Chuyện người lính trở về từ hải chiến Gạc Ma mở quán phở mang tên Trường Sa
Sau trận chiến Gạc Ma (Trường Sa) ngày 14.3.1988, đã có 9 chiến sĩ ta bị Trung Quốc bắt, rồi được trao trả trở về năm 1991. Một trong 9 người đó là cựu chiến binh Lê Minh Thoa. Anh đang sinh kế bằng quán phở Trường Sa (tại 5D Tăng Bạt Hổ, phường Lê Lợi, TP.Quy Nhơn, Bình Định).
Lam lũ đời thường
Chúng tôi tranh thủ đến nhà anh Thoa lúc 5 giờ sáng, bởi ngay sau đó anh phải bận bịu phục vụ khách ăn sáng. Quán phở mang tên Trường Sa, nhỏ hẹp đặt ngay trước nhà, mở cách đây 5 năm. Căn nhà gác với sàn chưa đầy 20m2, anh đang sống cùng cha mẹ, vợ và con trai 2 tuổi.
Mỗi ngày, anh đều dậy trước 4 giờ để nấu nước dùng, gỡ bánh phở, rửa rau, dọn hàng,… Phụ việc chính cho anh là cha mẹ già hiện đều đã ở tuổi 70. Cha anh (ông Lê Thừa) kiêm nghề bơm, vá ruột xe máy cạnh đó. Vợ anh (chị Trần Thị Thu Hà) đang giữ trẻ cho một gia đình trong phường, rảnh lúc nào là phụ giúp chồng bán quán. Với khoảng 50 tô phở/ngày, anh Thoa cho biết “phải vất vả, chịu khó mới sống tạm tạm”.
Cựu chiến binh Lê Minh Thoa (trái) và phóng viên Dân Việt tại quán phở Trường Sa.
Phục viên với sức khỏe bị ảnh hưởng 11%, anh nhận chế độ một lần “không bao nhiêu” (phải ảnh hưởng 23% mới được công nhận thương binh). Xuất ngũ, anh đã lăn lộn khắp nơi mưu sinh với nghề chạy xe ôm. Lần đầu lập gia đình có 2 con nhưng cuộc sống vất vả, vợ chồng chia tay nhau; rồi anh đi… bước nữa.
Lam lũ đời thường, thỉnh thoảng bạn bè cựu binh Trường Sa mời gọi đi đó đây hội ngộ. “Đồng đội tay bắt mặt mừng, chia sẻ nhau bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trận mạc, đời thường. Có khá giả, có gieo neo nhưng ai cũng đau đáu một tấm lòng với Biển Đông” – anh Thoa nói.
“Nếu còn sức, tôi vẫn làm lính biển”
Anh Thoa năm nay đã 48 tuổi, nguyên là hạ sĩ quan thuộc Hải đội 1 – Lữ đoàn 125 Hải quân. Năm 1988, anh và một số đồng đội được tăng cường cho tàu HQ-604. Mùng 9 Tết năm đó, tàu từ cảng Sài Gòn đi Cam Ranh bốc hàng và đưa lực lượng xây dựng ra đảo chìm Gạc Ma (Trường Sa). “Chiều 13.3, tàu HQ-604 neo cách Gạc Ma khoảng 1km. Đến 17 giờ cùng ngày, một số tàu hải quân Trung Quốc sấn sổ áp sát tàu chúng tôi, dùng loa doạ buộc phải rút khỏi Gạc Ma. Thế nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện lệnh tiếp cận đảo, chuyển vật liệu xây dựng từ tàu lên và đặt mốc chủ quyền đúng vào lúc 12 giờ đêm 13.3.
Cựu chiến binh Lê Minh Thoa
Tôi đặt tên quán là Trường Sa để luôn nhớ về cuộc huyết chiến Gạc Ma. Nếu còn sức khỏe, tôi lại làm lính biển!”
Đến 5 giờ ngày 14.3, tàu Trung Quốc với lực lượng đông, súng ống hằm hằm lao lên đảo, trong lúc quân ta chỉ quần đùi, áo may ô. Chúng nhào tới giật cờ Tổ quốc do chúng tôi vừa cắm. Thuyền trưởng lệnh anh em sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc. Chúng nhổ cờ lên thì ta lại cắm lại; hai bên xáp lá cà đánh nhau. Giằng co khoảng 1 giờ thì phía quân Trung Quốc nổ súng dữ dội từ tàu chiến” – anh Thoa kể.
