Chuyển phát nhanh EMS đề nghị “đền”.. 400.000 vì làm mất gói hàng gần 21 triệu
Chọn dịch vụ chuyển phát nhanh EMS để gửi một kiện hàng trị giá gần 21 triệu, nhưng 1 ngày sau đó anh Phú nhận được thông báo EMS đã làm mất gói hàng và nói anh đến nhận “đền bù theo quy định” là 400 nghìn đồng…
Đền hàng mất bằng… 4 lần cước vận chuyển
Phản ánh với báo Dân Việt, anh Nguyễn Duy Phú (111B, Hoa Lan, P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bức xúc, “tôi gửi hàng trị giá gần 21 triệu đồng nhưng họ làm mất và chỉ chịu đền bù chi phí “theo quy định” là 400 nghìn đồng”.
Theo trình bày của anh Phú, ngày 20/1/2016, anh Phú có gửi một kiện hàng là máy ảnh Canon 7D có kèm lens Canon 15-85mm, pin, túi đựng máy qua dịch vụ EMS của bưu điện tại TP.HCM để gửi về TP.Vinh (Nghệ An) cho người nhà tên Nguyễn Thanh Tâm (306 Nguyễn Văn Cừ, P.Hưng Phúc, TP.Vinh).
Sau khi làm thủ tục gửi, phía dịch vụ chuyển phát nhanh EMS cũng yêu cầu anh Phú khui kiện hàng ra để kiểm tra, sau đó in cho anh một phiếu xác nhận mang số hiệu EL051846231. Trên phiếu xác nhận này có đóng dấu đỏ “Hàng dễ vỡ” kèm theo nội dung: “Máy chụp hình – Nhận theo yêu cầu – Không khiếu nại bể vỡ – Tự đóng gói”.
Phiếu xác nhận hàng gửi của anh Phú qua dịch vụ EMS.
Giá cước dịch vụ gửi kiện hàng này là 99.475 đồng (cộng thêm 9.948 đồng VAT), tổng cộng là 109.423 đồng.
Tuy nhiên, 1 ngày sau đó, phía bưu điện tại TP.Vinh có liên lạc với anh Phú và thông báo đã để lạc mất gói hàng. Sau đó thông báo cho anh đến trụ sở tại TP.HCM để nhận “đền bù theo quy định” là 400 nghìn đồng ( gấp 4 lần giá cước vận chuyển – lời nhân viên bưu điện).
Quá bức xúc với vụ việc, anh Nguyễn Duy Phú đã đến Trụ sở chuyển phát nhanh EMS tại TP.HCM và làm việc với bộ phận giải quyết khiếu nại khách hàng thì vẫn nhận được câu trả lời: Bồi thường theo quy định là gấp 4 lần giá cước vận chuyển, nếu không đồng ý thì chờ giải quyết sau…
Đưa ra phiếu mua hàng là máy ảnh Canon 7D, có kèm lens Canon 15-85mm, pin, thẻ nhớ… được mua tại cửa hàng Ngọc Camera (Công ty TNHH Kỹ thuật số LX – 112 Trần Hưng Đạo, Q.1) với trị giá 20,9 triệu đồng, anh Phú bức xúc: “Tôi gửi hàng mà họ làm mất bây giờ không chịu trách nhiệm thì tôi biết kiện ai, lỗi đâu phải do tôi…”.
Liên quan đến vụ việc, ông Đoàn Minh Đạt, Phó trưởng Bộ phận tiếp nhận hàng của dịch vụ chuyển phát nhanh EMS tại TP.HCM cho biết, do anh Phú không sử dụng dịch vụ khai giá nên phía đơn vị cũng không biết máy chụp ảnh này là hiệu gì, giá trị bao nhiêu để làm cơ sở đền bù. Vì vậy theo quy định thì đơn vị chỉ trả gấp 4 lần cước phí (khoảng 400 nghìn).
“Tuy nhiên, xét thấy việc chi trả gấp 4 lần cước phí là không thỏa đáng nên sau khi thống nhất, chúng tôi quyết định sẽ trả anh Phú 3 triệu (phía TP.Vinh chịu 2 triệu, phía TP.HCM chịu 1 triệu)”, ông Đạt nói.
Video đang HOT
Phiếu mua hàng máy ảnh Canon 7D của anh Phú.
Cũng theo ông Đạt, dù bộ phận tiếp nhận hàng có mở hàng ra để kiểm tra nhưng do khách hàng không tham gia gói dịch vụ khai giá mà chỉ là tham gia gói EMS bình thường nên bộ phận tiếp nhận cũng không kiểm tra rõ đó là loại máy gì. Thêm vào đó dịp Tết nên hàng hóa nhiều, phục vụ có sơ sót nên khách hàng… thông cảm.
Không đồng tình với trả lời này, anh Phú chất vấn: “Tôi là khách hàng mới, nếu có những gói dịch vụ “bảo đảm” thì phải tư vấn để tôi tham gia, bây giờ mất hàng thì lại đổ lỗi là tôi không tham gia gói dịch vụ khai giá và không chịu đền bù thiệt hại”.
Trả lời vấn đề này, ông Đạt nói: Các dịch vụ có niêm yết tại quầy nhưng do lượng hàng Tết nhiều nên không đảm bảo phục vụ chu đáo. Nếu khách hàng không đồng ý mức bồi thường 3 triệu đồng thì chúng tôi sẽ báo lên trung tâm dịch vụ khiếu nại khách hàng để giải quyết và sẽ mở rộng tìm kiếm thêm về lô hàng…
Tuy nhiên, ông Đạt cũng thừa nhận: Việc tìm kiếm thêm sẽ do bộ phận nghiệp vụ triển khai lại chứ thực tế khó… tìm thấy.
