Chuyển nhượng chồng 50 triệu đồng, có tội không?
Ông Trần Văn Thương chung sống với bà Bùi Thị Nhị, cùng ở xã Phú Thuận, Thoại Sơn (An Giang), có ba con chung. Năm 2010 ông Thương đến làm thầu cất nhà cho bà Bùi Thị Hiền – phụ nữ độc thân cùng xã. Hai bên nảy sinh tình cảm nên khi xây xong căn nhà, ông Thương ở lại… xây tiếp “tổ ấm” với bà này. Bà Nhị biết chuyện nên nhiều lần đến đánh ghen, yêu cầu họ chấm dứt mối quan hệ.
Bà Hiền thú nhận mình quá yêu thương và muốn chung sống với ông Thương. Không biết cặp tình mới bàn tính cùng nhau thế nào mà sau đó bà Hiền tìm gặp bà Nhị thương lượng: nếu “nhường” lại chồng, để ông Thương đến sống hẳn với mình thì bà ta sẽ “đưa” bà Nhị 50 triệu đồng.
Thấy khó ngăn cản được chồng, phần phải lo nuôi ba đứa con cùng mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi nên bà Nhị đồng ý. Cả ba người gồm ông Thương, bà Nhị, bà Hiền cùng làm và ký tên vào tờ thỏa thuận, trong đó có nội dung:
“Ngày 24-5-2010 âm lịch, tôi Bùi Thị Nhị đồng ý cho chồng tôi là Trần Văn Thương sống cùng chung với chị Bùi Thị Hiền… Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai”.
Từ đó ông Thương ở hẳn bên nhà bà Hiền, gần như ly thân với vợ, chỉ thỉnh thoảng về thăm mẹ, thăm con. Tưởng chuyện chỉ có thế thì bỗng dưng hai năm sau, ông Thương… cao chạy xa bay, không còn chung sống với bà Hiền nữa nên bà Hiền tìm gặp bà Nhị đòi lại 50 triệu đồng.
UBND xã hòa giải ba lần ông Thương đều lánh mặt, còn bà Nhị khai trước đây mình không hề hỏi mượn gì cả, việc bà Hiền đưa cho 50 triệu đồng là phụ tiếp mình nuôi con, nuôi mẹ chồng để mình chấp thuận… giao chồng cho bà này. Sau đó bà Hiền khởi kiện ra tòa đòi tiền.
Ngày 28-6-2013 tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thương nhận trách nhiệm và cam kết trả lại 50 triệu đồng cho người tình dứt điểm trong 60 ngày. Nguyên đơn chấp thuận, rút yêu cầu khởi kiện nên tòa quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Quá thời hạn cam kết mà người tình cũ không trả tiền, bà Hiền lại khởi kiện yêu cầu bà Nhị và ông Thương trả 50 triệu đồng.
Bà Hiền đưa ra tờ thỏa thuận có dòng chữ “cho chị Bùi Thị Nhị mượn với số tiền mặt là 50 triệu đồng thời hạn 1 năm”, trong đó chữ “mượn”, số “1″ và vài chỗ có dấu sửa, được tô đậm lên. Căn cứ vào đó bà Hiền quả quyết mình cho mượn tiền để… được chung sống với người tình, chứ không phải bỏ tiền ra để… mua chồng.
Vấn đề cần trao đổi là bà Nhị, bà Hiền và ông Thương có vi phạm pháp luật không? Và vi phạm điều luật nào? Tòa án có thụ lý vụ kiện không? Và sẽ xử lý ra sao cho đúng các quy định pháp luật?
Ý kiến bạn đọc:
Bà Nhị đã thực hiện đúng cam kết
Theo đúng nội dung vụ án và theo văn bản ký kết giữa 3 người, bà Nhị đã “bán” chồng là ông Thương cho bà Hiền với giá 50 triệu đồng. Bà Nhị đã không chung sống với ông Thương nữa, ông Thương đã về ở với bà Hiền. Bà Hiền không giữ được ông Thương là trách nhiệm của bà Hiền, không phải của bà Nhị.
