Chuyện “ông lang vườn”
Đường lên Cẩm Phong tuy đã được láng nhựa nhưng đi từ thành phố lên, bụi vẫn tung mù mịt, xe khách chạy trên đường xóc tung óc. Vậy mà nhiều người vẫn lặn lội hàng trăm cây số để đến với một địa chỉ nằm ẩn mình ven quốc lộ: nhà ông lang Bình.
Chạy không thoát nợ với nghiệp gia truyền
“Ông lang vườn” Nguyễn Văn Bình năm nay đã hơn 60 tuổi, đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày vẫn bận rộn với công việc của một người thầy thuốc chữa trị cho bệnh nhân tại nhà.
Sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống làm thuốc, từ bé đã được cha và ông truyền dạy cho rất nhiều bài thuốc và phương pháp chữa bệnh quý nhưng khi lớn lên, chính cha ông đã khuyên con mình không nên theo nghề thuốc.
Bởi, chữa bệnh lúc bấy giờ chỉ có phương pháp xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt và thuốc bắc, nên dù có là thần y cũng không thể chữa khỏi cho tất cả mọi người, vì vậy làm nghề chữa được cho người thì được ơn, không chữa nổi thì lại bị oán trách,… từ tổ tiên cho đến người cha của ông Bình là những người đã trải qua nên không muốn ông theo nghề thuốc.
Mặt khác, một trong những bí quyết gia truyền của gia đình để có thể chữa bệnh tốt cho mọi người, cha ông chỉ truyền lại một câu “muốn chữa được bệnh cho người sống phải đi qua nhiều người chết”. Có nghĩa là, để trở thành một thầy thuốc giỏi, phải trải qua kinh nghiệm thực tiễn.
Ông lang Nguyễn Văn Bình
Nhất là với nghề châm cứu, bấm huyệt càng phải hiểu rõ từng cấu tạo kinh mạch của con người, những biến chuyển nông sâu của từng mạch máu, cơ địa. Có được điều đó, bắt buộc phải có sự thử nghiệm trên các tử thi người chết
Việc này vốn không xa lạ gì với y học thế giới trước nay nhưng trong phạm vi và khả năng của một ông lang truyền đời lúc bấy giờ thì là một điều không thể nào chấp nhận được, nó vi phạm tới quan niệm và đạo đức thông thường của người Việt:
Khi chết đi rồi người ta chỉ mong được chết toàn thây. Chỉ nghe tới việc mổ xẻ người chết thôi cũng khiến người khác phải rùng mình, vì vậy người cha chỉ muốn con mình đi theo một con đường khác bớt thị phi hơn.
Tuy học được nhiều từ cha về nghề thuốc, nhưng lớn lên, khi tốt nghiệp trung học, anh thanh niên Bình lại đăng kí nhập ngũ. Đơn vị anh đóng quân ở mãi Gia Lai, Kon Tum.
Điều kiện sinh hoạt và chiến đấu ở miền núi có nhiều khó khăn, những anh em trong đơn vị thường xuyên mắc phải những bệnh phổ biến: tả, lị, thương hàn, sốt rét,.. mà thuốc thang thì thiếu, sẵn có kiến thức trong đầu, anh Bình vào trong núi đi tìm những cây thuốc bắc về chữa trị cho anh em.
Anh phải lặn lội một mình, có khi phải mấy ngày trời mới tìm thấy cây thuốc mình cần. Thấy những bài thuốc của Bình tốt và được đồng đội rất tin cậy, cấp trên mới cử Bình sang bên quân y làm y tá. Trong thời gian này, anh được học từ các y bác sĩ trong đơn vị cách chữa trị bệnh bằng Tây y.
Vừa phải chữa bệnh cho chiến sĩ, lại vừa phải chữa bệnh cho bà con các dân tộc thiểu số quanh nơi đơn vị đóng quân, anh Bình có điều kiện đi sâu vào các làng bản và học được những bài thuốc quý và cách chữa bệnh của bà con.
Video đang HOT
Gần 10 năm trong quân ngũ, anh vẫn nhớ lời cha dạy nên chỉ chuyên tâm học và chữa bệnh bằng thuốc, anh cũng không hề có ý định đi sâu vào nghề truyền thống của gia đình.
Rời khỏi quân ngũ, ông Bình được cử về công tác tại bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Ở đây, ông không tham gia công tác chữa trị cho bệnh nhân mà chủ yếu làm công tác hành chính. Ngoài lúc làm việc, thời gian rảnh rỗi, ông nghiên cứu hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân và học thêm về y thuật.
