Chuyện tình cổ tích của đôi vợ chồng khuyết tật
“Em có biết người viết thư cho em suốt 5 năm đang ở gần đây không?”, Trương Thị Thà bất ngờ khi nghe anh bạn cùng lớp ngượng ngùng nói. Tình yêu của hai con người khuyết tật ấy được ‘dệt’ bằng hàng trăm lá thư.
Ngôi nhà đầy ắp tiếng cười của anh Xuân, chị Thà. Ảnh: B.M.
Người đàn ông còi cọc có tấm lưng gập xuống mệt mỏi ngồi nghỉ sau một chặng đường dài. Nước da rám nắng, đôi mắt to, anh cười hạnh phúc khi hai cô con gái thi nhau ngồi vào lòng. Thấy vậy, người vợ chân thấp chân cao cũng đến bên vui đùa với ba bố con. Căn nhà chừng 30 m2 của vợ chồng khuyết tật luôn đầy ắp tiếng cười.
Đã 10 năm nay, gia đình anh Xuân – chị Thà luôn được hàng xóm ngưỡng mộ. Suốt 5 năm thư từ và 2 năm bẵng tin tức, hai người tình cờ gặp lại khi cùng học lớp may cho người khuyết tật ở Sơn Tây, Hà Nội. Lần gặp lại ấy đã gắn kết cuộc đời của người đàn ông gù quê Phú Thọ và cô gái thọt chân ở Thường Tín, Hà Nội…
Bị khuyết tật ở chân sau trận sốt virus từ lúc 2 tuổi, để có thể đi lại, ngày ngày chị Thà được mẹ bế đi châm cứu. Vào lớp 1, Thà được anh chị ruột cõng đi học. Mỗi lần tự đi, Thà xiêu vẹo và “đổ kênh” giữa đường. Bị bạn bè trêu ghẹo vì cái chân thọt, thay vì buồn chán, cô bé quyết tâm học giỏi. Tốt nghiệp cấp 3, Thà thi đỗ vào khoa ngoại ngữ của một trường cao đẳng sư phạm gần nhà, nhưng đành phải nghỉ vì trường không nhận người khuyết tật.
Hai cô con gái khỏe mạnh là tài sản vô giá của đôi vợ chồng khuyết thật Xuân – Thà. Ảnh: B.M.
Năm 1995 khi đang học lớp 10, Thà tình cờ nhận được thư kết bạn của một chàng trai ở Phú Thọ tên Phạm Quý Xuân. Ngày ấy, bạn bè trong lớp nghịch ngợm đã đăng tên, địa chỉ của Thà lên mục kết bạn trên đài. Từ đó, Thà làm bạn qua những cánh thư với người bạn trai chưa biết mặt. Mỗi lần thư gửi về trường, đám bạn trong lớp lại trêu Thà “có thư của bồ kìa”. Nghỉ hè, để không bị ngắt quãng liên lạc, cô cho người đàn ông đó địa chỉ nhà. Dù chưa gặp nhưng cô xem người bạn ấy như chỗ dựa tinh thần, chia sẻ hoàn cảnh gia đình, việc học tập và cả những buồn vui hàng ngày.
Lá thư của người này được gửi đi là đều đặn có thư hồi âm của người kia. Thà xếp cẩn thận thư đầy ắp trong hai thùng đựng mỳ tôm. Cả hai cùng kể cho nhau về gia đình nhưng tuyệt nhiên không ai đả động tới khuyết tật của mình. Người bạn trai trong thư của Thà sinh năm 1971 ở vùng quê nghèo Tam Nông, Phú Thọ. Hơn 20 tuổi, cậu thanh niên cao ráo đẹp trai nhất làng bỗng nhiên gù gập người sau một trận ốm. Thân hình teo tóp, Xuân phải chữa trị ròng rã nhiều năm mới đi lại được.