Bà Hiền không được kiện đòi tiền bà Nhị nữa. Về việc bà Nhị chưa ly dị với ông Thương là do hiểu biết pháp luật kém, chưa làm ngay sau khi ký giấy “bán” chồng. Sau này, bà Nhị đã ly dị với ông Thương. Hợp đồng như vậy là đã thực hiện xong. Theo chúng tôi biết, vụ này cả làng xã đều biết, bà Hiền không nên bội tín.Vũ Thị Nga(Thoại Sơn, An Giang)
Đây là một hợp đồng vay nợ mà vật thế chấp là… ông Thương
Video đang HOT
Bà Hiền quả quyết mình cho mượn tiền để… được chung sống với người tình, chứ không phải bỏ tiền ra để… mua chồng. Như vậy, đây là một hợp đồng vay nợ mà tài sản thế chấp là ông Thương. Tài sản thế chấp là ông Thương do bà Hiền quản lý. Vì vậy, bà Hiền để mất ông Thương là bà Hiền làm mất tài sản thế chấp.
Ông Thương cũng đã ly dị bà Nhị, cho nên không thể nói bà Nhị lấy lại đồ thế chấp mà không trả tiền bà Hiền. Dù nói thế nào, bà Nhị cũng vô can trong việc này. Theo tôi, trách nhiệm của ông Thương là quan trọng nhất. Ông đã cam kết về sống với bà Hiền nhưng lại bỏ bà Hiền, cam kết trả tiền cho bà Hiền mà không trả, ông Thương phải bị xử lý tội bội tín.Nguyễn Thị Bích Phượng(Cầu Kè, Trà Vinh)
Không có điều luật nào cho phép bán chồng
Trong vụ việc này, người chồng không phải là tài sản để có thể giao dịch, chuyển nhượng hay thế chấp. Bản chất ở đây là thỏa thuận trái pháp luật: Bà Nhị đồng ý để chồng mình chung sống như vợ chồng với người khác – là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Người chồng có hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng (điều 147 Bộ luật Hình sự).
Pháp luật về hôn nhân gia đình cũng cấm hành vi thỏa thuận giao nhận tiền vì mục đích trái pháp luật (cho chồng mình chung sống với người khác) này. Như vậy đây là một giao dịch trái luật. Khi xem xét vụ kiện dân sự, tòa cần xem đây là một trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu (vì mục đích giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội).
Theo quy định của Bộ luật Dân sự về giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu, các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Cho nên, người nhận 50 triệu đồng phải trả lại cho người giao. Bà Nhị phải trả cho bà Hiền 50 triệu đồng. Ông Thương phải bị phạt vi phạm hành chính.Trần Phạm Gia (Quận 5, TP Hồ Chí Minh)
Tòa án cần xử lý vụ kiện theo hướng tranh chấp tài sản
Lần xử lý trước tòa đầu tiên, ông Thương đã cam kết trả lại cho bà Hiền 50 triệu đồng. Xét về mặt pháp lý, hòa giải thành, nếu ông Thương không trả tiền, bà Hiền có quyền kiện ra tòa đòi tiền ông Thương và không được đòi bà Nhị nữa. Vụ việc mua bán hay cho mượn chồng đã là quá khứ. Bà Hiền cũng không có quyền đưa giấy mượn chữa lung tung để đòi tiền bà Nhị, vì khi hòa giải thành, bà Hiền đã đồng ý thỏa thuận tiền bạc với ông Thương.
Có thể nói, bà Nhị không còn liên quan tới vụ kiện. Do đó, bà Hiền không có quyền khởi kiện bà Nhị trong lần khởi kiện thứ hai, trừ trường hợp số tiền khởi kiện lần hai là một giao dịch khác lần khởi kiện thứ nhất. Tòa án có thể đối chiếu văn bản thỏa thuận giữa bà Hiền, ông Thương, bà Nhị trong hai vụ kiện sẽ xác định được bản chất sự việc.Vũ Văn Thành(TP Long Xuyên, An Giang)
Bình luận của Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội):
Theo nội dung vụ án, ở đây có hai sự việc cần xem xét về mặt pháp lý. Đó là sự việc 3 người, gồm bà Nhị, bà Hiền và ông Thương thỏa thuận về quan hệ với ông Thương và việc bà Hiền kiện đòi số tiền 50 triệu đồng.