“Lúc đó, tôi bị thương bỏng lưng, trúng đạn ở chân nhưng vẫn lo chữa cháy tàu HQ-604. Đến khi tàu chìm, tôi ôm được 2 trái bí xanh, làm phao bơi ra xa tránh làn đạn. Dập dềnh trên biển đến chiều 14.3, tôi mệt lả và bị quân Trung Quốc bắt giữ, cùng một số đồng đội đến từ các tàu khác của quân ta. Chúng tôi bị nhốt trong nhà tù ở bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông). Bị nhốt biệt lập 3 năm 7 tháng, đến tháng 11.1991, tôi cùng 21 đồng đội được trao trả tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Lạng Sơn)” – anh Thoa dừng kể, đi lấy phở cho khách.
Video đang HOT
Trở về nước, anh Thoa mới biết, trong trận Gạc Ma, ta đã hy sinh 64 người, bị thương 10 người, trong đó, 9 người bị quân Trung Quốc bắt, 1 người được quân ta cứu là anh Nguyễn Văn Lanh – được phong Anh hùng năm 1989.
Ông Lê Thừa cho hay: “Sau trận Gạc Ma 1988, gia đình đã lập bàn thờ Thoa. Bởi đã có giấy báo tử, và cuộc chiến thì quá chênh lệch, khốc liệt giữa sóng khơi. Mãi đến mấy năm sau, mới biết được Thoa còn sống. Đời nó chỉ toàn gian lao, vất vả”.
Bây giờ, thỉnh thoảng anh Thoa phải đưa tay day day thái dương, rồi phân trần: “Cứ thấy đau đầu mà chẳng biết lý do gì, nhất là lúc trái gió trở trời. Năm 2013, trong lúc khám bệnh thì bác sĩ mới phát hiện tôi còn bị dính mảnh đạn trong đầu. Chắc do phương tiện ngày trước không soi thấy được. Không có chế độ thương binh, cuộc sống vất vả quá nên chẳng biết làm sao để đi mổ gắp mảnh đạn ra. Công việc làm ăn kiếm sống thì cứ hết ngày này qua tháng nọ…”.
Về thông tin Trung Quốc cho lấn biển, xây căn cứ quân sự tại đảo Gạc Ma, anh Thoa bức xúc: “Cứ tưởng Trung Quốc chỉ xây dựng nhỏ nhỏ ở Gạc Ma, ai ngờ chúng quá thâm độc. Chúng chiếm Hoàng Sa, giờ lại tính chiếm luôn cả Trường Sa? Không thể chấp nhận như thế được! Tôi đặt tên quán là Trường Sa để luôn nhớ về cuộc huyết chiến Gạc Ma. Nếu còn sức khỏe, tôi lại làm lính biển!”.
Theo Hùng Phiên
Dân Việt
"Tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu Kiểm ngư 951"
Đó là ý kiến của những kiểm ngư viên trên tàu KN 951 trao đổi với PV Dân trí vào sáng nay 29/6 khi tàu cập cảng sửa chữa những vết thương, hỏng hóc do bị tàu Trung Quốc đâm vào sáng ngày 23/6 vừa qua.
Sau gần 1 tháng làm nhiệm vụ trên biển, tối qua 28/6, tàu KN 951 đã trở về cảng Đà Nẵng với nhiều "vết thương" do bị nhiều tàu của Trung Quốc đâm vào sáng ngày 23/6.
Trao đổi với PV Dân trí, kiểm ngư viên Đỗ Thành Lâm (36 tuổi, quê Hải Phòng) không khỏi bức xúc kể lại sự việc tàu KN 951 bị tàu Trung Quốc đâm. Anh Lâm cho biết, lúc đó khoảng 9h30 sáng, tàu kéo Hữu Liên 9 của Trung Quốc đâm vào mạn phải tàu KN 951. Tiếp đó, tàu Tân Hải 285 của Trung Quốc tiếp tục đâm trực diện vào mạn trái tàu KN 951. Trước khi bị đâm, tàu KN 951 của ta cũng đã bị tàu Hải Tuần 11 phun nước vào sau lái.
