Chuyện tình cổ tích của chàng trai miệt vườn và cô gái tật nguyền
Trong thời gian tuyệt vọng nhất thì cũng là lúc chị gặp được một chàng trai hiền lành xứ miệt vườn Nam bộ. Cũng từ đó, đôi uyên ương trẻ đã viết nên câu chuyện cổ tích về tình yêu.
Sinh ra tại một miền quê nghèo khó thuộc xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), cô gái Nguyễn Thị Phương (SN 1979) đã sớm gánh chịu những nỗi đau vì căn bệnh u tủy. Sau khi gia đình phải bán cả đàn trâu để đưa Phương đi chữa trị, năm 2000, thiếu nữ trẻ quyết định vào Nam lập nghiệp nhưng căn bệnh quái ác lại sớm quật ngã chị.
Trong thời gian tuyệt vọng nhất thì cũng là lúc chị gặp được một chàng trai hiền lành xứ miệt vườn Nam bộ. Cũng từ đó, đôi uyên ương trẻ đã viết nên câu chuyện cổ tích về tình yêu, nghị lực sống và vươn lên trên mọi khó khăn, đau khổ để khẳng định chân lý “sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ”.
Cuộc sống vật vã với bệnh tật
Chị Nguyễn Thị Phương sinh ra trong một gia đình nghèo có đến 5 anh em ở một miền quê khốn khó. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngoài giờ học, Phương phải tranh thủ nhặt rau, chăn bò… phụ giúp gia đình. Mặc dù mọi người trong nhà đã cố gắng làm việc cật lực nhưng cuộc sống vẫn bữa đói bữa no. Cứ như vậy đến mùa hè khi vừa kết thúc lớp 9, Phương thấy trong người mệt mỏi, chân yếu, rồi đi vấp té, không làm chủ được bản thân. Lúc đó, với trình độ chuyên khoa của một bệnh viện tuyến huyện thì chỉ chuẩn đoán được cô bé mới lớn bị chứng gai đốt sống, rồi bệnh thần kinh tọa…
Với những chẩn đoán như vậy, gia đình và bé Phương lúc bấy giờ chỉ nghĩ rằng nếu chịu khó nghỉ ngơi ít hôm thì sẽ đi lại được bình thường. Tuy nhiên, càng ngày bệnh của Phương càng nặng thêm và đôi chân thoăn thoắt ngày nào đã không còn cảm giác. Đến lúc này cả nhà mới tá hỏa bán hết đàn trâu với mấy tạ thóc và đi vay mượn khắp nơi mới đủ 15 triệu đồng để đưa Phương ra Hà Nội chữa trị. Tại đây, mọi người trong gia đình Phương ai cũng lo lắng khi bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh u tủy. Mặc dù kinh tế rất khó khăn nhưng vì thương con nên bố mẹ Phương vẫn tiếp tục chạy vạy để có tiền phẫu thuật. Sau nhiều ngày vật vã chữa bệnh, đôi chân Phương đã đi lại bình thường trong niềm vui sướng tột độ của những người xung quanh. Tuy nhiên, khi trở về quê, gánh nặng nợ nần đã khiến Phương phải bỏ học giữa chừng, ở nhà phụ việc giúp gia đình mưu sinh.
Năm 2000, thấy cơ thể đã khỏe mạnh trở lại, Nguyễn Thị Phương xin phép gia đình theo chúng bạn vào miền Nam làm ăn để tích góp một ít tiền rồi về quê ổn định cuộc sống. Được bố mẹ chấp nhận, chị rời quê hương vào làm công nhân giày da cho doanh nghiệp Duy Hưng ở tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, định mệnh lại một lần nữa gắn số phận cô gái trẻ với căn bệnh quái ác. Vào Bình Dương không được bao lâu thì đôi chân của Phương lại có dấu hiệu tái phát.
