Chuyện “ông Bụt” ở trại giam xứ trầm
20 năm làm quản giáo trong Trại giam A2 (đóng tại tỉnh Khánh Hòa, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), Trung tá Võ Viết Hiền (SN 1963) luôn nhìn thấy phần “người” trong từng phạm nhân để cảm hóa họ. Anh được gọi bằng một cái tên trìu mến “ông bụt Hiền”.
Trung tá – quản giáo Võ Viết Hiền.
Sẻ chia tấm lòng, gợi điều tốt đẹp
Sinh ra ở quê hương Nam Đàn (Nghệ An), sau khi xuất ngũ trở về với quê hương anh đã “Nam tiến” để tìm kế mưu sinh. Cơ duyên đưa anh vào ngành Công an năm 1986 ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa và được phân công công tác tại Trại giam A2. Thấy anh có tư chất tốt, lãnh đạo trại tạo điều kiện cho anh đi học thêm lớp Trung cấp Công an ở Sài Gòn. Sau đó anh về trại công tác và tiếp nhận công việc quản giáo năm 1993.
Anh Hiền cho biết, Đội 7 anh quản lý là một trong những đội “điểm” với những tù nhân có mức án cao nhất trại. “Mỗi đối tượng là một số phận, một tính cách. Có trường hợp phạm tội do vô tình, hoặc vì một phút nông nổi, bồng bột, song cũng có không ít đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, hoặc hung hãn, xảo quyệt, tàn ác… Có người chưa học hết tiểu học, có người là cử nhân, có đối tượng du thử du thực, không công ăn việc làm, có người là ông chủ, cán bộ công chức… Khi vào trại tạm giam, có người sợ hãi, có kẻ bất cần, và cùng với nó là những hành vi rất phức tạp, bất thường. Làm quản giáo phải hiểu, nắm bắt tâm lý từng người mới có cách giúp họ cải tạo tốt được”, anh Hiền tâm sự.
Video đang HOT
Anh Hiền cũng chia sẻ rằng nhiệm vụ của cán bộ quản giáo là vừa quản lý, vừa cảm hóa để sau thời gian cải tạo, phạm nhân được trở về xã hội sẽ đoạn tuyệt với quá khứ lỗi lầm, trở thành công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Để làm được điều đó, người quản giáo phải có cái tâm, có kiến thức tâm lý và phương pháp sư phạm để có biện pháp giáo dục thích hợp với từng đối tượng.
Để nắm bắt được tâm lý phạm nhân, ngoài đọc hồ sơ để hiểu, anh Hiền còn phải thường xuyên gặp gỡ, hỏi han, chia sẻ với họ. Có những điều phạm nhân không mở lòng với quản giáo nhưng lại nói ra với bạn tù nên anh còn tìm hiểu đời sống tâm lý các phạm nhân qua các tù nhân khác. Khi đã tạo được niềm tin từ phạm nhân thì họ tiếp xúc rất cởi mở, họ buồn thì động viên, vui thì chia sẻ tuy nhiên, nếu họ có biểu hiện vi phạm thì vẫn phải nghiêm khắc răn đe.
Một lần anh Hiền giáo huấn cho các phạm nhân rằng: “Tôi cũng là người, các anh cũng là người. Nếu các anh càn quấy quá, đến Bụt cũng phải giận chứ đừng nói là chúng tôi”. Từ đó, cứ nhìn thấy anh Hiền là các phạm nhân nói vui với nhau rằng: “Ông Bụt đến kìa, ông Bụt đến kìa”. Biệt danh “ông Bụt trong trại giam” của anh Hiền đã hình thành như thế.
Khởi tạo niềm tin
20 năm qua, không ít phạm nhân đã để lại trong anh Hiền những kỷ niệm sâu sắc. Anh nhớ trường hợp phạm tội của Ngô Thế Vĩnh (SN 1985, ngụ huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa).