Mạn trái của tàu KN 951 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng nặng
Theo kiểm ngư viên Đỗ Thành Lâm, vì muốn lấy hình ảnh để làm bằng chứng cho thế giới biết sự hung hăng, tàn bạo của Trung Quốc nên một số kiểm lâm viên trên tàu đã dùng điện thoại di động ghi lại hình ảnh tàu KN 951 bị các tàu Trung Quốc đâm vào.
Kiểm lâm viên Vũ Hoàng Sơn đã quay được toàn bộ cảnh tàu KN 951 bị tàu Tân Hải 285 của Trung Quốc đâm thẳng vào mạn trái. Thời điểm xảy ra sự việc tuy rất nguy hiểm nhưng kiểm lâm viên Vũ Hoàng Sơn vẫn dũng cảm nằm xuống boong tàu dùng điện thoại ghi lại cảnh tàu bị đâm. Những hình ảnh này đã được các phương tiện truyền thông phát đi liên tục trong những ngày qua.
Anh Đỗ Thành Lâm cho biết, lúc tàu KN 951 vào đấu tranh tuyên truyền cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 11,5 hải lý, sau khi bị 2 tàu của Trung Quốc đâm, nhiều tàu khác của Trung Quốc như tàu Hải Cảnh, Hải Tuần tiếp tục truy đuổi tàu KN 951 ra cách giàn khoan khoảng 16 hải lý mới chịu dừng lại.
Vết thủng bên mạn trái được các kiểm ngư viên khắc phục tạm bằng chăn, màn để không bị vào nước
"Tuy bị đâm nhưng lực lượng chấp pháp của ta vẫn tiếp tục tuyên truyền về chủ quyền của Việc Nam trên vùng biển mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Bằng chứng là trong lúc bị tàu Tân Hải 285 của Trung Quốc đâm, các bạn vẫn nghe âm thanh tuyên truyền của ta phát ra từ các loa", kiểm ngư viên Đỗ Thành Lâm giải thích.
Anh Đỗ Thành Lâm cũng cho biết, theo thông lệ hàng hải quốc tế thì va chạm nếu có chỉ xảy ra bên mạn phải, đằng này tàu Trung Quốc chẳng những đâm vào mạn phải mà còn đâm trực diện rất mạnh vào mạn trái. Điều đó chứng tỏ họ cố tình đâm chìm tàu KN 951.
Kiểm ngư viên Đỗ Thành Lâm cũng cho rằng, rất may 8 bình CO2 ngay chỗ bị đâm bên mạn trái còn cách gần nửa mét, nếu không các bình CO2 này sẽ nổ như bom và thiệt hại đến lúc đó thì chưa thể tính được. Ngoài bị đâm 2 bên mạn gây hỏng nặng, xuồng cứu hộ trên tàu KN 951 cũng bị đâm thủng và phao cứu sinh bị rớt xuống biển.
Một số hình ảnh tàu KN 951 bị các tàu Trung Quốc đâm hỏng đang được các công nhân tiến hành sửa chữa vào sáng 29/6.
Bên trong phòng ngủ mạn trái tàu KN 951
Công nhân đang sửa chữa bên trong
Xuống cứu sinh trên tàu KN 951 cũng bị đâm thủng
8 bình CO2 dùng để chữa cháy bên mạn trái tàu KN 951 chỉ còn cách vết đâm gần 0,5m. Nếu đâm trúng các bình CO2 thì hậu quả sẽ khó tính được
Xem xét, đo đạc các vết đâm để sửa chữa
Cầu thang từ boong lên trên bị đâm méo qua 1 bên
Lan can bên mạn phải
Lan can bên mạn trái tàu KN 951
Các công nhân nhanh chóng tiến hành sửa chữa lại các vết thương của tàu KN 951
Công Bính
Theo Dantri
Biển Đông dậy sóng: Đâu là giới hạn cuối cùng của Việt Nam? Ông Lê Việt Trường, Phó chủ nhiệm Ủy Ban Quốc phòng - An ninh Quốc Hội: "Từng có ý kiến đặt vấn đề này với nhiều vị lãnh đạo. Tôi cho rằng, một nền hòa bình dù có mong manh đến mấy thì vẫn tốt hơn nhiều một cuộc chiến tranh". Trung Quốc vừa cho phát hành bản đồ 10 đoạn, gần như...