Chuyện người phụ nữ Thái Lan được phong tặng Mẹ Việt Nam anh hùng
Từ quê hương Thái Lan, mẹ theo chồng về Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 5 người con của mẹ tòng quân ra trận thì 2 người nằm lại chiến trường. Năm 2014, mẹ được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ Việt Nam anh hùng Tống Thị Hiền.
Trong ngôi nhà tình nghĩa ở khối Đồng Tâm 2 (phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa, Nghệ An), mẹ Tống Thị Hiền (SN 1921) sống giản dị một mình, các con của mẹ sống gần đó vẫn thường xuyên chạy qua chăm nom. Năm 2014, mẹ vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước dành cho những hi sinh thầm lặng, lớn lao của mẹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mẹ Hiền thuở con gái có tên là Khăm Xóm Chèm Chăn, sinh ra ở Xà Vàng, Xà Cồn, Thái Lan. Cô gái Thái Lan xinh đẹp bén duyên với chàng trai Việt Nam Tống Văn Hiền (SN 1921) vốn theo gia đình sang Thái Lan sinh sống từ nhỏ.
Năm 1960, Đảng và Bác Hồ vận động kiều bào Thái Lan về Việt Nam xây dựng quê hương. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn ác liệt nhưng ông Tống Văn Hiền vẫn quyết định đưa cả gia đình về xã Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh). “Thuyền theo lái”, bà cùng 6 người con rời Thái Lan về Việt Nam với chồng. Năm 1962, cả gia đình bà Hiền dắt díu nhau lên vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) xây dựng kinh tế mới.
“Hồi về Việt Nam mẹ mới bập bẹ được đôi từ tiếng Việt, hầu như giao tiếp với người ngoài phải nhờ chồng con. Thấy mãi thế này không ổn, mẹ quyết tâm học tiếng Việt. Học từ chồng, từ con, từ hàng xóm. 5 năm sau, mẹ đã có thể nói tiếng Việt như người Việt Nam”, mẹ Hiền kể.
Danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho những cống hiến, hi sinh của mẹ Tống Thị Hiền trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dưng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1963, người con trai đầu của mẹ – anh Tống Văn Hiếu (SN 1943) lên đường nhập ngũ. Chỉ 2 năm sau anh Hiếu hi sinh trong một trận đánh ở Rú Nài (Tp. Hà Tĩnh), mãi 4 năm sau mẹ mới nhận được giấy báo tử của anh. Mỗi khi nhớ về anh mẹ lại khóc: “Ngày con lên đường mẹ dúi vào tay hắn 10 đồng để phòng khi cần đến mà dùng nhưng hắn nhất định không nhận. Hắn bảo mẹ giữ lấy mà lo cho các em rồi chỉ xin cái khăn Thái của bà ngoại để làm kỷ niệm. Hắn đi chiến đấu rồi hi sinh, chưa về thăm mẹ, thăm em được lần nào”.
Ngày nhận được giấy báo tử của anh Hiếu, ông Hiền đổ bệnh rồi qua đời sau đó ít lâu, để lại cho mẹ mấy đứa con dại mà đứa út mới hơn 9 tháng tuổi.
Năm 1968, mẹ tiễn người con trai thứ hai Tống Văn San tòng quân. Hai năm sau, người con thứ 3 Tống Văn Xiên lại tiếp bước hai anh. Năm 1972, anh Xiên hi sinh ở chiến trường Lào. Chỉ trong một thời gian ngắn, mẹ mất đi hai đứa con trai và người chồng yêu quý. Đau đớn tưởng như mẹ có thể ngã quỵ nhưng rồi nén nỗi đau vào trong, mẹ quần quật làm việc để nuôi các con, để quên đi nỗi đau đớn, mất mát.