Về việc ba người thỏa thuận về mối quan hệ với ông Thương, xét về mặt pháp lý, ở đây có nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) 2014 quy định: Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Luật HNGĐ quy định tại khoản 1c điều 5: Nghiêm cấm: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Ông Thương đang có vợ có kết hôn là bà Nhị lại chung sống với bà Hiền là vi phạm khoản 1c điều 5 Luật HNGĐ.
Việc bà Nhị, do không ngăn cản được việc ông Thương sang sống với bà Hiền, chấp nhận không đánh ghen, không xúc phạm bà Hiền mà không tố cáo trước các cơ quan chức năng là việc làm sai, thiếu trách nhiệm với gia đình mình và các con cái, tuy không vi phạm pháp luật, nhưng về mặt đạo đức cũng cần lên án. Tuy nhiên việc nhận 50 triệu đồng của bà Hiền lại là một việc phải xem xét kỹ lưỡng. Nếu đây là khoản tiền “hỗ trợ” bà Nhị chăm sóc con cái và cả mẹ ông Thương nữa thì việc nhận tiền chỉ là sự cảm thông giữa các phụ nữ trong hoàn cảnh éo le, không vi phạm pháp luật.
Thậm chí đây có thể coi là một nghĩa cử của bà Hiền. Lẽ ra ngay sau đó, bà Nhị và ông Thương cần tiến hành các thủ tục pháp lý để ly dị, sau đó, ông Thương kết hôn với bà Hiền, mọi việc sẽ đúng các quy định pháp luật. Nhưng nếu bà Nhị yêu cầu bà Hiền phải trả 50 triệu đồng để nhường ông Thương cho bà Hiền, không tiếp tục đánh ghen nữa, thì đó lại là một hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 1 Điều 135. Bộ luật Hình sự quy định: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì phạm tội Cưỡng đoạt tài sản và bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Về vụ kiện đòi tiền của Bà Hiền, có thể thấy đây là một vụ tranh chấp tài sản và tòa án thụ lý là đúng. Tuy nhiên, nếu tòa án xử lý lần thứ nhất xem xét hủy giao dịch không đánh ghen và nhận 50 triệu đồng vì giao ước này vi phạm pháp luật, trái với các tiêu chuẩn đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục và yêu cầu bà Nhị trả số tiền đã nhận cho bà Hiền thì sẽ không có vụ kiện thứ hai.
Cũng cần xem xét giấy thỏa thuận ba bên giữa bà Nhị, bà Hiền, ông Thương để làm rõ 50 triệu đồng bà Hiền đưa cho bà Nhị là khoản tiền bà Hiền tặng cho bà Nhị để “bù đắp tổn thất tinh thần” hay là khoản tiền bà Hiền cho bà Nhị vay. Theo đó, toà án cấp phúc thẩm cần tổ chức giám định lại giấy thỏa thuận ba bên để xác định sự thật của vụ án. Kết thúc vụ kiện thứ nhất, các bên đã hòa giải thành, ông Thương cam kết trả tiền cho bà Hiền, Bà Hiền cũng đồng ý như vậy.
Vì vậy tôi đồng ý với một bạn đọc: “Do đó, bà Hiền không có quyền khởi kiện bà Nhị trong lần khởi kiện thứ hai, trừ trường hợp số tiền khởi kiện lần 2 là một giao dịch khác lần khởi kiện thứ nhất. Tòa án có thể đối chiếu văn bản thỏa thuận giữa bà Hiền, ông Thương, bà Nhị trong hai vụ kiện sẽ xác định được bản chất sự việc”.
Câu chuyện này cũng là một lời cảnh báo đối với những người đang có các quan hệ ngoài vợ chồng. Cơ sở của một mối quan hệ, một gia đình bền vững là sự chung thủy và tôn trọng lẫn nhau. Nếu nghĩ rằng người vợ hay người chồng là “vật sở hữu” của mình và mình có thể nhượng lại cho người khác thì không đúng. Hậu quả của việc này không chỉ với những người lớn mà còn đối với những đứa trẻ trong gia đình.
