Chuyện về ông Nguyễn Công “địa chủ”
Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Tất Công ở thôn Thượng, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ).
Mượn ruộng hoang xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vợ chồng ông Công đã đầu tư mua máy phun thuốc trừ sâu để tiết kiệm công lao động.
Cấy lúa không đủ ăn, cái nghèo mãi đeo bám, chán nản, ông từng bỏ ruộng đi làm thuê. Đến một ngày thấy rất nhiều bà con bỏ ruộng không cấy, tiếc rẻ, ông quyết định quay trở lại thực hiện ý tưởng gom ruộng hoang xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đó là câu chuyện của ông Nguyễn Tất Công ở thôn Thượng, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ).
- Nhờ chị chỉ giúp em đường vào nhà bác Nguyễn Tất Công với ạ?
- Ở đây có 2 Công. Cậu hỏi Công nào?
- Là bác Công chuyên đi mượn ruộng hoang để cấy lúa ấy ạ.
- À, Công “địa chủ” chứ gì? Ông này có mấy khi ở nhà đâu. Muốn gặp thì cậu phải đi xuống khu triều trũng phía cuối làng ấy.
Cả khu đó rộng 20 mẫu cũng là của gia đình tôi đấy. Giờ lúa đang ở thời kỳ đòng già đến trỗ rồi, đẹp lắm, chẳng mấy nữa mà lại được thu hoạch.
Đến nơi, theo chỉ dẫn của người bán hàng tạp hóa ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ), tôi xuống khu triều trũng của đội Quang Trung. Nơi đây dường như đã bị bỏ hoang từ nhiều năm nay, cỏ dại mọc um tùm, có chỗ cao quá đầu người, trông chẳng khác nào vùng sình lầy. Cả khu đồng rộng lớn nhưng chỉ có duy nhất ông Công với chiếc máy cắt cỏ đeo vai đang lội ruộng sâu thực hiện công cuộc khai hoang dưới trời nắng rát.
Ông Công tắt máy cắt cỏ và cùng tôi vào ngồi nghỉ dưới tán cây đa ở một khu đất cao. Lấy vạt áo lau mồ hôi đang lăn dài trên khuôn mặt đen sạm, ông cho biết khu triều trũng này rộng 20 mẫu của hàng chục hộ dân đã bỏ không cấy nhiều vụ. Cỏ rất rậm, cao, cứng nên khó cắt và mất nhiều thời gian. Vài ngày nữa sau khi cắt cỏ xong, ông sẽ cho máy vào cày lật đất để vụ chiêm xuân năm tới sẽ bắt đầu gieo cấy.
Video đang HOT
- Đến nay, bác đã mượn được bao nhiêu ruộng hoang rồi? – tôi hỏi.
- Chắc cũng khoảng 40 mẫu của 50 – 60 hộ gì đó.
- Vậy nếu còn ruộng hoang bác có nhận nữa không?
- Nhận chứ. Ai cho mượn tôi cũng nhận. Chỉ khi nào không kham nổi mới thôi. 1 – 2 năm tới tôi sẽ mượn thêm khoảng 20 – 30 mẫu nữa.
Chỉ tay về phía khu triều trũng của đội Hồng Quang giáp với xã Hưng Đạo, ông Công nói với giọng hồ hởi như quên đi mỏi mệt: “Cả khu đó rộng 20 mẫu cũng là của gia đình tôi đấy. Giờ lúa đang ở thời kỳ đòng già đến trỗ rồi, đẹp lắm, chẳng mấy nữa mà lại được thu hoạch”.
Bởi vậy ở nơi đây, ông Công được bà con ví như “địa chủ” thời xưa.