Video đang HOT
Mẹ Hiền bên di ảnh của liệt sỹ Tống Văn Xiên
Sinh con trong thời loạn lạc, mẹ cũng muốn giữ con lại bên mình nhưng Tổ quốc cần các con của mẹ. 2 người con của mẹ là Tống Văn Ước và Tống Thị Nang lại tiếp bước các anh, xung phong ra trận tuyến. Mẹ sợ điều không may lại đến nhưng mẹ không giữ con lại. “Mất đi núm ruột của mình, mẹ đau đớn lắm nhưng con mẹ ra đi vì nước, vì dân và ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà. Mẹ đau, mẹ thương các con lắm nhưng mẹ tự hào vì các con của mẹ đã đóng góp cho hòa bình của đất nước”, mẹ Hiền tâm sự.
Vượt qua nỗi đau về sự mất mát, mẹ dồn hết tâm huyết để chăm sóc các con và hoàn thành nhiệm vụ của một người cán bộ xóm. Hiện hài cốt của liệt sỹ Tống Văn Hiếu đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ thị xã Thái Hòa. Liệt sỹ Tống Văn Xiên yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Việt – Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An). 94 tuổi đời, 55 năm mẹ sống ở Việt Nam, trở thành người con của nước Việt Nam, người mẹ Việt Nam. Năm 2014, mẹ Tống Thị Hiền được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng như một lời tri ân cho những hi sinh, mất mát của người phụ nữ Thái Lan ấy.
Ông Trần Tử Minh – Trưởng phòng LĐ-TB-XH thị xã Thái Hòa cho biết: “Đối với trường hợp của liệt sỹ Tống Văn Hiếu, phòng đã gửi hồ sơ đề nghị tặng Bằng Tổ quốc ghi công lên Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Tuy nhiên, tất cả các chế độ liên quan đến liệt sỹ Hiếu đều được đảm bảo”.
Hiện giờ, ở tuổi xưa nay hiếm, mẹ sống bình yên và giản dị trong ngôi nhà tình nghĩa do Nhà nước xây tặng. “Nhà nước tặng mẹ danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ vui và tự hào lắm. Mẹ tự hào vì các con mẹ đã ra đi vì nghĩa lớn. Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương rất quan tâm đến mẹ, mẹ không có gì phải phàn nàn nhưng thằng Hiếu hi sinh gần 50 năm rồi nhưng vẫn chưa được tặng cái Bằng Tổ quốc ghi công. Đối với mẹ, đó không phải là tờ giấy mà là sự ghi nhận của đất nước đối với xương máu của con mẹ”, giọng mẹ như trầm xuống.
Hơn nửa thế kỷ xa nơi chôn nhau cắt rốn, mẹ mới về thăm quê được 2 lần. “Lá rụng về cội”, mẹ cũng nhớ quê hương bản quán của mình nhưng Việt Nam là một phần cuộc đời của mẹ, là nơi các con mẹ đã hi sinh tuổi thanh xuân, hi sinh xương máu để bảo vệ. Bởi vậy, đối với mẹ, Việt Nam là quê hương thứ hai của mình, là nơi cho mẹ cuộc sống nhiều đau thương nhưng cũng rất đỗi tự hào. “Mẹ là mẹ Việt Nam”, mẹ nở nụ cười hiền từ.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Nỗi đau lúc cuối đời của người mẹ có 2 con liệt sĩ
Sinh được 5 người con, 2 con trai đã hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 2 cô con gái lập gia đình ở riêng, mẹ nương tựa vào cậu con trai còn lại nhưng nào ngờ lúc về già, mẹ lại bị chính người con ấy hắt hủi, đối xử tệ bạc...
Chiến tranh đã cướp đi của mẹ 2 người con trai lớn, vượt qua nỗi đau, mẹ gắng gượng nuôi 3 người con còn lại khôn lớn. Sau này hai cô con gái đi lấy chồng, mẹ xác định về già sẽ sống dựa vào người con trai thứ 3 tên Trần Văn Ba. Nào ngờ mẹ lại bị chính người con này hắt hủi tệ bạc.
Căn nhà của ông Ba.
