Chuyện người nhặt xác 3000 hài nhi
Ngày ngày, hai người đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” lóc cóc đạp xe hàng chục cây số rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để xin xác hài nhi về chôn cất
Gần 10 năm nay, có một bà cụ đã bước sang tuổi 73 vẫn ngày ngày lặn lội khắp nơi để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi đem về chôn cất. Đó là bà Phạm Thị Cường, ngụ xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng – Nam Định.
Bà bộc bạch: “Hãy yêu thương những linh hồn bé nhỏ bị bỏ rơi kể cả khi chúng đã qua đời, bởi những đứa trẻ tội nghiệp ấy đã gánh thay chúng ta những tai họa ở trần gian”.
Không thể kìm lòng
Ở làng quê nghèo ven biển xã Nghĩa Thắng, không ai còn lạ với hình ảnh một người đàn bà đã vào cái tuổi thất thập cổ lai hy ngày ngày âm thầm đi gom nhặt thi hài những đứa trẻ khắp nơi về chôn cất.
Trên đường về Nghĩa Thắng, khi hỏi thăm nhà bà Cường, chúng tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về bà qua những nông dân ở vùng quê này. Ở nơi đây, mọi người vẫn trìu mến gọi bà là bà Hương “hài nhi”, có lẽ một phần cũng do những công việc mà bà đã và đang làm.
Bà là một người hiền lành, phúc hậu. Đã gần 10 năm nay, không quản ngày nắng cháy da cháy thịt hay đêm đông lạnh giá, bà vẫn lặn lội khắp mọi ngả đường của huyện Nghĩa Hưng, đặc biệt là khu vực thị trấn Đông Bình, để nhặt các hài nhi xấu số bị phá bỏ về chôn cất.
Cuộc sống của bà Cường chỉ trông vào gánh bán rau quả và những đồ tạp hóa ở khu chợ Đông Bình. Nơi đây có một số cơ sở nạo phá, hút thai nhi. Mỗi ngày có hàng trăm ca nạo phá thai đã diễn ra, một phần công khai còn chủ yếu là bí mật, cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm hài nhi bị vứt bỏ.
Trong câu chuyện với bà Cường, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng thở dài của người phụ nữ đã ở tuổi gần hết cuộc đời về những chuyện lắt léo nhân tình thế thái của cuộc sống.
Bà nói như oán trách: “Cuộc sống ngày càng phát triển thì nhiều người sống càng buông thả hơn. Ngày càng nhiều các cô gái đến các phòng khám ở Đông Bình để phá thai cũng đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều đứa trẻ vô tội phải đi theo những vết kéo oan nghiệt.
Mỗi lần nhìn thấy thi hài của các cháu bị vứt bỏ nơi đầu đường, xó chợ tôi lại không thể kìm lòng, càng thương các sinh linh bé nhỏ bơ vơ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng đã gây ra. Đáng trách quá!”.
Bị cười chê là… khùng!
Gần 10 năm nay, họ đã tìm nhặt và an táng hơn 3.000 sinh linh bé bỏng. Tưởng chừng như chỉ có mình bà Cường đi làm công việc “kỳ khôi” là gom nhặt và an táng cho những linh hồn bé nhỏ nhưng bà lại gặp được người bạn cùng chí hướng.
Đó là ông Vũ Văn Bao, người cùng thôn, cũng âm thầm làm công việc tạo phúc đức như bà. Hai con người, hai số phận nhưng họ có chung một tấm lòng nhân ái với những số phận bất hạnh. Họ gặp nhau rồi ngày ngày lại cùng nhau thực hiện một công việc chung, một ơn nghĩa để đời.
Từ đó đến nay, ngày ngày người dân xã Nghĩa Thắng thường gặp cảnh hai người đều đã ở tuổi xưa nay hiếm lóc cóc trên những chiếc xe đạp cà tàng, đạp hàng chục cây số. Họ rong ruổi trên những nẻo đường, tìm bới trên từng bãi rác, thậm chí đến tận các cơ sở nạo hút thai, bệnh viện để… xin thi hài về chôn cất.
Video đang HOT
Bà Cường thắp nhang cho những hài nhi xấu số
Những hài nhi nhặt về, bà Cường cùng với ông Bao tỉ mẫn cho vào những bát hương hoặc tiểu sành nhỏ. Bà Cường tâm sự: “Những ngày đầu, tôi thường bị người đời cười chê cho là khùng nhưng dần dần, họ hiểu nên cũng có vài người đi làm cùng”.
