Chuyện về chủ tịch hội phụ nữ xã
Nhanh nhẹn, năng động, dám nghĩ, dám làm là nhận xét của chính quyền và hội viên dành cho chị Vũ Thị Toan, Chủ tịch Hội LHPN xã Tứ Quận (Yên Sơn). 3 năm trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ, chị Toan đã có nhiều hoạt động thiết thực, động viên, giúp hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo; xây dựng Hội trở thành ngôi nhà chung của chị em phụ nữ xã.
Nỗ lực phấn đấu vì chị em phụ nữ
Đến với công tác Hội phụ nữ ở tuổi ngoài bốn mươi, chị Toan đã đủ độ “chín” về mọi mặt. Vốn là người miệng nói, tay làm, nên khi làm cán bộ phụ nữ chị đã phát huy được khả năng trong công việc. Năm 2013, chị được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội LHPN xã. “Mình nghĩ đã không nhận làm thì thôi, chứ đã nhận làm là phải làm hết sức” – với tâm niệm đó, chị Toan đã không ngại khó, ngại khổ, dày công nghiên cứu cách làm, phương pháp xây dựng các mô hình kinh tế thiết thực, cụ thể, sát với đời sống của hội viên.
Chị Vũ Thị Toan (bên trái) thăm vườn trồng cây ăn quả của hội viên trong xã.
Với 45% chị em trong tổ chức Hội là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình khó khăn, trình độ hiểu biết còn nhiều hạn chế nên việc đầu tiên chị nghĩ đến là tìm hướng thoát nghèo cho chị em. Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”, “Nuôi lợn tiết kiệm”, “Mái ấm tình thương”, “tặng lợn giống cho hội viên nghèo”… Bằng các hình thức giúp đỡ như vận động hỗ trợ ngày công, tập huấn khoa học kỹ thuật, vốn vay, Hội đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả kinh tế như: Trồng cam Vinh ở xóm Đồng Cầu, Cây Nhãn; nuôi cá giống, cá thịt tại xóm Nhùng, xóm Bình Ca 1; trồng thanh long ở xóm Lảm, xóm Bình Ca 2; nuôi gà ta tại xóm Cầu Trôi, Hồng Quân; trồng hoa và rau sạch tại xóm Đồng Cầu, xóm Dàm…
Nhiều gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 33,3% (năm 2011) xuống còn 2,3% (năm 2015) theo tiêu chí cũ. Trong đó, đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ phát triển kinh tế điển hình như các chị Đinh Tuyết Thanh, Ma Thị Tuyết, Vũ Thị Hải ở Chi hội 11, hằng năm có thu nhập trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, trong đó có 30% là lao động nữ.
Nhiều hội viên thoát nghèo từ mô hình “Tặng lợn giống cho hội viên nghèo” như chị Nguyễn Thị Thông chi hội Cây Nhãn, chị Đặng Thị Ngoan chi hội Đồng Bài, Chị Lê Thị Thu chi hội Khe Đảng… Chị Đặng Thị Ngoan chi hội Đồng Bài nói: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, nhờ có con lợn gây giống đầu tiên của Hội Phụ nữ xã, đặc biệt là chị Toan đã tư vấn cho gia đình phát triển chăn nuôi, nên gia đình tôi đã có thu nhập, thoát nghèo”.
Khi chia sẻ việc quyết định tặng lợn giống cho hội viên nghèo, chị Toan bảo, để có tiền mua lợn giống chị phải huy động sức mạnh từ cộng đồng và hội viên có thu nhập khá. Từ 2013 – 2015, Hội đã huy động được 36 triệu đồng, hỗ trợ 36 con lợn nái giống cho 50 hội viên tạo dựng chăn nuôi.
Video đang HOT
Không chỉ trong phát triển kinh tế mà trong phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa, văn nghệ, thể thao, Hội LHPN xã Tứ Quận cũng luôn đứng đầu Hội phụ nữ huyện.
