Chuyện tình buồn của một gái bán hoa
Nhận được tin Thoa đang mang thai, Thanh bối rối và đã “truất ngựa truy phong”. Chán đời, hết tiền… Thoa tìm đến nghề bán hoa để mua vui…
Nguyễn Thị Thanh Thoa (23 tuổi) là cô gái con nhà nghèo, hiền lành, nết na và từng là niềm tự hào của gia đình, họ hàng.
Học hết trường THPT ở Hà Tĩnh, không có tiền đi thi đại học, Thoa phải vào TPHCM tìm kiếm việc làm – gác lại mơ ước được đến giảng đường đại học như bạn bè trang lứa. Quãng thời gian làm việc nơi đất khách quê người, cô gái miền quê vẫn đau đáu niềm tin, sẽ cố gắng làm việc kiếm tiền ôn thi đại học.
Ban ngày chăm chỉ làm việc, chiều tối về cô lại lọc cọc đạp xe đến lò luyện thi để viết tiếp ước mơ. Trong nỗi khó khăn bộn bề, cô như tìm được điểm tựa khi gặp lại người bạn cũ Nguyễn Văn Thanh – người mà Thoa rất ngưỡng mộ khi 2 người học chung trường. Thế nhưng, khi gặp lại Thanh cũng là lúc bi kịch xảy đến.
Con đường trở thành gái bán hoa
Khi gặp chúng tôi, sự đau khổ, dằn vặt vẫn hiện rõ trên khuôn mặt của cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh Thoa. Cô tâm sự, gia đình cô rất nghèo, có 6 anh chị em, khi học hết THPT Thoa không đi thi đại học mà xin bố mẹ vào miền Nam làm việc, tích góp tiền năm sau thi đại học.
Được gia đình đồng ý, Thoa vào Nam tìm kiếm việc làm và xin vào làm công nhân cho 1 công ty may tại khu công nghiệp Sóng Thần. Thời gian đầu Thoa khóc ròng vì nhớ nhà, nhưng để viết tiếp ước mơ cô cố quên tất cả, chăm chỉ làm việc để có tiền ôn thi đại học.
Thoa kể, ngày nào cũng vậy, cứ mỗi ngày đi làm về, buổi tối cô đạp xe đến lò luyện thi để ôn bài, còn ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, Thoa ở nhà học cả ngày không đi đâu hết. Đối mặt khó khăn và nỗi nhớ nhà da diết, Thoa như tìm được điểm tựa khi gặp lại Thanh – người từng có nhiều kỷ niệm đẹp với Thoa.
Nguyễn Thị Thanh Thoa tâm sự với phóng viên trong nước mắt
Video đang HOT
Gặp lại bạn cũ, Thoa mừng như mở cờ trong bụng, đem mọi chuyện tâm sự với Thanh với bao vất vả mà mình đang trải qua nơi đất khách quê người. Còn Thanh từ lâu cũng đã thương thầm nhớ trộm Thoa nên khi gặp lại bạn cũ Thanh mạnh dạn ngỏ lời yêu đương và mong được chia sẽ buồn vui khi Thoa xa gia đình.
Mặc dù rất yêu Thanh, nhưng Thoa vẫn giữ một khoảng cách nhất định, cô không đi quá giới hạn. Thời gian làm công nhân tại công ty giày da tại một công ty cũng ở Bình Dương, Thanh luôn tỏ ra quan tâm, động viên Thoa lúc khó khăn, cứ hễ rảnh rỗi là Thanh thường lấy xe máy chở Thoa đi học.
Có những lúc Thanh chở Thoa về ngủ qua đêm tại phòng trọ mình thuê, nhưng 2 người vẫn không đi quá giới hạn vì Thanh yêu và tôn trọng Thoa. Nhưng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, có lần đi nhậu về, Thanh chở Thoa sang phòng trọ chơi, trong lúc không kiềm chế được dục vọng Thanh đã dùng vũ lực ép Thoa chiều mình. Biết mình phạm sai lầm Thanh xin Thoa thứ lỗi và hứa sẽ yêu thương cô hết mực, không phản bội.
Thế nhưng, sau khi nhận được tin Thoa đang mang thai, Thanh bối rối và đã “truất ngựa truy phong”, để lại một mình người bạn gái khổ sở khóc lóc tối ngày.
Tuyệt vọng, Thoa nhiều lần tìm đến cái chết để quên đi sự đời, nhưng nghĩ về gia đình nên Thoa đành chịu đựng. Sau khi đến bệnh viện phá thai, Thoa không còn tâm trạng làm việc, cô bỏ bê tất cả, thậm chí ước mơ cả đời người là được học đại học cô cũng buông xuôi.