Cuộc sống vất vả, nghèo khổ lại ít giao lưu với bên ngoài nên Xuân lấy những bức thư viết cho Thà làm nguồn sống. Suốt 5 năm gửi thư cho cô gái mãi tận Thường Tín, Xuân đem lòng thương nhớ. Nhận được ảnh của Thà nhưng Xuân không gửi ảnh mình cho cô. Nghĩ tình cảm của mình bị trêu đùa, Thà cắt đứt liên lạc với người đàn ông này năm 2000.
Hai năm sau, cả hai lên Sơn Tây học nghề nhưng không hay biết mình cùng đăng ký một lớp. Thấy danh sách lớp có cái tên và địa chỉ quen nhưng cả anh Xuân và chị Thà không ai dám nhận. Anh Xuân chủ động tiếp cận nhưng chưa tiết lộ với Thà mình chính là người đàn ông viết thư cho chị suốt 5 năm trước. Anh lặng lẽ quan tâm, chăm sóc và chịu khó lên phòng ký túc xá của Thà chơi. Những người bạn cùng phòng biết ý thường tạo điều kiện cho anh Xuân “cưa cẩm”.
Chị Thà cho biết, hôm đi thăm cô giáo ốm, anh Xuân mới mạnh dạn tiết lộ sự thật. Không lâu sau trong dịp đi chơi Noel, anh ngỏ lời yêu và muốn cưới. Không muốn con khổ, cả hai gia đình kịch liệt phản đối. Cơi trầu thưa chuyện của gia đình anh Xuân mang tới bị nhà chị Thà trả lại. Đến lần thứ ba, hai bên mới đồng ý cho các con kết hôn.
Video đang HOT
Quầy hàng ít ỏi của chị Thà ở chợ. Ảnh: B.M.
Học xong, chị Thà có em bé, cuộc sống của gia đình nhỏ càng trở nên vất vả. Hai bên gia đình đều nghèo nên chẳng giúp được gì. Vợ chồng chị mở hiệu may ở nhà nhưng cũng không có khách. Hôm đi đẻ, nhà không có một đồng, chị Thà đành nhờ mẹ vay hàng xóm hơn một triệu đồng. Sinh con gái đầu lòng, bé Phạm Hoàng Phúc, chị Thà ăn cơm muối vừng ròng rã. Thỉnh thoảng bà ngoại mua cho vài lạng thịt chị mới được cải thiện.
Để có tiền nuôi con, vợ chồng chị chuyển sang buôn quần áo. Vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 200.000 đồng, anh chị đi lấy hàng chịu hết 500.000 đồng. Kinh doanh khấm khá, anh chị mạnh dạn lấy thêm nhiều quần áo trẻ em ngồi bày bán ở chợ. Được nhà ngoại cắt cho miếng đất, vợ chồng thêm thắt xây được căn nhà tình nghĩa. Trước đó, anh chị ở căn lều ngoài đồng.
Hàng ngày, vợ chồng chị chở nhau đi chợ. Hai cô con gái, học lớp 3 và lớp 1, khỏe mạnh tự đèo nhau đi học. Buổi trưa, anh Xuân về chuẩn bị cơm cho bọn trẻ rồi quay lại bán hàng cùng vợ. Sạp hàng của vợ chồng anh ở ngay cổng chợ Vồi, huyện Thường Tín.
Người chồng còng lom khom chỉnh sửa gian hàng ngoài trời của mình, góc khác, chị vợ cũng xoay sở với chiếc ô to che quần áo cho đỡ nắng. 8 năm bán hàng ở đây, anh chị có nhiều khách quen. Năm nay bán hàng khó khăn, nhiều tháng ế ẩm khiến chị Thà phải tiêu cả vốn. Ngoài chi tiêu hàng ngày và lo cho hai con đi học, chị Thà cũng phải vun vén để có tiền chữa bệnh cho chồng. Nhắc đến chồng, khuôn mặt chị ửng đỏ và luôn miệng cười. Với chị, tình yêu dành cho người chồng gù lúc nào cũng như ngày mới yêu.
