Chuyện tình sưởi ấm ngôi nhà có 15 nạn nhân da cam
Tình yêu đã đến một cách kỳ lạ sưởi ấm những trái tim trong ngôi nhà có tới 15 người nhiễm chất độc da cam
Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm nhưng nỗi đau dân tộc vẫn còn đó. Có người nói: Nỗi đau nào cũng có lúc nguôi ngoai nhưng nỗi đau chất độc da cam chẳng bao giờ có thể quên được. Đó là sự tê buốt của da thịt, thể xác lẫn tâm hồn. Ấy vậy mà trong gia đình của người đàn ông ấy, 15 đứa con thì 12 người lần lượt bỏ ông bà ra đi. Và rồi một câu chuyện tình cảm động đã đến, như một phép mầu, sưởi ấm những trái tim lạnh trong ngôi nhà mang nặng màu da cam.
Vợ chồng anh Hải chị Bình tại quán may của mình
Nỗi đau của gia đình có 12 người chết vì đioxin
Quảng Bình nắng gió, quê hương của những di chứng chiến tranh, con người lam lũ phải gánh chịu thêm nỗi đau chất độc mang tên đioxin. Ở nơi đó, không ít những phận đời ngày đêm đang phải gồng mình chống lại hậu quả của chiến tranh, khi nó đã lùi sâu vào quá khứ.
Trong ngôi nhà nhỏ của ông Đỗ Đức Địu, nguyên thiếu tá quân đội, đã có thời gian cầm súng tại chiến trường Quảng Trị năm xưa, trải dài những di ảnh của người đã khuất. Trong suốt những năm chiến đấu anh dũng, ông không biết mình bị nhiễm chất độc đioxin của quân đội Mỹ. Năm 1975, chiến tranh kết thúc, ông trở về với cuộc sống đời thường. Cũng trong năm này, ông lập gia đình với một cô thôn nữ cùng làng. Những đứa con lần lượt ra đời làm rộn ràng ngôi nhà nhỏ. Nhưng từ đây, niềm vui và nỗi đau cứ thế liên tiếp đan xen nhau. Ông bà sinh hạ được 15 người con thì 12 đứa lần lượt ra đi do tác động của chất đioxin. Hiện, họ còn 3 cô con gái đang sống nhưng bị tật nguyền. Di chứng quái ác đó đã để lại cho gia đình ông Địu không biết bao nhiêu khó khăn, khốc liệt, đau đớn.
Hằng năm, ông chọn lấy một ngày để làm giỗ chung cho các con. Do hoàn cảnh quá khó khăn nên ông bà không thể tổ chức riêng cho từng người một, đành phải gộp chung một lần. Nhìn khuôn mặt nhăn nhúm, đau khổ của ông Đỗ Đức Địu khi thắp nén nhang cúng khấn linh hồn của các con, không ai khỏi chạnh lòng. Những giọt nước mắt bất lực của người chiến sĩ một thời cầm súng bảo vệ đất nước, mới đắng đót làm sao! Trước số phận quá khắc nghiệt đó, ông chỉ còn biết nén đau thương trong lòng, động viên vợ vượt qua, để nuôi dạy 3 con còn sống.
Ba cô con gái của ông Địu, có hai người là mang ít nhiều di chứng tật nguyền, cô chị cả Đỗ Thị Bình nhìn bề ngoài có vẻ lành lặn hơn cả. Tuy nhiên, khi trái gió, những cơn đau tê buốt trong đầu vẫn không thôi hành hạ chị. Tâm hồn của những người mang khiếm khuyết như chị và hai cô em của mình rất mẫn cảm với cuộc sống. Trước những nỗi đau thể xác, họ luôn tự ti với người đời, đặc biệt là trong chuyện tình cảm. Cô luôn cho rằng, mình sinh ra vốn đã có cái chết được định sẵn. Điều đó là chắc chắn, không thể thay đổi. Cho nên, chị muốn được làm những việc có ích cho gia đình và xa hơn là cho mọi người. Chị là một cô gái cam đảm, thông minh và đầy nghị lực.
Nhưng chính sự xúc cảm đó trước cuộc sống của chị đã làm rung động tâm hồn một chàng thanh niên đẹp trai, hào hoa và giàu lòng nhân ái. Từ đây, một câu chuyện tình đẹp đã thắp ấm căn nhà lạnh lẽo của những con người mang nỗi đau chiến tranh.