Theo An ninh Thủ đô
Nhượng chồng với giá 50 triệu đồng, đúng hay sai?
"Quan hệ vợ chồng là quan hệ nhân thân không gắn liền với tài sản nên không thể mang cái quyền làm vợ, quyền làm chồng của mình ra để cho thuê, bán, đổi trác" - luật sư Đặng Văn Cường khẳng định.
Theo thông tin về vụ án, ông Trần Văn Thương và bà Bùi Thị Nhị là hai vợ chồng hợp pháp, trú tại xã Phú Thuận, Thoại Sơn,tỉnh An Giang. Năm 2010, ông Thương đến làm thầu xây nhà cho bà Bùi Thị Hiền - phụ nữ độc thân ngụ cùng xã. Hai bên nảy sinh tình cảm.
Nhiều lần bà Nhị đến đánh ghen, yêu cầu họ chấm dứt mối quan hệ. Bà Hiền thú nhận mình quá yêu thương và muốn chung sống với ông Thương nên đã tìm gặp bà Nhị thương lượng: Nếu "nhường" lại chồng, để ông Thương qua sống hẳn với mình thì bà ta sẽ "đưa" bà Nhị 50 triệu đồng.
Cả ba người gồm ông Thương, bà Nhị, bà Hiền cùng làm và ký tên vào tờ thỏa thuận với nội dung bà Nhị nhận được số tiền 50 triệu và đồng ý cho chồng mình là ông Thương sống cùng bà Hiền.
Hai năm sau, ông Thương... cao chạy xa bay, không còn chung sống với bà Hiền nữa nên bà Hiền tìm gặp bà Nhị đòi lại 50 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Hiền.
Ông Thương liên tục lánh mặt trong 3 lần UBND xã hòa giải, còn bà Nhị thì khai trước đây mình không hề hỏi mượn gì cả, việc bà Hiền đưa cho 50 triệu đồng là phụ tiếp mình nuôi con, nuôi mẹ chồng để mình chấp thuận... giao chồng cho bà này. Sau đó bà Hiền khởi kiện ra tòa đòi tiền.
Ngày 28/6/2013 tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thương lãnh trách nhiệm và cam kết trả lại 50 triệu đồng cho người tình dứt điểm trong 60 ngày. Nguyên đơn chấp thuận, rút yêu cầu khởi kiện nên tòa quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Vài tháng sau bà Nhị cũng xin ly hôn, tòa tuyên không công nhận bà Nhị và ông Thương là vợ chồng.
TAND huyện Thoại Sơn căn cứ tờ thỏa thuận giữa 3 người và việc hai bên thừa nhận có đưa tiền, nhận tiền nên buộc bà Nhị và ông Thương có trách nhiệm trả 50 triệu đồng cùng tiền lãi phát sinh hơn 11 triệu đồng.
Bà Nhị cho rằng tòa chưa xem xét toàn bộ sự thật khách quan, xử không đúng nên kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Trong đơn kháng cáo, bà Nhị cho rằng bà Hiền tự nguyện cho tiền mà tòa thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là không đúng.
PV báo Người đưa tin vừa có cuộc phỏng vấn đối với các luật sư và chuyên gia để làm rõ những tranh cãi trong dư luận xoay quanh vụ việc này.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, trong vụ việc trên là quan hệ dân sự hôn nhân và gia đình. Đây là quan hệ nhân thân không gắn liền với tài sản nên người vợ hoặc người chồng không thể mang cái "quyền làm vợ/quyền làm chồng" của mình ra để cho thuê, bán, đổi trác...
Về mặt pháp lý, luật sư ĐặngVăn Cường khẳng định rằng, thỏa thuận "bán quyền sử dụng chồng" với giá 50 triệu đồng là giao dịch dân sự vô hiệu. Giao dịch này vô hiệu do trái pháp luật, đạo đức xã hội theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự. Vì vậy, nếu có tranh chấp về số tiền đó thì tòa án sẽ căn cứ vào quy định của luật hôn nhân và gia đình, căn cứ vào quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự để tuyên bố giao dịch "bán chồng với giá 50 triệu đồng" là giao dịch dân sự vô hiệu, đồng thời giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định tại Điều 137 BLDS là: Bên nào nhận thứ gì của nhau thì phải trả, bên nào có lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.