Ước mơ của vợ chồng chị Thà là sửa sang lại để ngôi nhà đỡ dột. Ảnh: B.M.
Từ ngày có hai cô con gái, ngôi nhà của anh chị lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ, tiếng bố mẹ nô đùa với con. “Vất vả nhưng nhìn thấy hai con khỏe mạnh, vợ chồng nhịn nhường cho con được ăn ngon. Có đêm mưa to, nhà ngập và dột đúng chỗ giường các con nằm, vợ chồng tôi khoác áo mưa đứng che mưa cho hai cháu ngủ đến sáng”, chị Thà chia sẻ.
Hiện tại, đôi vợ chồng khuyết tật chỉ mơ sửa được mái nhà cho đỡ dột và có thêm ít vốn lấy hàng bán. Nghĩ đến khoản tiền nợ 20 triệu đồng sắp đến kỳ trả gốc, chị Thà lại lo lắng chưa biết vay đâu.
Ông Dương Đăng Thành, đội trưởng đội 3, thôn Văn Giáp, Thường Tín cho hay, anh Xuân, chị Thà sống ở thôn này đã 7-8 năm nay. Sức khỏe yếu nên vợ chồng chị không làm ruộng mà chạy chợ. “Tàn tật nhưng vợ chồng anh Xuân rất chịu khó làm lụng. Mặc dù hàng tháng hai người được hưởng trợ cấp cho người khuyết tật nhưng gia cảnh vẫn túng thiếu. Xóm đã hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho gia đình này”, ông Thế cho biết.
Theo VNE
Cậu bé bốn tuổi vừa biết nói đã biết đọc
Vừa hết lo lắng con bị câm, một đôi vợ chồng trẻ tại cồn Ốc (xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) phát hiện con trai mình đọc vanh vách những dòng chữ chạy trên tivi và trên bất cứ giấy tờ nào có con chữ.
Xứ Cồn xôn xao vì "thần đồng"
Vừa bước lên phà, chúng tôi lân la hỏi thăm thì một phụ nữ ngoài 40 tuổi hào hứng kể: "Nhà tui ở ngay bên cạnh. Thằng nhỏ đó trước đây ai cũng tưởng bị câm chú ạ. Hơn 3 tuổi rồi mà chưa biết nói. Thế mà thời gian gần đây, cả cái cồn này cũng ngạc nhiên vì tự dưng nó biết nói sau đó còn biết đọc. Chú không tin cứ tới nhà "thử" là biết liền à!".
Bé Đạt rất nghịch ngợm, hiếu kì so với các bạn cùng trang lứa.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm gọn giữa những tán dừa xanh Cồn Ốc, chị Đoàn Thị Thùy Trang, mẹ cháu kể: bé Đạt sinh ngày 10/8/2008. Đạt là đứa trẻ sanh non nên rất yếu, cha mẹ phải chăm sóc rất kĩ từ nhỏ. Lúc được 9 -10 tháng tuổi, Đạt bắt đầu biết nói "pa, pa", "ma, ma" nhưng về sau im bặt không nói thêm được tiếng gì.
Đạt càng lớn thì anh chị càng lo lắng bởi các bé khác cùng tuổi đã bắt đầu biết nói còn bé Đạt chỉ biết... la. Đến khi Đạt lên 2, cha mẹ quyết định đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ở TP.HCM sau khi anh Toàn (cha bé) phát "sốt" vì có người trong xóm nghi ngờ "hay con thằng Toàn bị câm ta?".
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán Đạt có dấu hiệu của trẻ bị tự kỉ và khuyên anh chị nên đưa bé đi nhà trẻ sớm để Đạt được tiếp xúc với bạn bè. Bác sĩ cũng nhận định việc bé Đạt chậm nói là việc bình thường vì lưỡi cháu khá dày và to, song nếu hai năm sau Đạt vẫn không nói được thì phải đưa bé lên bệnh viện để điều trị.