Thoa sống vất vưởng và trải qua nhiều cuộc tình chóng vánh không hồi kết. Chán đời, hết tiền… Thoa tìm đến nghề bán hoa để mua vui…
Trải qua bao nhục nhã, ê chề… Thoa như tỉnh ngộ. Cô quyết tâm bỏ nghề bán dâm, trở lại làm người con gái năm xưa và đã xin vào làm cho 1 công ty may khác cũng ở Bình Dương.
Ngày vui đã trở lại với cô gái trẻ, mặc dù đang cố quên hết mọi ký ức trước đây, nhưng Thoa cùng không có ý định học lại để thi đại học nữa, cô quyết tâm làm việc để gửi tiền về phụ giúp gia đình và các em ăn học.
Hôn nhân đổ vỡ
Quãng thời gian làm tại công ty này, với vẻ đẹp dịu dàng, hiền hậu, Thoa được rất nhiều chàng trai để ý và ngỏ lời yêu đương, nhưng cô đã từ chối. Thế nhưng, duyên tình lại đến với Thoa một cách tình cờ khi cô bạn gái tên Huyền rủ Thoa đi uống nước với nhóm bạn.
Tại quán nước người bạn của Huyền là Nguyễn Văn Quang (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), như chết mê chết mệt vẻ đẹp của Thoa. Lân la nói chuyện, xin số điện thoại nhưng Thoa không dám cho, cuối cùng Quang phải nhờ tới Huyền mai mối làm quen.
Nhiều lần đi chơi chung với Huyền và gặp Quang trò chuyện, những lần như thế Thoa cũng động lòng vì những lời tâm sự chững chạc của người đàn ông tuổi 30. Quang đã hứa rất nhiều, anh bảo không quan tâm đến quá khứ của Thoa, cho dù có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa, khi yêu cô anh cũng đều chấp nhận.
Quá khứ luôn hiện về ám ảnh cô. Ảnh minh họa.
Quen nhau gần 1 năm trời, nhưng không bao giờ Quang hỏi về quá khứ của Thoa, anh chỉ hỏi thăm về gia đình và cố gắng giúp người mình yêu trong những lúc khó khăn. Còn Thoa, cô không dám kể cho người yêu biết về quá khứ tồi tệ vì cô sợ mất Quang – người đàn ông mà biết bao cô gái mơ ước.
Quen nhau với Quang được một thời gian thì đầu năm 2011, Quang nói muốn cưới cô làm vợ. Lúc đầu Thoa ngỡ ngàng và lo sợ, nhưng cô cũng không dám từ chối vì không có ai tốt với cô như Quang.
Nhưng nếu đồng ý thì sau này mọi chuyện vỡ lở thì không biết Quang có tha thứ cho cô hay không. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cuối cùng Thoa chấp nhận làm vợ Quang và quyết tâm chôn vùi quá khứ, không bao giờ để nó làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Đám cưới của đôi uyên ương diễn ra trong bầu không khí hân hoan với sự hiện diện của 2 gia đình sui gia và rất đông bà con họ hàng đến tham dự.
Có được vợ đẹp Quang ít đi chơi hơn, anh tu chí làm ăn, cứ làm việc xong là anh phóng xe về nhà ăn cơm chung với gia đình. Còn Thoa, từ khi lấy Quang cô cũng đỡ vất vả hơn, công việc hàng ngày của cô chỉ là cơm nước, chợ búa cho gia đình Quang.
Tưởng rằng cuộc sống như thế cứ trôi đi, nhưng những ám ảnh của quá khứ cứ hiện hữu trong đầu Thoa làm cô rất sợ hãi khi gần gũi với chồng. Trong giấc ngủ Thoa thường mơ ác mộng, cô mơ những lần bị khách làng chơi bóp cổ, ném những đồng tiền giơ bẩn vào người, kèm theo những lời sỉ nhục.
Những lúc mơ sảng, Thoa hét lớn làm Quang đang ngủ cũng giật mình, những lúc gặp ác mộng như thế Thoa chỉ biết ôm lấy chồng khóc lóc. Sự việc sau đó lại xảy ra liên tục như thế làm Quang không khỏi bận tâm, anh hỏi thì Thoa nói đó chỉ là cơn ác mộng vì thời bé cô thường hay mơ như thế. Quang ôm vợ vỗ về. Dằn vặt mãi, cuối cùng Thoa cũng đem chuyện kể cho chồng nghe để nhẹ lòng.
Nhưng thay vì những lời động viên tha thứ như Quang đã từng hứa, nghe xong chuyện Quang đay nghiến vợ, bố mẹ Quang cũng coi thường con dâu.