Nhiều lúc bà Cường cũng nản khi có quá nhiều đứa bé bị nạo hút như vậy. Nhiều lúc bà định dừng công việc này nhưng lại nghĩ đến những đứa trẻ bơ vơ, sống không thấy mặt cha mẹ, chưa kịp chào đời đã bị bỏ rơi.
Bà lại thấy mình không thể đứng nhìn được, phải làm việc gì sao cho có ích. “Vì vậy, tôi không kể gì là gian khổ, mưa nắng hay ngày đêm, lúc nào nghe tin ở đâu đó có thi hài bị bỏ rơi là lại tìm đến để xin về mai táng”- bà Cường cho biết.
Nghĩa trang Quần Vinh trong một chiều mùa hạ, bà Cường lặng lẽ thắp những nén nhang thơm lên phần mộ của những hài nhi xấu số. Rồi bà nói trong tiếng nấc: “Các con chưa kịp chào đời đã phải trả giá cho sai lầm của những kẻ sinh thành nên các con. Bà thắp nén nhang thơm, mong các con được an nghỉ”.
Bà Cường với công việc bán tạp hóa mưu sinh hằng ngày
Bên ngôi mộ chung được xây dựng khá kiên cố và sạch sẽ, bà cho biết nó được một nhà hảo tâm trong TPHCM gửi tiền ra để xây cho các cháu. “Gần chục năm nay, chúng tôi đã an táng cho hơn 3.000 sinh linh bé bỏng tại nơi này”- bà não nề.
Nhìn những bát hương bên trên có gắn xi măng và được đánh dấu rất chi tiết, mà theo bà Cường mỗi bát hương đó là một đứa trẻ, tôi không khỏi chạnh lòng suy nghĩ. Một địa phương nhỏ như Nghĩa Hưng mà gần chục năm đã có hàng ngàn em bé bị bỏ rơi và chết đi khi chưa kịp chào đời! Đó quả thực là con số quá đau lòng.
Càng thương các cháu nhỏ bao nhiêu, tôi lại càng khâm phục những con người như bà Cường và ông Bao bấy nhiêu. Những việc họ làm không chỉ mang ý nghĩa nhân ái mà đó là hành động cao cả trong cuộc chiến bảo vệ quyền sống của con người, giúp chúng ta nhận ra một thực tại đau lòng, ngẫm về việc sống buông thả của một bộ phận giới trẻ hiện nay đã để lại những hậu quả đau lòng.
Cầu mong… thất nghiệp
Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân lại già yếu nhưng lúc nào bà Cường cũng hiển hiện niềm tin cuộc sống và tình thương yêu con người.
Tâm sự với chúng tôi, bà Cường không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Bà mong sẽ không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.
Tuy vậy, bà Cường vẫn khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục công việc này cho đến khi nào còn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục đi thu gom những hài nhi xấu số về chôn cất, bởi theo tâm niệm của tôi, những đứa trẻ tội nghiệp đó đã quá bất hạnh. Tôi quyết không để các cháu cô đơn mặc dù đã rời trần thế”.
Chúng tôi rời nghĩa trang Quần Vinh khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, chúng tôi biết các cháu đã có giấc ngủ yên bình bởi các cháu được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng.
Ngày mới sẽ đến, hy vọng sẽ không còn cảnh những bào thai bị vứt bỏ nữa để những người như bà Cường hay ông Bao sẽ được nghỉ ngơi và xã hội sẽ không còn những cảnh đau lòng.
Ám ảnh
Bà Cường vừa rót nước trà mời khách vừa tâm sự về “cơ duyên” dẫn mình đến cái nghiệp làm phúc này. Bà cho biết vẫn nhớ như in ngày 8-3-2002. Trên đường đến chợ Đông Bình để bán rau, khi đi đến cầu Đông Bình, bà Cường thấy có một túi ni lông màu đen, ruồi muỗi bám đen.
“Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là túi rác của gia đình nào đó ném ra đây. Nhưng rồi đi được một đoạn, tự dưng trong người tôi như có lửa đốt, cứ bồn chồn chẳng yên, đặc biệt là hình ảnh chiếc túi màu đen cứ như ngay trước mắt mình. Đứng lại suy nghĩ một lúc, tôi quyết định quay lại xem bên trong túi bóng đó chứa thứ gì”- bà Cường nhớ lại.
