Chuyến săn voi cùng tình cũ gây rắc rối cho cựu vương Tây Ban Nha
Năm 2012, cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos đi săn voi ở châu Phi cùng tình cũ Corinna zu Sayn-Wittgenstein, ông bị chỉ trích nặng nề sau đó.
Chuyến đi săn ở quốc gia Nam Phi Botswana là món quà nhà vua dành cho con trai zu Sayn-Wittgenstein nhân dịp sinh nhật 10 tuổi. Juan Carlos trở nên thân thiết với các con của zu Sayn-Wittgenstein khi họ là người tình từ năm 2004 đến năm 2009 – mối quan hệ mà công chúng Tây Ban Nha không biến đến. Ông đã kết hôn với Hoàng hậu Sofia từ năm 1962.
Cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos tại Luxembourg tháng 5/2019. Ảnh: Reuters.
Ngày 11/4/2012, ông Juan Carlos bắn chết một con voi 50 tuổi, nặng 5 tấn. “Thực ra tôi không muốn đi. Tôi cảm thấy Vua Juan Carlos đang cố nối lại tình xưa và tôi không muốn tạo ra ấn tượng sai lầm. Tôi đã có linh cảm xấu về chuyến đi này”, zu Sayn-Wittgenstein, 55 tuổi, nói trong cuộc phỏng vấn vào tháng này.
Rạng sáng 13/4/2012, nhà vua ngã trong chiếc lều đi săn và gãy xương hông. Một máy bay được điều đến để đưa ông về Tây Ban Nha. Chuyến đi săn của ông trở thành đề tài giật gân trên truyền thông. Tây Ban Nha khi đó đang trong khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp là 23%. Con rể của nhà vua Iaki Urdangarin bắt đầu bị điều tra tham nhũng.
“Tôi xin lỗi”, Vua Juan Carlos nói sau khi ra viện. “Tôi đã phạm sai lầm, việc này sẽ không tái diễn”.
“Bê bối xoay quanh chuyến đi Botswana phơi bày nhiều thứ”, Jose Antonio Zarzalejos, cựu biên tập viên báo Tây Ban Nha cánh hữu ABC, nói.”Thứ nhất, nhà vua không chung thủy với Hoàng hậu Sofia. Thứ hai, khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế, Juan Carlos đến một đất nước mà Tây Ban Nha không có cơ quan đại diện ngoại giao. Thứ ba, đây là một chuyến đi rất tốn kém, chúng tôi không biết ai đã trả tiền cho nó. Nó làm xấu hình ảnh của nhà vua”.
Vua Juan Carlos (trái) và Zu Sayn-Wittgenstein ở Đức tháng 2/2006. Ảnh: Shutterstock.
Video đang HOT
Vua Juan Carlos và zu Sayn Wittgenstein quen nhau tại một cuộc đi săn vào tháng 2/2004. Zu Sayn Wittgenstein kể rằng khẩu súng của nhà vua gặp trục trặc. “Tôi khá hiểu biết về súng nên có thể giải thích vấn đề nằm ở đâu”, bà nói. “Tôi nghĩ rằng ông ấy đã khá ngạc nhiên”.
“Chúng tôi sau đó trò chuyện qua điện thoại trong vài tháng”, zu Sayn Wittgenstein kể. “Buổi hẹn hò đầu tiên là vào đầu mùa hè. Chúng tôi luôn vui vẻ khi ở bên nhau và có nhiều sở thích chung như chính trị, lịch sử, đồ ăn ngon, rượu vang”.
Zu Sayn Wittgenstein khi đó là bà mẹ đơn thân với hai đứa con đang sống ở London, vừa bắt đầu mở dịch vụ tư vấn. Họ thi thoảng gặp nhau ở Madrid và đi du lịch cùng nhau. “Vào năm đầu tiên hẹn hò, tôi và ông ấy đều rất bận nhưng ông ấy sẽ gọi điện cho tôi tới 10 lần một ngày. Đó là một mối quan hệ rất bền chặt, sâu sắc và ý nghĩa”, bà cho biết.
Zu Sayn-Wittgenstein nói rằng Vua Juan Carlos đã cầu hôn bà năm 2009. Sau đó ông đã gặp cha zu Sayn-Wittgenstein, nhấn mạnh rằng mối quan hệ của họ rất nghiêm túc. Vua Juan Carlos chưa bình luận về thông tin này.