Khoảng năm 2002, do xích mích từ việc “trai làng này tán gái làng kia” nên Vĩnh thường bị chặn đường để dằn mặt. Sau đó Vĩnh có đến nhà những người xích mích với mình để dàn xếp nhưng bất thành, Vĩnh đã rút đâm chết một người và làm bị thương một người. Khi đó Vĩnh phạm tội dưới 18 tuổi nên chỉ bị kết án 18 năm tù. Do tuổi còn trẻ, nên khi bước chân vào trại giam tâm lý Vĩnh rất hoang mang, dao động. Anh Hiền đã phải thường xuyên gặp gỡ, động viên để Vĩnh có niềm tin cải tạo. Anh nói với Vĩnh “ pháp luật luôn có chính sách khoan hồng với những người ăn năn, con đường ngắn nhất về với xã hội là cải tạo cho tốt”.
Nghe lời anh Hiền, Vĩnh đã có niềm tin và đã chấp hành nội quy, cải tạo tốt. Ở trong trại đến thời gian quy định được đặc xá nhưng do bố mẹ Vĩnh làm ăn thất bát, phải cầm cố nhà cửa không có tiền bồi thường cho nạn nhân. Vì lẽ đó mà Vĩnh đứng trước nguy cơ không được đặc xá. Anh Hiền gặp người nhà Vĩnh, động viên họ gom góp ít tiền, tuy không đủ nhưng cứ đến gia đình nạn nhân đã mất mạng nói khó để cho Vĩnh trở về làm ăn rồi trả nợ. May sao gia đình họ đồng ý. Tuy nhiên, người bị Vĩnh đánh bị thương thì gia đình Vĩnh không còn tiền để đền nữa, số tiền vỏn vẹn 545.000 đồng, gia đình kia nhất quyết không cho khất nợ mà bắt Vĩnh phải ở tù cho bõ ghét. Không nỡ nhìn một con người đã cải tạo tốt phải ở tù thêm 7 năm nữa, anh Hiền đã móc tiền túi ra để trả giùm.
Ngoài động viên, giáo dục phạm nhân không ít lần anh Hiền phải đấu trí với những đối tượng bất cần, không còn gì để mất. Điển hình như phạm nhân Huỳnh Văn Phước (ngụ TP.Nha Trang). Phước là đối tượng có nhiều tiền án về các tội “Chống người thi hành công vụ”, “Trốn khỏi nơi giam giữ” và đặc biệt là tội “Giết người”. Bước vào Trại giam A2 để thụ án tù chung thân, Phước nói thẳng với anh Hiền: “Án của tôi không còn gì để mất nữa, không còn về với đời được nữa” và thể hiện thái độ bất cần, càn quấy.
Anh Hiền phải rất cảnh giác đấu trí với những chiêu trò quậy phá của Phước, bởi lẽ chỉ cần hở ra một chút là hắn rắp tâm trốn trại, cán bộ giám sát hắn lao động cũng phải được dặn phải đứng cách hắn trên 3m (vì sợ hắn sẽ cướp súng làm liều). Sau này, Phước phải thừa nhận với bạn tù rằng “không thể tìm được sơ hở nào với ông Bụt Hiền để đối phó” rồi ngoan ngoãn lao động như những phạm nhân khác.
Trong cuộc đời làm quản giáo của mình, anh Hiền không nhớ nổi đã cảm hóa bao nhiêu phạm nhân, đã đưa bao nhiêu cuộc đời lầm lạc đã trở về con đường sáng. Vĩnh và Tây là những người trong số họ, hai người đã trở về với xã hội, chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho gia đình. Thi thoảng họ vẫn gọi điện hỏi thăm, xin ý kiến anh Hiền để có những quyết định đúng đắn trong cuộc sống. Nhiều người còn tặng quà anh nhân ngày lễ tết hoặc ngày lễ kỷ niệm. Đó là niềm vui, là động lực giúp anh bước tiếp con đường mình đang đi.
Hành trình làm lại cuộc đời của mỗi người lầm lỗi không chỉ phụ thuộc vào quá trình cải tạo ở trại giam mà trước hết là ở ý chí, nghị lực của chính bản thân họ, đồng thời còn phụ thuộc vào sự cảm thông của gia đình, xã hội có sẵn lòng tha thứ và cho họ những cơ hội để hoà nhập cộng đồng. Anh Hiền tin rằng: xã hội, cộng đồng sẽ không thiếu những tấm lòng vị tha, cho những người lầm lỗi có được cảm giác ấm áp của tình người để họ thêm nghị lực đứng dậy, vươn lên sau vấp ngã.
