người ta triệt tiêu nhiều ý niệm về thẩm mỹ và người ta luôn hướng đến một cái đích duy nhất: con ngoan, trò giỏi và đề cao thành tích, coi đó là kim chỉ nam cho sự phát triển con người mà trên thực tế là để phục vụ lợi ích của họ, bỏ qua việc dạy kĩ năng, không thực sự quan tâm đến việc học sinh nghĩ gì, muốn gì. Và việc phản biện, đưa ra các quan điểm không nằm trong định hướng của họ không được hoan nghênh.
Không, cháu ạ, thời nay khác rồi. Quan niệm “Tài’ thì phải “ngoan”, “hiền”, “khiêm tốn”, nói những câu ai cũng muốn , làm những việc ai cũng muốn thấy xưa cũ lắm rồi, vì nó khuôn mẫu, giả tạo vô cùng. Cứ tiến lên mạnh mẽ cháu ạ, và chú chỉ muốn nói thêm với cháu một điều: hãy coi những lời chỉ trích vừa rồi như một động lực tốt để tiếp tục tiến lên cháu ạ, và hãy tự hào rằng, cháu, một nữ sinh, đã chiến thắng, và cháu không giống ai hết, cũng không cần phải giống ai hết, vì cháu là cháu, và cháu muốn như thế.
Chú Ngọc, người cũng có một cô con gái bằng tuổi cháu…
P.S: Gửi tới bố mẹ Thu Hằng. Anh chị thân mến, anh chị có một cô con gái rất tuyệt. Đừng vì vài ý kiến chỉ trích của ai đó mà anh chị muốn con phải thay đổi bất cứ điều gì. Mong anh chị tiếp tục ủng hộ cháu trên con đường phía trước…”
Trương Anh Ngọc là một phóng viên thời sự quốc tế, phóng viên thể thao, bình luận viên bóng đá, nhà văn và nhà báo, được biết đến là một trong những phóng viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt về bóng đá và nhất là bóng đá Ý.
Hot vlogger Giang Ơi lên tiếng về tranh cãi của Quán quân Olympia: 'Sự khiêm nhường và kiềm chế thường đến cùng với trải nghiệm sống - điều mà Hằng chưa có'
Là một người có thành tích học tập "khủng" và sức ảnh hưởng nhất định trên MXH, Giang Ơi đã có những chia sẻ về "gạch đá" mà dư luận dành cho Thu hằng.
Có lẽ chưa năm nào, Quán quân chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia lại giành được nhiều sự chú ý đến thế. Không chỉ vì đây là cô gái duy nhất đạt được chiếc Vòng quyệt quế danh giá sau 9 năm, mà còn khá nhiều câu chuyện gây tranh cãi về thái độ sống, cách cư xử của cô bạn bé nhỏ đằng sau ngôi vị này.
Sau khi trận chung kết diễn ra, nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng đã bị một bộ phận dân mạng "gạch đá", cho rằng cô có những hành động không tốt, coi thường đối thủ trên sóng truyền hình, bộc lộ cảm xúc có phần tự tin thái quá khi ăn mừng chỉ tay lên trời, dang rộng hai tay những lúc trả lời đúng câu hỏi.
Bên cạnh đó, trước khi kết thúc phần thi Về đích, nghe nam sinh Dũng Trí chia sẻ không thể thực hiện giấc mơ đội vòng nguyệt quế và chọn gói câu hỏi an toàn, Thu Hằng cũng bộc lộ rõ sự vui mừng, khiến nhiều khán giả khó chịu và thấy không tôn trọng đối thủ, "thể hiện sự vui mừng trên nỗi đau của người khác".
Mới đây, hot vlogger Giang Ơi đã có những chia sẻ rất dài với chủ đề "sự khiêm nhường", nói lên quan điểm của mình về phản ứng của Thu Hằng trên sóng truyền hình. Theo Giang, "Chỉ trích quá mức một đứa trẻ bằng những tiêu chuẩn của người lớn có lẽ là điều chưa thực sự công bằng."
Cụ thể, bài đăng của Giang Ơi như sau:
"Gần đây mình có cơ hội được làm giám khảo khách mời trong một cuộc thi tiếng Anh dành cho các em bé học cấp một (ngày giờ chiếu sẽ thông báo sau nhé). Các đội chơi đến từ nhiều trường khác nhau từ bắc chí nam, và các em bé cũng có nhiều cá tính khác nhau. Có những em bé tương đối nhút nhát, nhưng ngược lại đó cũng có những em rất bùng nổ và cạnh tranh. Đặc biệt có những em bé xíu xiu nhưng cất tiếng lên là cô Giang há hốc mồm vì nói tiếng Anh hay quá, thực sự giỏi ngoài sức tưởng tượng của cô Giang luôn.
Khi mình đến làm giám khảo, tinh thần mình rất thoải mái. Từ vị trí một người lớn, mình chỉ nghĩ đây là dịp để các bạn nhỏ cọ xát và trải nghiệm để trở nên tự tin hơn, còn thắng thua thế nào thì phần thưởng mang tính khích lệ là chính. Tuy nhiên đối với các bạn nhỏ đi thi, có thể thấy tinh thần "chiến đấu" rất rõ nét ở một số bạn. Dù nhỏ tuổi nhưng các bạn hiểu rất rõ rằng phần thắng chỉ có một, rằng phải có chiến thuật lựa chọn gói điểm số, rằng đây không phải cuộc dạo chơi.
Các bạn hò reo khi chiến thắng, cắn môi khi trả lời sai, bất bình khi cảm thấy câu hỏi của đội bạn dễ hơn của mình. Có bạn cầu toàn, trả lời sai một câu lập tức ứa nước mắt. Theo mình thì đó là những cảm xúc rất tự nhiên trong môi trường cạnh tranh, và điều đó hầu hết chúng ta đều sẽ trải qua.
