Chuyện ngư dân săn “hung thần” giữa lòng đại dương
Người ta thường ví cá mập là “hung thần của biển cả” với những cái chết bất ngờ trong làn nước tối.
Thế nhưng có lẽ ít ai biết được rằng, vào những năm 80 đến giữa những năm 90 của thế kỉ trước, tại xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã có nghề săn cá mập nức tiếng. Bằng công cụ thô sơ như lưới và lao, những thủy thủ được coi là huyền thoại ấy đã đánh bắt hàng trăm con cá mập.
Săn hung thần của biển
Theo những ngư dân kì cựu ở xã Lập Lễ thì vào đầu những năm 1980, nơi đây bắt đầu đóng thuyền to để tung hoành ở nơi biển lớn, nơi có ngư trường dồi dào.
Một số ngư dân dong thuyền buồm đến vùng biển Hòn Mai, Hòn Mác (Quảng Ninh), phát hiện nhiều cá mập, nhất là từ đảo Cô Tô trở ra khoảng 30 hải lý, nước sâu không dưới 50 mét. Cũng từ đó, nghề săn cá mập ra đời và phát triển mạnh mẽ với cả một đoàn thuyền lớn và công cụ cũng ngày càng phát triển.
Ông Tiện (ngoài cùng bên phải) kể lại kí ức săn “hung thần”.
Theo như ông Đinh Như Tiện – một “huyền thoại” săn cá mập ngày nào cho biết: “Ngày ấy nói đến nghề săn cá mập thì phải kể đến ông Đinh Ngọc Bút, ông Nguyễn Đức Tần là hai người kì cựu nhất. Tôi làm nghề cũng được gần chục năm nên anh em cũng xem mình như tay lão làng…”.
Lục lại trong kí ức về những ngày huy hoàng ấy, ông Tiện kể lại quãng thời gian săn cá mập đầy gian truân của đoàn thủy thủ. Mỗi thuyền săn cá mập thường có từ ba đến năm người, gồm một lái, một thả câu và một gỡ cá.
Lương thực, nhu yếu phẩm dự trữ sẵn trong khoang cho chừng mươi ngày. Dàn câu thường có đến hàng trăm lưỡi, cứ hơn chục mét lại móc một lưỡi, tính ra cả dàn dài vài cây số. Còn mồi câu là nhệch sống hoặc cá hố, những loại có máu tanh để dễ dụ dỗ loài cá khát máu như cá mập.
Vào những ngày đầu làm nghề, anh em ngư dân còn chưa trang bị được những dụng cụ tốt để săn cá mập thì chuyện rách lưới hay gặp phải cá mập “khủng” kéo hết cả bộ lưới đi là chuyện bình thường.
Cá mập rất khỏe, khi cắn câu, nếu trực tiếp dùng lực thì sẽ đứt cước, gãy lưỡi câu, nên để bắt được một con cá mập là cả một quá trình đầy khó khăn vất vả.
Những ngư dân làm nghề săn cá mập phải là người có kinh nghiệm, họ tìm cách “vần” con cá mập rồi dùng lao nhọn để “trấn áp”, lúc cương lúc nhu đến khi con cá mệt nhoài.
Chiếc lao xiên cá mập là dụng cụ cán làm bằng tre hoặc gỗ, một đầu gắn với lưỡi lao có ngạch kiểu mũi tên, đầu kia buộc với sợi dây thừng bện chặt dài hàng trăm mét.
Video đang HOT
Theo ông Tiện thì đó chỉ là các bước cơ bản cho một buổi săn, nhưng nhiều trường hợp cá mập “giả bộ” thấm mệt, nếu ai sơ suất mà thò tay xuống thấp để kéo là dính ngay, nó đớp đến tận khuỷu tay.
Đen đủi hơn là bị cá mập lôi xuống biển và bỏ mạng ngay lập tức. Hơn nữa, loài cá mập này có một điều lạ kì là nếu nó đã tấn công người một lần thì nó sẽ tiếp tục nhiều lần nữa. Cũng có không ít trường hợp cá mập lôi lưới đi, sợi dây cước như biến thành lưỡi dao sắc bén cắt phăng cả bàn tay của thủy thủ đang dùng tay không giữ lưới.
Sau này, khi có nhà đầu tư cho ngư dân săn cá mập, người này bỏ tiền ra nhập các loại tơ từ Hàn Quốc, Nhật Bản cực kì dai để đan lưới thì nghề này mới bớt nguy hiểm hơn một chút.
Tấm lưới săn cá mập dày và nặng cả chục kg.
“Bộ lưới được trang bị cho hồi đó đáng giá cả trăm triệu đồng, là cả một gia tài đấy chú ạ, nên anh em luôn phải cẩn thận, không rách lưới thì sửa lại cũng mệt. Mỗi mắt lưới to bằng cả gang tay và sợi được bện to hơn các loại lưới khác mới bắt được loài cá hung hãn này…” ông Tiện cho biết.