Đất không phụ người
Ông Nguyễn Tất Công khai hoang khu triều trũng của đội Quang Trung để sản xuất vụ chiêm xuân tới
Gia đình ông Công từng thuộc diện khó khăn. Nhà ông có 3 sào ruộng khoán chuyên cấy lúa nhưng năng suất thất thường. Có vụ thời tiết không thuận cộng với chuột, sâu bệnh gây hại mạnh nên lúa mất mùa, ông phải đi đong thóc chịu về lo cái ăn cho cả nhà. Quanh năm gắn bó với ruộng đồng mà vẫn nghèo túng, khó khăn, vợ chồng ông Công bàn nhau bỏ ruộng đi làm thuê. Vậy là 5 năm trước, ông Công theo một đội thợ xây trong làng làm phụ vữa, còn bà Duyên (vợ ông) đi đóng than cho một lò gạch thủ công ven sông Thái Bình. Công việc nặng nhọc nhưng bù lại mỗi tháng hai vợ chồng cũng có nguồn thu nhập khoảng 7 triệu đồng, đủ lo cho 2 con ăn học.
Năm 2016, trong một lần đi phụ xây về sớm, ông Công ghé qua thăm mấy sào ruộng đã bỏ không cấy nhiều vụ của gia đình ở khu triều trũng đội Hồng Quang. Đứng trên đê sông Thái Bình, phóng tầm mắt ra xa, ông giật mình khi chứng kiến cả khu triều rộng lớn chuyên cấy lúa ngày nào giờ chỉ toàn cỏ dại mọc. Giống như ông, các hộ dân ở đây đã bỏ ruộng đi làm thuê vì cấy lúa không hiệu quả. Sau nhiều ngày trăn trở, ông Công nảy sinh ý định sẽ mượn lại ruộng mà bà con bỏ không cấy để quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn, đưa máy móc vào, thế nào cũng có ăn, có khi còn hơn công đi phụ xây. Ông đem ý tưởng của mình nói với vợ liền bị gạt phăng. Mấy người hàng xóm nghe chuyện cũng nói ông hâm dở, rằng người ta cấy chẳng được ăn mới bỏ đi làm công ty, nay ông thần kinh có vấn đề mới đâm đầu vào. “Cứ chịu khó làm rồi sẽ có thu nên tôi mặc kệ vợ giận dỗi và để ngoài tai những lời gièm pha của mọi người”, ông Công nói.
Được bà con đồng ý cho mượn ruộng, cuối năm 2016, ông Công tay cầm dao quắm đi phạt cỏ dại ở khu triều trũng của đội Hồng Quang. Cỏ quá cao, dày nên dao quắm không có tác dụng. Ông quay sang mua máy cắt cỏ và công việc trở nên dễ dàng hơn. Mất hơn 2 tháng, ông Công mới hoàn thành cắt cỏ, đắp bờ, cày lật đất cho khu ruộng rộng 8 mẫu. Diện tích ruộng hoang còn nhiều nhưng vì sợ không kịp thời vụ nên ông để lại vụ sau. Thấy chồng vất vả, lại quyết tâm cao, bà Duyên hết giận, bắt đầu xắn tay cùng làm với chồng. “Nghĩ cho cùng, ông ấy cũng vì miếng cơm manh áo của gia đình mà vất vả làm lụng, tôi sao có thể khoanh tay đứng nhìn. Lại nhớ câu các cụ xưa vẫn dạy rằng thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn nên tôi cũng về làm ruộng cùng ông ấy”, bà Duyên chia sẻ.
20 mẫu lúa mùa xanh tốt của gia đình ông Công từng là khu đồng bị người dân bỏ hoang
Vụ đầu, vợ chồng ông Công ngăn 8 mẫu ruộng thành 4 thửa, cấy lúa Q5 và P6. Diện tích lớn, nhà chỉ có 2 lao động nên việc chăm sóc lúa rất vất vả. Mỗi lần phun thuốc trừ sâu, vợ chồng ông phải đeo bình phun liên tục 8 ngày mới xong. Lúa bị chuột cắn phá, ban ngày ông Công đi trải mồi bả, đặt bẫy bán nguyệt, đêm đến nhờ em trai cùng đi soi đèn đập diệt. Hệ thống thủy lợi kém, vợ chồng ông mất cả tháng đào mương, lại mua thêm máy bơm 8 mã lực để lấy nước từ sông trục vào khu ruộng. Gần như ngày nào vợ chồng ông cũng có mặt trên đồng ruộng để thăm nom, chăm sóc lúa.