Vì nó là một cuộc thi, nên đương nhiên thắng thua là một phần đi cùng với nó. Người chơi cần cạnh tranh với nhau để giành phần thắng cho mình, đó là lý do tại sao chúng ta gọi nó là một cuộc thi. Đúng là có những cuộc thi mang tính chất "giao hữu" là chính, ví dụ như chương trình "Tâm đầu ý hợp" vợ chồng mình từng tham gia với vợ chồng nhà Pông và Tùng. Từ đầu tới cuối buổi ghi hình cả 4 người đều mang tinh thần chia sẻ vui vẻ là chính, thắng thua chỉ là phụ.
Tuy nhiên, có những cuộc thi khác hoàn toàn. Những trận đấu thể thao hay những cuộc thi kiến thức đều là ví dụ điển hình, khi mà một trận thắng có thể mang huy chương về cho đất nước, hay một phần học bổng có thể thay đổi đời người.
Trường hợp Thu Hằng - người chơi nữ vừa chạm tay được đến vòng nguyệt quế của một trong những cuộc thi kiến thức uy tín nhất đối với học sinh cả nước - bị chỉ trích nặng nề về thái độ, mình cũng có quan điểm từ góc nhìn cá nhân. Hằng không sai, chỉ đơn giản Hằng là một đứa trẻ. Sự khiêm nhường và kiềm chế thường đến cùng với trải nghiệm sống - điều mà Hằng chưa có. Chỉ trích quá mức một đứa trẻ bằng những tiêu chuẩn của người lớn có lẽ là điều chưa thực sự công bằng.
Nếu Hằng đang đi thi đá banh và ghi bàn, có lẽ những phản ứng của bạn không bị chỉ trích đến vậy. Bên cạnh đó, một điều có lẽ hơi đáng buồn nữa là nếu Hằng là đàn ông, làn sóng chỉ trích chắc cũng giảm đi vài phần. Nhiều người thường đánh giá cao hình tượng đàn ông tài năng, có thể độc đoán nhưng có tài. Có nhiều văn hoá phẩm gọi những người đàn ông như vậy là "Alpha" - thủ lĩnh đầu đàn. Nhưng cũng người đó, nếu là phụ nữ, có khi sẽ bị gọi là "Devil wears Prada" - thường bị khắc hoạ theo hướng tiêu cực bởi truyền thông và từ đó, cũng dần ăn sâu vào quan niệm của chúng ta.
Mình cảm thấy buồn và lo lắng cho Thu Hằng khi những bình luận tràn lan ở trên mạng có vẻ đang đi quá giới hạn. Nhiều người nói bạn 'ngáo', 'học nhiều quá hoá điên nên thành ra như vậy'. Sẽ có bao nhiêu đứa trẻ, nam có nữ có, thấy vậy và sợ hãi tìm cách kìm nén mình? Khi người lớn học cách kiềm chế, nó dễ đi theo hướng lành mạnh hơn vì nó đến từ một bản ngã đã được định hình. Còn khi trẻ con phải chứng kiến 'cuộc ném đá công khai' này đối với Thu Hằng, có lẽ trong đời sẽ có rất nhiều điều nó không dám làm và không dám thể hiện vì sợ hãi trở thành Thu Hằng tiếp theo.
Nhưng trở thành Thu Hằng, theo mình, là tốt cho một đứa trẻ. Bạn thông minh, có tài, và cá tính mạnh mẽ không che giấu. Chất xám là điều vô cùng đáng quý với mỗi dân tộc. Hằng cần một môi trường để phát huy chất xám ấy của mình, và một cơ hội để hình thành sự khiêm nhường qua thời gian.
Bạn mới 17 tuổi. Mười năm nữa, có lẽ bạn cũng sẽ khác nhiều. Cuộc đời là hành trình học hỏi, chúng ta ai cũng có những điểm chưa tốt để dần rút kinh nghiệm theo thời gian. Và Hằng cũng xứng đáng có được cơ hội đó như tất cả mọi người.
Mình mong Thu Hằng đọc được post này. Em có một chặng đường rất dài và rất tuyệt vời trước mắt. Hãy dũng cảm và hãy bình tâm cho chính mình cơ hội học hỏi. Dù sau này em có trở thành một lãnh đạo vừa có tài vừa có trái tim thấu cảm với người khác, hay thành một bộ óc tài năng độc đoán với nhiều công trình nghiên cứu độc lập, thì cũng xin chúc em hạnh phúc và tin tưởng vào con đường mà mình lựa chọn."
Giang Ơi từng có 4 năm sinh sống và học tập tại Anh. Giang đã hoàn thành bậc Đại học ngành Fashion Design & Technology, tốt nghiệp Đại học, cô về nước và tiếp tục theo đuổi công việc yêu thích Stylist, phóng viên Thời trang. 2 năm sau, Giang trở lại Anh và hoàn thành bậc cao học ngành International Fashion Marketing. Học xong, Giang về nước và bắt đầu làm việc trong ngành Marketing. Cựu du học sinh Anh cũng là một trong những YouTuber sở hữu vốn tiếng Anh cực đỉnh với 8,5 IELTS Speaking.
Nữ quán quân sau 9 năm chờ đợi của Đường lên đỉnh Olympia: "Em bị bão tin nhắn sau chung kết" Nguyễn Thị Thu Hằng trở thành niềm tự hào của Ninh Bình khi lần đầu tiên đưa vòng nguyệt quế của "Đường lên đỉnh Olympia" về tỉnh này. Một đêm sau trận chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 20, Nguyễn Thị Thu Hằng vẫn chưa hết vui mừng vì chiến thắng của mình. Sáng nay (21/9), nữ sinh trở về ngôi...