Chuyện những trùm giang hồ bật khóc trong tù vì nhớ Tết
Tết trong tù. Tôi và các trùm giang hồ cảm thấy mình yếu đuối, cô độc. Chúng tôi thèm cái Tết sum vầy, ấm áp ngoài kia”, nhà báo Hoàng Linh kể về phần đời đặc biệt của anh
Nếu thong thả lần giở những tờ báo Xuân năm nay bạn sẽ thấy sắc xuân đang dần kém đi, nàng xuân phải nhường chỗ cho những vấn đề tưởng chừng như to tát hơn, những lo toan lớn hơn.
Biết bao câu chuyện vĩ mô, cái đã hoàn thành, cái còn dang dở. Rồi nơi này trên thế giới chiến tranh, nơi kia thiên tai, tai nạn, dịch bệnh… những ám ảnh đang làm nặng thế giới.
Nhưng, dù ta có chờ đợi hay không thì mùa Xuân vẫn phải đến. Dù ta có nghĩ gì về nó, có thấy Tết quan trọng hay ám ảnh, thì nó vẫn đến dù bạn còn hay bạn mất đi.
Hãy quý trọng những khoảnh khắc sum họp bên người thân và đừng nhìn mọi điều theo chiều hướng tiêu cực khi mùa Xuân đang gõ cửa.
Bởi, ai từng trong cảnh không tự do trong chốn lao tù như tôi, bạn sẽ thấy cái Tết ấm áp ngoài kia quý giá nhường nào…
Nước mắt giang hồ
Là một trong những người bị bắt trong đại án Năm Cam, kỳ lạ là tôi và những người bạn đồng cảnh lại háo hức chờ đợi Tết cho dù quanh quẩn ở trong cái phòng chỉ vài mét vuông, thiếu cả ánh sáng.
Lúc đó tôi ở chung với Dũng Bắc Cạn, tay trùm giang hồ khét tiếng, “đới đao hộ vệ” cho các ông trùm, bà trùm như Cu Lý, Dung Hà, Dũng “đui”…, Chín Việt Kiều (án tử hình), Tâm “giết người”…
Căn cứ vào ngày hỏi cung cuối cùng 23 tháng Chạp, chúng tôi đếm ngược thời gian để chờ Tết, niềm vui đầu tiên là không bị hỏi cung như thường khi.
Dũng kể chuyện Tết giang hồ ở Hải Phòng, Hà Nội…Chín “việt kiều” kể chuyện ăn Tết Việt ở Úc còn thằng Tâm “giết người” kể chuyện những cái tết khi còn tự do ở quê nó…
Ôi, những mùa xuân bình thường sao mà xa lắc xa lơ và trân quý đến thế, hai thùy não của tôi chợt vang lên khúc nhạc nào đó mà nhiều năm sau này tôi mới biết đó là bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Tôi bật lên tiếng hát câu nọ xọt câu kia vì không thuộc lời, Dũng Bắc Cạn lên tiếng:
- Đừng hát nữa ông anh, em buồn quá, nhớ nhà quê quá anh ạ…
Tay giang hồ nổi tiếng tàn bạo quay lưng úp mặt vào tường khóc thầm, Chín “Việt kiều” cũng vậy còn Tâm “giết người” khóc tồ tồ…
Mùa bình thường, mùa Xuân không đến với những người như chúng tôi!
Phạm nhân chuẩn bị cây mai đón Tết. Nguồn: Zing.vn
Đột ngột chúng tôi được lệnh chuyển trại giam, chừng nửa giờ đi xe, không biết là đâu vì xe bít bùng, phòng giam tối thui nhưng căn cứ vào “tiếng đời” (kèn xe, rao bán kem, keo dính chuột) đoán là gần quốc lộ hoặc khu dân cư.Giấc mơ nửa chừng và nhánh mai vàng quý giá
-Đây là trại “Mảnh hổ”.
Thằng Tâm “giết người” lên tiếng. “Mảnh hổ” là cách gọi của dân đi tù còn tên hành chính của nó là gì thằng Tâm cũng không biết vì nó mù chữ mà.
Dù vậy, Tết cũng đến rồi với quà thăm nuôi của Chín “Việt kiều” như thèo lèo, bánh chưng….
Chúng tôi hết thời gian chờ xuân đến bằng cách nằm im dụ muỗi bu vào rồi đập rõ to, ăn bánh chưng trong bóng tối và kể chuyện những mùa xuân tự do…
Kết thúc luôn là những giọt nước mắt!
Không hiểu những bạn ấy mơ gì, tôi thì thấy nhiều thứ trong giấc mơ của mình…
Video đang HOT
…Quê tôi ở Củ Chi, Hóc Môn nên không bánh chưng mà là bánh tét…Nhà tôi ở vùng “xôi đậu”, ban ngày do chế độ cũ quản lý, đêm đến là vùng gải phóng…
Vui nhất là đêm ba mươi, tôi có nhiệm vụ đi mót củi, quét lá măng cụt, xé lá chuối… chuẩn bị chỗ nấu bánh tét…
Vui lắm, chòm xòm xúm lại chuẩn bị, mấy bà góa chồng nói “trây” bà cố…lâu lâu lại đuổi tôi đi nơi khác:
-Con nít con nôi, đi chỗ khác chơi, để người lớn nói chuyện…
Khi củi đã hồng than, những người du kích xuất hiện, họ lặng lẽ ngồi xung quanh nồi bánh, súng AK để trên đùi, nòng súng hướng ra ngoài.
Chỉ trừ chú Ba Chăn, không biết chú làm gì nhưng không đeo súng dài, súng ngắn lận lưng, chú cho tôi gối đầu lên đùi và khe khẽ hát cho tôi nghe những bài hát tết thật xa lạ mà tôi vẫn thuộc vài đoạn cho đến khi lớn lên, đó là bài Xuân chiến khu.
Ầm Ầm ầm…tôi tỉnh giấc mơ xuân…có tiếng đập cửa…
Cả phòng giam được lệnh bước ra ngoài với tư thế quen thuộc quần cộc, đánh trần.
Vị giám thị với lễ phục trang trọng trắng toát:
- Tết đến, tôi chúc các anh gặp nhiều may mắn trong cung từ. Chúc sức khỏe. Biết rằng một ngày ở tù là nghìn thu ở ngoài, thành thật thì không biết chúc gì, mong các anh giữ gìn sức khỏe và án từ được giảm nhẹ thôi.
Tôi là trưởng phòng giam nên đề đạt nguyện vọng xin một nhánh mai vàng, thật ra tôi chợt bật lên thôi chứ trong phòng giam tối tăm làm gì thấy được sắc mai.
Vị giám thị suy nghĩ giây lát rồi gật đầu.
Ngay sau đó, còn hơn mong đợi, chúng tôi được chuyển sang phòng giam đầy ánh sáng, công kênh lên lỗ thở có thể nhìn thấy sân tenis ngay cạnh đó và đường quốc lộ xa xa và trời ạ, một nhánh mai vàng đầy bông nữa!
Cảm ơn giám thị, cảm ơn trời đất đã mang Tết đến.
Tết thật rồi.Tôi vui còn hơn lần đầu tiên ngồi vào vô lăng chiếc xe ô tô đắt tiền của mình.
Niềm vui tết của người tù đơn giản vậy đó.
Phạm nhân nữ nhận quà Tết. Nguồn: Công Lý
Những cái tết sau của tôi nhộn nhịp hơn khi đã được chuyển đi trường, một trại giam lớn của Bộ Công An ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.Phạm nhân nữ “phải đẹp” khi Tết đến
Biết chút ít chữ nghĩa, hiền lành và không ngại va chạm với giang hồ….nên tôi được chỉ định đại diện cho phạm nhân để giúp việc cho cán bộ.
Từ đó tôi tinh thông bách nghệ: làm ruộng, thu hoạch mía, thu hoạch dừa, lột vỏ hạt điều, chỉnh nhạc, làm heo, nấu ăn…
Nhưng tôi thích nhất là việc dạy học cho phạm nhân, chủ yếu là xóa mù chữ cho anh em.
Công việc của tôi cũng khá thuận lợi vì đã có nhiều bạn bè từ các trại khác chuyển đến chung tay chung sức như anh Hòa “búa”, Bảo “thái tử”- Cường “phò mã” (con và rể ông Năm Cam), Cường “râu”, Lai “điên”, Đức “đại bàng”…
Nhiều chuyện lắm tôi chỉ là nhớ gì kể đấy…
Ai đó đã nói “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”, câu này đúng mọi lúc mọi nơi kể cả trong tù….
Tết đến, Giám thị cho phép phạm nhân nữ được cắt tóc, thợ cũng là phạm nhân. Tôi là người được phân công giúp cán bộ quản giáo thực hiện việc đó.