Theo Dantri
"Sởn da gà" chuyện lừa bẫy... người
Thèm tiền, những gã thanh niên còn định bán cả bạn gái trong nhóm. Nhưng tiếc người yêu, Phố đã giành lại. Chính cô gái này, sau khi thoát khỏi sự toan tính của những gã trai đã quay ra lừa bán những cô bạn thân để "thế chân".
"Chim mồi"...
Khoác trên mình bộ quần áo dành cho bị can nhưng Đỗ Văn Tiên, 21 tuổi, quê Hưng Yên, còn sót lại chút sành điệu từ mái tóc "chôm chôm". Với cái mẽ "thời thượng" ấy, Tiên dễ dàng chiếm được cảm tình của các cô gái trẻ. Chỉ sau vài lần gặp gỡ qua mạng, "hot boy" mời đi chơi là bạn gái gật đầu đánh rụp. Họ không lường được, cái bẫy người mà Tiên và đồng bọn sắp đặt quá hoàn hảo.
Lông bông, Tiên được một "tú bà" tên Tình, người Việt Nam lấy chồng ở Trung Quốc, đặt "hàng". Người đàn bà này hứa thưởng 15 triệu đồng/người nếu Tiên dụ được những cô gái nhẹ dạ sang Trung Quốc. Tình cũng không quên dặn, có "hàng" thì liên lạc và phải xưng "mẹ, con" để "con mồi" tưởng rằng, mẹ của Tiên đang buôn bán ở Trung Quốc.
Một mình không kham nổi, Tiên đã nhờ Bùi Văn Huy, 20 tuổi Vũ Đình Phố, 22 tuổi Vũ Thị Hồng, 17 tuổi - đồng hương, cùng "săn hàng". Trưng dụng toàn "chim mồi" bảnh bao, nhóm này lên kế hoạch "tán gái" qua mạng. Khi chiếm được lòng người đẹp, "hot boy" sẽ rủ bạn gái mới quen đi Móng Cái chơi hoặc đánh hàng (quần áo, ĐTDĐ) rồi trao tay cho Tình.
2 trong số 6 cô gái bị đường dây này lừa bán sang Trung Quốc dự tòa. Hai cô gái gầy rộc, mái tóc xõa, luôn cúi gằm mặt tránh mọi ánh mắt đổ dồn vào mình. Họ ăn nói gãy gọn, tỏ rõ thái độ bất bình trước sự "dã man" của Tiên và đồng bọn. Bị hại Nguyễn Thu Hiền, 22 tuổi, quê Hải Dương, cho hay, một lần lên mạng "chát" đã quen Huy.
Chuyện trò, thấy chàng trai này có duyên nên chị cảm mến. Sau vài lần lướt "nét", câu chuyện giữa họ thân mật hơn, cô gái này tâm sự với Huy, cần tiền lo chạy việc. Huy tỏ ra sốt sắng, hứa cho vay 10 triệu đồng. Chị Hiền rất cảm kích nên khi gã rủ đi Móng Cái mua quần áo về bán, chị nhận lời ngay. Một cô gái xinh xắn khác ở TP HCM cũng rơi vào cái bẫy "đường mật" của Huy.
Qua "web cam", thấy Huy sáng sủa, sành điệu lại khéo tán gẫu, chị Phan Thu Lan, 19 tuổi, đã để mắt. Lấy lý do muốn gặp, Huy vời được bạn gái ra Hà Nội. Chuyến này, Huy "đánh cả cụm" khi rủ được Lan và Trần Thị M, 20 tuổi, quê Thái Bình, sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội, về quê chơi. Hai cô gái đã được Huy cùng "bậu sậu" đưa thẳng đến cửa khẩu Móng Cái, bán cho Tình với giá 30 triệu đồng.
Các bị cáo nghe tòa đưa ra phán quyết.
"Ngưa tầm ngưu, mã tầm mã"!