Ông Công cho biết công việc rất vất vả nhưng vui vì đất không phụ người quyết tâm. Vụ đầu làm thử trên 8 mẫu ruộng nhưng gia đình ông đã thu được hơn 17 tấn thóc (bình quân 220 kg/sào). Thóc gặt về không có chỗ phơi phải trải nhờ ra khắp đường làng. Thóc vừa khô đã có người đến thu mua, trả luôn tiền mặt khiến vợ chồng ông rất vui. “Trừ tất cả các loại chi phí gia đình tôi còn lãi gần 30 triệu đồng. Một vụ lúa kéo dài hơn 3 tháng, tức là mỗi tháng vợ tôi có thu nhập khoảng 10 triệu đồng, hơn đứt thu nhập của phụ xây và đóng than thuê, với lại không bị gò bó về thời gian”, ông Công hạch toán.
Thấy có hiệu quả, vụ mùa năm nay, vợ chồng ông Công tiếp tục mượn thêm 12 mẫu ruộng nữa ở cùng khu triều của đội Hồng Quang để cấy lúa Tám xoan, Q5, 301. Ông dùng số tiền lãi thu được từ vụ đầu tiên và vay mượn thêm để đầu tư mua máy cày, máy phun thuốc trừ sâu với tổng trị giá gần 150 triệu đồng. Nếu vụ này tiếp tục làm ăn có lãi thì vụ tới ông Công sẽ mua máy cấy và máy gặt đập liên hợp. Bằng sự nhạy bén, dám nghĩ, dám làm của mình, ông Công đã có được những thành công bước đầu. Chính quyền xã Bình Lãng cũng bớt đau đầu trong việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng bỏ ruộng không cấy đang ngày càng diễn ra phổ biến.
Ông Nguyễn Khắc Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thành công của ông Công đã chỉ ra rằng cần vận động các hộ dân cho những tập thể hoặc cá nhân có nhu cầu mượn những khu ruộng trũng cấy lúa bấp bênh, bị bỏ hoang để cải tạo, quy hoạch thành những cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mới cho hiệu quả.
Hiện ở xã Bình Lãng đã có thêm một thanh niên cũng đang đi hỏi mượn khoảng 30 mẫu ruộng bị người dân bỏ hoang ở cánh đồng giáp xã Tái Sơn để gieo cấy trong vụ chiêm xuân tới. Rõ ràng, thành công của ông Công đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, khích lệ sự mạnh dạn, làm thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất của một bộ phận người dân. “Xã sẽ nghiên cứu để sớm hỗ trợ những hộ như ông Công về mồi bả diệt chuột, công tác thủy lợi, giao thông nội đồng, hướng dẫn làm thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, ông Viễn nói.
Theo Tiến Mạnh (Báo Hải Dương)
Anh nông dân chế robot: Israel thán phục, Nhật, Mỹ xếp hàng xin mua
Chuyện anh nông dân Phạm Văn Hát (sinh năm 1972) chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước khiến nhiều người phải nể phục.
Nhưng với những người nông dân Hải Dương thì những việc làm của Phạm Văn Hát đã không còn là chuyện lạ. Bởi các sáng chế của anh được ra đời từ những cánh đồng quê và phục vụ rất hiệu quả hoạt động sản xuất của bà con nông dân.
Xã Ngọc Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)-quê hương của Phạm Văn Hát cách TP Hải Dương hơn 10 cây số. Về Ngọc Kỳ, hỏi bất kỳ ai, họ cũng đều biết rất rõ về Phạm Văn Hát-"nhà sáng chế" tài năng của quê hương.