Lúc đầu tôi buồn cười lắm, trong tù chỉ nhìn mặt nhau đã chán, bước ra khỏi buồng giam là lao xuống ruộng: sửa soạn, trang điểm cho ma nó nhìn à (nam nữ cách ly tuyệt đối).
Nhưng Tết mà, “dù sao cũng phải đẹp”, cô tù nào cũng nói vậy, họ tha thiết nhờ tôi xin được mua một loại thuốc xức bệnh ngoài da là Cottibion, số lượng 2 lọ mỗi người. Hơi nhiều….chắc tại bệnh ngoài da nhiều.
Cán bộ nhìn tôi chăm chăm:
- Anh biết đội nữ mua thứ này nhiều để làm gì không?
- Báo cáo cán bộ, chắc để trị bệnh ngoài da.
- Thất vọng quá, anh giúp cán bộ quản lý hàng ngàn con người mà không biết thứ này để họ làm đẹp sao…
Thì ra, các cô dùng nó để làm da mặt trắng sáng…
Chắc là không nỡ để tôi thất vọng hay vì thông hiểu hoàn cảnh của phạm nhân nữ mà cán bộ đã đồng ý dù không hài lòng…
Tết mà. Dù sao cũng phải đẹp.
Sắc xuân bừng lên mọi nơi trong trại giam mặc dù tù vẫn là tù, thật kỳ lạ Tết xuyên qua mọi bức tường và đến với tất cả mọi người cách công bằng.
Ngay trưa mùng hai mùng ba Tết gì đó, vị giám thị đột ngột vào tận buồng giam chúc Tết và nói:
- Anh Linh cùng anh Quý, anh Cường chuẩn bị người đi lấy nước ngọt!
Đúng là mấy hôm nay nguồn nước ngầm bị xâm mặn, chát chát, uống vào rất khó chịu…
Những chiếc ghe bầu nhanh chóng rời khỏi cổng thủy của trại, xuôi dòng ra cửa sông, cán bộ quăng gàu thử thấy nước mặn đắng.
Ông đứng ở mũi thuyền chụm tay nhìn những đám mây xa xa…
Nước đột ngột đổi dòng chảy, thuyền neo lại, cán bộ ra khẩu lệnh:
- Chuẩn bị!
Tôi phát lại lệnh:
- Tất cả chuẩn bị.
Thật ngoạn mục, nước từ trên trời đổ xuống như thác, khoảng 10 phút thì ngưng:
- Lấy nước.
Tôi tiếp lệnh:
- Tất cả múc nước!
Khi nước đã đầy các vật chứa, cán bộ khẩu lệnh:
- Điểm danh, quay về…
Tù tranh thủ té tát nước ngọt, uống lấy uống để, thật sảng khoái. Bất chợt có tiếng bìm bịp kêu chiều:
- Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi…
Nước đổi dòng chính lưu, chiều sụp xuống thật nhanh, chim bay về tổ, đâu đó chim vạc táo tát nghe buồn như tiếng kinh cầu. Khói chiều trên sông như sương buổi sớm làm lòng người nhớ quê hương tan nát.
Tôi gõ tay vào mạn thuyền đọc thơ Thôi Hiệu:
Hán Dương sông tạnh cây bày.
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai…
Vị cán bộ đứng cạnh tôi thở dài, có lẽ ông đang nhớ gia đình ở ngoài Bắc. Lại thêm một cái Tết xa nhà…
Còn những người tù thì cúi đầu, tan nát cõi lòng…
Còn gì hơn một cái Tết đoàn viên, phải không bạn?
Tôi yêu Tết!
Theo Trí Thức Trẻ
'Giọt máu đào' trời đánh của ông trùm giang hồ Năm Cam
Cuộc đời của Hai Nhái - Trương Văn Hùng là một bi kịch của sự ghẻ lạnh. Đến độ bà Mai Thị Nguyệt, mẹ đẻ của hắn phải thốt lên ai oán... đúng là nghiệp chướng.
Không phải là Thái Tử, cũng chẳng phải là Phò Mã như những cái chức danh mĩ miều mà dân giang hồ thời bấy giờ đặt cho những đứa con của Năm Cam, người ta gọi hắn là Hai Nhái, mặc dù là hắn là con trai cả của ông trùm giang hồ khét tiếng đất Sài Gòn.