Trong số các bị cáo, Hồng thu hút sự chú ý của nhiều người. Ở cái tuổi 16 nhưng nom Hồng già dặn. Khuôn mặt ưa nhìn, trắng trẻo lại được chăm chút son phấn nên "mẹ mìn" này nổi bật.
Con gái khúm núm trước tòa, cất giọng lí nhí trả lời HĐXX, bố mẹ Hồng ngồi dưới phòng xử sượng sùng. Nhà nông nhưng Hồng được cưng chiều từ nhỏ nên chưa một lần chân lấm, tay bùn. Kỳ vọng nhiều ở đứa con gái sáng dạ, bố mẹ Hồng càng thêm thất vọng khi bị cáo mê game, thích tụ tập với đám học sinh cá biệt. Đang học lớp 9, Hồng tự ý bỏ. Cũng từ đây, bố mẹ không bảo được Hồng vì những thói xấu bị cáo nhiễm được từ đám bạn "chát".
Hồng ham yêu đương, mua sắm và đi dạt. Bao bận, cả nhà cất công đi tìm, lôi Hồng về. Bố mẹ khuyên nhủ, thậm chí đe nẹt nhưng bị cáo vẫn "ngựa quen đường cũ".
Mỗi lần Hồng trở về nhà với một bộ dạng khác (tóc nhuộm, môi son, má phấn) khiến bố mẹ Hồng thêm lo lắng, muộn phiền. Từ một lần "va" nhau trên mạng mà Hồng biết Phố. Phố hoạt ngôn nên Hồng để mắt và nhanh chóng trở thành người yêu của gã bạn "chát".
Dạt cùng nhóm của Tiên, Hồng "khoái" vì được chơi game xả láng, ăn uống, hát hò "tẹt ga" và ở nhà nghỉ - nơi chẳng ai làm phiền. Hồng biết, người yêu của mình rủng rỉnh tiền là do "buôn người". Cô gái mới ra tỉnh không hay biết rằng, những chàng trai ga lăng kia từng có ý định bán cả bị cáo.
Tiên khai, có dạo, thả "chim mồi" mà không kết quả, Tiên đánh tiếng bàn với Phố bán Hồng. "Hồng xinh xắn nên chắc cũng được giá cao" - Tiên nói có lý, Phố đồng ý. Nhưng sau đó, gã tiếc người yêu nên đổi giọng. Vì chuyện này, Tiên đã nạt Phố và hai bên xảy ra cãi vã. Để giữ Hồng, Phố đành dùng chiêu "tìm người thế chân", Tiên mới chịu. Người yêu than, sắp chết cả lũ vì cạn tiền, Hồng cũng sốt ruột.
Thế nên, khi Phố bảo Hồng tìm "hàng", Hồng nghĩ ngay tới cô bạn gái thời học cấp 2 của mình, Nguyễn Quỳnh Anh, 16 tuổi, quê Hưng Yên. Tiên nói với Hồng vờ đang làm tóc ở một tiệm dưới Quảng Ninh và rủ Quỳnh Anh xuống đó chơi. Nghe cô bạn thân rủ, Quỳnh Anh chẳng chút đề phòng, đã đi theo. Tới Quảng Ninh, Hồng gọi điện cho Tiên đón đi chơi rồi đưa luôn cô gái này đi Móng Cái. Vụ này, Hồng được chia 1 triệu đồng.
Cũng với thủ đoạn tương tự, ngày 20-11-2011, Hồng rủ 2 cô bạn thân khác lên Hà Nội chơi vì mới kết nghĩa với một người anh. Hai cô bạn vui vẻ nhận lời và càng phấn khởi hơn khi tại chợ đêm Đồng Xuân, họ được Hồng giới thiệu với chàng trai tên Thanh (Tiên) và Long (Phố). Như lời Hồng, Thanh, Long con nhà giàu ở Quảng Ninh, chuyên đổ buôn quần áo cho các shop thời trang tại Hà Nội.