Video đang HOT
Tình yêu kỳ lạ án nỗi đau da cam
Trong quán may nhỏ ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) của vợ chồng anh Hoàng Trong Hải, chúng tôi đã được kể cho nghe một câu chuyện cứ ngỡ chỉ có trong phim. Đưa mắt nhìn sang người vợ hiền thảo, dịu dàng đang cần mẫn may ri-đô và cô con gái lém lỉnh, anh cười mãn nguyện. Đó là thành quả lớn nhất mà anh có được cho những đấu tranh để giành giật sự sống. Đấu tranh với những rào cản từ chính gia đình mình, giờ đây tình yêu của anh chị đã được đơm hoa kết trái, bên hai quả ngọt mang tên Đô và Ri.
Giai đoạn từ năm 1996 – 2002, bên cạnh công việc của một thợ may, anh Hải còn tham gia rất nhiệt tình vào các phong trào Đoàn – Đội. Lúc đó, anh là Đội phó Đội công tác xã hội của Hội LHTN tỉnh Quảng Bình. Còn chị Đỗ Thị Bình đang mưu sinh với nghề cắt tóc. Nhà cách không bao xa, nhưng mãi đến năm 2000, họ mới gặp nhau trong một chuyến đi tình nguyện ở miền Tây của huyện Quảng Ninh. Ngay từ lần gặp đầu tiên, chàng cán bộ đã có cảm tình với cô thôn nữ nết na. Bạn bè gán ghép, Hải thì sướng âm ỉ trong lòng, còn Bình thẹn thùng quay mặt đi. Kết thúc chuyến tình nguyện ấy, Hải tặng Bình một nhánh lan rừng, lấy cớ tỏ tình. Nghĩ chàng trai hào hoa, năng nổ, lắm tài ấy chỉ có ý bông đùa nên Bình từ chối. Không nản lòng, Hải vẫn kiên trì bày tỏ tình cảm của mình với người con gái anh yêu. Trước hoàn cảnh gia đình, Bình tự ti không dám đón nhận tình cảm Hải dành cho. Nhưng ngược lại, khi biết sự trêu ngươi của số phận đối với gia đình cô, Hải lại càng thương và trân trọng cô bạn gái này hơn. Anh muốn mang trái tim nhỏ bé của mình để sưởi ấm số phận hẩm hiu của chị.
Sau này, khi đã nên duyên vợ chồng, Bình mới dám chia sẻ: “Hồi đó, khi biết tình cảm của anh Hải dành cho mình, em cũng muốn đón nhận lắm. Không phải em không yêu anh Hải, mà vì em sợ, lấy mình về, anh ấy sẽ khổ. Liệu tình yêu của bọn em có được suôn sẻ như bao đôi khác không? Nhiều đêm trằn trọc nghĩ tủi phận mình. Làm con gái, được yêu mà không dám tự tin đón nhận. Ngày anh Hải đến gặp ba mẹ em để thưa chuyện, ba vẫn khuyên anh ấy nên suy nghĩ cho kỹ càng, kẻo sau này hối hận lại khổ cho cả hai đứa. Thế mà anh ấy vẫn cương quyết tính chuyện lâu dài với em, nên ai cũng cảm kích”.
Phía ba mẹ Bình chỉ nói nhẹ nhàng như thế, nhưng gia đình Hải thì một mực kiên quyết không đồng ý. Là con trai duy nhất trong gia đình, ông bà cũng muốn kiếm cho Hải một mối “môn đăng hộ đối”, hoặc chí ít cũng gia đình bình thường. Biết không thể dùng lời nói để thuyết phục hai đấng sinh thành, Hải bàn với Bình giả vờ “đã lỡ” để đặt mọi người vào thế phải cưới. Tuy chấp nhận, nhưng họ nhà nội không thấy ưng bụng cô dâu mới này. Năm 2002, một đám cưới đơn giản được tổ chức, chứng nhận Hải và Bình nên duyên vợ chồng.
Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ sớm gặp nhiều khó khăn. Sau lễ đám cưới, ông bà cho anh chị ra ở tạm ngay ngôi nhà ngang bị đập bỏ. Dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng, quả là một thử thách lớn đối với hai vợ chồng anh Hải. Vay mượn của bạn bè được vài triệu, mua một chiếc xe máy “rách” để có phương tiện đi lại làm ăn, nhưng cũng phải bán tống bán tháo để bù vào chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Rồi cái nồi cơm điện, dành dụm mãi mới mua được, cũng nhanh chóng bị cháy.