Câu chuyện này thể hiện những mặt trái của xã hội, có thể nói rằng tính "thương mại hóa" trong các quan hệ xã hội làm cuộc sống trở lên rắc rối, phức tạp. Vẫn biết rằng tình cảm vợ chồng là có thể thay đổi, có thể chấm dứt (ly hôn), tuy nhiên không vì thế mà biến nó thành một món hàng để giao dịch trên thị trường. Việc định giá tình cảm thành tiền là điều đáng lên án vì nó vi phạm đạo đức xã hội, làm giảm giá trị của con người, thể hiện sự xuống cấp của đạo đức, đi ngược lại thuần phong mỹ tục.
Nếu trong giấy biên nhận tiền ghi là "mượn tiền" có thời hạn thì đây là quan hệ vay mượn dân sự. Đến thời điểm hết hạn vay tiền thì người vay tiền có trách nhiệm trả lại số tiền đó. Nếu hai bên không thỏa thuận về lãi thì lãi suất được tính theo lãi cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố.
Trong trường hợp vay mượn này thì chuyện quan hệ "tay ba" không được tòa án xem xét trong vụ án này. Nếu thỏa thuận vay mượn trên để che dấu giao dịch dân sự: "bán" chồng thì giao dịch này sẽ vô hiệu và bên "mua" chỉ đòi được 50 triệu đồng chứ không đòi được tiền lãi suất cho vay. Giao dịch vay mượn tiền là giao dịch vô hiệu do giả tạo, nhằm che giấu một giao dịch khác.
Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình- Công ty luật Vinh Đức - Đoàn luật sư TP Hà Nội thì khẳng định rằng, trong vụ việc này nếu tại Tòa án các đương sự đều có lời khai thừa nhận sự việc đúng như nêu ở trên thì cần được xác định đó là chứng cứ không phải chứng minh theo quy định tại ChươngVII: Chứng minh và chứng cứ - Bộ luật tố tụng dân sự.
Luật sư Đặng Văn Cường và Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình.
Tuy nhiên cần phải xem xét đến nội dung thỏa thuận dân sự này có vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội hay không. Ở tình huống này, việc ngày 24/5/2010 cả ba người gồm ông Thương, bà Nhị, bà Hiền cùng làm và ký tên vào tờ thỏa thuận với nội dung bà Nhị nhận được số tiền 50 triệu và đồng ý cho chồng mình là ông Thương sống cùng bà Hiền là có dấu hiệu vi phạm luật hôn nhân gia đình về chế độ hôn nhân một vợ một chồng và về khía cạnh đạo đức xã hội cũng không thể chấp nhận được hay nói cách khác là trái đạo đức xã hội.
Vụ việc đã không trở nên phức tạp nếu như Tòa án thu lý giải quyết căn cứ Điều 4: Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận; Điều 389: Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự; Điều 128: Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội - Bộ luật dân sự để giải quyết theo hướng tuyên hủy giao dịch dân sự này vì lý do giao dịch dân sự này vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu cụ thể là hoàn trả lại cho nhau những gì đã giao nhận, bên nào có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định tại Điều 137- Bộ luật dân sự.
Nếu Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ việc theo hướng như trên thì vụ án đã khép lại. Khi đó, không còn có việc bà Nhị kháng cáo cho rằng tòa chưa xem xét toàn bộ sự thật khách quan, xử không đúng nên kháng cáo toàn bộ nội dung bản án bởi lý do bà Nhị cho rằng bà Hiền tự nguyện cho tiền mà tòa thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là không đúng.
Nguyễn Xinh
Theo_Người Đưa Tin
Lý - tình trong vụ "nhượng chồng" 50 triệu đồng Câu chuyện một người đàn ông được "nhượng" lại với giá 50 triệu đồng giữa hai người phụ nữ đã gây ra nhiều tranh cãi về cái lý, cái tình. 50 triệu đồng để sống với người khác Ông Trần Văn Thương và bà Bùi Thị Nhị sống chung với nhau từ năm 1992 và có 3 đứa con. Sau đó ông Thương...