Dịch vụ EMS: Chuyển phát nhanh, chuyển nhầm cũng nhanh
Trước đó, theo thông tin trên báo Thanh niên đăng tải, dịch vụ chuyển phát nhanh EMS khiến nhiều khách hàng “ôm cục tức” vì đơn vị này nhiều lần nhận chuyển giấy mời họp mà bị “quên”, công văn, giấy tờ bị thất lạc, bưu phẩm “rỗng ruột”… khiến người nhận “ngậm đắng nuốt cay” chỉ vì dịch vụ “giao đúng địa chỉ” nhưng người nhận không nhất thiết phải là người được gửi.
Anh Trần Bình Sơn, Trung tâm Điện thoại di động (ĐTDĐ) CDMA, địa chỉ 97 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM gửi cho bạn mình là Lê Thanh Hùng, khoa Cơ khí, Trường Dạy nghề số 5 Bộ Quốc phòng (số 9 Duy Tân – Đà Nẵng) một chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia 6610, số máy 0983010232 và tài khoản trong máy 200.000đ bằng dịch vụ EMS (phiếu số EE 70 938694 của Bưu điện Trung tâm Sài Gòn).
Anh Hùng tường thuật lại sự việc như sau: “Vào 15 giờ 15 ngày 30/3/2005, nhận được tin báo của bảo vệ cơ quan, tôi ra cổng và nhận được một hộp bưu phẩm, trong phiếu có ký tên người nhận là Thơ (bảo vệ), nhận lúc 15 giờ, tức là chỉ sau 15 phút là đến tay tôi. Nhưng khi mở ra, trong hộp không còn chiếc ĐTDĐ, chỉ có quyển hướng dẫn sử dụng, phiếu bảo hành, tai nghe và bộ sạc. Lúc ấy có 4 người trong trường chứng kiến sự việc nói trên. Quá bức xúc, tôi gọi điện thoại cho bạn tôi (người gửi) và được trả lời, Bưu điện TP.HCM đã kiểm tra, gói lại và niêm phong bằng băng keo nghiệp vụ.
Tôi đến Trung tâm Dịch vụ EMS tại 68 Đỗ Cung, TP Đà Nẵng trình bày sự việc thì được nhân viên giải thích là đã có bảo vệ cơ quan ký nhận nên cũng không còn biết trả lời sao. Tôi nghĩ, tại sao bạn tôi gửi cho tôi mà bưu điện lại chuyển cho ông bảo vệ? Ông bảo vệ có phải là người có tên được nhận đâu?”.
Anh Hùng làm đơn khiếu nại gửi Bưu điện và Trung tâm EMS ở Đà Nẵng, nhưng đã 3 tháng trôi qua vụ việc vẫn không được giải quyết.
Đây không phải là lần đầu khách hàng khiếu nại chuyện bưu phẩm gửi EMS bị… rỗng ruột. Thanh Niên đã từng nêu trường hợp của chị Lê Thị Quý Hương, ở 108 Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng nhận được một gói bưu phẩm và một biên bản của Bưu cục 14 HCM ND7510 xác nhận gói bưu phẩm đã bị rạch, chiếc ĐTDĐ không còn, nhưng ai rạch, trách nhiệm bưu điện đến đâu thì không có câu trả lời. Cần nhắc lại rằng, trên mỗi bì thư EMS, mặt sau đều có ghi câu: “Quý khách sẽ được bồi thường trong trường hợp bưu phẩm gửi bị suy suyển hoặc thất lạc trong khi vận chuyển”.
Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại miền Trung có lần gửi EMS cho PV Thái Ngọc San, trong đó có 8 giấy mời họp gửi cho 8 cộng tác viên ở Huế. Theo giấy mời thì các cộng tác viên phải đến từ chiều hôm trước ngày họp, nhưng đến cuối ngày vẫn không thấy ai đến. Liên lạc lại mới biết là không ai nhận được giấy mời, vì PV Thái Ngọc San không nhận được EMS.
PV Bùi Ngọc Long bèn đến bưu điện hỏi, hóa ra trong phiếu chuyển phát nhanh có ký tên người nhận đàng hoàng, nhưng người nhận là ai thì truy mãi không ra. Sau đó rất lâu mới biết là người này chỉ đến chơi và “được” mời ký nhận rồi… quên luôn ở chỗ nào đó (!?). Đó mới chỉ là câu chuyện tại văn phòng miền Trung mà chúng tôi là nạn nhân trực tiếp, còn biết bao trường hợp khác?
NGỌC ANH (Tổng hợp)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Điều kiện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Nghị định quy định, trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 quy đinh chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2016.
Ảnh minh họa
Đối tượng áp dụng theo Nghị định gồm:
- Lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (gọi tắt là người lao động nước ngoài) theo các hình thức như: Thực hiện hợp đồng lao động; Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; Chào bán dịch vụ; Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tình nguyện viên; Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.
- Người sử dụng người lao động nước ngoài.
Điều kiện cấp giấy phép lao động
Nghị định quy định việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện sau:
1- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
2- Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;
3- Là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật;
4- Không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài;
5- Được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng người lao động nước ngoài.
Thời hạn của giấy phép lao động
Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau nhưng không quá 02 năm:
1- Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;
2- Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam;
3- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;
4- Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;
5- Thời gian nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
6- Thời hạn đã được xác định trong giấy chứng nhận của tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
7- Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
8- Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định, trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
HUY LÂM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Phải có chứng chỉ môi giới bất động sản mới được hành nghề từ 16/2 Theo quy định của Bộ Xây dựng, từ ngày 16/2, nhân viên môi giới bất động sản phải dự thi sát hạch, phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BXD quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản (BĐS); hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức...