Chuyện về HLV gốc Việt của Juventus Academy: Trở về từ lời hứa với ông ngoại
Tôi gặp vị HLV trẻ trung người Hungary gốc Việt, Szilard Viet Sztancsek Tran vào một chiều Sài Gòn mưa tầm tã. Anh mới 27 tuổi, đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ và giàu lý tưởng phục vụ nền bóng đá “quê ngoại”, từ lời hứa với ông ngoại anh, một người hùng chiến dịch Điện Biên Phủ.
Người Hungary gốc Việt, thành công ở Đan Mạch
Mẹ Szilard là người Việt, cha là người Hungary. Ông ngoại anh chính là đại úy công binh Lưu Vĩnh Châu, một người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sinh ra và lớn lên tại Hungary, những điều ấy Szilard chỉ được biết đến qua lời kể của gia đình.
Nhưng chính vì Szilard thuộc thành phần danh gia vọng tộc, cộng đồng người Việt tại Hungary đã chất khá nhiều áp lực lên một cậu bé “lai Việt Nam”. Szilard có đà trưởng thành hơi khác so với những thanh thiếu niên Hungary cùng lứa. Anh luôn cảm thấy bị đặt nhiều kỳ vọng thành công hơn các bạn bè khi còn đi học.
Ông Lưu Vĩnh Châu và cháu ngoại Szilard khi còn nhỏ.
Đó cũng là một phần lý do Szilard không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp dù rất đam mê bóng đá. Szilard thường xuyên được chọn làm thủ quân ở các đội của trường, lớp khi còn đi học, nhưng rốt cuộc lại hay bắt đầu trận đấu từ… ghế dự bị. “Có thể tôi không đủ hay để xuất phát, nhưng chính từ ghế dự bị, tôi bắt đầu nhận thấy khả năng quan sát và đưa ra quyết định của mình. Ngay từ khi 18-19 tuổi, tôi đã cảm thấy mình sẽ thành công hơn nếu chọn nghề HLV, thay vì chơi bóng”, Szilard chia sẻ.
Một lý do khác Szilard chia sẻ, đó là anh cảm thấy mong muốn trở thành tuyển thủ quốc gia Hungary không quá mãnh liệt. Cách đối xử của bạn bè và thầy cô khiến chính Szilard cảm thấy anh không phải người Hungary 100%. Dù xung quanh đã cố gắng để giảm tới mức tối thiểu, vẫn tồn tại sự phân biệt nhất định giữa người Hungary và một cậu bé con lai.
Szilard đã đi những bước đầu tiên trên hành trình trở thành HLV bóng đá ngay từ khi còn rất trẻ. Ở tuổi 24, anh được bổ nhiệm làm HLV đội trẻ của B93 (Boldklubben af 1893, nay đang chơi ở giải hạng Nhì Đan Mạch). Nhiệm vụ của Szilard là giữ cho đội trẻ trụ hạng, đồng thời bồi dưỡng và giới thiệu những cầu thủ tốt nhất lên đội 1. Nhưng ngay trong năm đầu tiên của sự nghiệp, Szilard đã được hưởng chiến quả đầu, đội B93 của anh giành chức vô địch giải U17 Đan Mạch.
Trong thời gian hơn 1 năm dẫn đội trẻ B93 (tháng 3/2017 đến 7/2018), cầu thủ để lại nhiều ấn tượng với Szilard nhất là Hassan Elsayed (sinh năm 2001). Elsayed đã sớm được gọi vào đội U19 Ai Cập và nếu may mắn đồng thời được bồi dưỡng nâng đỡ đúng cách, “cậu bé” chạy cánh này có thể trở thành Mohamed Salah trong tương lai.
Lời hứa với ông ngoại dẫn đường về quê hương
Lần cuối cùng Szilard gặp ông ngoại, anh hùng Lưu Vĩnh Châu của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 cách đây đã 15 năm, nhưng những ký ức của vị HLV quốc tịch Hungary về người ông của anh vẫn còn rất đậm nét.
Video đang HOT
Szilard Viet Sztancsek Tran tại Juventus Academy.
“Tôi gặp ông lần cuối là vào Hè 2004, hai ông cháu vẫn thức đêm cùng nhau để xem các trận đấu thuộc VCK EURO 2004. Ông ngoại thích bóng đá lắm, những pha bóng đẹp của giải đấu đó cũng là thứ ngôn ngữ duy nhất giữa hai ông cháu bởi tôi nói tiếng Việt không giỏi, còn ông ngoại cũng đã bị khiếm thính vì tuổi già”, Szilard kể lại.