Vốn đã gây nhiều phiền não cho bố mẹ mình nên Phương đã cố gắng vượt qua nỗi đau thể xác để vừa đi làm vừa chữa bệnh. Những ngày tháng đó, cô gái xứ Nghệ đã dặn dò anh chị em đồng nghiệp rằng không ai được báo tinvề việc mình phải nằm viện về quê nhà. Tuy nhiên, căn bệnh u tủy quái ác hàng ngày cứ đeo bám, hành hạ khiến Phương sụt cân nghiêm trọng, sức khỏe ngày càng yếu hơn cho đến khi liệt hẳn, từ chân lên bụng không còn cảm giác. Lúc đó bố mẹ Phương cũng biết và nhanh chóng đón xe vào chăm con. Hai mẹ con dắt nhau đi chữa đông chữa tây nhưng dường như số phận đã an bài.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Mặc dù đang phải chống chọi với những cơn đau thể xác nhưng chị Phương không giấu được niềm vui khi nhắc đến anh Trương Văn Chín (SN 1978), một chàng trai sinh ra ở miệt vườn Nam Bộ thuộc huyện Cái Bè (Tiền Giang). Anh chính là người đã giúp chị vượt qua những lúc khó khăn nhất, những lúc tuyệt vọng tưởng chửng như chỉ muốn chết đi để kết thúc cuộc đời đầy bất hạnh của mình.
Cũng như bao thế hệ thanh niên Việt Nam, đến tuổi trưởng thành, anh Chín nhập ngũ vào quân khu 4, đóng quân ở Bình Dương. Cũng thật tình cờ, trong một lần anh Chín bị lây bệnh dịch nô – na vào năm 2001 nên cũng phải vào viện điều trị. Ngày 30/9/2001, khi chị Nguyễn Thị Phương ra khuôn viên bệnh viện để đi dạo như thường ngày thì bất ngờ gặp một chàng trai miền nam rất thân thiện. Tuy mới lần đầu gặp mà nói chuyện với nhau nhưng cứ như quen biết từ lâu lắm. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã khiến hai con người xa lạ trở nên thân thiết nhau hơn bao giờ hết. Họ quan tâm đến bệnh tình của nhau, động viên nhau vượt qua những khó khăn trước mắt. Và rồi một tình yêu diệu kỳ giữa chàng trai miệt vườn và cô gái tật nguyền xứ Nghệ bắt đầu đâm chồi nảy lộc.
Video đang HOT
Năm 2002, anh Chín đưa người yêu về nhà giới thiệu với gia đình và cả nhà ai cũng quý mến, vun vén cho tình yêu của đôi trẻ. Những tưởng từ đây chị sẽ được hưởng hạnh phúc, nhưng căn bệnh vẫn không buông tha cho chị, nó tái phát làm chị liệt nửa người, bao hi vọng, bao ước mơ tan biến.
Sau đó, chị Phương quyết định về quê và viết một bức thư chia tay người yêu, mong anh sẽ tìm được người con gái khác chăm sóc và đem lai hạnh phúc cho anh. Nhưng rồi, chưa đầy 4 tháng sau anh Chín đã tìm về Nghệ An, nơi chị đang chống chọi với căn bệnh quái ác ngày càng bòn rút và hủy hoại tuổi thanh xuân của chị. Mặc cho sự xua đuổi của Phương, anh vẫn một mực xin ở lại để chăm sóc, bù đắp mất mát cho Phương. Không thể thay đổi được, Phương chấp nhận yêu cầu của anh Chín.
Chị Phương nhớ lại: “Ngày đó tôi chỉ muốn chết đi để giảm đi nỗi lo của bố mẹ cũng như giải thoát cho người yêu nhưng đúng hai ngày sau khi anh Chín đến nhà, thì tôi nghe tin của bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM bảo đoàn giáo sư của Pháp mới sang, mời tôi nhập viện. Để có tiền vào Sài Gòn chữa bệnh, một lần nữa, gia đình tôi đã phải bán hết trâu bò, vay mượn anh em họ hàng để gom được 10 triệu đồng”.
Lúc bấy giờ chị Phương đã hi vọng rất nhiều, mong cuộc đời mình sẽ thay đổi từ đây. “Lần trước đi mổ tôi ngủ không được nhưng lần này, mặc dù không ăn gì, nhưng tôi vẫn thấy trong người khỏe hẳn, đêm ngủ rất ngon”, chị Phương chia sẻ. Hi vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn, ca mổ kéo dài 8 tiếng nhưng bệnh chị lại càng nặng thêm. Tiền mất tật mang, tình cảnh còn thảm hại hơn trước khi mổ, cơ thể của chị Phương không còn cảm giác từ bụng đến chân, ăn vào lại nôn ra. Không chỉ có vậy, chị Phương còn bị nhiều căn bệnh quái ác tấn công như: sỏi mật, yếu tim, yếu thận, viêm dạ giày, viêm đại tràng… Biết bệnh không thể cứu chữa, chị về quê, anh Chín lúc đó cũng xin được về theo chăm người yêu cho dù bữa đói, bữa no cuộc sống vất vả.