Bà Cường bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến một hài nhi đang thoi thóp thở, thân thể bị kiến bu đầy nhưng đôi mắt bé mở to nhìn bà chằm chằm như muốn nài nỉ, van xin.
“Tôi đem đứa bé về nhà, lau rửa sạch sẽ rồi đi xin sữa cho cháu bú nhưng cũng chỉ được ít phút sau, cháu đã tắt thở. Tôi cứ bị ám ảnh mãi ánh mắt của cháu, cứ đau đáu nhìn tôi. Nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết định phải làm một việc gì đó chứ không thể để những cảnh thai nhi bị người ta bỏ đi mà không hề được chôn cất”- bà Cường tâm sự.
Theo NLĐ
Người ru ngủ những cô hồn
Đã 20 năm trôi qua, anh không còn nhớ nổi mình đã chôn bao nhiêu hài nhi. Cái "nghĩa địa tình thương" với hơn 32.000 ngôi mộ và anh là người nối tiếp để "nâng giấc ngủ ngàn thu" cho những sinh linh.
Đối với anh Trương Văn Năng (thôn Ngọc Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) việc làm này như một duyên nợ.
Anh Năng đang chăm sóc những ngôi mộ.
Để các em có nơi nghỉ...
"Gia đình luôn động viên, hỗ trợ tôi trong việc làm này. Đã hơn 47 năm từ khi tôi sinh ra, điều mà làm tôi buồn nhất đó là số lượng các em ngày càng nhiều. Mỗi sáng mai thức giấc tôi chỉ ao ước một điều như gia đình tôi vẫn mong, đó là thất việc...", anh Năng ngậm ngùi.
Chúng tôi về thôn Ngọc Hồ tìm đến nhà anh Trương Văn Năng, được vợ anh cho biết: "Có lúc nào anh ở nhà đâu, chắc ở ngoài bãi...". Theo lời chị, chúng tôi tìm đến nghĩa địa thì gặp anh đang dọn cỏ trên những ngôi mộ nhỏ. Gần 20 năm anh làm việc không công như thế, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy nản. "Điều đó có lẽ là do cái duyên. Ở đời, những việc khi làm người ta mới hiểu nó thuộc về cái Tâm, không thể tính bằng vật chất...", anh nói.
Cũng vì thế mà vào những năm 1990 - 1991, cha anh đã xây dựng "nghĩa địa tình thương" này, thu lượm và chôn cất những bào thai bị phá bỏ. "Hồi đó tôi cũng hỏi bố mình vì sao lại làm vậy, ông chỉ xoa đầu tôi và bảo lớn lên con sẽ hiểu!". Cha mất, anh lại nối tiếp việc của cha.
"Trong gia đình, tôi là người gần ông nhất, nên càng lớn tôi càng hiểu những việc ông làm. Ngày ông mất miệng còn ú ớ không nói được, cánh tay ông vẫn chỉ về những ngôi mộ cho tôi hiểu...", anh Năng bùi ngùi.
Rồi anh em, mỗi người một nơi tìm kế sinh nhai, chỉ mình anh ở lại bám trụ với mảnh đất khô cằn sỏi đá này, để chăm sóc cho những ngôi mộ. Anh không muốn bỏ rơi nghĩa trang- nơi mà cha anh đã gắn bó cả cuộc đời.
Nghĩa trang này như sợi dây vô hình thắt anh với sinh linh bé nhỏ. Để rồi anh quyết định cả đời chăm sóc cho các hài nhi xấu số. Nhiều người khi chứng kiến việc làm của anh, không ít lời bàn ra tán vào, có người bảo anh là dở hơi, thừa công, cơm cho con ăn không đủ nữa là... nhưng anh chỉ cười trừ. "Ở đời biết lúc nào mình giàu, cứ chờ giàu rồi mới làm thì đến khi nào mình mới giúp được người khác..." - anh Năng chia sẻ. Đối với anh, việc này đã đem lại niềm hạnh phúc vì đã tìm được cho các hài nhi nơi an nghỉ, không phải lang thang lạc lõng khắp chốn.
Một góc của nghĩa trang.