Là người dám nghĩ, dám làm, năm 2007, Phạm Văn Hát mạnh dạn vay 3 tỷ đồng đầu tư trang trại trồng rau sạch. Tuy đã ký được nhiều hợp đồng với các công ty trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng kết cục Phạm Văn Hát vẫn trắng tay. Bởi lẽ, việc các công ty ký hợp đồng với anh chỉ nhằm mục đích "tạo cớ" để dễ dàng đưa rau không đủ tiêu chuẩn vào siêu thị. Sau 3 năm (2007-2010) gắn bó với trang trại, Phạm Văn Hát trở thành người tay trắng. Anh quyết định sang Israel để vừa lao động kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Không ngờ, Israel là mảnh đất nảy nở nên "cái duyên" sáng chế máy nông cụ của Phạm Văn Hát.
Phạm Văn Hát (bên phải) giới thiệu với khách hàng chiếc máy phun thuốc trừ sâu.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Phạm Văn Hát cho biết: "Năm 2010, tôi sang Israel với mục đích học kinh nghiệm trồng rau sạch, sau này về quê làm kinh tế để trả nợ. Đất nước Israel rất văn minh và có nền khoa học hiện đại, nhưng vẫn còn nhiều công đoạn trong sản xuất nông nghiệp phải làm thủ công. Một hôm, ông chủ yêu cầu tôi đi rải phân. Thấy cái máy làm việc chưa "ngon"; nhưng do không biết ngoại ngữ nên tôi ra hiệu, ý nói với ông chủ cần cải tiến, hoặc làm cái máy khác. Hiểu ý tôi, ông chủ hỏi lại: "Liệu anh có làm được chiếc máy đó không? Anh làm trong bao lâu và nó có thể thay thế được bao nhiêu người?". Nghe ông chủ hỏi vậy, tôi gật đầu và giơ hai bàn tay (ý nói máy thay thế được 10 người). Thế là ông chủ liền gọi người đến phiên dịch để biết rõ ý tưởng của tôi".
Vậy là từ hôm đó, đêm đêm anh thiết kế, tính toán số liệu và bắt tay vào chế tạo chiếc máy rải phân. Máy làm xong, đem ra cánh đồng thử nghiệm mang lại kết quả bất ngờ. Bố con ông chủ ôm chặt lấy anh cảm ơn. Anh nói với họ, chiếc máy vẫn chưa được như ý muốn. Sau đó, Phạm Văn Hát làm tiếp chiếc thứ hai, đến chiếc thứ ba thì kết quả mãn nguyện. Ông chủ thưởng anh 10.000USD và đề nghị được mua bản quyền; đồng thời nâng lương cho anh từ 1.000USD lên 2.500USD (năm 2010) và còn mời Đại sứ quán Việt Nam đến chia vui.
Sau khi chế tạo và cải tiến thành công thêm nhiều loại máy cho ông chủ, hơn một năm sau, anh xin về nước. Mặc dù ông chủ trả lương cao và rất ưu ái, tạo điều kiện cho anh làm việc, cùng với đó, tên tuổi và những sản phẩm máy nông nghiệp của anh được nhiều người ở Israel và người Việt Nam sinh sống, làm việc tại đó biết đến, song năm 2012, anh quyết định trở về quê nhà để cống hiến cho đất nước và được gần vợ con, anh em, làng xóm. Ít lâu sau đó, người của ông chủ ở Israel sang Việt Nam, tìm về quê và mời anh quay lại làm việc, nhưng anh quyết định ở lại quê hương mình.
Khi Phạm Văn Hát về nhà được ít ngày, anh trai của anh là Phạm Văn Ka không thuê được người đặt hạt cho kịp thời vụ, nên mang câu chuyện trên phàn nàn với anh. Biết chuyện, Phạm Văn Hát nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy rải hạt. Hơn một năm nghiên cứu, chiếc máy gieo hạt đầu tiên ra đời trong niềm vui của hai anh em. Tuy chiếc máy do anh sáng chế còn những khiếm khuyết và công suất chưa cao, nhưng đó là sự cổ vũ để Phạm Văn Hát có niềm tin vào công việc. Sau nhiều lần quan sát, thử nghiệm trên đồng, anh tiếp tục cải tiến, hoàn thiện để máy đạt đến độ chính xác tuyệt đối.
