Chuyện ngược đời: Phu nhân chủ tịch một đời đi xin quần áo cũ cho con mặc
‘Nếu một đứa trẻ hưởng thụ quá nhiều thì tương lai của nó sẽ bất hạnh. Tôi không muốn cho con sống một cuộc đời bất hạnh’ – cô Lee chia sẻ về cách dạy con ‘ngược đời của mình’.
Hào phóng với người ngoài nhưng lại keo kiệt với chính mình và các con – đó là câu chuyện tưởng đùa nhưng hoàn toàn có thật về người phụ nữ mang tênKyeong Hee Lee (SN 1971) đến từ Hàn Quốc, hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Gia đình giàu có nhưng một mực bắt con học trường công thay vì trường quốc tế
Năm 2009, cô Lee bắt đầu đến Việt Nam sinh sống vì chồng đang quản lý một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Phú Thọ. Sang Việt Nam cùng cô còn có 2 người con trai. Con cả tên Kim Yeong Hyeong năm nay23 tuổi, con út tên Kim Young Eun 17 tuổi.
Chồng cô Lee khi đó bàn bạc với vợ về việc cho con học trường quốc tế bởi gia đình hoàn toàn có đủ điều kiện kinh tế để đáp ứng, hơn nữa học ở trường quốc tế cũng giúp con bớt cảm thấy lạc lõng, không có việc phân biệt đối xử. Thế nhưng, cô Lee lại kiên quyết không đồng ý.
Cô muốn Yeong Hyeong học ở trường công lập để cậu có nhiều thời gian tiếp xúc cùng bạn bè người Việt, thông qua đó kết bạn và tìm hiểu được nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Trường tiểu học Nam Trung Yên là nơi người mẹ này tin tưởng cho con trai theo học.
Cô mua cho Yeong Hyeong một chiếc xe đạp. Thay vì đưa con đi học hàng ngày thì cô khuyến khích con tự đạp xe đến trường.
Dù mong muốn của ông xã là cho con học trường quốc tế nhưng cô Lee kiên quyết cho con học trường công lập
Thời gian đầu, các bạn học của Yeong Hyeong tò mò muốn xem phản ứng của người nước ngoài như thế nào nên thường trêu chọc, xì lốp xe của cậu bé. Có lúc còn ném giấy vụn, những hòn sỏi nhỏ vào người khiến cho Yeong Hyeong tức giận. Ngày nào đi học về cậu cũng trong tình trạng tả tơi, quần áo đầy vết bẩn, đôi mắt đỏ hoe ấm ức.
Yeong Hyeong không hiểu được những trò đùa của các bạn, cậu thấy rất bất công và nằng nặc đòi mẹ chuyển trường vì bị cảm thấy bị cô lập. Đã có thời gian, cậu bé bị suy nhược tinh thần trầm trọng và phải về Hàn Quốc điều trị.
Cô Lee kể, mỗi đêm đi ngủ, cô đều khóc vì thương Yeong Hyeong, chẳng người mẹ nào vui vẻ nổi khi con mình bị bắt nạt. Nhưng lý do mà cô đưa ra cho quyết định không chuyển trường cho con đó chính là: ‘Để con cứng cỏi hơn thì phải đương đầu với khó khăn, người mẹ phải khôn ngoan không nên chiều theo ý con mà phải giải thích cho con hiểu. Đã sang Việt Nam rồi mà vẫn giữ văn hóa Hàn Quốc thì sẽ rất khó hòa nhập, không chịu thay đổi thì về sau sẽ khổ’.
Để giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn, hai mẹ con cùng học tiếng Việt, nói mọi lúc mọi nơi, bữa ăn chính là lúc hai mẹ con vận dụng để trao đổi ngôn ngữ mới.
Rồi Yeong Hyeong cũng dần hiểu được những gì thầy cô, bạn bè ở trường nói. Cậu kết bạn và tham gia vào các hoạt động trường lớp. Dù kết quả học tập không bằng các bạn, nhưng bạn bè, thầy cô lại rất yêu quý Yeong Hyeong vì sự nhiệt tình, luôn giúp đỡ người khác của em.