Trong căn nhà nhỏ còn chộn rộn những bộn bề lo toan đã chợt bừng lên ấm áp, khi anh chị đón tiếng khóc chào đời của đứa con đầu lòng. Bé Đô tròn 6 tháng tuổi, anh chị phải lăn ra làm để có đủ tiền sữa, tiền sinh hoạt cho con. Đưa sang gửi nhờ bên nội thì ông bà không đồng ý, anh chị lại tất tả mang con đi nhà trẻ. Cứ thế, sáng sớm anh lại đạp xe chở con đi nhà trẻ, rồi về chở vợ ra quán may. Chị mua một cái bếp dầu, đặt ngay trong quán để nấu cháo cho con. Khoảng 10 giờ, anh lại đạp xe đưa cháo sang nhà trẻ, cho con ăn. Chiều lại cuống quýt đạp xe đi đón vợ con về. Sau một năm sải chân đạp chiếc xe cà tang đón đưa như vậy, anh giấu vợ vay mượn mua một chiếc xe máy khác.
Thế rồi, giữa những lo toan của cuộc sống thường nhật, anh chị lại đón niềm vui thứ hai. Ngày sắp sinh hạ bé Ri, dù những cơn đau quằn quại đang giày xéo, nhưng chị Bình vẫn bấm bụng làm cho xong bức rèm của khách. Nhờ biết cách giữ chữ tín, quán may nhỏ của anh chị rất được lòng khách. Đơn đặt hàng cứ thế tới tấp về với anh chị, tuy nhiên cuộc sống của đôi vợ chồng vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt.
Ông Đỗ Đức Địu tâm sự: “Hồi đó, nhiều người khuyên ông nên làm chế độ chất độc màu da cam, nhưng vì sợ thiên hạ biết, không ai còn dám lấy con mình, nên ông thôi. Thế rồi, thông tin từ đâu ra rả khắp làng trên xóm dưới. Bố mẹ chồng chị Bình nghe được tin đã lao sang trách mắng ông bà thông gia hết lời. Trước mặt bố mẹ chị Bình, họ tuyên bố sẽ không coi chị là con dâu của gia đình, dòng họ Hoàng nữa. Họ sợ hai đứa cháu nội sẽ ra đi giống như các cậu, các gì. Rồi gia đình sẽ tuyệt tự tuyệt tôn. Thương vợ, anh một mực bênh cho chị trước họ hàng, dòng tộc, khiến hai bậc sinh thành đỏ mặt, tía tai đòi dọa chết và từ mặt. Trước sự ghẻ lạnh từ phía gia đình thông gia, ông Địu vẫn luôn động viên con cứ làm theo những gì mình cho là đúng. “Bố mẹ luôn ủng hộ các con. Con cũng là một con người, con có quyền được yêu và hạnh phúc như bao con người khác. Yêu là quyền chính đáng, nó không có tội gì cả. Không có việc gì hết, đừng sợ!”, người cha tâm sự với con gái.
Trước những cơn sóng ngầm từ phía gia đình nhà chồng, cuộc sống của anh chị cũng lao đao. Nhưng bằng tình yêu dành cho nhau, mái ấm nhỏ của họ vẫn trụ vững qua mùa bão giông. Dạo này sức khỏe của chị đã yếu hơn, hay đau ốm và mắc một số bệnh khác. Nó báo hiệu sự ảnh hưởng của chất độc hóa học Đioxin. Khó khăn lại chồng chất khó khăn. Chỉ khi ốm đau không trụ được nữa thì chị mới chịu nghỉ ngơi. Bình thường, hai vợ chồng vẫn bám lấy quán may nhỏ, để kiếm tiền nuôi các con và chữa trị cho chị.
Ở đời có những người bị tàn tật về mặt hình thể nhưng tâm hồn họ lại trong sáng. Nhưng ngược lại, có những người hoàn toàn lành lặn về mặt thể xác nhưng tâm hồn bị méo mó. Tôi đã đi và tìm thấy những tâm hồn đẹp ở nơi mảnh đất khắc nghiệt nhất miền Trung ấy. Những rặng phi lao vẫn rì rào bên những cồn cát trắng, chứng kiến cuộc tiễn đưa những số phận hẩm hiu về với đất mẹ. Chôn vùi những ước mơ, khát vọng sống của họ với đời. Nhưng vẫn còn đâu đó, những mảnh đời biết trước cái chết đã định đoạt, nhưng vẫn không thôi mơ ước. Nhìn hạnh phúc giản dị của anh chị Hải Bình, tôi thấy được điều đó.
Theo VNN
Một sự thật gây sốc
62 người trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (chủ yếu thuộc hai quận Hải Châu và Thanh Khê) được chọn ngẫu nhiên xét nghiệm khảo sát nồng độ dioxin và kết quả mới được công bố là 100% mẫu máu đều bị nhiễm chất độc này.