Chăm lo mái ấm cho hội viên
Trên đường dẫn tôi đến ngôi nhà của mẹ con chị Lý Thị Nính, thôn Đồng Trò, chị Toan bảo: “Có 7 cây số vào đến nhà thôi nhưng trời vừa mưa xong thế này thì khó đi đấy!”. Quả thật hết đoạn đường bê tông là đoạn đường đất trơn trượt. Chị Toan phải xuống đi bộ, còn tôi phải dắt xe đi từng bước chệch choạc. Vừa đi, chị Toan vừa kể cho tôi nghe chuyện làm nhà mới cho chị Nính. Để có số tiền 50 triệu đồng giúp hội viên nghèo làm nhà, chị đã tổ chức cuộc thi “Phụ nữ Tứ Quận tài năng, duyên dáng” kêu gọi lòng hảo tâm của những mạnh thường quân và bà con trong xã ủng hộ được trên 26 triệu đồng. Số tiền đó chỉ đủ mua những thứ cần thiết nhất như xi măng, tấm lợp, tiền công xây; còn cát, mặt bằng… thì chưa có. Chị Toan lại đi xin những doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã. Chị bảo xin cát rồi lại xin cả xe chở cát, vào đến đoạn đường này lái xe bảo chị là sao không chọn điểm dễ mà làm, đường này sợ quá. Chị lại phải động viên cánh lái xe, có khó thế mới cần giúp đỡ. Nhưng vật liệu chỉ tập kết đến ngõ chứ không đưa được đến chân công trình. Chị lại phải chở bằng xe công nông”. Chỉ tay vào con đường và khoảng sân, chị Toan nói: “Làm con đường lên nhà, sân và cả nền nhà đích thân tớ phải nhờ lãnh đạo UBND xã huy động 30 dân quân đến hỗ trợ san mặt bằng”.
Trong ngôi nhà mới thơm nồng mùi vôi ve, chị Nính xúc động kể cho chúng tôi nghe về niềm hạnh phúc khi được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà này. Gia đình chị Nính là người dân tộc Dao, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng chị mất sớm, bản thân chị ốm đau, bệnh tật thường xuyên, lại phải nuôi con nhỏ.
Căn nhà cũ mà 4 mẹ con chị nương thân đã ọp ẹp từ lâu, mái xiêu, vách nát nhưng không có tiền sửa sang. Hưởng ứng phong trào “Mái ấm tình thương”, Hội Phụ nữ xã tiến hành khảo sát và quyết định xây cho chị ngôi nhà mới. Nhìn ngôi nhà nhỏ ấm cúng 2 gian vừa mới xây xong, bà con thôn bản ai cũng vui mừng cho mẹ con chị. Chị Nính xúc động chia sẻ: “Cảm ơn chị Toan lắm, chị Toan còn lo cho tôi như gia đình. Giờ trời mưa mấy mẹ con yên tâm, không phải chạy sang nhà cháu trú nhờ nữa!”. Những lời nói mộc mạc nhưng thật ấm lòng.
Để xây được căn nhà rộng 30 m2 cho mẹ con chị Nính an cư, chị Toan phải túc trực sát sao ròng rã 3 tháng, nào lo thợ, lo thiếu vật liệu, lo mưa… vất vả nhưng chị luôn thấy vui vì đã làm được một việc ý nghĩa. Chị Toan nói rằng, với chị, làm được việc giúp cho hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn như chị Nính thì chị sẽ làm hết sức chứ không nề hà. Ông Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tứ Quận chia sẻ, chị là người rất năng động trong thực hiện nhiệm vụ, tâm huyết với công tác Hội. 3 năm qua, Hội Phụ nữ xã đã phát triển mạnh về mọi mặt và thật sự trở thành điểm tựa của hội viên, là cộng sự đắc lực của UBND xã trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Theo Trang Tâm (Báo Tuyên Quang)
Những cựu chiến binh triệu phú ở Lực Hành
Về với đời thường, trên mặt trận kinh tế, họ chẳng ngại khó, ngại khổ, biến những đồi hoang rậm rạp thành vườn cây ăn quả bạt ngàn. Những CCB hai bàn tay trắng năm xưa nay đã thành triệu phú.
Kinh qua chiến tranh, bom đạn, đã tôi luyện ý chí, nghị lực của những cựu chiến binh (CCB) ở xã Lực Hành (Yên Sơn) hôm nay. Về với đời thường, trên mặt trận kinh tế, họ không ngại khó, ngại khổ, biến những đồi hoang rậm rạp thành vườn cây ăn quả. Những CCB khi từ chiến trường trở về với hai bàn tay trắng năm xưa, nay đã thành triệu phú.
Người 4 lần làm nhà
Hỏi về CCB làm kinh tế giỏi, tôi được đồng chí Nguyễn Bá Thụ, Chủ tịch Hội CCB xã dẫn đến gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa, thôn Xóm Bến. Ông Hòa không phải là CCB có mô hình vườn cây ăn quả cho kinh tế và thu nhập cao nhất xã. Sinh năm 1958, năm 1982 ông tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1986 ông xuất ngũ trở về địa phương lam lũ với ruộng đồng nhưng nghèo khó vẫn đeo bám. Năm 1995, ông và vợ quyết định vào khu đồi Đồng Nhự để chinh phục rừng hoang.