Làm việc tại bệnh viện, ông chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân quá nghèo không có đủ tiền chữa chạy tại bệnh viện, cũng có những bệnh nhân dị ứng với dao kéo, không thể mổ để chữa bệnh như thông thường, phần lớn những bệnh nhân này đều rơi vào bế tắc.
Ông lại là người hay động viên, quan tâm tới các bệnh nhân nên người ta gọi ông là “bác sĩ tinh thần”. Trước những bệnh nhân không còn khả năng chữa trị nữa, ông mới giới thiệu về nhà để chữa bằng châm cứu, bấm huyệt.
Tự tay ông đi kiếm thuốc rồi sắc cho bệnh nhân. Những phương thuốc nào không an tâm về xuất xứ, ông không bao giờ cho phép dùng. Phương pháp chữa trị này không tốn kém nhiều như Tây y cũng không có phản ứng phụ nên các bệnh nhân cứ truyền miệng với nhau.
Càng ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm đến với ông lang Bình để chữa trị. Có những bệnh nhân cao tuổi, đường sá xa xôi cũng lặn lội tìm đến, không có tiền để thuê nhà trọ, ông Bình lại “mời” ở lại trong nhà mình để chăm sóc.
Không chỉ chữa bệnh, ông còn nghiên cứu thuốc và nghiên cứu căn nguyên của bệnh. Thậm chí cả những bệnh cách đấy hàng chục năm có thể có ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Anh Vũ Phương ở Hà Nội cách đây hơn 1 năm có đưa mẹ già về chữa trị ở nhà ông lang Bình, đến khi xem mạch xong cho bà cụ, ông Bình có hỏi gia đình về một lần sảy thai của cụ bà hồi còn trẻ khiến bà giật mình.
Đến nay, bệnh của mẹ anh đã khỏi nhưng hàng năm thỉnh thoảng vẫn phải có một đợt điều trị mới.
Không phải tất cả bệnh nhân nào cũng chữa trị được, có những bệnh nhân y học hoàn toàn bó tay, ông chỉ cố gắng chữa trị bằng tinh thần, cho họ niềm tin và hi vọng sống. Khi tiếp chuyện chúng tôi, ông chỉ cười:
“Đừng gọi bác là bác sĩ bởi vì bác chưa được học qua trường y nào cả, chỉ là học từ gia đình, từ kinh nghiệm của bản thân mà thôi”.
Duyên nghề dẫn đến duyên vợ chồng
Trước khi đến với cô Nguyễn Thị Bé, ông Bình từng có một người vợ ở quê do gia đình gả cưới. Người vợ ở quê, quanh năm xa nhau nên họ chỉ còn sống với nhau bằng cái nghĩa.
Năm 1990, khi gặp cô Bé lúc đó đang là sinh viên trường trung cấp y dưới thành phố, các con trai gái của ông Bình cũng đã lớn. Cô Bé vào thực tập trong bệnh viện nơi ông Bình làm việc.
Thấy cô sinh viên thực tập dáng người nhỏ nhắn, hiền lành lại ham học hỏi, ông Bình cũng có sự cảm mến nhưng nghĩ cảnh mình đã có vợ ở quê nên không dám nghĩ tới việc tiến xa hơn trong chuyện tình cảm.
Cô Bé tuy biết chuyện nhưng thấy ông hiền lành, thật thà và tốt bụng cũng để ý. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, tình cảm của hai người cứ thế phát triển. Về sau, có sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp hai người mới quyết định đến với nhau.
Người vợ ở quê cũng không có ý kiến gì, bà còn chúc cho hai người sống với nhau trọn nghĩa, chỉ có một yêu cầu ông vẫn làm trọn nghĩa vụ với các con là bà bằng lòng.
Về sống với nhau được một thời gian, một đứa con gái nhỏ ra đời, cô Bé lại phải chuyển công tác lên Cẩm Thủy. Không muốn vợ chồng phải xa nhau, ông theo vợ lên trên đó. Hàng ngày, từ sáng sớm ông đã phải dậy bắt xe về thành phố đi làm, tối đến lại bắt xe ngược trở lại.
Ngày nào cũng trăm rưỡi cây số ròng rã suốt mười mấy năm trời. Nay cô con gái của hai người cũng đã 18 tuổi, xinh đẹp, học giỏi và rất thương yêu bố mẹ.
Vợ là y tá trong bệnh viện Cẩm Thủy nên hàng tuần phải có nhiều buổi phải trực đêm, con gái thì đang tuổi lớn khiến hai vợ chồng cứ lo ngay ngáy. Hàng ngày, vợ đi làm, hai bố con ở nhà chăm sóc lẫn nhau.