Thu nhập vài trăm triệu mỗi tháng nhưng không bao giờ mua đồ mới cho con
Là một gia đình có kinh tế khá giả, chồng làm chủ tịch, sống trong căn hộ cao cấp tại Keangnam và đồng thời còn làm cố vấn cho Hội Liên hiệp thanh niên Quốc tế nhưng người mẹ này lại rất ‘keo kiệt’ với chính con mình.
Cô không mua đồ mới cho con theo sở thích mà thường xuyên đi xin lại đồ cũ. Với phương châm ‘cũ người mới mình’, cô Lee không quá để tâm đến xuất xứ của đồ vật mà quan tâm chất lượng của chúng nhiều hơn, đặc biệt đây cũng là một cách rèn dũa con nhỏ.
Video đang HOT
‘Tôi thấy đồ dùng vẫn còn mới, vẫn còn sử dụng được nên tôi mang về dùng. Chưa từng có ai trêu chọc vì tôi sử dụng đồ cũ và tôi cũng không để tâm đến điều đó’ – cô nói.
Từ bé đến lớn cô Lee đã giáo dục cho các con như vậy nên không ai xấu hổ về việc dùng lại đồ cũ
Một người bạn của cô Lee cũng có con trai trạc tuổi Yeong Hyeong. Người này thường xuyên mua đồ mới cho con nên cô Lee lại hay xin những món đồ đã bỏ đi đề đem về cho con trai mặc. Mỗi khi như thế, cậu bé luôn vui vẻ và biết ơn những người tặng đồ cho mình.
Đó là về quần áo, đến đồ chơi thì người mẹ này cũng hiếm khi mua cho con. Những món đồ mà Yeong Hyeong và Young Eun có đa phần được mang về từ… nơi vứt rác để tái sử dụng.
‘Con tôi thường nhặt hộp sữa chua Yakult để về làm xe ôtô, tôi rất ủng hộ chuyện này vì điều đó tránh lãng phí và còn giúp con thông minh, sáng tạo. Trẻ con thường nhanh lớn và phải thường xuyên thay đồ mới. Tôi nghĩ không nên lãng phí tiền vào việc mua quần áo mặc. Chẳng thà dành tiền đó để đầu tư cho tương lai và giúp đỡ người khác sẽ tốt hơn’ – người mẹ lý giải.
Cô kể, có lần cậu bé xin mẹ mua cho một đôi giày đá bóng, sau khi kiểm tra thấy giày cũ của con đã hỏng thật, cô Lee ra chợ mua về một đôi giày có giá 250.000 đồng cho con. Tuy không phải là món quà đắt tiền nhưng cậu bé vẫn òa lên khóc vì lần đầu tiên được mẹ mua cho đồ mới.
Cách giáo dục của cô Lee là THIẾU 2%. Khi con đòi 10 thì chỉ đáp ứng 8, còn lại 2 thì phải vượt qua khó khăn mới đạt được.
Nhiều người cho rằng cô Lee ngược đời vì gia đình có điều kiện nhưng khi con xin gì đó lại không bao giờ đáp ứng đủ, kể cả những món đồ nhỏ nhất. Và theo như lời lý giải của cô đó là: mua cho con thì rất dễ, không mua cho con mới khó.
Với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/tháng như gia đình cô Lee việc bỏ tiền ra thỏa mãn nhu cầu của con không phải là chuyện khó khăn. Thế nhưng quan trọng là dạy con biết cách trân trọng đồng tiền, trân trọng tình yêu thương của bố mẹ.
Đánh con là điều tối kị với người Hàn Quốc, nhưng với người mẹ này lại đánh rất đau
Bước vào tuổi dậy thì, cả 2 con thay đổi về tâm sinh lý khiến cô Lee gặp khó khăn trong quá trình giáo dục. Các con rất hay bắt bẻ bố mẹ, câu hỏi ‘Tại sao?’ cũng xuất hiện nhiều hơn, cách nói chuyện với bố mẹ cũng trở nên gay gắt, chống đối khiến cô Lee rất buồn. Cô nghĩ phải có cách để chỉ bảo, uốn nắn lại con, không thể để tình trạng này kéo dài nếu không rất có thể con sẽ trở nên hư hỏng.