Năm 2006, cảm động trước câu chuyện tình yêu của cô gái Nghệ mang căn bệnh hiểm nghèo cùng chàng trai quê gốc Tiền Giang lành lặn, Tổng Giám đốc tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long đã đưa chị Phương đi chữa bênh miễn phí ở bệnh viện của tập đoàn này tại Sơn Tây (Hà Nội). Sau những ngày chữa trị tích cực cùng với sự tận tâm của của y bác sĩ, bệnh của chị Phương đã có những bước cải thiện, chị tăng lên 2kg. Cũng trong thời gian này, công ty đã tổ chức đám cưới cho anh Chín và chị Phương trước sự vui mừng không kể xiết của hai họ. Sau nỗi đau của bệnh tật, một kỳ tích đã đến với cô gái tật nguyền khi chị Phương được thông báo đã mang thai. Mới 8 tháng 12 ngày chị đã chuyển dạ và hạ sinh một cậu bé khôi ngô, lém lĩnh, gia đình đặt tên là Trương Bảo Phúc.
Tổ ấm hạnh phúc của chị Phương.
Bác Nguyễn Công Lan (70 tuổi, bố chị Phương – PV) ngậm ngùi: “Từ khi mắc bệnh, Phương chịu khổ nhiều rồi, cũng may ông trời bù cho nó một cậu con trai rất ngoan, ít khóc, ăn rồi ngủ, ít khi quấy mẹ lắm. Bây giờ, cháu Bảo Phúc đã lên 7, rất lém lỉnh, nhanh nhẹn và đã biết thay bố (anh Chín đi làm ăn xa -PV) chăm sóc mẹ, quét nhà, rót nước khi mẹ khát… Để lưu lại những khoảnh khắc tình yêu của mình, anh Chín, chị Phương đã quyết định cho in cuốn tự truyện “Cổ tích tình yêu”. Không lâu sau đó, anh chị đã được Trung ương hội liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng giải thưởng Thanh niên sống đẹp năm 2012.
Theo Nguoiduatin
Chuyện tình cổ tích: Hơn 50 năm làm "đôi mắt" cho chồng
Chuyện tình cổ tích của ông Nguyễn Cộ (SN 1933) và bà Trương Thị Bé (SN 1933, trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) bao năm qua khiến nhiều người phải trầm trồ, thán phục.
Hơn 50 năm, hai vợ chồng bám víu vào nhau mưu sinh bằng nghề bán chổi. Chồng bị mù, người vợ trở thành "đôi mắt" để chồng nhìn thấy được ánh sáng, niềm tin của cuộc đời.
Bà Bé trở thành "đôi mắt" của chồng trên chặng đường mưu sinh.
Vợ là "đôi mắt"
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, nằm nép mình tại con hẻm nhỏ thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, vợ chồng ông Cộ đang tất bật chuẩn bị cho 1 ngày mưu sinh. Dáng người gầy còm, đôi mắt của ông Cộ không nhìn thấy được ánh sáng, nên dường như mọi chuyện đều nhờ vào bàn tay yếu ớt của người vợ.
Ông Cộ kể: "Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, trong cuộc chiến tranh tôi để lại đôi mắt vĩnh viễn nơi chiến trường. Năm 1967, về quê lập nghiệp cũng là lúc tôi sống trong bóng tối".
Bị mù, nhưng ông Cộ vẫn sống với niềm tin và nghị lực. Hiểu và cảm thông hoàn cảnh của nhau, ông Cộ và bà Bé nên duyên vợ chồng và có với nhau được 4 người con (3 trai, 1 gái).
"Nhiều khi nghĩ tôi vẫn còn may mắn vì gặp được người vợ yêu thương mình. Tôi thì cũng chỉ là người dân nghèo, lại bị mù, bao nhiêu năm tôi chưa cho bà được cái sung túc, đầy đủ như người ta nhưng bà vẫn không hờn giận, oán trách. Bà chính là "đôi mắt" của tôi, không có bà coi như cuộc sống của tôi không còn ý nghĩa gì nữa" - ông Cộ tâm sự.
Hai vợ chồng ông Cộ chắt chiu từng đồng để nuôi 4 con nên người. Ba người con trai đầu đều cuộc sống nghèo khó và mang trong mình bệnh hiểm nghèo. Cô con gái út khỏe mạnh thì chồng mất sớm, lam lũ nuôi 4 đứa con ăn học nên không đỡ đần được mấy cho vợ chồng ông bà.