Ngày cháu còn bé, ông còn hay lên núi hái thuốc nhưng khi cháu lớn, nhìn thấy xung quanh cũng là một khu vực phức tạp, ông không dám để cháu ở nhà một mình nữa.
Về sau, bạn bè anh em, bệnh nhân biết tiếng của ông cứ mời ông đi các nơi chữa trị, phải những chỗ quen thân hoặc cần thiết ông mới nhận lời. Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng,… ông đều đi cả nhưng không bao giờ nhận lời đi quá lâu, chỉ dăm bữa là nhất nhất đòi về vì lo cho con gái.
Từ ngày bị tai nạn, mắt ông càng ngày càng yếu đi, để chữa trị được phải có người hiến giác mạc cho nhưng ông đều từ chối.
Trước tình hình đó, cô Bé quyết định không cho chồng được tự mình di chuyển ra phố, có điều kiện hơn nhưng cô cũng không dám mua xe cho ông. Từ ngày ông về hưu, thì gần như chỉ ở nhà, đi đâu thì có vợ con đưa đi.
Với ông, tài sản lớn nhất của mình vẫn là vợ và những người con luôn luôn thấu hiểu, tài sản lớn thứ hai vẫn là đôi bàn tay để chữa bệnh. Ông nhìn vào bệnh tật của người bệnh bằng con mắt ở những đầu ngón tay nên càng phải giữ gìn.
Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc tuổi già được giúp đỡ những người bệnh khó khăn khiến nụ cười trên môi người đàn ông phúc hậu này càng trở nên ấm áp.
Theo Trầm Huệ (Phunutoday)
Bệnh nhân nguy kịch vì bác sĩ "chèo kéo" để trục lợi?
Từ thông tin ông Vũ Duy Quang, bác sĩ điều trị tại khoa Ngoại, Viện Chỉnh hình-Phục hồi chức năng bị tố cáo tự ý chèo kéo bệnh nhân ra ngoài mổ, khiến cho tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu... hé lộ nhiều chuyện đáng suy ngẫm...
"Đùa" với sinh mạng bệnh nhân
Ngày 9/4/2012, bệnh nhân P.V.H(53 tuổi) sau khi phẫu thuật đinh nội tủy tại BV Việt Đức do tai nạn xe máy đã được nhập Viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng (CH-PHCN) để chữa trị tiếp trong tình trạng bị viêm xương chày phải và sưng nề nơi phần chân bị gãy. "Vùng cẳng chân phải có 2 điểm chảy dịch viêm sưng nề nhẹ", bệnh án ngày 9/4 nêu.
Trong những ngày tiếp theo, bệnh nhân này được điều trị tại Viện CH-PHCN với phương pháp kháng sinh, trợ sức, chống viêm nhưng tới ngày 11/4, gia đình bệnh nhân đột ngột xin chuyển tới Bệnh viện Nông nghiệp để mổ trước sự ngỡ ngàng, khó hiểu của nhiều y, bác sĩ tại đây.
Theo tìm hiểu của PLVN, sau khi chuyển tới BV Nông nghiệp, bệnh nhân H được xử lý rạch da, mổ rút đinh nội tủy, lấy mảnh xương chết và cố định ngoại vi, nhưng sau mổ kết quả lại không được như mong muốn tình trạng bệnh không những không thuyên giảm mà bệnh nhân có triệu chứng sốt, nhiễm trùng nặng. Sau ca mổ không thành công khiến tình trạng bệnh của bệnh nhân tồi tệ, ngày 26/4/2012, Bệnh viện Nông nghiệp lại "gấp rút" làm Giấy chuyển viện gửi trả bệnh nhân H về lại Viện CH-PHCN để điều trị với lý do "bệnh nặng".
Chỉ trong vòng khoảng 20 ngày, bệnh nhân H với bệnh tình nghiêm trọng đã không được các "lương y" chữa trị đúng phương pháp, sức khỏe ông vốn đã ốm yếu vì đang mắc bệnh đái tháo đường, tiền sử huyết áp cao vậy nhưng một số bác sĩ BV Nông nghiệp lẫn Viện CH-PHCN lại tư vấn kiểu "hành" bệnh nhân khi cho chuyển đi, chuyển lại để chữa trị dẫn tới có lúc bệnh nhân lâm vào tình trạng "thập tử, nhất sinh".
Kéo bệnh nhân ra ngoài để trục lợi?
Trả lời PV, BS Nguyễn Trung Học, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình (Viện CH-PHCN), cho rằng, Viện không có lỗi trong chuyện này, vì việc chuyển đi đâu để điều trị là do nguyện vọng và quyết định của gia đình bệnh nhân.
