Chuyện về cô bé chưa bao giờ biết cười
Có lẽ, Lý Gió Xó chẳng cười bao giờ. Và cái gương, có lẽ là thứ đồ vật mà cô bé không bao giờ muốn có.
Lá trên rừng và giời ở trên trời
Một tháng trước, trường học ở Tá Bạ là mấy cây cọc tre, ba tấm liếp tre, che tạm bằng những tấm bạt nằm tơ hơ trên một bãi đất. Khi những hình ảnh này được những tình nguyện viên của chương trình “Cơm có thịt” đưa lên mạng, những nhà tài trợ đã vượt suối băng rừng thồ gùi vật liệu lên tận nơi, dựng 9 gian phòng học. Dẫu còn tạm bợ, nhưng cũng phần nào giúp những đứa trò nhỏ chống lại mùa đông khắc nghiệt mà có khi nhiệt độ xuống chỉ còn 3-4 độ C. Mù suốt ngày đêm, ít khi thấy ánh sáng mặt trời.
Xin kể lại câu chuyện giản dị nhất trên đời. Câu chuyện về nụ cười của cô trò lớp 8 Lý Gió Xó, người La Hủ, ở bản Nhóm Mó. Bữa đó, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động kết hợp cùng với chương trình “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn lên thăm và tặng quà thầy trò Tá Bạ. Đó chỉ là những chiếc áo, tấm chăn, cuốn vở; là đường sữa, bánh kẹo. Những vật dụng thông dụng đến mức có khi chúng ta không bao giờ nghĩ đó cũng là thiếu thốn. Bấy giờ, Xó, ngồi giấu mặt sau lưng bạn, thậm chí còn không dám bước ra nhận cuốn vở, cây bút. Cô trò nhỏ không bao giờ biết cười. Đơn giản, bởi cô bé bị hở hàm ếch bẩm sinh từ bé. Người La Hủ không có thói quen tới trạm y tế. Ông giời cho đứa con thế nào thì nuôi thế. Cha mẹ Xó, những người không biết tuổi, cũng vậy.
Lý Gió Xó (người đang viết) trước khi phẫu thuật nụ cười
Video đang HOT
Thậm chí, chưa bao giờ biết rằng có thể vá, có thể sửa để trả lại cho con mình một nụ cười. Tập quán chữa bệnh trông hoàn toàn vào “lá trên rừng” và “nhìn giời”. Người La Hủ “thạo” lá rừng. Ngay cả việc đi hái lá cũng mang màu sắc bí hiểm khi mỗi lần định đi hái lá, họ giữ kín cả buổi không nói chuyện với ai, bất chợt lẻn vào rừng không cho người khác biết. Thậm chí, đó là thứ lá gì, chữa thế nào người La Hủ cũng không cho người khác biết để thuốc được “linh nghiệm”. Còn chuyện “nhìn giời” là từ quan niệm sự sống và cái chết là do giời định. Đối với người La Hủ, trên trời có hai căn nhà. Một là “Nà Đề”, tức là nhà ốm. Một là “Xơ Đề”, tức là nhà chết. Nếu hồn vào Nà Đề, tức là cây thuốc của rừng có thể chữa khỏi. Còn nếu lạc vào Xơ Đề thì có nghĩa ngay cả cúng “di chá” cũng không cứu được.