Bước ngoặt đến trong lần Szilard và gia đình chuẩn bị rời Việt Nam để trở lại Hungary. Ông Châu gọi cậu cháu ngoại “lai Tây” đến, dặn dò Szilard sau này nếu được hãy trở về Việt Nam chơi bóng, đất nước rất cần những cầu thủ to cao và được đào tạo ở châu Âu như cháu. Khi ấy Szilard chỉ khẽ nói vâng cho ông ngoại vui, nhưng đến sau này khi ông Châu qua đời (năm 2011), anh mới thực sự nghĩ đến việc thực hiện lời di nguyện của ông ngoại.
Cơ hội trở về Việt Nam đến đúng vào lúc không thực lý tưởng cho Szilard. Tháng 7/2018, ngay khi vừa ký hợp đồng dẫn dắt đội trẻ của Lyngby BK, một người bạn học tên Benjamin (đang làm tình nguyện viên tại Việt Nam) đã hỏi liệu Szilard có muốn trở về Việt Nam làm việc hay không.
Đó là thời điểm đầy nhạy cảm, bởi Szilard đang rất háo hức trước cơ hội làm việc tại Lyngby BK, nhưng về Việt Nam cũng nằm trong kế hoạch của anh. Szilard quyết định anh sẽ tiếp tục ở lại với Lyngby một giai đoạn nhất định để trải nghiệm môi trường làm việc và thử thách bản thân tại 1 trong 5 CLB lớn nhất của bóng đá Đan Mạch.
Sau vài tháng làm việc, Szilard mới chủ động xin thanh lý hợp đồng với Lyngby BK, đội bóng Đan Mạch ban đầu muốn giữ chân anh, nhưng đã rất tạo điều kiện khi biết anh có ước muốn trở về làm việc tại quê ngoại Việt Nam. Trong thời gian ngắn ngủi trên, Szilard cũng đã kịp phát hiện ra Zamir Aliji, một tiền đạo được anh đánh giá đủ khả năng trở thành tuyển thủ Đan Mạch hoặc Albania (Aliji được lựa chọn) trong tương lai gần. Cho đến nay, Aliji vẫn giữ liên lạc thường xuyên với Szilard dù người thầy đang làm việc ở Việt Nam.
Tại TP.HCM, Szilard đang phụ trách các đội U7, U11 và U13 tại Juventus Academy. “Thực ra tôi đã không thực hiện đúng lời hứa với ông ngoại, tôi về Việt Nam đâu phải để chơi bóng. Nhưng tôi tin rằng ở trên thiên đàng, ông rất vui và tự hào về tôi”, Szilard chia sẻ.
Những ước mơ cho tương lai và bóng đá Việt Nam
Điều Szilard quan sát thấy ở Việt Nam là sự can thiệp của phụ huynh vào các buổi tập luyện. Các cháu nhỏ thường xuyên phải nghe cha mẹ chỉ đạo, thay vì HLV. Szilard chia sẻ, nên để các em tự tìm cách khắc phục khó khăn khi ở trên sân bởi ở độ tuổi 11-12, các em cần được nuôi dưỡng tình yêu với trái bóng hơn là trở thành những Messi, Ronaldo nhí.
“Các tiêu chuẩn, kiến thức về vật lý trị liệu, tâm lý học, chiến thuật và khía cạnh tinh thần cầu thủ tại Việt Nam khác rất nhiều so với bóng đá hiện đại phương Tây. Tôi rất mong đem được kiến thức về kinh nghiệm huấn luyện bóng đá phương Tây về Việt Nam, từng bước một cải thiện chất lượng huấn luyện các cầu thủ trẻ”, Szilard chia sẻ.
Szilard sẽ phải trở lại châu Âu một ngày nào đó, chờ đợi cơ hội làm việc và lập danh ở các CLB lớn. Nhưng Szilard nhấn mạnh, anh vẫn đang tận hưởng những ngày thực hạnh phúc trên quê ngoại Việt Nam và sẽ chỉ trở lại châu Âu với một đề nghị xứng đáng.