Đã từng có giai đoạn, cô Lee và con trai căng thẳng với nhau khi cậu bé bước vào tuổi dậy thì
Chọn cách đối thoại thẳng thắn, cô mong con nói ra những vấn đề của mình để hai mẹ con cùng nhau giải quyết. Nhẫn nại, bao dung nhưng không khoan nhượng. Cô Lee từng nói với anh cả Yeong Hyeong: ‘Con đừng nghĩ rằng con đang tuổi dậy thì thì muốn làm gì cũng được, mẹ là mẹ của con, con phải tôn trọng cha mẹ. Nếu con không thích ở lại gia đình này nữa con có thể ra khỏi nhà, mẹ cho phép’.
Với người Hàn Quốc, đánh con là một điều tối kị, nhưng với cô Lee, đánh con cũng là một cách dạy dỗ. Cô còn đánh rất đau và không bao giờ vì thương con mà bớt đi một roi nào. Trước khi đánh, cô ngồi xuống giải thích lý do tại sao lại đánh con: ‘Con đã làm sai phải dám chịu trách nhiệm, hơn nữa các con lại là con trai, không được mặc cả với mẹ. Nếu tránh roi mẹ sẽ bắt đầu lại từ đầu’.
Đánh con 1 thì mẹ đau 10 nhưng cô Lee không bao giờ khóc trước mặt các con, bởi theo cô nếu không cứng rắn thì các con không nên người được
Nhờ cách dạy dỗ nghiêm khắc của mẹ, hai anh em ngày một trưởng thành. Giờ đây, người anh cả đã trở về Hàn và đang thực hiện nghĩa vụ quân sự phụng sự đất nước, cậu cho biết sau khi xuất ngũ có ý định quay trở về Việt Nam để hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người Việt ở nước ngoài. Còn người em trai theo đuổi niềm đam mê với âm nhạc.
Gia đình cô Lee chụp ảnh lưu niệm trước khi con trai cả lên đường nhập ngũ
Các con ngày một lớn khôn, cô Lee lại có thêm nhiều thời gian rảnh rỗi. Hiện tại cô đang thực hiện dự án nhà có nền sưởi giữ nhiệt dành tặng cho bà con vùng cao. Toàn bộ doanh thu của công ty mỹ phẩm do cô điều hành cũng được quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Cô không có ý định trở về Hàn Quốc mà mong muốn sẽ định cư lâu dài ở Việt Nam bởi đã ‘trót yêu’ dải đất hình chữ S.
‘Bây giờ một phần máu thịt của tôi là Việt Nam rồi, chỉ cần về Hàn 2-3 ngày là tôi đã muốn quay về Việt Nam. Tôi rất yêu Việt Nam nên mỗi khi về Hàn thường mời anh em, bạn bè qua đây sinh sống. Tôi rất muốn giới thiệu Việt Nam là một đất nước như thế nào’ – cô Lee nói nhắc về đất nước cô đã sinh sống 11 năm với giọng đầy thương mến.
Thủy Hằng – Ảnh Kiên Đàm
Theo baodatviet
80% bố mẹ Việt sẽ giật mình khi đọc 6 sai lầm trong cách dạy con dưới đây
Nhiều khi con trở nên hư khó bảo không phải do bản chất hay vì chơi với bạn bè xấu. Nguyên nhân có thể do chính những cách dạy dỗ sai lầm hàng ngày của bố mẹ.
1. Trách mắng con ở nơi công cộng
Một trong những cái sai kinh điển nhất của bố mẹ đó là trách mắng con trước mặt người ngoài. Nhiều bố mẹ cho rằng mình có quyền nên được phép uốn nắn con mọi lúc, mọi nơi.
Bố mẹ không biết điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể diện của con. Con có thể tự ti, rụt rè, thậm chí trầm cảm vì những lời mắng nhiếc, chì chiết của bố mẹ.
Cách dạy dỗ đúng nhất là bố mẹ nói chuyện riêng với con, phân tích rõ ràng cái đúng, cái sai. Nếu con mắc lỗi ở nơi công cộng, bố mẹ lập tức dẫn con ra khỏi nơi đó rồi mới trách mắng sau.
Quát mắng trước mặt người ngoài đôi khi có thể khiến con kích động thêm.