“Đó là một khoảnh khắc rất xúc động”, bà nói. “Tôi rất yêu anh ấy, nhưng tôi là một chiến lược gia chính trị nên tôi hiểu rằng cuộc tình ngoài luồng này sẽ rất khó khăn. Vì thế, tôi chỉ coi lời cầu hôn như một cử chỉ cho thấy sự nghiêm túc trong mối quan hệ, hơn là điều có thể thành hiện thực”.
Tuy nhiên, khi cha bà qua đời vài tháng sau đó vì ung thư, nhà vua nói lời chia tay với zu Sayn-Wittgenstein, khiến bà rất sốc.
Dù quan hệ tình ái đã kết thúc, hai người vẫn là bạn, một phần vì nhà vua thân thiết với các con của zu Sayn-Wittgenstein. Cuối năm 2009, Juan Carlos yêu cầu được gặp bà khi ông được chẩn đoán có khối u trên phổi. Juan Carlos cũng yêu cầu zu Sayn-Wittgenstein ở bệnh viện với mình khi ông làm phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Tình bạn đó dẫn đến chuyến săn voi năm 2012. Vua Juan Carlos đã bị chi nhánh Tây Ban Nha của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tước vị trí chủ tịch danh dự sau chuyến đi.
“Từ lúc trở về sau chuyến đi đó, tôi bị giám sát chặt chẽ”, zu Sayn-Wittgenstein nói. Bà cho biết tình báo Tây Ban Nha đã rất chú ý đến bà. Căn hộ của bà ở Monaco bị lục soát. Theo zu Sayn-Wittgenstein, lãnh đạo tình báo Tây Ban Nha Félix Sanz Roldán gặp bà ở London năm 2012, cảnh báo bà không được nói chuyện với truyền thông. Felix Sanz Roldan không đáp ứng yêu cầu bình luận về thông tin này.
Corinna zu Sayn-Wittgenstein tại St Petersburg tháng 11/2017. Ảnh: Tass.
Sau nhiều chỉ trích từ dư luận, năm 2014, Vua Juan Carlos thoái vị, truyền ngôi cho con trai Felipe. Nhưng ông vẫn bận rộn với các cuộc tiếp khách và các chuyến công du, đặc biệt là đến Trung Đông, với tư cách nhà vua danh dự.
Các công tố viên đã chú ý đến những mối quan hệ của ông Juan Carlos ở Trung Đông. Các cuộc điều tra tư pháp bắt đầu sau khi các đoạn ghi âm của một cảnh sát Tây Ban Nha được công khai. Ông này ghi lại tất cả các cuộc trò chuyện với những người giàu có và quyền lực, kể cả với zu Sayn-Wittgenstein.
Trong một đoạn ghi âm được truyền thông Tây Ban Nha công bố năm 2018, một giọng nữ nói tiếng Tây Ban Nha đặt câu hỏi: “ Sao ông ấy có nhiều tiền thế? Ông ấy lên máy bay đến các nước Arab và trở về với một đống tiền mặt trong vali, đôi khi là 5 triệu USD. Ông ấy còn dùng máy đếm tiền. Tôi đã tận mắt nhìn thấy”.
Corinna zu Sayn-Wittgenstein không xác nhận người phụ nữ trong bản ghi âm là bà. Nhưng những tiết lộ từ các đoạn ghi âm khiến Thụy Sĩ và Tây Ban Nha mở điều tra.
Tâm điểm chú ý là khoản thanh toán 100 triệu USD từ cố vương Arab Saudi, được chuyển vào tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ có liên kết với tổ chức nước ngoài có trụ sở tại Panama vào năm 2008. Người thụ hưởng là cựu vương Juan Carlos.
Công tố viên Thụy Sĩ điều tra ba người có quan hệ với cựu vương. Họ đang xem xét liệu số tiền này có liên quan đến việc Arab Saudi trao hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc lớn cho một tập đoàn Tây Ban Nha hay không.
Tại Tây Ban Nha, Tòa án Tối cao mở một cuộc điều tra với ông Juan Carlos, nhưng họ chỉ có thể xem xét liệu ông có hành vi sai trái sau khi thoái vị năm 2014 hay không. Ông được quyền miễn truy tố trong quãng thời gian tại vị.