Sau khi đưa con về nhà, anh chị tức tốc sắp xếp công việc và đem gửi con ở nhà trẻ trong "bờ" vì ngoài cồn không có chỗ nào nhận trẻ mới hai tuổi. Thời gian đầu, bé Đạt chỉ lẽo đẽo đi theo cô giáo, hễ bạn bè tới gần là bé nổi cáu, hoặc khóc thét lên. Nhưng về sau Đạt làm quen dần và chơi với bạn bè nên cha mẹ cũng đỡ lo. Cũng như những đứa trẻ khác, bé Đạt rất thích những chương trình vui nhộn như phim hoạt hình, quảng cáo... trên ti vi.
Đến lúc được ba tuổi, Đạt bắt đầu bập bẹ nói trong sự vui mừng không kể xiết của cha mẹ. Một thời gian ngắn sau, chị Trang bắt đầu để ý khi thấy con chăm chú đọc theo những dòng chữ chạy trên màn hình của bản tin "thị trường giá cả" sau chương trình thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam.
Lúc đầu chị Trang cho rằng con mình nhại theo giọng cô phát thanh viên, nhưng về sau chị phát hiện Đạt đọc theo dòng chữ mà người dẫn chương trình không đọc. Quá ngạc nhiên nhưng anh chị cũng chưa dám tin. Anh Toàn liền lấy một tờ báo và chỉ vào một dòng chữ thì cháu bập bẹ đọc, anh liền chỉ vào những dòng khác thì cháu cũng đọc được luôn.
Cha bé rất tự hào vì con biết đọc sớm và càng lớn càng giống mình như đúc.
Chưa hết mừng đã lo
Hiện bé Đạt đi tới đâu là bị những người lạ hiều kì "thử" tài "thần đồng". Ban đầu bé còn sợ sệt và nhút nhát vì gặp người lạ nhưng bị mọi người quan tâm và "thử" nhiều quá nên thành ra bạo dạn. Ai hỏi gì cũng trả lời, ai đưa gì cũng đọc.
Chị Trang nhớ lại câu chuyện nới xảy ra gần đây mà vẫn còn buồn cười. Chả là mới đây chị đưa con qua phà thì mấy chú ở phòng bán vé phát hiện ra "cậu bé thần kỳ" nên giữ lại thử. Hết người này tới người khác đưa từ vé số, nhãn bánh kẹo, giấy chứng minh nhân dân, bằng lái xe, hóa đơn điện thoại, sách báo... mang đến cho Đạt. Bất cứ cái gì mọi người đưa ra bé Đạt đều đọc được hết. Mọi người tỏ ra thích thú và ngạc nhiên không tin vào mắt mình.
Kết quả là bữa đó chị trễ một chuyến phà vì không thể dứt con ra được đám đông hiếu kỳ. Nhiều lần khác chị đưa con đi chợ cùng, cứ đi tới đâu là bé Đạt bị "bắt" lại ở đó. Bà con ai cũng muốn kiểm chứng xem bé Đạt có thực sự đọc được chữ như những lời đồn hay không. "Nhiều người thưởng bánh kẹo, trái cây làm thằng bé cầm không hết" - chị Trang tự hào kể.
Chuyện bé Đạt có thể đọc vanh vách cũng khiến chính chúng tôi cũng bán tín bán nghi mặc dù nghe đích danh cha mẹ bé kể lại. Anh bạn đi chung liền mở máy tính xách tay lên và tìm một câu chuyện cổ tích để thử tài cậu bé. Ban đầu Đạt tỏ ra hơi lúng túng vì lần đầu tiên bé nhìn thấy máy tính xách tay nhưng chỉ một lát sau là cậu quen liền và bắt đầu lẩm nhẩm đọc.
Tôi mở túi lấy sổ tay với những con số, chữ nghĩa viết vội của mình ra, Đạt cau mày (có lẽ do chữ viết tốc ký trong sổ tay công tác không được rõ ràng và khó đọc) nhưng cu cậu vẫn đọc được, thậm chí còn khá trôi chảy.