Ngày ấy, đoàn thuyền được chủ đầu tư bỏ cả một đống tiền ra mua lưới tốt cho để thu mua vây cá mập. Mỗi đợt đi săn kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch và thu hoạch được từ 5 đến 6 con cá mập.
Ông Tiện cho biết, các loại cá mập đánh bắt được gồm cá mập búa, mập cát và mập xám, nhưng cũng có lúc đoàn bắt được cá mập trắng – loài cá mập hung hãn nhất đại dương. Trong những con cá mập bắt được thì con bé phải từ 50-80kg, nhưng cũng không hiếm con cá thuộc loại “khổng lồ” khi nặng đến vài tạ.
Ông Tiện cho biết: “Con cá nặng nhất hồi ấy mà chúng tôi bắt được phải nặng đến 8 tạ. Cả một đội thuyền 16 anh em hò nhau kéo mà không nổi, đến khi dong vào bờ cát thì chỉ cùng nhau lăn con cá mập vào bờ thôi chứ cũng không kéo nổi”.
Đó là đối với loài cá mập “khổng lồ”, còn với những con cá thường có thể kéo lên thì đội thuyền cắt vây phơi khô, cắt nhỏ thịt để ướp muối bảo quản, phần còn lại thì ném xuống biển. Để cắt được những bộ vây cá ấy, các ngư dân to khỏe cũng phải mất cả tiếng đồng hồ rồi lại đánh bỏ phần ngoài, giữ lại phần trắng muốt bên trong. Khi thuyền về đến bến, số thịt được đem ra bán rẻ cho bà con, còn số vây cá thu được thì được bán lại cho người thu mua cũng là người đầu tư lưới.
Cái kết buồn của nghề cá
Theo lời kể của ông Tiện và các ngư dân cùng làm nghề ngày ấy thì cũng có không ít những lần đoàn thuyền phải chịu đói tại nơi bốn bề là biển này. Thiếu lương thực, các thủy thủ lại lôi các “sản phẩm” đánh bắt được ra ăn tạm.
Vì thế, giờ đây dù thịt cá mập hay vây cá mập là đặc sản chỉ đại gia mới được thưởng thức thì với những ngư dân Lập Lễ thời đó cũng chỉ là để…ăn thay cơm.
Thế nhưng, quen với việc ăn uống bình thường, món vây cá đặc sản đáng giá hàng chục triệu lại không “vừa miệng” với những người đi săn “hung thần” này. Ông Tiện cho biết, ngày ấy anh em ngư dân ăn vi cá mập mà chẳng thấy nó ngon ở điểm nào, chỉ thấy lạo xạo trong mồm.
Chỉ duy nhất món gan cá mập là khiến các ngư dân thích thú và theo họ thì nếu biết ăn, gan cá mập sẽ là một món tuyệt vời hơn cả vây cá. Nhưng cũng từ đó mà đội thuyền của ông Tiện đã chịu một phen khốn khổ vì món ăn họ cho là tuyệt vời này.
Khi ấy, trong một chuyến đi săn, đoàn thuyền có đánh được một con cá mập trắng nặng gần 2 tạ. Cũng như mọi khi, vây cá được cắt ra phơi khô, còn gan cá mập lại đem ra nấu để mọi người cùng ăn.
Thế nhưng sau bữa đó, cả đoàn thuyền như bị trúng độc. Sống trên biển nhiều năm không biết đến chuyện say sóng là gì, thế nhưng sau khi ăn gan cá mập trắng, mọi người lảo đảo như vừa uống vài lít rượu vào người. Rất may lần trúng độc đó chỉ dừng lại ở cơn say mà thôi.
Nhiều người còn nói đùa: “Chắc con cá mập trắng này uống nhiều rượu nên ăn vào mới bị lảo đảo như thế…”. Tuy nhiên, đó cũng là một kinh nghiệm để đời với những thủy thủ lão làng như ông Tiện, ông Bút.
Cũng chính nhờ cái nghề mạo hiểm này mà trong 8 năm làm nghề, ông Tiện cùng anh em ngư dân cũng thu về cả trăm triệu đồng, một số tiền rất lớn vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Trong một năm, ông Tiện sắm được hai chiếc xe máy và sau đó là mua được một khoảng đất rộng đã có nhà xây sẵn. Còn với các thủy thủ đã làm nghề hơn chục năm như ông Bút thì thu nhập thời ấy còn khó có thể tưởng tượng nổi.
Nhưng rồi, cái kết của những người ngư dân ấy cũng không hề có hậu. Điều đó xuất phát từ việc đánh bắt cạn kiệt nguồn tài nguyên của biển mà không nghĩ đến hậu quả sau này.
Những đoàn thuyền cũ ngày nào giờ chỉ để đi câu mực và đánh cá nhỏ.