Cuộc đời của Hai Nhái - Trương Văn Hùng là một tấn bi kịch của sự ghẻ lạnh, nghiện nghập và bất trị, đến độ bà Mai Thị Nguyệt, mẹ đẻ của hắn phải thốt lên ai oán rằng: "Đây chính là nghiệp chướng".
Giọt máu đào lạc lõng
Hắn là kết quả của một mối tình chóng vánh và đầy ngang trái của bà Mai Thị Nguyệt và Năm Cam. Sinh ra không được cha đẻ thừa nhận, dường như cuộc đời Trương Văn Hùng (Hai Nhái) đã định nghĩa hắn phải trở thành một người đàn ông bất hảo, không giáo dục và phải nhận lấy một kiếp sống giang hồ.
Câu chuyện tình của Năm Cam và bà Mai Thị Nguyệt cũng chỉ như một bước sẩy chân lầm lỡ mà cả cuộc đời người đàn bà bạc mệnh này phải gánh chịu. Bà Nguyệt quê gốc ở huyện Bình Đại, Bến Tre, vốn là cành vàng lá ngọc, tuổi thơ của bà Nguyệt là một tiểu thư xinh đẹp và sung sướng.
Mẹ đẻ của Trương Văn Hùng, bà Mai Thị Nguyệt
Nhưng cuộc đời chẳng ai nói trước được điều gì, cuộc đời Mai Thị Nguyệt bước ngoặt sang một hướng khác đắng cay và khổ cực khi gặp Năm Cam, lúc đó mới chỉ 15 tuổi. Hồi đó Năm Cam là một chàng trai ốm nhom ốm nhách, gia cảnh bần hàn nhưng được cái khéo ăn nói và lễ phép.
Được mai mối và cha mẹ bà Nguyệt ưng thuận, hai bên gia đình tổ chức lễ ăn hỏi, chờ hai người lớn thêm chút nữa thì tổ chức lễ thành hôn. Ai ngờ khi bà Nguyệt đang mang bầu, Năm Cam công khai bồ bịch một cách trắng trợn. Lời ước hẹn cưới gả từ đó cũng tan thành mây khói.
Trương Văn Hùng, đứa con lạc lõng của ông trùm Năm Cam
Đứa con của bà Nguyệt sinh ra đã thiếu hơi ấm tình thương của cả cha lẫn mẹ. Sinh năm 1962, Trương Văn Hùng được biết tới với tư cách là cháu ruột của Năm Cam khi được chị ruột của ông trùm này là bà chị Tư Sẩm nhận làm con nuôi. Từ đó, Trương Văn Hùng lớn lên như một kẻ "trời đánh" bất trị.
Cái thời mà Năm Cam còn là một gã nông dân nghèo mạt hạng, phải tích cóp tiền bạc để dành mua mấy sào ruộng ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) để trồng cây ăn quả, rồi bị lũ lụt cuốn hết cả tài sản phải về "núp váy" vợ là bà Trúc (Tức Trúc Mẫu Hậu), Trương Văn Hùng cũng theo cha về ở với dì ghẻ, rồi bị bà Trúc dằn mặt không thương tiếc.
Bà Trúc luôn coi Hùng là cái gai trong mắt, cần nhổ bỏ bởi sợ tình cha con của Hùng và Năm Cam được nối lại tốt đẹp sẽ khiến các con của bà bị bỏ rơi. Vì thế bà Trúc dựng lên những câu chuyện vô cớ rồi mắng chửi Hùng thậm tệ.
Đó là quãng thời gian Hùng cảm thấy tủi thân nhất trong cuộc đời, bởi không có kinh tế, tất cả cuộc sống của hai cha con Hùng phải phụ thuộc hoàn toàn vào bà Trúc nên cả hai người không có tiếng nói, cũng không dám phản kháng.
Nhưng khi Năm Cam trở thành ông trùm giang hồ khét tiếng, tài sản nhiều vô kể, tiền như nước, Hùng cũng chẳng được thơm lây bởi hắn không phải là một quân cờ mà Năm Cam có thể sử dụng được.
Là con cả của ông trùm giang hồ Năm Cam, Hùng có khuôn mặt và vóc dáng giống hệt cha như đúc tượng. Hắn từng coi đó là "vũ khí ngầm" của mình để tồn tại trong giới giang hồ, khi mà hắn không hề có sự thương yêu hay nâng đỡ của người cha già "nổi tiếng cộm cán".