Ông Hòa chia sẻ, năm gia đình quyết định vào sinh sống tại khu đồi Đồng Nhự dân làng ai cũng bảo mình dại, tự dưng mua khổ vào người, thích sống tách biệt làm "người rừng". Khi ấy khu đồi này còn hoang vu lắm, chỉ có cỏ lau lem và nứa rậm rạp. Ông và vợ ngày ngày nắm cơm, vác cuốc chinh phục đồi nương. Ông bảo vợ: "Có đất là có vàng rồi, cứ phát cỏ, đánh gốc cây, bỏ đá, cải tạo đất sẽ tìm thấy vàng". Mấy năm ròng khai sơn, phá thạch trồng cây ăn quả nhưng tiền vẫn chưa thấy đâu mà khó khăn thì cứ đeo bám. Rồi lại thêm cái đận trồng na na chết, trồng quýt quýt héo, khiến cái khốn khó lại càng tăng thêm gấp bội. Đã có lúc ông phải mang cả bộ quần áo bộ đội nhiều năm gắn bó ở chiến trường để đổi lấy gạo ăn. Vợ ông, bà Đỗ Thị Mai thường nói với ông: "Đã mòn và thay cả chục chiếc cuốc rồi mà mãi vẫn chưa bới thấy vàng ông nhỉ?". Rồi vợ chồng chỉ nhìn nhau cười.
CCB Phạm Văn Đồng (bên trái), thôn Đồng Vàng, xã Lực Hành (Yên Sơn)giới thiệu về bưởi Soi Hà của gia đình.
Năm tháng trôi qua, bàn tay lao động và ý chí quyết tâm làm giàu của người nông dân cần cù đã được đền đáp, đất đã không phụ công người. Những gốc bưởi đầu tiên cho thu hoạch, gia đình ông đã có thu nhập. Khó khăn cũng qua đi, cuộc sống dần dần khấm khá. Năm 2000, ông quyết định đầu tư nhân rộng 50 gốc bưởi ban đầu lên 1 ha với các giống bưởi da xanh, bưởi Soi Hà, bưởi Diễn. Do chịu khó học hỏi kỹ thuật từ các mô hình kinh tế trong và ngoài xã, vườn bưởi của gia đình ông luôn cho năng suất ổn định. Từ nghèo khó, ông Hòa đã trở thành ông chủ vườn cây ăn quả có tiếng ở Lực Hành, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài trồng bưởi, gia đình ông còn chăm sóc 3 con bò, 2 con trâu.
Trong câu chuyện của ông, tôi đặc biệt ấn tượng chuyện 3 lần làm nhà tạm của ông. Năm 1995 vào khu Đồng Nhự, vợ chồng ông dựng tạm căn nhà bằng nứa, lá xiêu vẹo. Thời gian cộng mưa gió căn nhà bị hư hỏng, ông dựng những căn nhà tiếp theo, từ ngôi nhà tường đan bằng tre nứa đến nhà vách đất, rồi làm bằng gỗ tạm. Ông Hòa kể: "Ở nhà tạm, ngày nắng không sao, nhưng ngày mưa thì khổ lắm. Nhiều khi đang ăn cơm bê mâm cơm khắp nơi nhưng không tìm được chỗ không dột. Nhìn vợ mà nước mắt tôi cứ trào ra. Đó cũng là động lực giúp tôi vượt qua mọi áp lực, khó khăn trong cuộc sống".
Đầu năm 2016, vợ chồng ông quyết định làm nhà lần thứ 4. Nhưng lần này là một ngôi nhà 2 tầng, mặt sàn rộng hơn 100 m2. Ông Hòa xúc động chia sẻ: "Giờ đã có nhà xây kiên cố rồi, mưa không còn sợ dột nữa, nhưng vợ chồng không bao giờ quên những ngày ở nhà tạm. Đó là những ký ức đẹp, đáng nhớ và ý nghĩa nhất của gia đình".
Mồ hôi trộn đất thành vàng
Xã Lực Hành mùa này đang vào chính vụ thu hoạch na. Những vườn bưởi, vườn na lúc lỉu quả bao quanh xóm làng và cả trên đồi cao. Những chiếc xe tải của thương lái ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội và thành phố Tuyên Quang tấp nập về các nhà vườn thu mua quả, sôi động như những chợ đầu mối hoa quả. Ông Nguyễn Xuân Bầu, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết, toàn xã hiện có 30 mô hình làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng thì riêng Hội CCB có 10 mô hình. Họ thực sự là những tấm gương sáng, gương mẫu tiên phong trên mọi mặt trận, đặc biệt là các chi hội Minh Khai, Đồng Vàng, Đồng Mán.
