Chuyển từ Mỹ sang Thái Lan, người đàn ông ‘một bước thành thượng lưu’
Sinh ra ở Mỹ nhưng Jesse Schoberg quyết định chọn cuộc sống lâu dài ở Thái Lan và chưa có kế hoạch hồi hương.
Jesse Schoberg đã mơ về một ngày được “trốn” khỏi thị trấn Elkhorn, tiểu bang Wisconsin, Mỹ từ khi còn là một cậu thiếu niên. Anh kể với CNBC: “Nó là thị trấn nhỏ vùng Trung Tây điển hình: Nhỏ nhắn, yên ắng và chẳng có mấy cảm giác phiêu lưu. Tôi luôn biết rằng tôi muốn ra khỏi đó và đi khám phá thế giới”.
Doanh nhân 41 tuổi hiện đã sinh sống ở nước ngoài được 14 năm tại hơn 40 quốc gia, và anh vẫn chưa hề có ý định quay lại Mỹ. Vốn là người ưa phiêu lưu, Schoberg không chịu “trói chân” vào con đường truyền thống là đi học đại học rồi dính với một công việc văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.
Thay vào đó, năm 19 tuổi, anh chuyển đến thành phố Madison ở tiểu bang Wisconsin để rèn giũa kỹ năng lập trình, giúp các doanh nghiệp thiết kế và phát triển web.
Đến năm 27 tuổi, Schoberg bắt đầu cảm thấy bồn chồn. Anh định chuyển sang các thành phố mới và đã tính mua nhà ở Denver hay Austin, nhưng tâm trí anh cứ liên tục hướng về Thành phố Panama – thủ đô của đất nước cùng tên, nơi anh có chuyến đi du lịch “tuyệt nhất đời”.
Vì lẽ đó, anh quyết định lên đường thẳng tiến đến Panama và sống ở đó 6 năm, từ 2008 đến 2014 và bắt đầu trở thành một “dân du mục kỹ thuật số” toàn thời gian. Đó là ước mơ anh đã ấp ủ từ một chuyến nghỉ dưỡng ở Curaao.
Một điều đặc biệt là, giữa các chuyến đi không ngừng nghỉ của mình, anh luôn coi Bangkok là nhà. Tháng 12/2021, anh quyết định chuyển đến sống hẳn ở Thái Lan trong căn hộ 1 phòng ngủ cùng hôn thê Janine của mình.
“Chất lượng sống ở Thái Lan so với Mỹ tốt hơn nhiều ở 90% các mặt và lại còn vô tư hơn chứ. Sống ’sang chảnh’ ở đây cũng dễ hơn nhiều” – anh chia sẻ.
“Xiêu lòng” với đất nước Đông Nam Á
Schoberg đã xây dựng một sự nghiệp đáng gờm với tư cách là một doanh nhân và nhà phát triển web, kiếm được mức lương 6 con số mỗi năm – nhưng thành công của anh không xảy ra trong một sớm một chiều.
Jesse Schoberg trong một bức ảnh trên đường phố Bangkok.
Khi lần đầu tiên chuyển đến Panama, Schoberg đã mang theo công ty thiết kế và phát triển web mà anh thành lập ở Hoa Kỳ – cùng với danh sách khách hàng cũ.
Ngày nay, công ty có đội ngũ nhân viên từ xa gồm 12 nhân viên, với Schoberg đứng đầu là Giám đốc điều hành.
Việc tự kinh doanh đã mang lại cho Schoberg một lịch trình linh hoạt hơn và anh sử dụng thời gian rảnh rỗi để đi du lịch: Sau khi đến thăm một số quốc gia ở Trung và Nam Mỹ, bao gồm Colombia và Costa Rica, anh quyết định đến châu Á, sống trong thời gian ngắn ở Đài Loan , Nhật Bản và Philippines (nơi anh ấy gặp vị hôn thê của mình.
Video đang HOT
Vào năm 2015, Schoberg dừng chân ở Thái Lan – và ngay lập tức anh biết rằng mình đã tìm thấy ngôi nhà mới của mình. “Khi tôi đến Bangkok lần đầu tiên, nó có cảm giác quen thuộc như Thành phố Panama… Tuy nhiên nó có nguồn năng lượng từ đường phố và người dân thật đáng kinh ngạc” – anh nói. “Tôi biết ngay rằng Bangkok sẽ là Thành phố Panama 2.0 của tôi”.
Schoberg và vị hôn thê của mình đã phân chia thời gian của họ giữa Thành phố Mexico và Bangkok khi anh chờ Visa Elite Thái Lan của mình, một loại visa gia hạn 5 năm có giá khoảng 18.000 USD (421 triệu đồng) và cho phép ra vào Thái Lan không giới hạn, cũng như các đặc quyền xuất nhập cảnh.