Trương Văn Hùng có khuôn mặt giống hệt Năm Cam thời trẻ
Khác với những đứa con khác của ông trùm giang hồ Năm Cam, Hùng là một tay nghiện nghập ma túy hạng nặng, đồng thời sở hữu một lá gan "chuột nhắt", khác với dòng giống nhà giang hồ. Đó cũng chính là điều mà Năm Cam ghét nhất, khiến Hùng bị ghẻ lạnh và bị coi là thừa thãi.
Trong khi những đứa con trai, con rể của Năm Cam được gọi là Thái tử, Phò Mã trong giới giang hồ đất Sài Thành lúc bấy giờ và được giao cho những trọng trách nhất định trong đường dây rửa tiền, kinh doanh làm ăn của ông trùm khét tiếng.
Thì người con trai cả giống như tạc tượng của Năm Cam là Hùng chỉ được đứng làm chân bảo vệ trong các quán bar, nhà hàng và phải tự ra đường kiếm tiền để thỏa mãn cơn nghiện ngập của mình.
Cha hổ báo, con thì "chuột nhắt"
Năm 2003, Năm Cam cùng đồng bọn giang hồ cộm cán của hắn sa lưới pháp luật. Tháng 6/2004, Năm Cam kết thúc cuộc đời của một kẻ đầu sỏ - ông trùm giang hồ khét tiếng nơi pháp trường thì cuộc đời Hùng cũng bị định đoạt. Tháng 11/2004, Trương Văn Hùng bị bắt vì tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy. Hắn bị tuyên án 9 năm tù.
Thời gian ở tù, khi đầu hai thứ tóc, hắn mới nhận ra nhiều bài học đắng cay của cuộc đời và quyết tâm hướng thiện, nương nhờ cửa Phật để giúp tâm hồn thanh thản, cũng là cầu mong linh hồn của cha hắn được siêu thoát vì những tội lỗi đã gây ra. Năm 2013, sau khi ra tù, Trương Văn Hùng về sống với bà Nguyệt trong một căn nhà nhỏ chật hẹp ở đường Tôn Đản (Quận 4, TP HCM).
Tại đây hắn ngày đêm ăn chay niệm phật, tụng kinh gõ mõ hướng thiện. Mẹ hắn mừng thầm vì những tưởng con trai mình đã hồi tâm chuyển ý, trở thành một con người chính nghĩa sau khi ra tù. Thế nhưng, sự quyến rũ của con ma trắng vẫn còn vẩn vương trong cuộc đời Hùng mà hắn chưa từng dứt bỏ được. Khi biết con trai mình nghiện ngập trở lại, bà Nguyệt đầy đau đớn đuổi thẳng Hùng ra khỏi nhà.
Ông trùm giang hồ Năm Cam và đồng bọn
Từ đó Hùng đi cũng chẳng thèm đoái hoài tới người mẹ già ngày đêm vẫn mong ngóng đứa con trai duy nhất trở về. Bà Nguyệt từng đau đớn nói: "Nếu mai đây tấm thân già này chết đi, không biết ai sẽ chăm lo cho Hùng..."!
Cuộc đời Trương Văn Hùng là một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả Năm Cam và bà Mai Thị Nguyệt. Bởi sinh ra trong một hoàn cảnh ngang trái, từ nhỏ đã không có được sự yêu thương, chăm sóc của cả cha lẫn mẹ khiến hắn trở thành một con người bất trị, bị coi là "nghiệp chướng" của cuộc đời cha mẹ hắn.
Thế nhưng điều an ủi duy nhất của Hùng, có lẽ là tình thương trời biển của người mẹ hắn lúc về già. Đó cũng chính là đốm sáng duy nhất le lói trong cuộc đời đen tối của một gã giang hồ có lá gan chuột nhắt như hắn
Theo Ngươi đưa tin
Bí mật về sát thủ 'ra tay' với kẻ thù số 1 của ông trùm Năm Cam Tuấn "con" chính là sát thủ đã ra tay với Thắng "chập" kẻ thù số 1 của ông trùm Năm Cam. Sát thủ này may mắn thoát án tử hình bởi sự khoan hồng của pháp luật. Giang hồ có "chữ" "Giang hồ có chữ" Khác với các trùm đệ nhất giang hồ Hà Thành như Khánh "trắng", Hải "bánh", Hải "quắn" khắp...