Chúng tôi đến gia đình CCB Đỗ Khắc Hoạt, Chi hội trưởng CCB thôn Minh Khai. Ông Hoạt không có nhà, vợ ông bảo ông đang trên đồi thu hoạch na, nhà báo muốn phỏng vấn, quay hình thì lên đó. Hơn 10 phút phóng xe qua cung đường bê tông cua gấp khúc vắt trên sườn đồi, chúng tôi đến đồi na trĩu quả. Ông Hoạt gắn bó với cây na, cây bưởi ở vùng này đã hơn 10 năm nay. Người ta ấn tượng về ông bởi ông là người tiên phong thực hiện kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho na. Ông tâm sự, để na thụ phấn tự nhiên năng suất không ổn định, chất lượng quả không cao.
Vườn na của CCB Đỗ Khắc Hoạt, thôn Minh Khai, xã Lực Hành (Yên Sơn).
Năm 2012, ông đã đi đến những vùng na nổi tiếng ở Lạng Sơn, Quảng Ninh học cách trồng na có năng suất cao, cách thụ phấn cho na. Thụ phấn hoa, người trồng có thể quyết định được số lượng quả trên 1 cây; phân được thời gian quả chín theo đợt để tránh thu hoạch ồ ạt, đặc biệt là không năm nào na bị mất mùa. Ngoài cây na, gia đình ông còn trồng 1 ha bưởi diễn, bưởi da xanh. Từ cây na, cây bưởi, gia đình ông lãi gần 300 triệu đồng/năm.
Ông Hoạt là Chi hội trưởng CCB gương mẫu, tích cực giúp đỡ hội viên vươn lên làm kinh tế giỏi; người tiên phong vận động nhân dân làm đường bê tông vượt đồi đến tận các vườn na, vườn bưởi thuận lợi cho việc thu hoạch, chăm sóc. Ông Hoạt chia sẻ, tuy chi hội đã có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi nhưng vẫn còn 3 hộ hội viên nghèo. Đây thực sự là trăn trở, chúng tôi đang tích cực vận động, giúp đỡ hộ hội viên nghèo về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, hy vọng đây sẽ là hướng đi đúng đắn giúp họ thoát nghèo.
Đến gia đình CCB Phạm Văn Đồng, thôn Đồng Vàng, một trong những CCB trẻ tuổi nhất của xã Lực Hành làm kinh tế giỏi, người được mệnh danh là CCB làm kinh tế "liều" của xã. Bên ấm chè nóng, câu chuyện về cuộc đời anh cứ tự nhiên xoay vần. Anh Đồng là người trồng dong riềng, trồng bưởi giỏi, hiệu quả kinh tế cao, nhưng người dân ấn tượng nhất về anh đó là chuyện "liều" vay tiền mua máy xúc làm dịch vụ. Năm 2008, thấy quê mình chưa có máy xúc, trong khi nhu cầu của nhân dân lại cao, anh quyết tâm mua máy xúc về làm dịch vụ. Dồn vốn liếng bao năm tích lũy, anh chỉ có 10 lượng vàng trong khi mua máy xúc ở thời điểm đó mất 20 lượng vàng. Anh quyết liều vay thêm 10 lượng vàng nữa. Ngày mua máy xúc, giá vàng là 16 triệu/lượng, nhưng khi trả vàng lên tới 21 triệu/lượng. Sau 2 năm vay vàng, anh phải trả lãi "vàng đẻ vàng" mất hơn 1 lượng chưa kể tiền lãi. Anh Đồng chia sẻ: "Cũng may khi mua máy xúc về, rất đông khách thuê, nhất là dịp đầu năm và cuối năm. Nên sau 2 năm, mình đã trả hết cả gốc và lãi". Hiện tại, gia đình anh Đồng có gần 600 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn. Từ trồng bưởi và dịch vụ máy xúc, mỗi năm gia đình anh thu lãi gần 300 triệu đồng. Anh cho biết: "Nếu cần cù, chịu khó thì mồ hôi trộn đất sẽ cho vàng. Vàng từ đất mà ra đồng chí ạ!".
Những CCB ở Lực Hành không chỉ giàu về tiền của mà còn là những người giàu nghị lực vượt khó khăn, thử thách, giàu bởi tấm lòng vì đồng đội, vì cộng đồng. Họ thực sự là những tấm gương tô đẹp hình ảnh "Người lính Cụ Hồ".
Theo Đào Thanh (Báo Tuyên Quang)
Long An 'đòi' Bộ NN-PTNT 49 tỉ đồng tiền thưởng 'xây dựng nông thôn mới' Chủ tịch UBND Long An vừa ký văn bản gởi Bộ NN-PTNT để &'đòi' 49 tỉ đồng là kinh phí khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới. Văn bản UBND tỉnh Long An gửi Bộ NN-PTNT Ngày 27.9, nguồn tin từ UBND tỉnh Long An cho biết, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND Long An vừa ký văn bản gởi Bộ...