Thay vì mua hàng ở chợ đêm, 2 chàng trai mới quen rủ người đẹp về Móng Cái, Quảng Ninh, ngao du cuối tuần. Thấy các cô gái cấn cá, Tiên nói rằng, Chủ nhật về nên thứ Hai vẫn kịp đi học. Phố còn "bốc" điện thoại, gọi về cho "mẹ" dặn chuẩn bị đãi khách quý. Đầu dây bên kia có giọng phụ nữ thưa máy, Phố "nổ" một tràng: "Mẹ ơi, mẹ chuẩn bị cơm nước nhé. Năm đứa bọn con về, có ba cô bạn gái và hai thằng con". Thực chất, đây là cú điện thoại Phố báo cho Tình như đã ngầm thỏa thuận.
Lo lắng được xóa bỏ, 2 thiếu nữ theo chân nhóm của Hồng về Móng Cái. Đến nơi, trời đã nhá nhem, 2 người phụ nữ, một người xưng là "mẹ" Long đon đả đón tiếp và đưa tất cả xuống đò để qua sông về "nhà".
Bạn của Hồng tá hỏa khi bị đẩy vào một căn hộ chung cư, nơi có sẵn một nhóm người làm nhiệm vụ bảo kê và phân phối gái cho các động mại dâm. Họ biết mình bị lừa bán làm "gái" nhưng đã quá muộn. Trúng quả, Phố được Tình cho 30 triệu đồng. Phố "cưa" lại cho người yêu 1,5 triệu đồng.
Trả lời tòa, Hồng thừa nhận tội và nói rằng, đã được "lại quả". Trong khi các bị hại yêu cầu bồi thường hơn 100 triệu đồng thì các bị cáo cho hay, món tiền lớn quá, không biết xoay vào đâu. Vị chủ tọa cũng nhắc nhở bị hại cân nhắc dựa trên quy định của pháp luật để đưa ra mức đền bù.
Nhưng các cô gái quả quyết rằng, như vậy là thấp lắm rồi. Bị lừa, họ mất danh dự, nhân phẩm. Cả gia đình không dám ngẩng mặt vì mình. Chưa kể đến chi phí mà gia đình phải trang trải trong quá trình tìm kiếm bấy lâu, họ còn tuột mất tương lai, hạnh phúc riêng tư chỉ vì thói tham tiền của các bị cáo.
Mọi sự đã rõ, phiên xử diễn ra chóng vánh. Hồng được tòa xác định là phạm tội tuổi vị thành niên, giữ vai trò thứ yếu trong đường dây buôn người, bản thân bị cáo được hưởng lợi ít và thành khẩn khai báo, Tòa đã tuyên phạt 5 năm tù tội "Mua bán người". Với vai trò chủ mưu, Tiên nhận 13 năm tù các bị cáo còn lại lĩnh từ 6 đến 12 năm tù.
Một nữ trinh sát đã lên mạng dùng nickname "gaixinhtimchong" để làm quen với gã trai tên Hoàng Anh. Sau nhiều ngày phục kích, "langtuhathanh" cũng vào chat và giới thiệu về mình. Xem webcam và chắc mẩm, Hoàng Anh chính là kẻ đã lừa tình cái cô gái rồi bán, các trinh sát đã lên kế hoạch "săn" kẻ trốn lệnh truy nã. Qua nhiều lần "buôn chuyện", cuối cùng, Hoàng Anh cũng cho số điện thoại và đồng ý gặp mặt "gaixintimchong" ở một địa điểm trên phố Minh Khai, Hà Nội. Đến giờ hẹn mà bóng dáng Hoàng Anh vẫn không thấy đâu, gã đòi chuyển địa điểm tới trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Khi chiếc taxi chở gã xuất hiện, các trinh sát ập đến khống chế. Tại CQCA, Hoàng Anh khai tên thật là Bùi Văn Huy.
Theo Dantri
Bắt Bình "@" chuyên đòi bảo kê các vũ trường Nguyễn Ngọc Vĩnh Bình (tức Bình "@". Vốn sẵn máu côn đồ, Tâm mang theo 1 kiếm rồi rủ một "chiến hữu" tên Minh Nhí tìm đến quán bar để "trả thù" cho anh rể. Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (PC45, Công an TP Hồ Chí Minh) vừa phối hợp với Công an quận 3 bắt giữ đối tượng Nguyễn Ngọc...