Đó là bi kịch của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lụa (SN 1925), ở xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Mẹ Lụa là mẹ của hai liệt sĩ Trần Minh Nghĩa (SN 1949) hi sinh năm 1969 tại Quảng Trị và liệt sĩ Trần Văn Bạch (SN 1952), hi sinh năm 1972 tại Ba Tơ, Quảng Ngãi.
Khi niềm hi vọng chính là nỗi đau
Ngồi ở trong góc nhà người con gái thứ 4, mẹ Lụa buồn bã kể về cuộc đời lắm thăng trầm của mình. Hai người con liệt sĩ của mẹ vốn học rất giỏi. Ngày ấy anh Trần Minh Nghĩa đang là giáo viên cấp 1, còn anh Trần Văn Bạch vừa mới thi đậu Đại học Bách Khoa, thì xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Các anh đi chưa được bao lâu thì mẹ nghe tin người con cả hi sinh. Nỗi đau chưa nguôi mẹ lại nhận được tin "sét đánh": người con thứ 2 cũng ngã xuống. Mất cả 2 người con trong chiến tranh, những tưởng mẹ không còn sức lực để sống tiếp, nhưng vì 3 người con ở nhà, mẹ phải gắng gượng.
Để có tiền nuôi các con khôn lớn, mẹ cùng chồng chạy vạy buôn bán, làm lụng vất vả, kiếm từng đồng lo cho các con bữa ăn, cái mặc. Tuy cuộc sống vất vả nhưng gia đình ai cũng chịu thương, chịu khó. Năm 1993, ông Trần Văn Tuyết là chồng của mẹ Lụa qua đời vì bạo bệnh, hai cô con gái út cũng lập gia đình ra ở riêng. Mẹ Lụa ở với vợ chồng người con trai thứ 3.
Nhưng cũng chính từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, mẹ bị chính vợ chồng người con trai của mình chửi bới, hắt hủi.
Mẹ Lụa cay đắng cho biết: "Ơn sinh thành dưỡng dục nó không báo đáp nó lại chửi rủa, mắng mỏ tôi, nó bảo sao sét không đánh chết tôi đi cho chật đất... Tôi già rồi cũng chẳng chấp nhắt làm gì, nhưng đau lắm chú à. Sinh ra người con mà nó nào kêu tôi bằng mẹ, bằng con, nó xưng hô với tôi bằng tao, bằng mày. Chưa kể là những câu lăng mạ, tục tĩu nó mang ra chửi người sinh ra nó...".
Chị The bức xúc khi mẹ mình bị đối xử tàn tệ.
Ngồi cạnh mẹ, chị Trần Thị The bức xúc cho biết: "Tôi là con út trong nhà. Từ trước đến giờ mẹ tôi chân lấm tay bùn làm việc quần quật nuôi anh chị em tôi ăn học. Chị thứ 4 và tôi phận nữ nên khi lấy chồng phải theo phận "xuất giá tòng phu". Dù ở với anh Ba nhưng mẹ tôi ở căn buồng riêng, ăn riêng, tiền điện, nước cũng tính riêng, mẹ tôi tự lo liệu trang trải được, chưa bao giờ nhờ vả anh ấy làm gì. Thế mà anh ấy nỡ đối xử với người sinh thành dưỡng dục anh ấy như thế".
Xem mẹ đẻ không bằng người dưng
Theo trình bày của mẹ Lụa và chị The, sự việc không chỉ dừng lại những câu rủa lăng mạ. Nhiều lúc mẹ Lụa ốm yếu, không có ai chăm nom, cứ mỗi tối đến sợ mẹ mệt mỏi nên chị The đến nhà anh trai chăm sóc mẹ. Nhưng chỉ được vài ngày, ông Ba lại khóa cửa cổng lại không cho em vào. Chị The phải trèo vào nhà nằm cùng với mẹ rồi sáng hôm sau lại trèo tường ra về.
Ông Trần Văn Ba.