Năm 2014, chiếc máy gieo hạt của anh lần đầu xuất hiện trên thị trường và lập tức được nhiều người tìm đến đặt mua. Anh gọi sản phẩm của mình là "Robot đặt hạt". Ưu điểm của máy là có thể điều chỉnh đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn. Một "Robot đặt hạt" của anh thay thế được cho 40 người làm việc. Vì thế, nếu có máy, gia đình không phải lo thuê lao động đặt hạt cho kịp thời vụ, mà còn chủ động thời gian gieo hạt, trồng trọt. Sau hai năm nghiên cứu, chế tạo (2012-2014), "Robot đặt hạt" với thương hiệu Phạm Văn Hát đã có mặt không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn chiếm lĩnh nhiều thị trường các nước, như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan..., với giá 2.500 USD/chiếc. Thông qua internet, khách hàng tìm đến Đại sứ quán Việt Nam ở nước họ để tìm hiểu những thông tin cần thiết về Phạm Văn Hát; địa chỉ giao dịch và đặt hàng. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, "Robot đặt hạt" của anh nhiều lúc bị "cháy" hàng. Ở trong nước, khách hàng các tỉnh phía Nam và miền Trung đặt mua khá nhiều. Anh Hát cho biết: "Nhiều người đánh tiếng trả 3 tỷ đồng để mua bản quyền, nhưng tôi không bán. Bởi tôi nghĩ, người nông dân vốn rất vất vả, mua một chiếc "Robot đặt hạt" với giá trong nước khoảng 20 triệu đồng đã là một nỗ lực lớn. Vì thế, nếu bán bản quyền, người ta nâng giá thì đối tượng chịu thiệt thòi chính là người nông dân".
Chúng tôi được Phạm Văn Hát đưa vào xưởng sản xuất để xem chiếc máy phun thuốc trừ sâu có giá 65 triệu đồng do anh chế tạo vừa mới "ra lò", đang chờ người mua đến nhận. Chiếc máy nhìn khá đơn giản, nhưng lại rất hữu ích đối với người nông dân. Máy phun có sải cánh bề ngang 20m, mỗi lượt phun được 20m. Với thời gian 20 phút, máy phun được 2 mẫu ruộng, có thể thay thế cho 40 lao động. Bánh xe của máy có đặc trưng khi hoạt động dưới ruộng không chèn lên lúa, thiết kế phi trục nhỏ, trên bánh xe có gắn các vấu để máy có thể vượt qua các chướng ngại vật một cách dễ dàng. Đặc biệt, hệ thống điều khiển cánh tay phun được thiết kế bằng thủy lực nên vận hành rất nhẹ nhàng, thuận tiện.
Sau 5 năm miệt mài lao động, đến nay, Phạm Văn Hát không những đã trả được hết khoản nợ 3 tỷ đồng, mà còn có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho một số lao động ở địa phương với mức lương khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, những loại máy móc do anh sáng chế đã góp phần quan trọng giải phóng sức lao động của người nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp theo chủ trương của Đảng.
Với những đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, năm 2016, Phạm Văn Hát được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" và tham dự Đại hội điển hình nông dân tiên tiến toàn quốc. Anh cũng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Israel nói về anh: "Người Việt Nam ra nước ngoài, có những tài năng như Phạm Văn Hát, thì thật đáng tự hào và góp phần làm rạng danh đất nước, con người Việt Nam".
(Theo Quân Đội Nhân Dân)
Làm giàu ở nông thôn: Từ 2 cây vàng làm vốn để thành "nông dân triệu đô" Dắt chúng tôi đi giữa bát ngát vườn tiêu, nông dân Trần Lộc kể lại quãng đời lập nghiệp đầy gian truân để thành "nông dân triệu đô" hôm nay. Ông bảo: "Dù giàu bao nhiêu, tài sản nhiều bao nhiêu tôi cũng không bao giờ quên những ngày lấy nghề phu trầm làm kế sinh nhai. Đó là dấu ấn theo suốt...