Đây là những người không có trong danh sách các nạn nhân chất độc da cam của thành phố, không có biểu hiện bị nhiễm dioxin như nhiều nạn nhân khác. Đầu tháng 9 này, 25 người (đợt 1) sẽ được ra Bệnh viện 103 - Học viện Quân y (Hà Nội) điều trị tẩy độc trên cơ thể bằng phương pháp Hubbard...
Cả họ bàng hoàng
Ông Võ Được chưa từng nghĩ trong cơ thể mình lại có dioxin, nhưng kết quả kiểm tra lại khác...
Suốt mấy ngày qua, ông Võ Được (58 tuổi, trú K195/4 Thái Thị Bôi) - người cao tuổi nhất trong đại gia đình họ Võ sống quanh khu vực tổ 53-54, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng luôn mang bên mình danh sách người thân vừa có kết quả nhiễm nồng độ dioxin cao. Bởi lẽ, cả gia đình và hàng xóm của ông không ngớt quan tâm, thắc mắc về vấn đề này.
Ông Được cho biết, năm 2006, 18 người trong gia đình bốc thăm ngẫu nhiên để lấy máu cho Dự án khảo sát và giải quyết ô nhiễm dioxin tại Đà Nẵng (DDAMP), Quỹ Ford tài trợ, do các thành viên Công ty Tư vấn Hatfield, Văn phòng 33 của Chính phủ và Bộ Y tế thực hiện.
Chuyện tưởng đã lãng quên, không ngờ vài tuần trước, cả họ (Võ Được, Võ Thấu, Võ Tư...) choáng váng khi hay tin 18 người đều bị nhiễm dioxin. Và bản thân ông Được cũng không nằm ngoài danh sách đó. Nói đến đây, người đàn ông luôn tỏ ra mực thước, điềm đạm, trình bày rành rọt vấn đề chợt nghẹn lời.
Dioxin từ đâu "vào" cơ thể, bị nhiễm chất độc này từ bao giờ, điều gì sẽ xảy ra tiếp sau đây...? Đó là những câu hỏi cứ bật lên không dứt trong tâm trí các thành viên gia đình ông. Theo ông Được, 18 người được xét nghiệm, còn các thành viên khác do sinh sống nơi khác hoặc làm ăn xa nên chưa có cơ hội khảo sát. Cầm tờ "gia phả" đặc biệt, ông liệt kê một số người đã mất vì ung thư gan, lâm bệnh khó chữa, vô sinh trong vài năm gần đây.
Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố cho biết cũng vừa nhận danh sách 62 người tham gia khảo sát. "Đau lòng"! Đó là câu cửa miệng của bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội khi nói về các trường hợp này. Nhiều gia đình khác cũng có cha mẹ, con cái và anh chị cùng nhiễm dioxin. Bà Hiền nói: "Lâu nay nói tới nạn nhân chất độc da cam thì mình nghĩ ngay đến những người tham gia kháng chiến, người thương tật, trẻ dị dạng... Không ngờ có những con người bề ngoài bình thường nhưng họ đã là "nạn nhân" từ bao giờ mà không hay biết".
Hy vọng vào phương pháp Hubbard
Khả quan với tẩy độc bằng phương pháp Hubbard Đó là nhận định của Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Vượng, người phụ trách quá trình điều trị tẩy độc cho các nạn nhân Đà Nẵng tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y trong thời gian tới. Bác sĩ Vượng cho biết, việc tẩy dioxin trên người bằng phương pháp Hubbard khả quan do những kết quả thu nhận từ Trung tâm khử độc Thái Bình, nơi đã thực hiện cho nhiều bệnh nhân là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong.
Cư dân sinh sống gần khu vực sân bay Đà Nẵng là đối tượng chính của nghiên cứu, được chọn một cách ngẫu nhiên và tự nguyện tham gia vào chương trình. Đối tượng tham gia tối thiểu 18 tuổi, phải sống tại khu vực nghiên cứu ít nhất 5 năm liên tiếp (loại trừ thời gian vắng mặt hoặc đi phép dưới 6 tháng) và được yêu cầu cho 80ml máu để phân tích dioxin, furan, PCBs, lipid huyết thanh.
Việc tẩy độc dioxin bằng phương pháp Hubbard được nhà khoa học L.Ron Hubbard nghiên cứu và ứng dụng ở Mỹ và Nga sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Phương pháp này được áp dụng điều trị cho binh lính Mỹ tham gia chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, lính cứu hỏa và các nạn nhân trong vụ sập Trung tâm thương mại thế giới ở New York.