Cái "duyên nợ" đó chính là tình thương, cái Tâm dành cho những đứa trẻ không bao giờ được chào đời. Điều đó cứ âm thầm lặng lẽ kề bên anh suốt bao năm nay. Để làm được như vậy, phải có sự đồng thuận và hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Anh chia sẻ: "Vợ tôi là người luôn sát cánh, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Chưa bao giờ cô trách móc hay ngăn cản việc tôi đang làm, mà còn lấy tiền nhà ra mua gạch xây mộ... Mặc dù gia đình tôi khó khăn thiếu thốn đủ thứ...".
Nỗi lòng với những cô hồn
Nhìn những khu mộ anh chôn cất cẩn thận, chúng tôi không tin nổi với hoàn cảnh như thế anh lại xây nên một "lâu đài tình thương", chôn cất những cô hồn. Giờ nghĩa trang ấy đã thu nhận hơn 32.000 hài nhi. Mỗi lần bước vào nơi đây, anh đều mở quyển nhật ký của mình để ghi lại những dòng cảm xúc. Có đoạn anh viết: "Tôi nghĩ, những đứa trẻ này chẳng bao giờ được một nén hương của bố mẹ nó. Nếu tôi có chết thì thâm tâm tôi vẫn mong có một ngày cha mẹ, hay người thân đó hãy đến nhìn lại con mình, thắp cho chúng những nén hương, để đừng bao giờ gây thêm tội lỗi...".
Những giọt mồ hôi lăn dài trên trán anh. Dọc các ngôi mộ không có một cây cỏ dại mà chỉ có những bông hoa và những nén hương thơm ngát tình người, để cho các em không phải tủi thân, lạc lõng... "Anh chị của tôi trong Sài Gòn điện ra vẫn thường đùa: Mong cho em thất việc... Tôi cũng muốn vậy lắm !" - anh Năng thở dài.
Lời cầu khẩn của những linh hồn nhỏ bé.
Trước đây cha anh, giờ là anh cũng chỉ sống bằng nghề làm vườn (chăn gà, vịt, trồng rau, lúc đi phụ hồ, bốc vác...), nhưng dù khó khăn đến đâu anh cũng không thể bỏ bê việc chăm sóc những sinh linh. Mỗi lúc có tiền anh lại dành dụm mua thêm những viên gạch, lúc túng thiếu thì đi xin những mảng vỡ từ ngôi nhà để về xây. "Toàn bộ khu mộ ở đây đều do tôi xây nên, bằng những khoản tiền gia đình và một số bàn tay tình nguyện đóng góp". Ngày ngày anh dọn cỏ, trồng hoa và có khi "tâm sự", "nói chuyện" với những ngôi mộ như để xóa bớt đi sự lạnh lẽo nơi đây.
Vì diện tích đất có hạn nên một ngôi mộ anh thường chôn 3 - 4 hài nhi. Tất cả những khu mộ này đều không có chủ nhân. Anh Năng kể: "Tháng trước có một cụ bà 70 tuổi, không biết thông tin từ đâu đến đây để tìm đứa cháu đích tôn của mình, may tôi đang giữ những danh sách chuyển đến nên còn tìm ra ngôi mộ của cháu bà. Lúc đó tôi cũng không kìm được cảm xúc... Một cụ già lại đi tìm cháu ở những nơi này. Tôi còn nhớ lúc tìm được, bà đã khóc gần như cả buổi chiều, đến nỗi tôi phải khuyên bà về, sợ bà ngã bệnh...".
Trước lúc chia tay, chúng tôi vẫn không quên lời anh: "Các bạn viết gì cũng được, nhưng mình không muốn người ta để ý nhiều đến mình. Mình chẳng làm được gì cho các em cả, mà chỉ mong các bậc làm cha, làm mẹ đừng từ bỏ các em thôi... Nhất là đôi lứa yêu nhau, phải ý thức được trách nhiệm của mình, đừng đặt gánh nặng lên xã hội nữa...".
Theo Giadinh
Thực hư việc chuyện trò với người chết Bấy lâu nay, nhiều người đã lăng xê quá mức khả năng nói chuyện được với linh hồn người chết của một số nhà ngoại cảm mà thiếu hẳn sự kiểm chứng cần thiết cũng như những thông tin theo chiều ngược lại. Xin kể ra mấy câu chuyện để thấy rằng trong nhiều trường hợp, khả năng nói chuyện với người chết...