Bà Bé nghẹn ngào nói: "Vợ chồng tôi không có số hưởng thụ tuổi già, sinh con ra nhưng đứa nào cũng nghèo khổ, có lo gì cho mình được đâu. Ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng phải làm lụng để kiếm tiền chứ không thì chết đói".
Nặng gánh mưu sinh
Ngày qua ngày, vợ chồng ông Cộ tất bật lặn lội khắp con đường ngõ hẻm của thành phố để mưu sinh. Mỗi chuyến mang theo khoảng 30 cây chổi để bán, vợ cầm gậy chỉ đường cho chồng. Bắt đầu từ sáng tinh mơ cho đến khi tối mịt thì một ngày mưu sinh mới kết thúc.
Hạnh phúc giản đơn của gia đình "chồng mù, vợ sáng".
Theo ông Cộ, với mỗi cây chổi có giá từ 30 đến 50 ngàn đồng thì vợ chồng ông chỉ lời được vài ba ngàn. Mỗi ngày bán được khoảng 10 cây chổi thì đủ tiền cơm. Đó là những ngày trúng mánh, còn ngày mưa thì chỉ biết ăn mì tôm, bánh mì để cầm chừng.
Trên chặng đường mưu sinh, 2 vợ chồng ông Cộ gặp không ít trở ngại. Tuổi cao, chân tay yếu ớt nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Ông mắc bệnh huyết áp, bà mang trong mình căn bệnh viêm khớp mạn tính, nhưng đôi vợ chồng này vẫn không nản lòng. Ông bà chắt chiu từng đồng để có cơm ăn, áo mặc và trang trải tiền thuốc men lúc đau ốm.
"Nhiều lúc đi đường tôi mệt quá té ngã là chuyện bình thường. Có khi bà bỏ cả chổi lại để đưa tôi vào viện, dù không nhìn thấy nhưng tôi biết bà rất lo cho tôi. Hơn 50 năm chung sống, vợ luôn động viên, an ủi, nhờ bà mà tôi thấy cuộc đời đẹp hơn" - ông Cộ chia sẻ.
Mọi chuyện trong gia đình đều do một tay bà Bé lo liệu. Từ miếng cơm cho đến cái quần, cái áo..., tất tần tật bà đều chăm sóc chồng chu toàn.
Nhiều lần bà Bé muốn ông Cộ ở nhà cho khỏe, để mình bà đi bán nhưng ông không đồng ý. Ông bảo muốn đi cùng bà có khó khăn thì còn tương trợ, ông không muốn làm gánh nặng cho người vợ của mình. Thế là dù mưa hay nắng, tiếng rao "chổi đây, chổi đây" phát ra từ đôi vợ chồng già cứ vang vọng trên khắp nẻo đường.
Trong căn nhà chật hẹp, tiếng cười nói của đôi vợ chồng già bỗng ấm cúng lạ thường. Dù khó khăn, mệt nhọc nhưng họ vẫn dành trọn tình cảm cho nhau.
Bị mù nên cuộc sống sinh hoạt của ông Cộ rất khó khăn, mỗi khi không có bà ông phải tự mò mẫm. Trải qua những trở ngại thường nhật, bà Bé vẫn dành cho người chồng sự thủy chung, tận tụy vì chồng vì con.
"Chồng tôi bị mù nên bản thân tôi làm vợ thì phải cố gắng gấp đôi những người vợ khác để bù đắp cho thiếu thốn của chồng. Nhiều khi nhìn thấy ổng bị té ngã vì không thấy đường, tôi thương lắm, nhưng sức tôi yếu rồi làm sao mà đỡ ổng nổi" - bà Bé rưng rức nước mắt.
Cuộc sống thiếu thốn nhưng hạnh phúc luôn dâng đầy trong căn nhà tuềnh toàng ấy. Bao năm qua, bà Bé đã trở thành "đôi mắt" để người chồng mình có thể cảm nhận được ánh sáng của cuộc đời. Chuyện tình cổ tích của họ đã vượt qua những định kiến, khó nhọc và được nhiều người trân trọng.
Theo Dũ Tuấn (Danviet.vn)
Những chuyện tình cổ tích của làng bóng đá Gia đình hạnh phúc đáng ngưỡng mộ của Suarez, Kaka, Robben, Becks... được xây đắp từ tình yêu, sự sẻ chia và lòng tin dành cho nhau. Vợ chồng Kaka được đánh giá là cặp đôi hoàn hảo, có sức hút nhất làng bóng đá. Cả hai tương xứng về ngoại hình, gia thế, trình độ, được coi là biểu tượng của một...