Ông Được cho hay, các nạn nhân đợt này sẽ ra Hà Nội chữa khoảng một tháng và miễn phí hoàn toàn tiền đi lại, ăn ở, điều trị. Nếu thành công thì từ đây sẽ mở ra hy vọng cho nhiều người bất hạnh khác. Ông mong rằng các chương trình tẩy độc nên chú trọng vào đối tượng nạn nhân là người trẻ tuổi, bởi tương lai của họ còn rất dài.
Một điều nữa khiến ông và nhiều người khác quan tâm là nếu họ bị nhiễm dioxin từ nguồn nước hay các yếu tố khác liên quan tới môi trường thì sau khi chữa bệnh trở về liệu người dân nên có tiếp tục nếp sinh hoạt cũ hay không. Trước khi đợi các nhà môi trường vào cuộc, ông và người dân sống quanh đó chỉ biết ứng phó bằng cách tuyệt đối không dùng nước giếng khơi hay ăn các loại thủy sinh trên khu vực bị nghi nhiễm dioxin.
Theo Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Vượng, ở Việt Nam hiện nay chưa đưa ra kết luận chính thức về mức nhiễm dioxin có trong cơ thể như thế nào thì gọi là cao, và mức nào là bình thường, tùy thuộc những nước khác nhau mà họ đưa ra các tiêu chuẩn khác nhau. Về cơ bản thì phương pháp Hubbard giúp loại bỏ được rất nhiều độc chất. Với số lượng không nhỏ nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng được khuyến khích nên xây trung tâm khử độc tố. Tuy nhiên, đây là công trình đòi hỏi nhiều công sức, quyết tâm, tài chính và đội ngũ chuyên gia khử độc.
Chương trình lấy mẫu máu/sữa để khảo sát và giải quyết dioxin tại Đà Nẵng năm 2006, thuộc Dự án khảo sát và giải quyết ô nhiễm (DDAMP) Mô tả nghiên cứu: Nghiên cứu gần đây phát hiện hàm lượng cao hóa chất (dioxin và furan) trong đất, bùn tại sân bay Đà Nẵng. Có hàng trăm loại dioxin và furan khác nhau. Một chất đặc biệt trong số các chất này (TCDD) được Chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế xác định là yếu tố gây ung thư. Dự án nhằm khảo sát mức độ phơi nhiễm dioxin và furan trong môi trường và con người khu vực lân cận sân bay Đà Nẵng, đồng thời lên phương án bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như làm sạch khu vực phơi nhiễm. Phương pháp Hubbard Đây là phương pháp hoàn toàn dựa trên cơ chế tuần hoàn, trao đổi chất của cơ thể con người. Có thể hiểu một cách đơn giản là hóa chất độc hại khi nhiễm vào cơ thể chủ yếu được tích lũy ở các mô mỡ, nằm ngoài khả năng chữa trị của các loại thuốc thông thường. Mỗi ngày, những người bị phơi nhiễm dioxin dậy từ 5 giờ 30 để chuẩn bị cho quá trình tẩy độc. Sau khi được bác sĩ khám sức khỏe, đo huyếp áp, tim mạch, họ sẽ uống các loại vitamin chiết xuất từ thảo dược với hàm lượng cao rồi vận động mạnh trong 30 phút để mồ hôi toát ra càng nhiều càng tốt, sau đó xông hơi. Khi mồ hôi được toát ra, các chất cặn độc trong cơ thể cũng theo đó ra ngoài. Trong khi xông hơi, họ được bổ sung nước pha khoáng chất, muối biển nhằm bù lại lượng nước đã mất. Kết thúc một ngày xông hơi, các nạn nhân được bổ sung dầu thảo dược tăng cường sức khỏe. Thời gian tẩy độc có thể khác nhau, tùy thuộc vào lượng độc tố và sự biến chuyển bệnh tình của mỗi người. Thông thường mỗi người tham gia từ 20-25 ngày. Chỉ khi nào tình trạng bệnh của người tham gia có chuyển biến tốt, cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ thì mới kết thúc đợt khử độc.
Theo Dantri
Gần 30% thịt heo bày bán ở VN nhiễm chất độc Ngày càng nhiều mẫu thịt bị phát hiện có chất cấm gốc B-Agonit (tăng trọng, kích nạc). Đây là chất có thể làm tim đập nhanh, run cơ, đau đầu, buồn nôn...cho người sử dụng và đã bị cấm sử dụng hơn 10 năm nay. Kết quả kiểm tra, giám sát của Cục Thú y cho thấy, 43% số mẫu nước tiểu tại...