Quang đi làm không về nhà thường xuyên nữa, anh khinh thường và không thích gần gũi vợ. Quang bảo căm thù những việc làm của Thoa trước đây, anh ta ghét và không muốn thấy mặt Thoa trong căn nhà này nữa. Quang không đuổi vợ đi ra khỏi nhà, nhưng anh ta không trở về nhà khi thấy vợ đang ở trong phòng.
Đau khổ vì bị chồng và gia đình chồng bỏ rơi, Thoa thui thủi thu dọn đồ đạc bỏ nhà ra đi. Cô dọn về phòng trọ người bạn thân ở và tiếp tục làm công nhân may như lúc trước.
Theo ANTD
Chuyện những người trở về từ "địa ngục"
Nghĩ sao làm vậy, tôi quyết định xin đi cai nghiện. Được sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội, cùng ý chí nghị lực của một con người quyết tâm làm lại cuộc đời, tôi đã vượt qua được cám dỗ của ma túy", Dũng tâm sự.
Tài năng thể thao sa ngã
Đó là anh Trần Văn Dũng (quê xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) khi trò chuyện với chúng tôi về quãng thời gian anh đoạn tuyệt với ma túy trở thành người có ích cho xã hội.
Sinh ra trong một gia đình công nhân có 4 anh em, từ nhỏ Dũng đã được bố mẹ nuôi ăn học tử tế. Vốn có năng khiếu về thể thao, Dũng quyết tâm theo đuổi niềm đam mê. Năm 1989, khi còn đang là học sinh của trường năng khiếu Thể dục, thể thao tỉnh Thanh Hóa, Dũng là một vận động viên bắn súng tài năng được cử đi tập huấn tại Hà Nội. Trải qua những cố gắng vươn lên, năm 1990, Dũng chính thức gia nhập đội tuyển bắn súng quốc gia, niềm vui nhân đôi khi Dũng thi đỗ vào trường Đại học Thể dục - Thể thao ở Từ Sơn.
Trong Đại hội thể dục, thể thao toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, Dũng đã đoạt Huy chương vàng môn bắn súng, trở thành niềm tự hào không chỉ của đoàn thể thao Thanh Hóa mà còn là niềm hy vọng của thể thao nước nhà. Năm 1997, Dũng khi đó là vận động viên môn bắn súng của đoàn thể thao Việt Nam tham gia Seagame 19 tại Inđônêxia và đạt Huy chương bạc. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học, Dũng xin về Sở Thể dục, thể thao Thanh Hóa để đóng góp cho quê hương với vai trò là HLV. "Khi đó, mọi người nhận xét tôi là có năng lực, kỳ vọng tôi như một ngôi sao sáng", Dũng chia sẻ.
Cuộc đời của Dũng tưởng như sẽ thênh thang và bằng phẳng khi sự nghiệp lẫn công danh đều được trải thảm đỏ, ngờ đâu...? Qua nhiều lần giao du với bạn bè, Dũng tiếp cận với ma túy, và bập vào thú chơi chết người này.
"Lúc đầu tôi nghĩ mình chỉ thử để biết, chứ không thể nghiện được, nhưng không ngờ cuối cùng, "nàng tiên nâu" đã phủ bóng đen lên cuộc đời của tôi. Dù được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khuyên ngăn, nhưng tôi không khắc phục được, liều lượng sử dụng ma túy ngày càng tăng. Tiền bạc, sức khoẻ cũng theo ma túy mà cạn kiệt. Dù gia đình đã rất cố gắng đưa tôi đi cai nghiện, nhưng mọi chuyện bất thành" - Dũng cho biết.
Do nghiện ngập ma túy không đáp ứng được yêu cầu của một HLV, Dũng đã xin về công tác tại huyện nhà và giảng dạy tại một trường cấp 2. "Biết tôi bị nghiện, nhà trường quyết định không nhận và kiên quyết bắt tôi phải đi cai nghiện ma túy thì mới được giảng dạy. Nhiều đêm trăn trở nghĩ suy, tôi thấy mình không thể đánh mất cuộc đời như thế, mỗi lần nghĩ đến việc không được làm thầy giáo tôi lại ứa nước mắt. Tôi phải quyết tâm để không làm khổ gia đình và những người xung quanh...
Nghĩ sao làm vậy, tôi quyết định xin đi cai nghiện. Được sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội, cùng ý chí nghị lực của một con người quyết tâm làm lại cuộc đời, tôi đã vượt qua được cám dỗ của ma túy", Dũng tâm sự.
Sau khi vượt qua ma túy, Trần Văn Dũng đã tìm lại được hạnh phúc. Giờ đây, khi là một giáo viên, đã có gia đình với người vợ biết cảm thông chia sẻ, cùng những đứa con ngoan; trải qua bao thăng trầm, sóng gió của cuộc đời, anh càng có nhiều suy ngẫm. Đôi khi anh giật mình, lạnh sống lưng khi nghĩ về những ngày tháng lầm lạc, đắm say cùng "nàng tiên nâu".