Năm 2012, trong một lần chị The đón mẹ về nhà mình chơi vài ngày, hôm trở về nhà ông Ba thì thấy toàn bộ điện, giường chiếu đã bị cắt hết, căn phòng mẹ Lụa ở hoang tàn không thể ở được. Quá bất bình nên chị The đón mẹ về nhà mình ở luôn. Nhưng đến Tết thanh minh, mẹ Lụa muốn thắp hương cho hai người con liệt sĩ cũng như tổ tiên, ông Ba khóa cửa nhất định không cho mẹ mình vào nhà. Mẹ Lụa khóc thầm đứng ngoài hè thắp hương cho tổ tiên và hai con trai. Sự việc chỉ được giải quyết khi ông Nguyễn Trọng Toan - Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Thịnh - đến yêu cầu ông Ba mở cửa cho mẹ vào thắp hương.
Ông Toan xác nhận: "Tôi không nhớ rõ đấy là Tết thanh minh năm nào, nhưng khi nhận được sự việc tôi đến ngay nhà ông Ba, yêu cầu ông Ba mở cửa cho mẹ Lụa vào thắp hương. Đây là việc làm không thể chấp nhận được, dù có mâu thuẫn như thế nào, nhưng ông Ba thiếu tình thiếu nghĩa, trách nhiệm. Mẹ thì chỉ có một, nhưng ông ấy thật quá đáng...".
Cũng theo mẹ Lụa cho biết, trong năm 2012 và 2014 mẹ tìm được hài cốt của hai con trai nhưng khi đem về nhà thì ông Ba nhất quyết phản đối vì cho rằng sổ đỏ căn nhà là của ông, ông thích cho ai vào thì vào.
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Ba, lúc này ông Ba và vợ là bà Trần Thị Đông cho biết phải có giấy giới thiệu của xã thì mới tiếp. Sau đó ông Ba nói: "Trung ương, tỉnh, huyện chỉ thị về cái đơn bà ấy kiện tôi rồi, họ về đây họ làm việc rồi, họ làm việc tới 2 năm rồi. Thế thôi!".
Ra khỏi nhà ông Ba, chúng tôi được một người dân cho biết: "Nhà ấy ghê gớm lắm, chưa thấy ai như thế, dân làng người ta không ai chơi hết, còn chửi mẹ mình là mày ôm chăn, ôm chiếu ra đường mà ở. Bà yếu nên bà không bật được bếp gas, có con bé chạy sang bật giúp thì ông Ba đuổi về không cho sang giúp bà... Ông ấy chửi mẹ những câu mà người dân chúng tôi phải nóng mặt!".
Người mẹ có hai con liệt sĩ nhưng khi về già lại chịu cảnh sống quá tủi nhục.
Liên quan đến sự việc trên, ông Đặng Công Toản, Công an xã Nhân Thịnh cho biết: "Phía Công an và UBND xã Nhân Thịnh cũng đã nhiều lần nhận được đơn phản ánh từ phía cụ Lụa về ông Ba. Xã cũng đã nhiều lần hòa giải giữa hai bên nhưng không thành".
Công an huyện Lý Nhân cũng cho biết, sự việc liên quan giữa ông Ba và cụ Lụa, Công an huyện cũng nhận được phản ánh, phía Công an huyện cũng bố trí lực lượng trinh sát xuống nắm tình hình, các trinh sát cũng cho biết việc ông Ba có cãi vã với mẹ mình là sự thật. Phía Công an huyện cũng đang tiến hành tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tích cực xã Nhân Thịnh tuyên truyền, vận động hai bên ra hòa giải.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Đức Văn
Theo Dantri
Cha mẹ viên cơ phó máy bay Đức bị cách ly để thẩm vấn Cha mẹ cơ phó, người chủ định lái chiếc máy bay Đức lao vào núi, đã bị cách ly để thẩm vấn. Hiện cặp vợ chồng, một người là doanh nhân còn người kia là giáo viên piano, đang hết sức bàng hoàng khi nghe tin con trai mình là "kẻ sát nhân trong buồng lái". Thân nhân hành khách và phi hành...