So với các bạn cùng lớp, Đạt là đứa trẻ rất hiếu kỳ và tò mò. Cô giáo dạy Đạt cho biết: "Thằng bé bình thường thì rất ngoan nhưng đã muốn nghịch ngợm gì là "tới nơi tới chốn" cho dù cô giáo có la mắng đến thế nào". Trái ngược với sự khép kín và nhút nhát lúc còn nhỏ, hiện nay bé Đạt cực kỳ vui vẻ, hòa đồng với bạn bè. Chỉ có điều việc dạy bé học phát âm hoặc viết chữ rất khó khăn, vì "nhiều lần chị kèm cháu đánh vần nhưng cháu không chịu, đưa từ nào ra là Đạt đọc luôn từ đó và nói là "con biết đọc rồi còn đánh vần gì nữa (!)", chị Trang cho biết.
Hai vợ chồng anh Toàn chị Trang hiện vẫn rất lúng túng trước khả năng kỳ lạ của con. Thêm nữa thời gian này, chuyện bé Đạt biết đọc khi chưa từng được học chữ cũng khiến anh chị cảm thấy bối rối, phiền phức khi bà con trong vùng người thì đồn bé Đạt là "thần đồng", là "Thánh Gióng", không ít người lại nghi ngờ chắc cha mẹ kèm chữ bé từ nhỏ nên bé mới quen mặt chữ và đọc lưu loát như vậy. Có người còn khuyên anh chị nên hỏi thăm và gửi cháu Đạt cho Nhà nước nuôi. Anh chị cho biết thấy con biết đọc sớm cũng rất mừng nhưng hiện chưa biết phải "xử lý" thế nào.
"Niềm vui đi kèm sự lo lắng khiến đôi lúc anh chị mất ăn mất ngủ nhưng thôi thì tới đâu hay tới đó", anh Toàn tâm sự. Bố mẹ của cháu cũng cũng mong muốn khi bài viết này được đăng lên báo, sẽ sớm được các chuyên gia tâm lý biết đến giúp anh chị đưa ra việc tư vấn về cách dạy và chăm sóc con phù hợp nhất.
Tạm biệt xứ Cồn, mảnh đất sinh ra cậu bé "thần đồng", chúng tôi không quên an ủi và chúc mừng anh Toàn chị Trang. Mong là sau này Đạt lớn lên, được sự đầu tư, dìu dắt đúng hướng của gia đình và sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như giới khoa học, bé Đạt sớm trở thành nhân tài sau này phục vụ cho đất nước.
Không nên ép học
Cô Lê Thị Nhung, giáo viên Trường mẫu giáo Hưng Phong, người trực tiếp dạy dỗ bé Đạt cho biết: Cháu là trường hợp lạ lùng mà hơn 20 năm đi dạy tôi mới gặp. Ban đầu khi thấy bé Đạt đọc được tôi cũng không tin nổi và nghĩ rằng chắc cháu "thuộc lòng". Nhưng sau này tôi trực tiếp thử đi thử lại nhiều lần mới dám tin là cháu biết đọc thật. Vì lưỡi bé Đạt hơi to và dày nên việc cháu chậm biết nói là việc bình thường và việc dạy Đạt phát âm, viết có thể khó hơn những đứa trẻ khác, cô Nhung nhận định. Cô Nhung cũng cho rằng nên để bé Đạt phát triển bình thường và không nên dạy toán, dạy chữ sớm cho cháu
Theo Vietbao
Xử ngay "ác thú" Vụ thảm án tại phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội rạng sáng 24-6 khiến dư luận chấn động, bàng hoàng: Nghịch tử Lưu Văn Thắng (SN 1986) đã giết hại cả cha mẹ mình chỉ vì xin tiền để trả nợ mà không được. Nghịch tử vô đạo "Đọc mà rùng rợn hết người. Thế này có tử hình trăm lần không...