Đầu tháng này, cựu vương 82 tuổi khiến nhiều người bất ngờ khi thông báo ông đã rời Tây Ban Nha. Hoàng gia Tây Ban Nha cho biết ông đang sống ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Corinna zu Sayn-Wittgenstein là một trong những cá nhân bị công tố viên Thụy Sĩ điều tra, vì vào năm 2012, sau bê bối săn voi, Juan Carlos đã chuyển 65 trong số 100 triệu EUR ông nhận từ Arab Saudi cho bà. “Tôi rất ngạc nhiên vì đó rõ ràng là một món quà vô cùng hào phóng”, bà nói. Zu Sayn-Wittgenstein bay đến Madrid để cảm ơn nhà vua. Ông nói rằng ông cảm thấy có lỗi về những gì đã xảy ra với bà.
“Tôi nghĩ ông ấy đã rất sốc khi hiểu áp lực và tai tiếng tôi đã chịu đựng”, zu Sayn-Wittgenstein nói.
Trong lời khai trước công tố viên Thụy Sĩ, zu Sayn-Wittgenstein cho biết bà tin cựu vương tặng bà tiền vì tình yêu. Bà khẳng định ông Juan Carlos không cố giấu hoặc rửa số tiền này bằng cách trao cho bà, mặc dù vào năm 2014, ông đã yêu cầu bà trả lại.
“Năm 2014, ông ấy đã rất cố gắng nối lại tình xưa với tôi”, bà nói. “Khi nhận ra việc này không có kết quả, ông ấy rất giận dữ và yêu cầu tôi trả lại mọi thứ. Nhưng tôi nghĩ đó chỉ đơn giản là lời nói trong cơn nóng giận”.
Ở Tây Ban Nha, món quà hàng chục triệu EUR ông Juan Carlos khiến công chúng phẫn nộ. Tin tức được tiết lộ khi Tây Ban Nha đối mặt với một trong những đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất ở châu Âu.
Ivette Torrent, luật sư trẻ từ Barcelona, đã khởi xướng một bản kiến nghị trực tuyến, kêu gọi chuyển số tiền đó cho hệ thống y tế công cộng Tây Ban Nha. “Giải ngân số tiền đó cho các nhân viên y tế kiệt sức đã làm việc hàng nghìn giờ với nguồn lực tối thiểu là điều công bằng nhất”, cô nói.
Mặc dù đang gặp rắc rối pháp lý, zu Sayn-Wittgenstein nói rằng bà “không hối hận về cuộc tình với ông Juan Carlos”. “Tôi có tình cảm rất chân thành với ông ấy. Và tôi vô cùng đau buồn khi mọi chuyện ra cơ sự này”.
Tòa án Tây Ban Nha điều tra cựu nhà vua Juan Carlos tham nhũng
Tòa án tối cao Tây Ban Nha đã mở cuộc điều tra cựu nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos như một phần của cuộc điều tra về một hợp đồng tàu hỏa cao tốc tại Saudi Arabia.
Cựu nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos. (Nguồn: EFE)
Tổng Công tố Tây Ban Nha ngày 8/6 thông báo công tố viên Tòa án tối cao Tây Ban Nha đã mở cuộc điều tra cựu nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos như một phần của cuộc điều tra về một hợp đồng tàu hỏa cao tốc tại Saudi Arabia.
Công tố viên Tòa án tối cao sẽ điều tra xem cựu nhà vua có dính líu không đến vụ việc khi ông được hưởng quyền miễn trừ cho đến tháng 6/2014 khi ông thoái vị nhường ngôi cho con trai Felipe. Hoàng gia Tây Ban Nha chưa có bình luận gì về thông báo trên.
Cuộc điều tra của Tòa án tối cao đối với cựu nhà vua Juan Carlos bắt nguồn từ một cuộc điều tra khác do công tố viên chống tham nhũng của Tây Ban Nha đứng đầu về giai đoạn hai của dự án đường sắt cao tốc nối các thành phố Medina và Mecca tại Saudi Arabia được dành cho một nhóm các công ty Tây Ban Nha năm 2011.
Cựu nhà vua Juan Carlos rất nổi tiếng tại Tây Ban Nha vì vai trò của ông trong việc chuyển đổi của nước này sang chế độ dân chủ vào cuối thập niên 1970, trước khi các vụ bê bối làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng một thập niên trước, buộc ông phải thoái vị.
Cựu vua Tây Ban Nha sống lưu vong sau loạt bê bối Cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos tuyên bố sống lưu vong ở nước ngoài để giúp con trai, sau những bê bối về đời tư và tài chính. Hoàng gia Tây Ban Nha hôm 3/8 công bố bức thư cựu vương Juan Carlos gửi cho con trai Felipe, trong đó cho biết ông sẽ rời khỏi đất nước sống lưu vong sau...