Thầy lang, trong tập quán của người La Hủ, vẫn là người chữa bệnh linh nghiệm. Trạm y tế, mới được lập hồi đầu năm, đang “ở nhờ” trong trường học, nom như một tiệm tạp hóa, với chỉ ít thuốc đau đầu, đau bụng, ít bông băng, dăm ống tiêm. Ngay cả những tấm panô vận động đưa trẻ đi tiêm cũng đã bị gió xé rách một phần. Sự “hoang vắng” một phần cũng do tập quán chữa bệnh của người La Hủ, chiếm đại bộ phận ở Tá Bạ. Và 279 hộ/1.696 khẩu ở Tá Bạ mà không có nổi một bác sĩ. Nhớ có lần, một cán bộ điều tra dân số đã mô tả cảnh – người – tập quán của người La Hủ bằng mấy chữ “ngoằn ngoèo”; “họa hoằn”; “thi thoảng”. Đó là địa hình toàn đồi núi ngoằn ngoèo. Họa hoằn mới gặp người. Trạm y tế thi thoảng có người đến khám. Nói gãy lưỡi họ mới chịu tiêm. Nhà có bệnh nhân, y sĩ leo núi trật khớp chân mới tới nơi. Bữa xuống “bản không tên”, mục sở thị gian chòi vách liếp tuếch toác, tạm bợ, tối tăm và hôi thối, nơi Phả Gió Nu – người phụ nữ 35 tuổi – như hầu hết những phụ nữ La Hủ khác đã 5 lần tự tay cắt cuống rốn cho con bằng những thanh nứa rút từ vách, mới thấy những gì gọi là y tế vùng cao nơi này thực phần nhiều vẫn nằm trên giấy mà thôi.
Phải nói, sức sống của người La Hủ là cực kỳ mãnh liệt và khả năng thích ứng tuyệt hảo với thời tiết. Những đứa trẻ cởi truồng hoặc sang hơn, thì mong manh trong một chiếc áo lót vẫn đọ sức với thời tiết khắc nghiệt. “Đêm nằm lấy áo mẹ đùm cho con, chưa chết vì rét bao giờ cả”. Từ cả ngàn năm nay, người La Hủ sinh đẻ “tự nhiên”. Và ông giời cũng giúp họ chọn để lại những người ưu tú nhất với cái đói và sự khắc nghiệt. Các thầy – cô giáo ở Tá Bạ, từ nhiều năm nay kiêm luôn vai trò “đốc tờ” cho học trò của mình. Tự phân công nhau mua thuốc mang từ xuôi lên mỗi độ về phép. Tự chẩn đoán, và tất nhiên, tự chữa trị. Chỉ có 1 trường hợp duy nhất phải chở học sinh ra thị trấn Pác Ma, khi cánh tay của một cậu trò nhỏ bị trật khớp không tự chữa được.
Lý Gió Xó sau khi phẫu thuật nụ cười
Nụ cười Lý Gió Xó
Ba năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Ánh khóc như mưa trong buổi chiều đầu tiên bước chân lên Tá Bạ. Từ đất Cẩm Giàng (Hải Dương), Ánh lên mảnh đất địa đầu và thứ đầu tiên đập vào mắt cô là những con đường choe choét, sụt lở trong dãi dầu mưa gió, và trong lãng quên. Còn những đứa trò nhỏ, mở to cặp mắt ngơ ngác nhìn đôi dép cô giáo đi dưới chân. Những cô giáo như Ánh bắt đầu công việc bằng việc đặt tên cho những đứa bé. Rồi, học tiếng Hà Nhì để dạy tiếng Việt cho người La Hủ. Ánh bảo thầy cô không thể dạy chữ nếu như không biết học trò của mình đang nói gì. Chúng tôi đi từ Yên Bái lên Lào Cai. Ngược từ Mường Lay lên Tá Bạ. Chỉ có thể lặng lẽ mà cảm phục đối với những thầy cô vùng cao.
Trở lại chuyện Xó. Nhà có 6 anh chị em Lu, Xó, Tư, Pứ, Xè Tư, Minh Phương. Chị cả đã đi lấy chồng Trung Quốc. Em bé nhất mới chưa đầy tuổi. Được các cô giáo miền xuôi đặt cho cái tên là Minh Phương. Xó được đi học, dường như là vì cô bé xấu quá “không ai lấy”- như lời Xó nói. Gia cảnh, như tất cả những học sinh La Hủ khác. Cha mẹ – không rõ tên – làm nương, trồng thảo quả, đi rừng kiếm phong lan, bắt con thú. Nhà Xó thậm chí còn được coi là “khá giả” vì mỗi năm đói “chỉ 4 tháng thôi”.