Tuy nhiên, trong đơn thư tố cáo gửi PLVN, phía bệnh nhân H. cho rằng, sở dĩ bệnh nhân H đang điều trị lại xin chuyển ra khỏi viện để tới Bệnh viện Nông nghiệp mổ là do chủ ý và sự chèo kéo của Bác sĩ Quang nhằm mục đích tư lợi, bởi vị bác sĩ này có mối quan hệ với phía Bệnh viện Nông nghiệp?. Đơn còn cho rằng, việc làm của ông Quang là vi phạm y đức, không tôn trọng tổ chức, gây bức xúc trong cơ quan cần phải được xử lý nghiêm để ngăn chặn những hành vi nguy hại cho bệnh nhân, ảnh hưởng uy tín của Viện.
Chúng tôi không khẳng định việc bác sỹ Quang có tư lợi hay không, nhưng phản ứng trước thông tin liên quan đến vị cán bộ này, Viện trưởng Viện CH-PHCN Nguyễn Quang Trung tỏ thái độ thận trọng: "Trước thông tin báo chí cung cấp, chúng tôi sẽ cho kiểm tra. Nếu có căn cứ cho thấy bác sĩ hay cán bộ của Viện CH-PHCN lôi kéo bệnh nhân ra ngoài điều trị, mổ có mục đích tư lợi thì sẽ kỷ luật"..
"Viện CH-PHCN chưa hề nhận được bất cứ trao đổi hay văn bản của Bệnh viện Nông nghiệp mời bác sĩ Quang sang đó để hỗ trợ ca mổ. Là đơn vị chủ yếu làm nhiệm vụ nhân đạo, nếu xảy ra chuyện như vậy thì bản thân tôi cũng có một phần trách nhiệm về quản lý", ông Trung khẳng định.
Để làm rõ có hay không sự tham gia của bác sĩ Quang trong chuyện chèo kéo bệnh nhân H ra ngoài mổ, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Nông nghiệp. Bác sĩ Nguyễn Thế Thi, Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nông nghiệp, thừa nhận đúng là do có quen biết, bệnh nhân H được tiếp nhận chữa trị tại bệnh viện này từ ngày 17/4/2012, trên cơ sở giới thiệu của Bác sĩ Vũ Duy Quang của Viện CH-PHCN.
Ông Thi còn cho biết ca mổ cho bệnh nhân H được tiến hành tại Bệnh viện Nông nghiệp, ngoài sự tham gia của một bác sĩ của bệnh viện này làm nhiệm vụ gây mê thì Bác sĩ Vũ Duy Quang chính là người trực tiếp mổ, xử lý cho bệnh nhân. "Sau khi mổ thấy tình trạng bệnh nhân bị sốt, gối có nhiều dịch tôi đã điện thoại báo cho anh Quang và gửi trả bệnh nhân tới cho anh Quang", ông Thi nói.
Lý giải tại sao BS Quang là cán bộ của Viện CH-PHCN nhưng lại có thể tham gia mổ cho bệnh nhân H tại Bệnh viện Nông nghiệp, ông Đinh Xuân Phương Phó Giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp - cho rằng, việc này có thiếu sót. "Để mời cán bộ hay bác sĩ nơi khác về hỗ trợ mổ như trong trường hợp này thì đúng ra là phải có hợp đồng thỏa thuận giữa hai đơn vị với nhau.
Cách đây gần chục năm, thời ông Lý (Viện trưởng Viện CH-PHCN, nay đã chuyển công tác) chúng tôi có hợp đồng ghi nhớ giữa hai bên để trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn với nhau, nhưng sau này Viện trưởng mới lên thì hai đơn vị chưa làm lại việc này. Vì anh Quang có nhiều lần đi với anh Lý xuống đây, do chủ quan nên mới xảy ra thiếu sót như vậy"- ông Phương nói.
Liên quan tới sự việc này, thiết nghĩ các cơ quan chủ quản của những bệnh viện này là Bộ LĐTB&XH cũng như Bộ NN&PTNN cần vào cuộc làm rõ sự việc nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hại cho bệnh nhân, ảnh hưởng uy tín của bệnh viện cũng như người thầy thuốc.
Theo Pháp luật Việt Nam
Điều trị dứt điểm bệnh gan bằng thuốc Nam Trong cuộc sống hàng ngày, phần đông người dân Việt Nam vẫn chưa có thói quen tự chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình. Từ đó phát sinh rất nhiều bệnh và nếu không kịp thời theo dõi và phát hiện sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Bài viết dưới đây chúng tôi giúp các bạn cách phát hiện dấu hiệu...