“Tôi có thể trở thành HLV giỏi mà không cần phải chơi bóng chuyên nghiệp. Thomas Frank (Brentford – PV) hay Jose Mourinho luôn là những tấm gương của tôi, bây giờ chúng ta có một ví dụ nữa là Maurizio Sarri”, cháu ngoại của anh hùng Lưu Vĩnh Châu nói như thế về giấc mơ để ngỏ của anh…
Gia thế lừng lẫy của Szilard
Ông ngoại Szilard tên thật là Trần Văn Dõi (Lưu Vĩnh Châu là tên hoạt động cách mạng). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội công binh của ông Lưu Vĩnh Châu đảm nhiệm tuyến đường dài 16 km từ đèo Lũng Lô đến Sơn La, giữ giao thông thông suốt để quân ta tiến vào chiến dịch. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian khổ trong bối cảnh con đường liên tục bị quân Pháp đánh phá nhưng đơn vị của ông Lưu Vĩnh Châu đã hoàn thành nhiệm vụ. Cha của ông Lưu Vĩnh Châu là đốc học Tây Ninh – Trần Văn Hương (tức ông cố của Szilard), sau trở thành phó tổng thống, rồi tổng thống chính quyền VNCH trong những ngày cuối tháng 4/1975.
Huy Hiếu
Trào lưu "trở về tuổi thơ" của các cầu thủ, thử thách kiến thức fan bóng đá Việt Nam
Qua những hình ảnh tuổi thơ của các cầu thủ bóng đá Việt Nam, nhiều CĐV mới chợt nhận ra tính đào thải khắc nghiệt của đào tạo trẻ. Nhiều cầu thủ chưa kịp trình làng đã giải nghệ vì những lý do khác nhau.
Năm 2007, những Công Phượng, Văn Toàn, Văn Thanh, Văn Sơn, Xuân Trường, Tuấn Anh... nằm trong số 18 "hạt mầm" đầu tiên của Học viện HAGL JMG. Một trong những điều may mắn của lứa này là có nhiều tư liệu hình ảnh thời còn cắp sách đến trường. Năm 2008, những ngôi sao tương lai còn được chứng kiến tận mắt những anh lớn tại đội tuyển Việt Nam khi HLV Henrique Calisto tập trung đội tại Hàm Rồng, Pleiku, Gia Lai.
Khi xem lại những hình ảnh tư liệu dưới đây, rất nhiều CĐV bóng đá Việt Nam chợt nhận ra, có vài gương mặt không tài nào biết được đấy là ai. Lý do là vì có vài gương mặt đã sớm dừng bước trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Như trường hợp của ba tài năng Phạm Thành Nam, Lê Văn Vũ và Nguyễn Văn Đại của khóa 1, 2 Học viện HAGL JMG, đã sớm rẽ sang nghiệp "gò đầu trẻ" tại chính nơi mình trưởng thành.
Từ trái sang gồm các cầu thủ khóa 1, 2 Học viện HAGL JMG: Lê Văn Sơn, Vũ Văn Thanh, Lê Phạm Thành Long, Lê Vũ Quốc Nhật, Nguyễn Văn Toàn, Ksor Úc, Nguyễn Văn Anh, Công Phượng. Ảnh: Hữu Dũng
Các bạn nhận ra được bao nhiêu cầu thủ trong hàng dọc 9 cậu học sinh này? Ảnh: Hữu Dũng
16 học viên của Học viện HAGL JMG dự đám cưới của thầy Giôm - Guillaume Grachen hồi năm 2008.
Một trong những tấm ảnh "thời thơ ấu" được Văn Toàn lưu giữ kỹ lưỡng.
Không chỉ riêng HAGL, các lứa trẻ của Hà Nội FC cách đây hơn 5 năm còn có tính chất đào thải ác liệt hơn nữa. Trong ảnh là đội hình U17 Hà Nội dự U17 Quốc gia 2014, đến nay bật lên được đội 1 Hà Nội có Đặng Văn Tới, Đoàn Văn Hậu, Thành Chung, Đình Trọng, Quang Hải,... Ảnh: BTC
Đội U21 Hà Nội năm 2013 có sự xuất hiện của Quang Hải (áo trắng, quần 29), Đỗ Hùng Dũng (19), hai trụ cột của Hà Nội FC hiện tại. Ảnh: FBNV
Quang Hải thời được đôn lên U21 Hà Nội năm 2013. Ảnh: FBNV
Một phút sinh hoạt của đội U21 Hà Nội năm 2013. Bạn nhận ra được bao nhiêu cầu thủ trong bức ảnh này? Ảnh: FBNV
TK
Man City phạt cực nặng SAO tổ chức tiệc thác loạn mùa Covid-19 Những lời xin lỗi của hậu vệ Kyle Walker là chưa đủ để nhận được sự tha thứ từ đội bóng chủ quản Manchester City. Ngay sau khi bị báo chí Anh phanh phui việc tổ chức bữa tiệc "xác thịt" tại nhà, ngôi sao khoác áo Manchester City và đội tuyển Anh, Kyle Walker đã lên tiếng xin lỗi về hành vi...