Khi cô giáo xuống bản vận động, cha mẹ Xó tặc lưỡi. Thôi, xấu không ai lấy thì cho đi học. Có lẽ vì thiếu học, cái việc cho con cái đi học đôi khi chỉ là một phép trừ thô thiển: Trừ đi một miệng ăn. Dù cũng là mất một đứa đi rừng kiếm ăn. Cô giáo Nguyễn Thị Ánh thật thà: Đồng bào giao cả con cái cho thầy cô giáo. Chẳng bao giờ đến trường. Trừ lúc Nhà nước phát tiền làm rừng, tiền cứu đói.
Gia cảnh Lý Gió Nu
Có lẽ, Lý Gió Xó chẳng cười bao giờ. Và cái gương, có lẽ là thứ đồ vật mà cô bé không bao giờ muốn có. Rất nhanh chóng, các thành viên của đoàn quyết định sẽ liên hệ với Tổ chức phẫu thuật nụ cười và đưa Lý Gió Xó về Hà Nội. Chỉ một tuần sau đó, 2 thành viên của Câu lạc bộ PSC mang xe lên Điện Biên đón Xó về. Nhưng câu chuyện trả lại nụ cười cho Xó hóa ra không đơn giản. Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Cuba phát hiện Xó đang có một cái hạch ở cổ do bị viêm nhiễm, cần phải điều trị kháng sinh một tuần. Nguyên do Xó bị cái hạch này đã nửa năm nay. Cha mẹ em đã “điều trị” cho em bằng cách đắp lá. Sức nóng của lá rừng khiến cái hạch ngày càng sưng to, lồi ra to như ngón tay cái. Nhưng thật kỳ lạ chỉ 3 ngày sau khi dùng kháng sinh, cái hạch của Xó hoàn toàn tan biến. Không có sự thần kỳ nào hết. Chính cái nghèo của cơ thể chưa bao giờ dùng kháng sinh khiến ngay cả một viên thuốc cảm cũng trở thành thần dược. Xó được phẫu thật ngay sau đó, và hôm tôi đến thăm ở BV Việt Nam – Cuba, lần đầu tiên, cô bé mỉm cười.
Xó về Hà Nội được các anh chị ở Câu lạc bộ PSC và chương trình “Cơm có thịt” đưa đi thăm Văn Miếu, Bờ Hồ, lăng Bác. Và cuối buổi chiều, trước khi về lại Tá Bạ, Xó, lần đầu tiên vượt qua sự nhút nhát cố hữu, bảo rằng em sẽ cố học để trở thành một cô giáo. Để kể cho học trò của mình nghe về một thế giới khác chưa từng được biết ngoài núi rừng Tá Bạ.
Theo 24h
"Xã xuất ngoại" chao đảo vì AIDS
Với hàng ngàn người đang làm ăn xa, trong đó hầu hết ở Lào, xã thuần nông nghèo khó Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) giàu nhanh với nhiều nhà lầu, xe hơi. Đằng sau sự hào nhoáng vật chất, những người Lộc Bổn tha hương chao đảo vì HIV/AIDS, con cái đối diện nguy cơ thất học.
Kéo nhau làm ăn xa
Hơn mười năm trước, những cư dân đầu tiên của xã Lộc Bổn đến đất nước triệu voi lập nghiệp, kiếm kế sinh nhai. Họ làm đủ việc từ thợ xây, lái xe, cắt tóc, móng chân móng tay.... Người trước kéo người sau, anh chị em dìu nhau, cứ thế mà nay chỉ riêng thôn Hòa Vang, số người đi Lào đã xấp xỉ cả ngàn người. Ông Trần Văn Hoa - Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn - nhẩm tính: "Toàn xã có 2.700 hộ dân, 15.000 nhân khẩu. Chưa thống kê cụ thể, nhưng Lộc Bổn ước có đến 3.000 - 4.000 người đang sinh sống, làm việc tại Lào".