“Sống sướng hơn ở Mỹ”
Kể từ khi chuyển đến Bangkok, Schoberg đã có thể chi tiêu nhiều hơn cho việc đi du lịch, ăn uống và các sở thích khác cũng như gia tăng khoản tiết kiệm của mình. “Mặc dù tôi có thể trang trải cuộc sống khá tốt ở Hoa Kỳ, nhưng cuộc sống ở đây tốt hơn rất nhiều so với ở đó”, anh nói. “Mức độ dịch vụ mà bạn nhận được ở đây – rạp chiếu phim đẹp hơn, xe hơi sang – hoàn toàn thổi bay những gì bạn nhận được ở Hoa Kỳ”.
Là một doanh nhân và CEO, Schoberg kiếm được khoảng 230.000 USD (gần 5,4 tỷ đồng) mỗi năm. Chi phí lớn nhất của anh là tiền thuê nhà và tiền điện nước, cộng lại khoảng 2.710 USD (63 triệu đồng) mỗi tháng. Schoberg và hôn thê sống trong căn hộ một phòng ngủ trong tòa nhà có phòng tập thể dục riêng, hồ bơi, không gian làm việc chung, nhà hàng, và dịch vụ dọn dẹp hàng ngày.
Anh cho rằng tương quan dịch vụ/chi phí ở Thái tốt hơn nhiều so với quê nhà.
Jesse Schoberg cũng say mê ẩm thực quốc gia Đông Nam Á.
Anh và Janine chi khoảng 1.900 USD (44,5 triệu đồng) mỗi tháng cho việc mua đồ mang đi và ăn ngoài, thường đặt đồ ăn từ các nhà hàng địa phương trên một ứng dụng nổi tiếng. Các bữa ăn thường xuyên của Schoberg là vài món ăn địa phương của Thái như khao soi hay pad krapow và mỗi bữa chỉ tốn vài USD (vài chục nghìn đồng).
Theo anh, ẩm thực là một “điểm cộng lớn” cho cuộc sống ở Thái Lan và là một trong những lý do chính khiến anh chọn đến Bangkok. Schoberg nói: “Bangkok có một nền ẩm thực tuyệt vời, bạn có gần như mọi loại thức ăn trên thế giới ở đây. Ngay gần căn hộ của tôi, có một cửa hàng bánh sandwich của Bỉ và một cửa hàng thịt nướng Hàn Quốc”.
Ngoài tiền ăn và tiền nhà ở, chi phí tốn kém nhất của cặp đôi là khoản chi tiêu “tùy ý” giới hạn ở khoảng 2670 USD (62 triệu đồng). Tổng chi tiêu của họ là gần 8.000 USD/tháng (khoảng 180 triệu đồng).
Một điều khiến anh thêm yêu quốc gia Đông Nam Á là lối sống và tính cách người dân thoải mái, dễ chịu hơn ở Mỹ.
Đó là chưa kể, vẻ hiện đại pha lẫn truyền thống, dân dã của thủ đô Thái Lan khiến anh mê đắm.
Tương lai, anh dự định sẽ tiếp tục khám phá thế giới, có căn nhà ở nhiều châu lục khác nhau và vẫn chưa có ý định hồi hương về Mỹ.
Phi công 16 tuổi bay vòng quanh thế giới: 'Người Đà Nẵng rất tử tế'
Mack Rutherford thích thú khi có cơ hội thưởng thức đồ ăn địa phương và dạo quanh Đà Nẵng bằng xe máy.
Anh được người dân nhiệt tình giúp đỡ khi tiếp nhiên liệu cho máy bay.
Ngày thứ 125 của hành trình bay vòng quanh thế giới một mình, Mack Rutherford (quốc tịch Anh - Bỉ) hạ cánh tại sân bay quốc tế quận King ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Mỹ.
Dù lịch trình bận rộn, phi công 16 tuổi dành thời gian chia sẻ với Zing về kỷ niệm khi dừng chân tại Đà Nẵng hôm 19/7, tức ngày thứ 108 anh lên đường.
Được giúp đỡ nhiệt tình
Rutherford chỉ có một ngày nghỉ ở thành phố biển của Việt Nam. Hình ảnh chàng trai check-in ở cầu Rồng được Đại sứ quán Anh tại Việt Nam chia sẻ khiến nhiều người thích thú.
"Tôi rất hào hứng khi được thưởng thức các món ăn ngon địa phương và dạo quanh thành phố bằng xe máy. Tôi không thể tham quan nhiều vì có chuyến bay sớm vào hôm sau. Nhưng tôi vẫn có cơ hội ngắm bãi biển, thật sự rất đẹp", anh nói.