Nhớ lại những ngày mê muội cùng "nàng tiên nâu", anh Vũ Chiến Thắng vẫn không khỏi giật mình, sợ hãi. Ảnh: Sỹ Hào
"Từ bỏ ma túy tôi đã lấy lại phần...người"Cũng tại Trung tâm giáo dục lao động số 2 (Ba Vì - Hà Nội), tôi đặc biệt ấn tượng khi gặp một chàng trai mà trước kia đã nhiều lần tìm đến cái chết trong tuyệt vọng. Anh là Vũ Chiến Thắng (Khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Anh kể, bi kịch cuộc đời của anh bắt đầu từ năm 1997 khi đó anh là lái xe đường dài, bị đồng nghiệp rủ rê vào con đường nghiện ngập. "Ban đầu tôi chỉ hút hít thôi nhưng sử dụng nhiều dẫn đến nghiện nặng, cuối năm 1998 tôi chuyển sang tiêm chích. Số tiền kiếm được dành dụm gửi hết cho... "nàng tiên nâu". Năm 1999, tôi đã tự cai nghiện tại nhà nhưng một năm sau lại tái nghiện và kéo dài cho đến tận năm 2004, những ngày tháng ấy, gia đình tôi như sống trong bi kịch, mọi người buồn phiền, lo lắng cho tôi. Để có tiền chích hút, tôi thường xuyên đi vay, bán đồ đạc trong nhà, thậm chí lừa gạt người thân lấy tiền sử dụng ma túy. Tôi thấy mình tồi tệ khi bạn bè, người thân xa lánh, sức khỏe suy sụp. Nhiều khi suy nghĩ lại tôi thấy mình chưa đủ quyết tâm để cai nghiện ma túy. Tôi đã dùng dao cắt đầu ngón tay, lấy máu viết lên tường để thể hiện quyết tâm rời bỏ ma túy. Gia đình mua cho tôi một sợi xích to, tự tay tôi xích chân mình vào song cửa sổ rồi bẻ gãy chìa khóa vứt đi. Với quyết tâm của bản thân, sự quan tâm giúp đỡ của mọi người, sau nhiều tháng vật vã tôi đã qua được giai đoạn cắt cơn nghiện ma túy".
Sau khi rời xa ma túy, Thắng quyết tâm làm lại từ đầu. Nhưng, đã mang tiếng "nghiện" cũng đồng nghĩa bị mất hết niềm tin nên tìm một việc là là điều vô cùng khó khăn. Sau nhiều trăn trở suy nghĩ, Thắng quyết định mở quán rửa xe máy tại nhà, đúng lúc này, hạnh phúc mỉm cười khi Thắng quen và lập gia đình với một cô gái học nghề cắt tóc gội đầu gần nhà. "Tôi như có thêm nghị lực sống, được tiếp thêm sức mạnh. Năm 2006, được sự giúp đỡ của người thân và bè bạn, tôi đã mở được một ki - ốt Văn phòng phẩm ở chợ Bỉm Sơn" - Thắng cho biết.
Là người thông minh, nhanh ý lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người, việc kinh doanh của Thắng ngày càng phát đạt. Cuộc sống gia đình ngày càng hạnh phúc nhưng với Thắng niềm vui lớn nhất là anh đã chiến thắng được ma túy, sống có ích cho xã hội. Trò chuyện với chúng tôi Thắng hồ hởi khoe: "Ki - ốt ấy tuy không lớn lắm nhưng đó là một kỳ tích của riêng bản thân tôi, nó là cơ ngơi để tôi có thể làm việc và chăm lo cho gia đình".
Những câu "chuyện đời" mà tôi được nghe trên, một lần nữa củng cố niềm tin trong tôi rằng ở đời không có đường cùng chỉ có ranh giới, mà những con người dũng cảm luôn biết khắc phục khó khăn để vượt qua và chuộc lại lỗi lầm.
Những câu "chuyện đời" đó cũng cho thấy rằng, với những người nghiện ma túy ngoài nghị lực và sự quyết tâm của bản thân; thì tình thương của gia đình, cộng đồng và xã hội cũng rất quan trọng, giúp họ trở lại con đường lương thiện, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo PLXH
Cuộc đời "chắp vá" của một nữ tướng cướp Cả cuộc đời Thúy là một sự chắp vá không hoàn chỉnh, thị luôn phải sống trong sự lọc lừa, toan tính khi quyết định "bước chân" vào thế giới ngầm. Thật khó để có thể nói lời công bằng cho những lỗi lầm mà Hoàng Thị Thúy gây ra, thế nhưng nếu ai đã từng biết đến tuổi thơ bất hạnh đầy...