Ánh mắt đượm buồn, ông Tiện nói: “Đánh bắt nhiều quá nên đến năm 1995 thì chẳng thấy bóng dáng cá mập đâu nữa. Trước đó mấy năm, anh em cũng quay sang đánh cá sủ để lấy dạ dày bán sang Trung Quốc, nhưng rồi nó cũng theo chân cá mập mà biến mất. Chắc có lẽ chúng tôi đã quá tham lộc từ biển mà tận diệt những loài cá quý này…”.
Ngày đó, cá sủ vàng ở cửa Nam Triệu còn rất nhiều. Đội thuyền của ông Tiện cùng các bạn tàu khác thường xuyên bắt được những con cá sủ nặng 40-50kg, nặng nhất là 73kg.
Thịt cá sủ vàng bán ít người mua, phần bóng cá phơi khô nấu ăn dai ngoách, chỉ phần dạ dày cá ăn còn vừa miệng, nhưng người Trung Quốc cũng thu mua hết.
Giờ đây, cánh ngư dân lão làng lại lên bờ để đắp đầm nuôi tôm, cua, cá, tu hài… Còn đám ngư dân trẻ thì cũng chỉ ra biển để đánh bắt cá nhỏ, câu mực để kiếm đồng ra đồng vào.
Nghề săn cá mập ngày nào của ngư dân Lập Lễ đã đi vào những câu chuyện kể. Huy hoàng một thời là thế, giờ đây nhìn lại cảnh khó khăn khi không còn được hưởng “lộc” từ biển cả, nhiều ngư dân lại cảm thấy ân hận không nguôi.
Anh Đinh Ngọc Giảng – con trai ông Đinh Ngọc Bút kể lại chuyện đoàn thuyền đánh được con cá nhà táng (cá voi) nặng tới cả chục tấn. Đối với ngư dân thì cá voi là một loài cá thiêng và được gọi một cách cung kính là cá ông. Thế nên việc bắt nhầm phải cá ông đối với họ là một điều thất kính.
Trong lần “bắt nhầm” đó, cá mắc lưới do tàu của ông Lời thả, khi phát hiện ra thì đã chết. Do con cá to quá nên tàu của ông Lời cùng với tàu của anh Giảng chạy song song buộc cá ở giữa kéo về bến. Nhiều người biết tin thì đến ngỏ ý muốn mua nhưng cái giá quá rẻ mạt nên ông Lời lại thả xác cá ra biển.
Cũng vì lý do đó mà nhiều ngư dân cho rằng vận đen đã đến với việc làm ăn của người đàn ông này dù là dưới biển hay trên bờ.
Theo Công An Nhân Dân
Lão nông bắt được cá mập trên... sông Cổ Chiên
Con cá mập có trọng lượng 4 kg. Vị trí bắt được cá mập cách biển tới 60 km.
Con cá mập nặng 4 kg mà ông Tập bắt được
Nhiều ngày qua, người dân ở xã Trung nghĩa (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) đã hiếu kỳ kéo đến nhà ông Hồ Văn Tập (68 tuổi, ở xã Trung Nghĩa) xem cá mập.
Theo lời ông lão này, vào tối 31/8, ông đi đặt vó ven sông ra vào cống Nàng Âm(một nhánh của sông Cổ Chiên). Sau đó vài giờ đi thăm, ông Tập kéo vó lên thì bất ngờ dính con cá rất nặng tay.
Khi rọi đèn vào vó, ông Tập bất ngờ vì đây là con cá mập bị "mắc bẫy". Tuy nhiên, khi đem cá mập về đến nhà thì nó đã chết do kiệt sức. Lúc đem cân, con cá mập có trọng lượng 4 kg.
Theo ông Tập, đã hàng chục năm nay ông đi đánh bắt cá nhưng chưa bao giờ thấy cá mập xuất hiện ở khu vực sông Cổ Chiên và đây là lần đầu tiên.
Vị trí bắt được cá mập cách biển khoảng 60 km. Một số người cho rằng, có thể con cá mập này theo con nước lớn cuối tháng 7 âm lịch vào sâu trong sông Cổ chiên. "Cũng không loại trừ đây là cá của các nhà hàng lớn nhập về dưỡng chờ bán cho thực khách nhưng bị xổng ra sông", một chuyên gia thủy sản nói.
Sông Cổ Chiên dài 82 km, là một phân lưu của sông Cửu Long, bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long sau đó chảy qua Trà Vinh, Bến Tre, rồi đổ ra biển
Theo Mai Anh (Báo Giao thông)
Lão nông bắt được cá mập trên nhánh sông Cổ Chiên Cất vó ban đêm trên nhánh sông Cổ Chiên (Vĩnh Long), ông Tập (68 tuổi) giật mình khi thấy con cá mập 4 kg nằm gọn trong lưới. Con cá mập 4 kg do lão nông bắt được. Ảnh: A.X Đêm 31/8, như thường lệ, ông Hồ Văn Tập (ở xã Trung Nghĩa, Vũng Liêm, Vĩnh Long) ra nhánh sông Cổ Chiên sau...