Mack Rutherford tranh thủ đi tham quan Đà Nẵng và được giúp tiếp nhiên liệu cho máy bay.
Theo lời Rutherford, người dân Đà Nẵng chào đón anh nồng nhiệt và rất tử tế. Họ nhiệt tình giúp đỡ mọi việc chàng phi công cần như tiếp nhiên liệu cho máy bay.
"Tôi chưa từng đến thăm Việt Nam trước đây và thực sự hy vọng có thể trở lại trong tương lai khi có nhiều thời gian hơn".
Khi được hỏi về địa điểm ấn tượng nhất trên hành trình cho tới nay, Rutherford cho biết mỗi quốc gia anh đi qua đều để lại ấn tượng riêng biệt. Do đó, chàng trai không thể đưa ra lựa chọn.
"Mỗi khi hạ cánh ở một đất nước mới, tôi hạnh phúc vì có thể nhìn ngắm xung quanh và biết rằng mình sẽ được trải nghiệm điều gì đó mà trước đây chưa từng có", anh nói.
Chuyến bay khó khăn nhất của Rutherford tính đến giờ là từ thành phố Kushiro (Nhật Bản) đến đảo Attu (Mỹ). Đó là chuyến bay kéo dài 10 tiếng và cần dùng tới bình nhiên liệu bổ sung. Phi công 16 tuổi đã vượt Bắc Thái Bình Dương và cố gắng đến đích trước khi mặt trời lặn.
Việt Nam là quốc gia thứ 17 Mack Rutherford đặt chân tới trên hành trình bay vòng quanh thế giới một mình.
Muốn truyền cảm hứng
Mack Rutherford cất cánh từ thủ đô Sofia của Bulgaria ngày 23/3 với mục tiêu phá kỷ lục "người trẻ nhất tự lái máy bay vòng quanh thế giới một mình". Chàng trai điều khiển Shark - loại máy bay siêu nhẹ với tốc độ tối đa 300 km/h.
Đến nay, Rutherford đã bay đến châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ. Anh sẽ trở lại châu Âu để kết thúc hành trình.
Một trong số câu hỏi Rutherford thường nhận được từ người theo dõi là anh ăn uống thế nào trong những chuyến bay dài. Trên website của mình, chàng trai cho biết anh luôn có sẵn thanh protein và các loại hạt để bổ sung dưỡng chất.
Rutherford hiện học trung học ở Vương quốc Anh. Có bố mẹ đều là phi công, chàng trai đam mê lái máy bay từ nhỏ. Anh bắt đầu chạm vào nút điều khiển, cho phi cơ cất cánh khi mới 7 tuổi.
Năm 15 tuổi, Rutherford nhận được bằng lái máy bay siêu nhỏ, khiến anh trở thành phi công trẻ nhất thế giới. Chàng trai đã bay 2 chuyến xuyên Đại Tây Dương.
Mack Rutherford mong muốn truyền cảm hứng cho người trẻ qua chuyến đi của mình.
Theo New York Post, ngày 20/1, Zara Rutherford, chị gái của Mack, trở thành phi công nữ trẻ nhất thế giới tự lái máy bay vòng quanh Trái Đất. Cô lập kỷ lục khi mới 19 tuổi sau 5 tháng lái chiếc Shark vượt qua 5 châu lục.
Được truyền cảm hứng từ chị gái và gia đình, Rutherford cho biết sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu của mình.
Chàng trai cũng mong muốn có cơ hội gặp gỡ nhiều người trẻ trên hành trình và cùng nhau tạo nên sự khác biệt cho cộng đồng, thậm chí cả thế giới.
Với Zara Rutherford, Mack là phi công tuyệt vời. Cô luôn dõi theo và tin tưởng vào em trai.
Hiện tại, kỷ lục người trẻ nhất thế giới tự lái máy bay vòng quanh Trái Đất thuộc về Travis Ludlow. Phi công người Anh hoàn thành chuyến đi khi mới 18 tuổi vào năm ngoái.
Gia đình toàn phi công của Mack Rutherford.
Quán cà phê này có gì đặc biệt khiến cộng đồng quốc tế hết lời khen ngợi? Mặc dù đây không phải là mô hình đầu tiên trên thế giới nhưng sự độc đáo của nó thu hút rất nhiều người tìm đến. Sweet Fishs Café tại thành phố Khanom, Thái Lan là nơi bạn có thể thoải mái tận hưởng tách cà phê yêu thích cùng hàng chục con cá Koi bơi lội dưới chân mình. Sweet Fishs Café...