Nhanh chóng giàu có, khắp xã dân cất nhà lầu hoành tráng, mua xe hơi: "Tết năm nay, số xe hơi trong xã đã tăng gấp đôi, ước tính cũng đã lên đến vài trăm chiếc. Người sau thi đua người trước sắm xe" - ông Hoa tự hào nói.
Ở xã này, trẻ ba bốn tuổi đã có hộ chiếu riêng, số năm đi Lào cũng bằng số tuổi và đối diện với nguy cơ thất học. Ông Phạm Văn Ngọc (thôn Hòa Vang) dắt díu cả gia đình sang Lào làm ăn gần chục năm nay. Hai đứa con Phạm Thị Uyên (4 tuổi), Phạm Thị Cúc (16 tháng tuổi) phải theo chân cha mẹ: "Con nhỏ qua bên đó không được đi học, chăm nom cũng đau lòng lắm. Hy vọng vài năm nữa, tích cóp được tiền, vợ chồng về quê để con được đến lớp" - ông Ngọc dự tính. Còn những đứa trẻ ở lại quê đến lớp lại không có sự giám sát của cha mẹ đâm ra hư hỏng, bỏ học rồi cũng theo cha mẹ đi Lào, đang trở thành cái vòng luẩn quẩn.
Mấy năm gần đây, người dân Lộc Bổn giàu nhanh, nhưng cũng đang phải đối mặt với căn bệnh thế kỷ
"Ết" nhiều
Ở nơi đất khách quê người, túi tiền rủng rỉnh, lại không làm chủ được hành vi, thiếu kiến thức, khiến nhiều người "rước" vào thân căn bệnh thế kỷ lúc nào không hay biết. Trường hợp ông N.P.H (thôn Hòa Vang) khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Ông H vốn là nông dân hiền lành, chất phác. Sang Lào làm thợ xây, hằng tháng, ông H gửi tiền đều đặn về cho vợ xây nhà, nuôi hai con ăn học. Chỉ đến khi ông H trở về quê với thân hình gầy rộc, lở loét thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
Ông H qua đời, bà N.T.B.T đi xét nghiệm kết quả là đã nhiễm bệnh từ chồng.
Như ông H, nhiều gia đình tại thôn Hòa Vang cũng chao đảo vì HIV. Ông Nguyễn Văn Linh - Trưởng thôn Hòa Vang - cho biết, toàn thôn đã có 22 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có 14 người đã tử vong. Hầu hết đều bị từ Lào. "6 năm trước, người đầu tiên trong thôn chết vì căn bệnh AIDS, người dân đã hết sức hoang mang, lo lắng. Bây giờ, được tuyên truyền, tập huấn nên đỡ sợ, kỳ thị với những người có H" - ông Linh nói.
Xã Lộc Bổn hiện có 23 trường hợp người dân nhiễm và một cháu bé - con của cặp vợ chồng nhiễm HIV/AIDS - chờ xét nghiệm để khẳng định; trong đó, chủ yếu ở 4 thôn Hòa Vang, Bình An, Thuận Hóa, Hòa Mỹ. 90% số trường hợp nhiễm bệnh từ con đường quan hệ tình dục không an toàn: "Năm 2012 phát hiện 3 trường hợp. Việc thống kê số người nhiễm HIV/AIDS chỉ mang tính chất tương đối chứ chưa phải là con số thực tế, bởi có nhiều trường hợp chưa làm xét nghiệm, hoặc khai giả tên tuổi khi làm xét nghiệm nên không thể nắm được" - ông Hoa nói.
Theo 24h
Chuyện buồn ở gia đình đông con nhất HN 42 tuổi, liên tục trong 25 năm qua, chị Hải tằng tằng sinh một mạch 13 người con. Bất chợt trước câu hỏi thằng Tám sinh năm bao nhiêu, chị Hải chỉ cười gượng vì "quên mất rồi". Cái ăn vợ chồng chị còn lo từng bước huống chi nghĩ đến cái học cho các con. Kỉ lục buồn Trời Hà Nội những...