2. So sánh con mình với con nhà người ta
Khi con mắc lỗi hoặc chưa đạt được thành tích như kỳ vọng, nhiều bố mẹ thường hay lấy những đứa trẻ giỏi giang ra để trách móc, so sánh: "Tại sao con không được như bạn A", "Con thấy bạn B không? Bạn ấy học giỏi như thế!",...
Mục đích của việc so sánh nhằm giúp bố mẹ giải tỏa nỗi khát vọng con mình được giỏi như "con nhà người ta". Đồng thời cũng để con tự rút kinh nghiệm, nỗ lực hơn trong việc học tập.
Tuy nhiên theo các nhà Tâm lý học, hành động so sánh chẳng những không khích lệ mà còn dìm sự tự tin của con. Ngoài ra nó còn khiến con nảy sinh tính ganh ghét, đố kỵ với các bạn khác.
3. Tìm cách đổ lỗi
Khi con ngã, nhiều ông bà, bố mẹ Việt thường vội chạy lại bế ẵm rồi "đánh chừa" cái ghế, cái bàn, cái nền nhà,... xung quanh. Đây chính là hành động điển hình của việc đổ lỗi.
Thay vì dạy con cẩn thận hơn, chịu trách nhiệm về hành động của mình thì bố mẹ lại dạy con đổ lỗi cho những vật vô tri vô giác.
Điều này khiến con hình thành tính bảo thủ, khó tiếp thu và không bao giờ nhìn nhận sai lầm của bản thân.
4. Thỏa hiệp với đòi hỏi của con
Nhiều đứa trẻ khi đòi hỏi điều gì đó không được sẽ bắt đầu khóc lóc, ăn vạ. Mỗi lần như vậy, bố mẹ lại vội vàng hứa sẽ mua kẹo, mua đồ chơi để xoa dịu con.
Đây là một cách dạy dỗ đầy sai lầm khiến bố mẹ bị con nắm thóp.
Con luôn biết nếu đi ra ngoài, mình khóc lóc, mè nheo thật nhiều thì bố mẹ sẽ thỏa hiệp với mọi mong muốn của mình, nhất là ở nơi công cộng.
Bố mẹ tốt nhất không nên thỏa hiệp với những hành vi sai của con. Khi con mắc lỗi, bố mẹ cần có cách xử lý nhất quán, đưa ra hình phạt như đã quy ước.
5. Nói quá nhiều, quá dài dòng
Trẻ nhỏ chưa có khả năng tập trung được như người lớn. Nếu khi dạy dỗ, bố mẹ nói quá nhiều, quá dài dòng thì con sẽ không thể nắm bắt hết ý và không tiếp thu được. Bên cạnh đó, việc bố mẹ nói quá nhiều cũng khiến con chán nản.
Vì vậy bố mẹ cần rút kinh nghiệm, nói chuyện với con thật ngắn gọn, súc tích để đạt được hiệu quả.
6. Dạy con bằng đòn roi
Khi con làm sai, không ít bố mẹ sử dụng đòn roi để đưa con vào khuôn khổ. Đòn roi có tác dụng lập tức nhưng về lâu dài, nó gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, không chỉ ảnh hưởng về thể xác mà cả tinh thần con.
Con có thể bị rụt rè, trầm cảm, lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi. Một số đứa trẻ lại nảy sinh khuynh hướng bạo lực. Con cho rằng bạo lực là cách hiệu quả để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, y như cách bố mẹ đã làm với mình.
Đòn roi chưa bao giờ được khuyến khích trong việc giáo dục con cái.
Thay vào đó, bố mẹ nên đưa ra các quy tắc rõ ràng trong gia đình để con biết mình sẽ nhận hình phạt nào nếu mắc lỗi.
Theo Helino
Con trai định mang dao đánh nhau với bạn học, bố không can mà hùa theo nhưng lại khiến con sợ tái mặt, dân mạng khen hết lời Ông bố trong câu chuyện này xứng đáng nhận được điểm 10 cho cách dạy con chất lượng. Hồi còn nhỏ dại, không ít lần chúng ta xích mích với bạn bè và muốn gây gổ. Nhẹ thì chúng ta mắng chửi nhau vài ba câu, nặng thì có khi lao vào đấm đá đến sứt đầu mẻ trán. Ngày nay, chúng ta...